Hơn 50% người bị tăng huyết áp không biết mình bị mắc bệnh
Tăng huyết áp là căn bệnh giết người thầm lặng, song tại Việt Nam có đến 51,6% người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tăng huyết áp.
Thống kê của ngành Y tế cho biết hiện có hơn 50% người bị tăng huyết áp không biết bản thân mắc bệnh; 38,9% người bị tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị và có đến 63,7% người tăng huyết áp được điều trị nhưng không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg)
Tại Việt Nam, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp. Ảnh: DN
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp.
Đáng lưu ý, khoảng 3 năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó gần 50% tử vong.
Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ gấp 4 lần nữ giới và độ tuổi bị đột quỵ ở nước ta đang ngày càng trẻ hóa. Nguy cơ đột quỵ sau tuổi 25 lên tới 17-22%, tức là trung bình cứ 5 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đối mặt nguy cơ đột quỵ.
Không chỉ gây ra đột quỵ, tăng huyết áp còn gây suy thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xơ vữa động mạch… Tại nước ta, chỉ tính riêng nhồi máu cơ tim đã có từ 104.000-150.000 người chết mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện có 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Video đang HOT
Để phòng chống tăng huyết áp, các chuyên gia y tế cho rằng, biện pháp duy nhất để biết có bị tăng huyết áp hay không là phải đo huyết áp để biết được chính xác con số huyết áp của bản thân, luôn nhớ đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình để phòng ngừa tăng huyết áp và những bệnh lý kèm theo.
Bên cạnh đó, khi các bác sỹ chẩn đoán bị tăng huyết áp, người bệnh phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến cáo một số biện pháp giảm huyết áp tự nhiên như thực hiện chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi, ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần.
Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp nên ăn nhiều cá, giảm các loại thịt đỏ, nội tạng động vật vì các thực phẩm này có hàm lượng mỡ bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra các chứng xơ vữa động mạch.
Để nâng cao sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên tập thể dục, giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. Hạn chế uống rượu, bia và ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Với người tăng huyết áp, đi bộ nhanh rất có lợi cho việc giảm mỡ máu, giảm tăng huyết áp.
D.Ngân
Theo baohaiquan
Hãy cẩn thận, rất có thể bạn sẽ di truyền cho con cái căn bệnh chính bạn không hề biết mình mắc phải
Nếu bố mẹ hoặc người ruột thịt của bạn bị tăng huyết áp, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn những người khác.
Hiện Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp. Điều này có nghĩa, đây là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm, là "kẻ hại chết người thầm lặng" bởi không có triệu chứng điển hình, nhiều người mắc mà không hề biết. Trong khi đó, cách đơn giản nhất để phát hiện bệnh là đo huyết áp.
Các chuyên gia tim mạch khẳng định tăng huyết áp không phải là bệnh thần kinh, không phải là do căng thẳng thần kinh.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia khẳng định khoảng 90 - 95% các trường hợp tăng huyết áp không tìm thấy nguyên nhân.
Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, các yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối là một trong 6 yếu tố nguy cơ mắc tăng huyết áp
Hội Tim mạch học Việt Nam chỉ ra 6 yếu tố nguy cơ sau có thể điều chỉnh được: Thừa cân và béo phì (là người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn); Ăn nhiều muối; Hút thuốc lá (gây co mạch và tăng xơ vữa động mạch); Uống rượu nặng và thường xuyên; Thiếu vận động (cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân, tăng huyết áp); Stress (các căng thẳng trong cuộc sống cũng làm ảnh hưởng tới huyết áp).
3 yếu tố nguy cơ khác không thể điều chỉnh được. Cụ thể, đó là chủng tộc. Theo đó, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tăng huyết áp sớm hơn, nặng hơn người Cancasians.
Di truyền: tăng huyết áp có xu hướng di truyền. Nếu bố mẹ hoặc người ruột thịt của bạn bị tăng huyết áp, bạn có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.
Yếu tố thứ 3 là tuổi. Tuổi càng cao bạn càng dễ bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp thường xảy ra ở người trên 35 tuổi. Đàn ông thường bắt đầu bị tăng huyết áp từ 35-50. Phụ nữ có thể bị tăng huyết áp sau mãn kinh.
Có khoảng dưới 10% số người bị tăng huyết áp tìm thấy nguyên nhân gây bệnh, các bệnh nhân này được gọi là tăng huyết áp thứ phát (có căn nguyên).
Khi bạn bị tăng huyết áp xuất hiện sớm (khi còn trẻ) hoặc tăng huyết áp rất khó khống chế thì cần tìm hiểu kỹ xem có nguyên nhân nào không.
Những nguyên nhân gây THA thứ phát thường gặp là:
- Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp; Viêm cầu thận mạn tính; Sỏi thận, niệu quản; Hẹp động mạch thận...
- Các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp; cường tuyến yên; bệnh u tế bào ưa crom (u tủy thượng thận); u vỏ thượng thận...
- Các bệnh lý mạch máu và tim: Hở van động mạch, hẹp eo động mạch chủ, Takayasu...; Nhiễm độc thai nghén.
- Tăng huyết áp do dùng một số thuốc: thuốc chữa ngạt mũi, chữa hen; thuốc đông y như cam thảo...
- Tăng huyết áp do yếu tố tâm thần: lo lắng, sợ sệt quá mức.
Quỳnh An (ghi)
Theo giadinh.net
Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các ca tử vong do bệnh tim mạch (41%) và đột quỵ (51%). Tăng huyết áp ngày càng phổ biến, trở thành một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay. Khám sàng lọc và tư vấn bệnh tăng huyết áp. Kẻ giết người thầm...