Hòn đá bị giam và chuyện lạ tại tòa
Dân mình đọc báo hay tin nước ngoài xét xử nhiều vụ án khó tin. Có khi vụ kiện liên quan đến con chó, con vịt, con lợn nghe rất nhí nhố…
Hòn đá bị giam trong lồng sắt
Nhưng nghĩ kỹ lại, thấy rằng một xã hội dân chủ, công bằng, tôn trọng quyền tự do của công dân thì tất cả mọi quan hệ trong xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật và phải được xử lý theo pháp luật.
Và ở nước mình cũng đã có chuyện lạ như vậy, tuy nhiên xem ra luật chưa theo kịp để xử cho “đúng người, đúng đá”. Chuyện xảy ra từ tháng 3 năm trước, bà Trần Thị Sắc ở huyện Chư Sê (Gia Lai) trong khi đào ao lấy nước tưới vườn tiêu đã phát hiện được hòn đá có khối lượng hơn 3,2m3; nặng khoảng 7,8 tấn nên thuê máy cẩu đưa về làm đá cảnh. Nhưng sau đó, đoàn kiểm tra của huyện lập biên bản thu giữ và Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ký quyết định xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời tịch thu hòn đá.
Thế là hòn đá bị tạm giam. Chính quyền địa phương xuất kinh phí làm một cái lồng để nhốt hòn đá và việc này trở thành câu chuyện hài hước nhất của chính quyền và dân chúng thường đem ra làm “mồi nhậu” lúc rảnh rỗi.
Bà Sắc bị mất hòn đá lại còn bị phạt tiền. Tức quá, bà Sắc kiện cái quyết định của ông chủ tịch huyện là không đúng pháp luật và đòi lại hòn đá. Nhùng nhằng cả năm tòa mới đem ra xét xử và chuyện hòn đá quả thực quá đau đầu. Đại diện chủ tịch huyện Chư Sê nêu quan điểm: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước”. Cuối cùng, HĐXX đưa ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của bà Sắc. Các chuyên gia pháp lý thận trọng không dám phát ngôn gì về phán quyết của tòa, bởi vì đây là vụ án hy hữu, chưa có tiền lệ.
Video đang HOT
Nhưng nếu cứ theo tiền lệ của vụ xét xử này, những người chơi đá cảnh, non bộ khắp nơi hãy coi chừng, vì cơ quan nhà nước có thể vào tịch thu, chở đá về tạm giam và đưa ra quyết định xử phạt hành vi tàng trữ tài sản của nhà nước. Bởi vì theo như đại diện của chính quyền huyện Chư Sê nói trước tòa và được tòa chấp nhận, đó là đá gì cũng là khoáng sản, và khoáng sản là tài sản của nhà nước.
Còn nữa, nhiều cơ sở bán đá cảnh, kể cả người đi sưu tầm đá cũng hãy coi chừng. Sẽ có lúc bị tịch thu, thậm chí bị bắt. Bởi vì đá ở đâu ra nếu không từ lòng đất, và đá nào cũng là khoáng sản, là tài sản của nhà nước, theo lý luận như trên.
Hóa ra, khi tìm hiểu cho kỹ lưỡng, sẽ thấy các quy định của Luật Khoáng sản chưa đủ để điều chỉnh các mối quan hệ này, chẳng biết đâu mà lần được cả!
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động
Vụ "kiện hòn đá": Tòa bác đơn kiện
Ngày 22/8, TAND huyện Chư Sê, Gia Lai đã tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Sắc về việc yêu cầu trả lại hòn đá và hủy quyết định phạt hành chính đối với bà Sắc của UBND huyện Chư Sê.
Như Dân trí đã đưa tin, sau 1 ngày xét xử, đến sáng ngày 22/8, TAND huyện Chư Sê đã ra quyết định giải quyết về vụ án. Ngoài bản án "không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Sắc", TAND huyện Chư Sê còn khiến nhiều người thắc mắc khi không cho bà Sắc được nhận bản án sau khi Tòa tuyên như quy định của luật pháp.
Không chỉ vậy, Hội đồng xét xử đã đồng ý với cách giải quyết về hòn đá của UBND huyện Chư Sê và văn bản của UBND tỉnh Gia Lai về việc giao hòn đá cho Sở VH-TT-DL phối hợp với Bảo tàng tỉnh mang "tang vật" vụ án về Quảng trường tỉnh để trưng bày.
Trước quyết định trên của Tòa án, bà Sắc không khỏi bức xúc: "Tôi không phục quyết định của tòa án. Hòn đá là vật mà gia đình tôi phát hiện ở mảnh đất đã được cấp quyền sử dụng đất, được chính quyền xã đồng ý cho đào ao. Nhà ông Huấn- Phó Chủ tịch huyện có rất nhiều đá đẹp và quý sao không ai đến tịch thu? Mà lại tịch thu nhà tôi, họ tịch thu đá nhà tôi để làm gì? Chẳng lẽ tịch thu tài sản hợp pháp của một người dân để mang đi trưng bày? Tôi quyết sẽ kiện lên cấp cao hơn".
Không chỉ tịch thu hòn đá một cách khó hiểu và mờ ám, mà trong các văn bản hành chính xử lý vụ việc liên quan đến hòn đá của chính quyền huyện Chư Sê đã được luật sư Võ Thị Tiết- người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Sắc nêu rõ những sai phạm cả về hình thức lẫn nội dung như: Biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành khai thác chế biến khoáng sản đối với cục đá này không nêu rõ đoàn trực thuộc cơ quan chủ quản nào; mỗi trang của văn bản không có chữ ký của người vi phạm và những người tham gia trong thành phần đoàn kiểm tra.
Còn về nội dung thì biên bản đề là kiểm tra về việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã H'Bông nhưng nội dung lại là biên bản tịch thu cục đá cảnh nêu trên chở về UBND huyện. Theo quy định, hành vi vi phạm hành chính diễn ra ở đâu thì biên bản phải được lập tại đó. Thế nhưng biên bản vi phạm hành chính đối với bà Sắc được lập tại phòng TN&MT huyện Chư Sê sau ngày phát hiện.
Dù đang là tang vật của một vụ án nhưng hòn đá do gia đình bà Sắc đào được lại được chính quyền địa phương mang ra trưng bày tại Quảng trường tỉnh
Điều đáng nói, mặc dù là tang vật của một vụ án, nhưng chính quyền huyện thay vì niêm phong và có văn bản niêm phong thì họ lại làm một cũi sắt để "giam" cầm trước trụ sở UBND huyện.
Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn cho Sở VH-TT-DL phối hợp với Bảo tàng tỉnh đưa hòn đá nguyên vẹn về trưng bày tại quảng trường Đại Đoàn Kết- TP.Pleiku (Gia Lai).
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi việc mang tang vật của một vụ án chưa được phán xét công minh ra trưng bày tại Quảng trường nơi đặt tượng đài Bác Hồ của các dân tộc Tây Nguyên liệu có hợp lý không trong khi chủ nhân của nó đang khởi kiện ra tòa án?
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đình Viên -Trưởng phòng TN&MT huyện Chư Sê cho rằng: việc bà Sắc đào hồ lấy nước tưới tiêu trong đất dù đã được cấp giấy chứng nhận là sai luật vì làm đất biến dạng (?!).
Luật sư bảo vệ cho nguyên đơn cho rằng việc đào hồ của bà Sắc là hợp pháp vì trước khi đào hồ chứa nước bà Sắc đã được chính quyền xã H'Bông cho phép.
Trước sự việc trên, Hội đồng xét xử đã không công nhận các chứng cứ mà luật sư và bà Sắc đưa về việc vi phạm của chính quyền huyện Chư Sê nên đã bác đơn kiện của họ.
Thiên Thư
Theo Dantri
Chủ tịch huyện thắng kiện vụ "giam hòn đá" Chủ tọa phiên tòa cho rằng các chứng cứ mà phía nguyên đơn đưa ra là không hợp lý và yêu cầu bà phải nộp án phí. Sáng 22/8, TAND huyện Chư Sê (Gia Lai) tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Trần Thị Sắc (42 tuổi). Bị đơn trong vụ án này là ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch...