Hơn 83.000 thí sinh dự thi vào khối các trường Công an
Theo thông tin từ Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, năm 2014, tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào các học viện, đại học CAND là 83.596, trong đó có 58.711 thí sinh nam và 24.885 thí sinh nữ.
Học viện Cảnh sát nhân dân có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất là 30.050, trong đó nam 21.632 và nữ 8.418. Ngành thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất là chuyên ngành Nghiệp vụ Cảnh sát với 28.833 thí sinh dự thi.
Học viện An ninh nhân dân có 9.016 thí sinh, trong đó nam là 5.388 và nữ là 3.628. Ngành có thí sinh đăng ký dự thi đông nhất là chuyên ngành Nghiệp vụ An ninh với 6.325 thí sinh.
Trường ĐH An ninh nhân dân có 8.992 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó nam là 5.647 và nữ là 3.345.
Trường ĐH Cảnh sát nhân dân có 26.132 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 119.293 nam và 6.839 nữ.
ĐH Phòng cháy chữa cháy có 5.503 thí sinh, trong đó có 2.513 nam và 1.265 nữ.
ĐH Kỹ thuật Hậu cần CAND có 3.903 thí sinh, trong đó có 2.513 nam và 1.390 nữ.
Video đang HOT
Do số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng nhiều so với năm 2013, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các trường phải tập trung kiểm tra, rà soát thông tin đăng ký dự thi của thí sinh, tránh trường hợp sót thông tin của thí sinh trong dữ liệu, đặc biệt là các thông tin về đối tượng, khu vực ưu tiên. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế, trong đó, phải kiểm tra kỹ về tình hình, đặc điểm của các điểm thi, không thuê các điểm thi là trường tiểu học để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh làm bài.
Vấn đề chống gian lận thi cử cũng được lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm. Do đó, các trường phải thực hiện đúng quy trình: Khi gọi thí sinh vào phòng thi và trong quá trình thí sinh làm bài, cán bộ coi thi phải kiểm tra, đối chiếu ảnh của thí sinh theo bản ảnh dự thi với ảnh trong giấy chứng nhận sơ tuyển, bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc giấy chứng minh nhân dân để phát hiện, ngăn chặn tình trạng thi hộ.
Theo Dân trí
Trường tổ chức tuyển sinh riêng bội thu hồ sơ đăng ký dự thi
Theo báo cáo sơ bộ của các trường, số lượng hồ sơ tuyển sinh riêng vượt khá xa so với chỉ tiêu dự kiến như Trường Đại học Vinh, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Đông Á, Trường ĐH Chu Văn An, Trường ĐH Nguyễn Trãi...
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay có 62 trường ĐH,CĐ có đề án phù hợp với qui chế và đã thông báo tuyển sinh riêng. Đây là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh riêng nên các trường đều kết hợp giữa tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ và tuyển sinh riêng theo đề án của trường. Một số trường dành chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho các ngành khó tuyển nhưng xã hội đang rất cần như các ngành về nông - lâm - thủy sản...
Về đảm bảo chất lượng và tuyển ào ào trong hình thức tuyển sinh riêng này, Thứ trưởng Ga cho hay, trong đề án tuyển sinh riêng của các trường đều có qui định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thường các trường xét kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông có điểm trung bình từ 6 trở lên đối với đại học và 5,5 trở lên đối với cao đẳng.
Nhiều thí sinh chọn nộp hồ sơ vào trường tuyển sinh riêng.
Đến thời điểm hiện nay, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào những trường ĐH, CĐ có tuyển sinh riêng rất nhiều. Cụ thể, Trường ĐH Thành Tây nhận được 800 bộ hồ sơ (năm 2013 trường nhận được 100 bộ). Trường ĐH Hòa Bình nhận được 400 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức thi riêng, trong khi đó, trường vẫn còn 500 chỉ tiêu xét tuyển theo hình thức thi "3 chung".
Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang, năm nay, riêng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đã vượt con số 1.400 tăng "đột biến" so với năm trước.
Trường ĐH Chu Văn An, cho đến thời điểm này, số hồ sơ mà trường thu được là trên 300 bộ. Trường đã tiến hành phỏng vấn đợt 1 được 200 thí sinh và hiện trên 100 em đã đến trường làm thủ tục nhập học. Trong khi đó, tuyển sinh 2013, trường chỉ có gần 200 thí sinh.
Trường ĐH Việt Bắc, năm đầu tiên tuyển sinh riêng, số lượng hồ sơ đã tăng đột biến. Hiệu trưởng Nguyên Đăng Bình cho biết, nếu năm ngoái, nguyện vọng 1, nhà trường chỉ thu được vài chục hồ sơ, còn lại phải trông chờ vào nguyện vọng 2 thì năm nay, con số này đã tăng lên vài nghìn.
Thông tin từ Trường ĐH Đồng Tháp cho biết, hiện số lượng thí sinh đăng ký khá đông với 1.026 hồ sơ đồng đều ở các ngành; trong đó xét tuyển: 719, xét tuyển kết hợp với thi tuyển 307, ngành Nuôi trồng thủy sản thu hút được nhiều thí sinh nhất.
Tránh hồ sơ "ảo"
Mặc dù con số ban đầu khả quan, trao đổi với báo chí, lãnh đạo hầu hết các trường đều cho biết đó chưa phải là con số cuối cùng. Bởi, các thí sinh khi nộp hồ sơ vào trường vẫn đăng ký thi "3 chung". Và như vậy, rất có thể, rất nhiều con số trong đó là hồ sơ ảo.
Lãnh đạo Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang, TS Đoàn Văn Soạn cho biết, để khắc phục hồ sơ "ảo", trường hạn chế bằng cách chọn đúng 3 đợt phỏng vấn trùng với ngày thi ĐH, CĐ. Điều này có thể sẽ khiến trường "bất lợi" nhưng chắc chắn những thí sinh đến trường phỏng vấn hôm đó sẽ là những em yêu trường, thực sự muốn gắn bó với trường.
Trường ĐH Đồng Tháp thì quy định từ 27/6/2014 đến 1/7/2014, thí sinh đăng ký xét tuyển phải nộp bản sao Giấy Chứng nhận tốt nghiệp tạm thời về trường để Hội đồng tuyển sinh của trường tổ chức xét tuyển và công bố kết quả sớm. Tuy nhiên, trường cũng đã tiên lượng sẽ có một số thí sinh nộp Giấy chứng nhận không đúng thời gian quy định.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định . Theo đó, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.
Thí sinh hết sức lưu ý, kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác;
Trước đó, như theo phân tích của ông Đỗ Quốc Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT khu vực phía Nam, tuyển sinh riêng không đơn giản, dễ dàng như nhiều người đang nghĩ. Bởi lẽ, nếu các cơ sở đào tạo không lựa chọn phương án thi cẩn thận, dù phương án đó được Bộ chấp nhận, nhưng nếu xã hội không chấp nhận thì nguy cơ mất thí sinh, mất nguồn tuyển cũng rất cao và thương hiệu của trường sẽ rớt mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Anh, tới năm 2015, khi Bộ GD-ĐT không tổ chức thi "3 chung" nữa, lúc ấy các trường sẽ phải "tự thân vận động". Và thực chất đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các trường ĐH, CĐ trong việc tổ chức thi cử, thu hút nguồn tuyển. Đặc biệt khi cách dạy và học thay đổi kéo theo các phương thức tuyển cũng rất phong phú như vấn đáp, trắc nghiệm hoặc xét tuyển thì việc xây dựng đề thi vẫn là một công việc hóc búa đối với tất cả các trường.
Theo Dân Trí
Chủ nhân điểm 10 môn Lịch sử chia sẻ bí quyết học giỏi Sử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh -học sinh Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là một trong hai thí sinh của tỉnh An Giang đạt điểm 10 môn Lịch sử. Quỳnh Anh cho biết em rất thích xem phim tài liệu để học tốt môn Sử. Ngày PV Dân trí đến nhà...