Hơn 50 quốc gia trên thế giới sử dụng vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tới nay, vaccine do Trung Quốc sản xuất đã được hơn 50 quốc gia sử dụng để ứng phó với đại dịch.
Vaccine ngừa COVID-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển được giới thiệu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc là một trong số ít các nước đã nghiên cứu thành công, đưa vào thử nghiệm và tiến hành tiêm chủng vaccine COVID-19 sớm nhất. Đến nay, nước này đã phê duyệt 7 loại vaccine COVID-19, sản xuất và tiêm chủng trong nước cũng như viện trợ, xuất khẩu cho các quốc gia khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã phê chuẩn 2 loại vaccine của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac để sử dụng khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu.
Trong một tuyên bố ngày 1/6, WHO thông báo: “WHO đã phê chuẩn vaccine CoronaVac của hãng dược Sinovac sử dụng khẩn cấp, qua đó đưa ra đảm bảo cho các quốc gia, các nhà tài trợ, các cơ quan thu mua và các cộng đồng rằng vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, hiệu quả”.
Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2-4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.
Nhân viên kiểm tra các mẫu vaccine phòng COVID-19 của Sinovac tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, vào ngày 7/5, WHO cũng đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm để tiêm trường hợp khẩn cấp. Cục Quản lý Dược Trung Quốc công bố hiệu quả bảo vệ của vaccine Sinopharm đạt 79.34%; tỷ lệ sinh ra kháng thể trung hòa là 99,52%, một tỷ lệ rất cao.
Theo hãng tin Reuters, “danh sách sử dụng khẩn cấp” của WHO là xác nhận của tổ chức trực thuộc LHQ này về tính an toàn và hiệu quả của một loại dược phẩm. Với vaccine phòng COVID-19, điều này có nghĩa vaccine đó sẽ chính thức được đưa vào chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX, do WHO điều hành để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.
Tính đến ngày 7/6 vừa qua, Trung Quốc đã xuất khẩu và viện trợ 350 triệu liều vaccine cho các nước. Trong đó, xuất khẩu vaccine đến hơn 50 quốc gia; hoàn thành viện trợ cho 66 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế; cam kết cung cấp cho COVAX lô hàng đầu tiên 10 triệu liệu vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Ngày 8/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này đã cung cấp cho khu vực Đông Nam Á 100 triệu liều vaccine COVID-19 và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để Đông Nam Á phòng chống dịch bệnh.
Video đang HOT
Mẫu vaccine phòng COVID-19 của Sinovac được giới thiệu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê bridgebeijing.com, đến nay, các vaccine Trung Quốc chủ yếu được chuyển cho các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau đó là Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Phi. Vaccine của Sinopharm đã được Chính phủ Trung Quốc sử dụng viện trợ cho Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar, Pakistan… và bán cho Pakistan, Mông Cổ, các nước Trung và Đông Âu.
Trong khi đó, vaccine Sinovac đã được bán cho hơn 30 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á nhưu Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Campuchia. Indonesia là nước nhập khẩu số lượng lớn vaccine của Trung Quốc. Ngày 25/5, Indonesia đã tiếp nhận thêm 8 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng Sinovac.
Ngày 3/6, vaccine Sinopharm đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V. Theo trang web của Bộ Y tế, dự kiến ngày 20/6, Việt Nam sẽ tiếp nhận 500 nghìn liều vaccine do Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tài trợ.
Vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Ở trong nước, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine trên phạm vi toàn quốc. Trung Quốc thực hiện chiến dịch tổng lực “tiêm cho tất cả những ai có thể tiêm” khắp đất nước, từ thành phố lớn tới làng mạc nhỏ. Chiến lược này được coi là nguyên nhân khiến dịch bệnh thuyên giảm một cách rõ rệt ở nước này.
Theo kênh CNN, tính tới ngày 16/6 vừa qua, Trung Quốc đã tiêm hơn 945 triệu liều vaccine COVID-19, gấp ba lần số liều được tiêm ở Mỹ và chiếm gần 40% trong tổng số 2,5 tỷ liều trên toàn cầu.
Con số trên càng ấn tượng hơn khi Trung Quốc bắt đầu chương trình tiêm chủng muộn và chậm chạp. Ngày 27/3, Trung Quốc mới tiêm được 1 triệu liều đầu tiên sau khi khởi động tiêm chủng sau Mỹ hai tuần.
Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đã tăng mạnh trong tháng 5 khi Trung Quốc tiêm được trên 500 triệu liều trong tháng này. Chỉ tính riêng ngày 15/6, Trung Quốc tiêm được trên 20 triệu liều. Với tốc độ như vậy, Trung Quốc sẽ vượt mốc 1 tỷ liều vào cuối tuần này.
Mỹ thách thức ngoại giao vaccine của Trung Quốc
Trung Quốc chiếm lợi thế lớn trong giai đoạn đầu của cuộc đua vaccine, khi Mỹ chìm trong dịch bệnh, nhưng chính quyền Biden nay đang đuổi sát.
Cạnh tranh Mỹ - Trung đang tăng nhiệt với trận tuyến mới: Ngoại giao vaccine Covid-19. Đây là lĩnh vực mà Bắc Kinh có thời điểm đã bỏ rất xa Washington trên đường đua.
Từ khi vaccine còn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm dang dở, Trung Quốc đã xúc tiến hỗ trợ vaccine cho nhiều nước đang phát triển qua thỏa thuận thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba, điển hình là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chile hay Indonesia.
Họ tăng tốc hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine nội địa Sinovac và Sinopharm vào cuối năm 2020.
Vaccine Covid-19 của Sinopharm được Trung Quốc tặng cho Syria vào ngày 24/4. Ảnh: AFP.
Theo giới chuyên gia, chiến lược ngoại giao vaccine gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc và thắt chặt mối quan hệ song phương với các nước. Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho rằng Bắc Kinh trong vài tháng qua đã tận hưởng vị thế gần như "một mình một ngựa" trong cuộc đua ngoại giao vaccine.
Mỹ, đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Donald Trump, gần như bị Covid-19 nhấn chìm, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Trump cuối nhiệm kỳ thúc đẩy nỗ lực phát triển vaccine và dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ chủ yếu ưu tiên tiêm chủng cho người dân nước này.
Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, buộc phải tạm hoãn tham vọng cạnh tranh khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng ngay trên sân nhà. Trong khi đó, nguồn cung vaccine từ Nga cho thế giới vẫn hạn chế.
Tuy nhiên, gió đang đổi chiều với sự trở lại của Mỹ cùng đồng minh . Nhà Trắng vài tuần qua đã công bố nhiều kế hoạch quyên góp hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới. Tổng thống Biden không giấu giếm ý định hành động quyết liệt hơn nữa trong tương lai. "Trung Quốc sẽ chạm trán một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn", Yanzhong Huang nhận định.
Từ đầu tháng 5, Biden đã công bố ý định biến Mỹ thành "kho vũ khí chống Covid-19 toàn cầu", mở đồng với thông báo tặng 80 triệu liều AstraZeneca cho thế giới. "Chúng tôi sẽ hành động nhanh hết mức, sản xuất và xuất khẩu vaccine Moderna và Pfizer đến khắp nơi càng nhiều càng tốt", ông trả lời họp báo ngày 5/5.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 11/6, Tổng thống Biden cùng lãnh đạo các nước đã cam kết quyên góp hơn một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới, trong đó hơn 500 triệu liều do Mỹ đặt hàng hãng Pfizer. Washington muốn giữ vai trò dẫn dắt G7 cùng các đối tác thực hiện chương trình tiêm chủng Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Chính phủ Mỹ đồng thời đàm phán mua vaccine Moderna để góp thêm vào chương trình Covax do WHO dẫn dắt. Chương trình này đặt mục tiêu hỗ trợ 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho những nước thu nhập thấp và vừa trên khắp thế giới.
Trong cuộc đua ngày càng nóng lên này, phương Tây không chỉ tăng cường số lượng mà còn nắm ưu thế về chất lượng vaccine. Dữ liệu lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna có hiệu quả ngừa nCoV cao hơn 90% và đủ sức khống chế những biến chủng mới đang lưu hành.
Trong khi đó, vaccine Trung Quốc vẫn hứng chịu nhiều hoài nghi vì thiếu minh bạch về dữ liệu nghiên cứu, hoặc kết quả thử nghiệm được công bố không bao gồm nhiều nhóm dân số rủi ro bệnh nặng cao.
Điển hình là báo cáo thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba của Sinopharm hồi tháng 5 thiếu dữ liệu sâu về khả năng ngăn ca bệnh diễn tiến nghiêm trọng cũng như hiệu quả của vaccine với nhóm người trên 60 tuổi. Đầu tháng 6, WHO thông báo vaccine Sinovac chỉ ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng khoảng 51% người được tiêm. Tỷ lệ ngăn ngừa ca bệnh diễn tiến nghiêm trọng và ca nhiễm cần nhập viện điều trị là 100%.
Tâm lý hoài nghi Trung Quốc càng bị thổi phồng với sự nóng lên của giả thuyết Covid-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Vào tháng 5, Biden xác nhận đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện một báo cáo đầy đủ về nguồn gốc đại dịch, bao gồm giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thành phố đầu tiên bùng phát Covid-19 trên quy mô lớn vào cuối năm 2020.
Từng được xem là thuyết âm mưu vô căn cứ, cách giải thích gây tranh cãi trên đang dần trở thành nhận thức phổ biến ở phương Tây, theo Yanzhong Huang.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/6. Ảnh: AP.
Dù đang tăng tốc hỗ trợ vaccine cho phần còn lại của thế giới, Mỹ cùng các đồng minh muốn gửi đi thông điệp khác Bắc Kinh qua các khoản quyên góp.
Trả lời báo chí tại Cornwall, Anh, Tổng thống Biden nhấn mạnh các động thái đóng góp vaccine vừa qua nhằm chứng tỏ "những nền dân chủ lớn nhất thế giới đang hợp sức" và mô hình chính quyền của phương Tây vẫn hiệu quả nhất.
Phát biểu này dường như gián tiếp bác bỏ tuyên bố của Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Kim Quyền ít tháng trước. Ông Giang khi đó khẳng định Bắc Kinh khống chế thành công Covid-19 với thiệt hại kinh tế tối thiểu chứng minh "tính ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc".
Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab lưu ý London "không ủng hộ ngoại giao vaccine hay kiểu tống tiền bằng vaccine", dù một số nước đang theo đuổi chiến lược này nhằm mở rộng sức ảnh hưởng.
"Tôi tin đây là nghĩa vụ đạo đức, đồng thời mang lại lợi ích cho Anh khi cả thế giới được tiêm ngừa. Chúng ta có trách nhiệm quảng bá những loại vaccine đã được WHO thẩm định an toàn. Chúng tôi vẫn muốn Trung Quốc và Nga hợp tác giải quyết đại dịch trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế", ông nhấn mạnh.
Thành công và tranh cãi quanh vaccine Covid-19 Trung Quốc Vaccine Covid-19 của Sinopharm trải qua hơn một năm nghiên cứu và thẩm định, đã chứng tỏ khả năng bảo vệ khi tiêm đủ hai liều với quy mô lớn. BBIBP-CorV ngày 4/5 trở thành vaccine Trung Quốc đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng toàn cầu để ứng phó Covid-19. Được biết đến phổ biến...