Hơn 91.000 tỷ đồng để di dời các ĐH, CĐ ra khỏi nội thành
Theo tính toán của Bộ GD- ĐT, để di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành đối với Hà Nội, cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 240 triệu USD), Đối với TPHCM, cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 300 triệu USD).
Hôm nay 7/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ dạy nghề và kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành Hà Nội và TPHCM.
Sẽ giảm khoảng 320.000 sinh viên nội thành ra vùng quy hoạch: (Ảnh – Việt Hưng)
Giảm mật độ sinh viên trong nội thành
Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ, vùng thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM nhằm thiết lập đầu bài để thực hiện mục tiêu lớn của Chính phủ, giai đoạn tới năm 2020 cả nước đạt 4,5 triệu sinh viên theo Quyết định số 121/2007 của Chính phủ và từng bước thực hiện chủ trương và Định hướng phát triển không gian vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM đã được Chính phủ thông qua.
Do vậy, về kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoài nội thành Hà Nội và TPHCM, Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ 3 tiêu chí di dời: Các trường có vị trí nằm trong khu vực nội thành thành phố; trường không đáp ứng chỉ tiêu sử dụng đất dưới 25m2/SV (không kể diện tích công trình thể chất và ký túc xá); dưới 45m2/SV (bao gồm công trình thể chất và ký túc xá). Trường hợp đáp ứng được chỉ tiêu sử dụng đất/sinh viên nhưng quy mô diện tích khuôn viên hiện có không dưới 2ha; hạ tầng trong trường không đảm bảo diện tích các công trình về thể chất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hạ tầng ngoài trường không đảm bảo hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành TP Hà Nội và TPHCM.
Tại Hà Nội sẽ giảm mật độ SV trong nội thành Hà Nội giảm từ 478.856 SV năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 SV vào năm 2030. Như vậy, giảm 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các cơ sở đào tạo trong nội thành hiện nay ra các khu quy hoạch và theo đó, cần giảm khoảng 320.000 SV, tương đương với số trường cần phải di dời là khoảng 40 trường.
Tương tự, tại TPHCM số trường di dời cũng sẽ khoảng 40 trường. Giảm mật độ SV đại học từ 516.544 năm 2011 xuống còn khoảng 170.000 SV vào năm 2030. Theo đó, 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các sở đào tạo trong nội thành hiện nay ra các khu quy hoạch.
Về tiêu chí lựa chọn các trường thuộc diện di dời, đồng nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng. Theo Bộ GD-ĐT là những trường ĐH, CĐ có vị trí nằm trong khu vực nội thành thành phố có các ngành/nghề đào tạo chủ yếu không bao gồm lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật và các ngành năng khiếu đặc thù khác với quy mô tuyển sinh đào tạo hàng năm ít.
Video đang HOT
Các trường ĐH, CĐ không thuộc đối tượng là các công trình văn hóa, khoa học, lịch sử và truyền thống cách mạng cần được lưu giữ, bảo tồn, bảo quản và tôn tạo. Trường ĐH, CĐ có hạ tầng trong trường không bảo đảm diện tích các công trình về thể chất theo quy chuẩn và tiêu chuẩn và hạ tầng bên ngoài nhà trường không đảm bảo, hoặc gây ảnh hưởng đến sự quá tải của hạ tầng đô thị…
Với TPHCM, tiêu chí các trường thuộc diện di dời tương tự như trên và có thêm 2 tiêu chí nữa là trường ĐH,CĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng; trường ĐH, CĐ có từ 2 cơ sở đào tạo trong nội thành trở lên.
Cần hơn 91.000 tỷ đồng để di dời các trường
Về đất đai để di dời các trường, theo Bộ GD-ĐT, TP Hà Nội sẽ cần tối thiểu khoảng 3.500 ha, TPHCM cần 1.750 ha cho việc di dời các trường ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch đất đai cho các khu ĐH tập trung ở vùng thủ đô, vùng TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm để triển khai xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo chất lượng cao.
Đặc biệt về tài chính, theo tính toán của Bộ GD- ĐT để di dời các trường ĐH, CĐ. Đối với Hà Nội, cần khoảng 44.800 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 240 triệu USD), Đối với TPHCM, cần khoảng 47.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ 300 triệu USD); bình quân 50 – 60 triệu USD/trường; trường hợp phải đền bù giải phóng mặt bằng khái toán này sẽ tăng gấp đôi.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trước mắt, giai đoạn 2011 – 2015, mỗi thành phố sẽ thí điểm di dời 5 trường với nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD (300 triệu USD/1 thành phố). Nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên 1.200 USD.
Giai đoạn 2015-2020 mỗi thành phố sẽ di dời tiếp khoảng 10 đến 15 trường. Nhu cầu vốn theo phương án di chuyển 10 trường/1 thành phố cần khoảng từ 1.200 triệu USD (600 triệu USD/1 thành phố nếu không phải giải phóng mặt bằng) hoặc 2.400 triệu USD (1.200 triệu USD/1 thành phố nếu tính cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng)… Giai đoạn 2020-2030 sẽ di dời các trường còn lại.
Bộ GD-ĐT cũng đề xuất sử dụng cơ sở cũ trong nội thành theo nguyên tắc phù hợp với định hướng phát triển không gian của đô thị. Ưu tiên sử dụng cho mục tiêu giáo dục và đào tạo như chuyển đổi công năng xây dựng cơ sở cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Hoặc tái cơ cấu sử dụng đất; 30% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật; 70% diện tích đất dành cho các trường phổ thông, công trình thương mại, dịch vụ, không bố trí công trình nhà ở.
Giữ lại các trường đại học có truyền thống lịch sử
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch mạng lưới theo hướng chi tiết hơn, chậm nhất 20/6 trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp tục bàn bạc với UBND TP Hà Nội và TPHCM về tiến độ di dời, nhưng không nên kéo dài tới 2030 mà chậm nhất ch ỉ đến năm 2025.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giữ lại các trường đại học lớn có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố.
Trước 10/7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ thuộc thành phố Hà Nội và TPHCM.
Theo Dân Trí
36 đại học có thể phải rời nội thành Hà Nội và TP HCM
Ngày 11/3, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo tiêu chí di dời các trường đại học. Dự kiến có 36 trường đại học ở Hà Nội và TP HCM đủ điều kiện di dời khỏi nội thành.
Có hai tiêu chí quan trọng. Một là diện tích đất trên một sinh viên quy đổi, trong đó đất học tập 20-30 m2, đất ký túc xá 10-15 m2, đất phục vụ thể dục thể thao tối thiểu 10 m2, đất công cộng 5-10 m2.
Hai là diện tích xây dựng sử dụng trên một sinh viên quy đổi, bình quân cho một sinh viên quy đổi 9-11 m2, trong đó diện tích giảng đường và lớp học cho mỗi sinh viên phải đảm bảo 1,4-1,5 m2, cơ sở nghiên cứu 1,2 m2, thư viện 0,5 m2, hành chính quản lý 0,5 m2, khu ở và sinh hoạt 3-5 m2.
Cả 2 tiêu chí trên đều quy định diện tích xác định trên cơ sở "thuộc quyền quản lý và sử dụng của nhà trường được pháp luật công nhận, không thuộc phần đất thuê, đất mượn".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định sẽ công bố minh bạch các nguyên tắc di dời. Các trường phải rời toàn bộ thì không được thuê lại hoặc không được giữ lại cơ sở vật chất của trường, phần đất cũ phải bàn giao cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.
Áp dụng theo tiêu chí trên, các trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt được từ 90% trở lên của tiêu chí một thì không thuộc diện di dời.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng phương án di dời các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: Chinhphu.vn
Các trường tại Hà Nội thành lập từ năm 1975 và tại TP HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, giáo dục, âm nhạc, luật, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, ngành đặc thù, trường đào tạo năng khiếu và trường y khoa bên cạnh các bệnh viện... cam kết giữ ổn định quy mô đang đào tạo và đáp ứng từ 50% trở lên của tiêu chí đầu tiên và 100% tiêu chí thứ hai cũng sẽ không thuộc diện di dời.
Các trường tại Hà Nội thành lập từ 1975 và tại TP HCM từ năm 1980 trở về trước, trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đạt từ 50% đến dưới 90% của tiêu chí đầu tiên và không đạt tiêu chí thứ hai thuộc diện di dời một phần.
Các trường đào tạo ngành nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, trường mới thành lập và trường có nhu cầu tiếp tục tăng quy mô không hội đủ trên cả hai tiêu chí trên sẽ nằm trong diện di dời toàn bộ.
Đối chiếu với hai tiêu chí trên, tại Hà Nội dự kiến có khoảng 19 trường thuộc diện di dời toàn bộ và 16 trường di dời một phần trên tổng số 62 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay. Số sinh viên cần di dời khoảng 283.000 trên tổng số 478.000 sinh viên.
TP HCM dự kiến có 17 trường di dời toàn bộ và 13 trường di dời một phần trên tổng số 69 trường đại học, cao đẳng trong khu vực nội thành hiện nay. Số sinh viên cần di dời là 170.000 trên tổng số 516.000 sinh viên.
Khẳng định chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị hiện đại, nhưng Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh đây là công việc rất lớn, nhạy cảm đòi hỏi tất cả các bộ, ngành, TP Hà Nội và TP HCM xử lý thận trọng trên cơ sở pháp luật. Phó thủ tướng đề nghị quá trình di dời phải đảm bảo đồng bộ về quy hoạch, chính sách và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý với nhà trường.Phó thủ tướng yêu cầu trước 20/3, Bộ GD&ĐT trao đổi kỹ với Bộ Xây dựng và lấy ý kiến của TP Hà Nội, TP HCM về việc xây dựng và ban hành tiêu chí di dời các trường đại học. Trước 30/3, hai bộ GD&ĐT, Xây dựng tham khảo ý kiến của các trường đại học, cao đẳng đang đứng chân ở Hà Nội và TP HCM.
Trước 15/4, Bộ GD&T, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng về tiêu chí di dời các trường đại học. Sau khi báo cáo Thủ tướng, hai bộ sẽ làm việc với từng trường để phân loại và khẩn trương lên các phương án di dời. Ngày 20/4, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp để tiếp tục nghe báo cáo các phương án triển khai thực hiện đề án này.
Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp lần cuối cùng về nội dung nêu trên, sau đó lên danh sách các trường đủ tiêu chí di dời, từ đó sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tiêu chí lựa chọn địa điểm hình thành khu đại học mới của Bộ Xây dựng: - Vị trí địa lý là nơi có điều kiện tự nhiên an toàn, thuận lợi; thời gian đi tới trung tâm thành phố (trong điều kiện bình thường) không quá 60 phút. - Quỹ đất mới có khả năng cung cấp và hình thành khu đại học, đáp ứng các tiện nghi phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể lực của sinh viên. Chỉ tiêu đất đai tối thiểu trung bình 65 m2/sinh viên. - Có khả năng cung cấp về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: giao thông, cấp điện, cấp nước, dịch vụ đô thị và các yếu tố môi trường khác.
(Theo Chinhphu.vn)
5 năm nữa, Việt Nam sẽ có thêm 158 trường ĐH, CĐ Bản dự thảo "Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020" - lần 4 đã được gút lại ý kiến các Bộ/ngành chiều 17/5 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Theo đánh giá của các bộ ngành, mặc dù bản Quy hoạch còn xuất hiện nhiều số liệu tổng hợp chưa cập nhật, trùng lắp,...