Hơn 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình, SGK: Cần nhất là hiệu quả
Giáo sư Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Dù có tốn kém nhất định chúng ta vẫn phải làm. Vấn đề làm như thế nào cho đúng, để đạt hiệu quả cao mà không gây lãng phí, tham nhũng”.
Trong khi có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015 với kinh phí lên tới trên 34.000 tỷ đồng, Giáo sư Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: “Dù có tốn kém nhất định chúng ta vẫn phải làm. Vấn đề làm như thế nào cho đúng, để đạt hiệu quả cao mà không gây lãng phí, tham nhũng”.
Từng là Bộ trưởng Bộ GDĐT, theo ông, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cần những yếu tố gì?
- Để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Việt Nam cần phải giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt: Phải làm bằng được một bộ sách giáo khoa (SGK) mới; thứ hai phải có đội ngũ giáo viên mạnh cả về số lượng và chất lượng; thứ 3 có một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc học và hành đầy đủ, hiện đại.
GSPhạmMinh Hạc:”Muốn đổi mới SGK chúng ta cần phải có một bản đánh giá toàn diện cụ thể, gắn liền với đề án đổi mới SGK”.
Trong 3 vấn đề trên, việc viết SGK là quan trong bậc nhất, điều này góp phần quan trọng trong việc định hướng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, muốn tiến hành làm SGK mới, trước hết chúng ta phải xem sách giáo khoa cũ đã có gì, cần có thêm những gì? Căn cứ vào đó đưa ra quyết định đổi mới mới có thể thuyết phục.
Giáo sư nhận định gì về dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK vừa được Bộ GDĐT trình thường vụ Quốc hội?
- Nội dung của dự thảo mới đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có việc tích hợp trong giáo dục tiểu học và THCS, nhưng lại không thấy có phần nhận diện khái niệm: Thế nào là tích hợp? Cá nhân tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà khoa học lớn thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể tích hợp được, thế nhưng tích hợp cái gì, tích hợp theo hướng nào thì cần phải bàn thêm.
Tôi đã từng xem qua cuốn sách tích hợp hóa – sinh trong chương trình tiểu học của Pháp. Nói là tích hợp nhưng giở ra thì chỉ thấy nửa sách bên này là hóa, nửa sách bên kia là nói về sinh học. Như vậy, liệu đã là tích hợp chưa?
- Một nội dung được xem là cần đổi mới nữa khi làm SGK mà dự thảo này đề cập đó chính là việc xây dựng chương trình theo hướng tự chọn cho học sinh cuối cấp THPT. Cái này ở các nước phát triển như Anh, Mỹ người ta đã làm từ lâu, làm rất tốt. Giờ mình đưa vào cũng phù hợp thôi, nhưng một vấn đề quan trọng như vậy lại chỉ được trình bày trong 2 trang giấy với những gạch đầu dòng rất sơ sài thì tôi e khó làm tốt được.
Vậy theo Giáo sư, cần phải làm thế nào để dự thảo sáng rõ hơn?
Video đang HOT
- Về căn bản, theo tôi muốn đổi mới SGK chúng ta cần phải có một bản đánh giá toàn diện cụ thể, gắn liền với đề án đổi mới SGK. Ví như đánh giá toàn diện xem quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã làm được gì? Sách hiện hành đã đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu của việc dạy và học?… Tất cả cần phải cụ thể hóa, ví dụ như có nhà khoa học nói SGK toán trong bậc học THPT đang quá tải, con số cụ thể là quá tải hơn 40% số tiết.
Muốn đổi mới cần phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, dựa trên nền tảng cái cũ đó để làm cái mới thì nó mới có giá trị thực tiễn. Đặc biệt, để khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới SGK, đề án cũng nên phác họa, triển vọng hoặc chỉ ra mục tiêu sau đổi mới SKG nền giáo dục Việt Nam trong tương lai sẽ thế nào, đứng ở vị trí nào mới đúng.
Khi Bộ GDĐT đưa ra con số 34.000 tỷ đồng để đổi mới SGK và phương pháp dạy học, nhiều người cho rằng lãng phí, ông nhận định thế nào về con số này?
- Nếu nói bỏ ra 34.000 tỷ đồng để đổi mới SGK, đổi mới giáo dục là lãng phí thì tôi không đồng tình. Để đổi mới giáo dục chúng ta còn cần số tiền lớn hơn con số này nhiều lần. Đúng là mấy hôm nay, dư luận rất “sốc” với con số 34.000 tỷ đồng, tôi thì nghĩ rằng nên nhìn nhận khách quan về con số này.
Đổi mới SGK, phải gắn liền với đổi mới trang thiết bị, phòng học, trường lớp thì chất lượng giáo dục mới mong được cải thiện. Năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu thực hiện kiên cố hóa trường lớp, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy khoảng 70% trường đã được kiên cố hóa, nhưng con số thực tế còn thấp hơn nhiều. Nếu trường lớp không được kiên cố, phòng học không mở rộng, sĩ số không giảm (từ 30-50 học sinh như hiện nay) thì khó mà áp dụng việc đổi mới theo hướng tự chọn được…
Đi cùng với phòng ốc là giáo viên, nếu không được đào tạo theo hướng đổi mới thì việc đổi mới SGK không có mấy ý nghĩa. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nữa. Vì thế, chi phí đi kèm sẽ rất nhiều.
Vậy vấn đề ông lo ngại ở đây là gì, thưa Giáo sư?
- Tiền thì chúng ta vẫn phải chi, vấn đề chi thế nào cho hợp lý. Hiện nay ta đề ra chủ trương tin học hóa trong trường học, vậy nhưng nhìn lại thì thấy hiệu quả không cao. Ngay tại Thủ đô, áp dụng tin học hóa còn hạn chế thì hỏi các trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa áp dụng thế nào được.
Cho nên theo tôi, quan trọng nhất là phải chi có hiệu quả, và phải làm rõ hiệu quả từng khoản chi. Bộ GDĐT nói đây chỉ là con số “khái toán” – có nghĩa là tính toán khái quát, nhưng dù có là khái quát đi chăng nữa thì vẫn phải tính toán. Mà đã tính toán thì phải tính toán cụ thể, chi tiết mới có tính thuyết phục được Quốc hội, được nhân dân.
Không thể lúc thì khái toán hết 70.000 tỷ, lúc lại nói khái toán hết 34.000 tỷ được, 2 con số này chênh nhau khá nhiều.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Danviet
TS Lê Viết Khuyến: Đổi mới SGK trước hệ thống là ngược
TS Lê Viết Khuyến cho rằng Bộ GD-ĐT nên đặt vấn đề cấu trúc lại hệ thống giáo dục trước sau đó đổi mới sách giáo khoa.
Ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 với kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng đã khiến dư luận rất bức xúc.
Dù sau đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có mời các cơ quan báo chí để nói rõ số tiền chi cho viết sách giáo khoa chỉ hơn 100 tỷ đồng nhưng nhiều chuyên gia vẫn không đồng tình với cách làm này.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang khiến dư luận hết sức băn khoăn (Ảnh: TT)
TS Lê Viết Khuyến (Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) cho rằng Bộ GD-ĐT cần tái cấu trúc hệ thống giáo dục đã rồi hãy tính đến chuyện đổi mới sách giáo khoa.
"Đến năm 2015, chúng ta nên tái cấu trúc hệ thống giáo dục là 30% là trung học nghề, 50% là trung học phổ thông, 20% sơ cấp nghề", TS Lê Viết Khuyến đề xuất.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta có đến tới 90% là THPT, cho nên đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT mới tính đến lượng tiền nhiều đến vậy.
TS Khuyến cũng phân tích nếu làm được phương án giảm lượng trung học phổ thông đi, tăng số lượng trung học nghề lên, lấy một phần vốn chuyển sang cho trung học nghề thì không cần dùng đến hơn 34.000 tỷ đồng.
Xem toàn bộ chuyên đề: "Cấu trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam" trên VTC News
"Vì vậy, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần phải làm từ gốc, và không có cách nào khác là phải tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục. Sau đó mới nói đến chuyện đổi mới hệ thống sách giáo khoa, chứ làm kiểu này thì khó thuyết phục lắm! Đây là đổi mới từ ngọn mất rồi", TS Lê Viết Khuyến phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu đổi mới sách giáo khoa rồi sau đó mới thiết kế tái cấu trúc lại hệ thống, chúng ta lại đầu tư tiền một lần nữa cho việc đổi mới sách giáo khoa.
Phân luồng sau 2015
TS. Lê Viết Khuyến cho biết, đề án này tập trung đề cập tới khu vực giáo dục nghề nghiệp - nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, bởi đất nước muốn đi vào nền kinh tế tri thức phải phát triển giáo dục bậc cao, đặc biệt là giáo dục đại học.
Ông cũng lấy ví dụ từ Hàn Quốc cho thấy, sau 30 năm đất nước này đã phát triển tăng vọt bỏ xa các nước ở Châu Phi có cùng mốc phát triển với mình.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng Bộ GD-ĐT nên tính tới việc cấu trúc lại hệ thống giáo dục trước khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Ảnh:Phạm Thịnh)
TS. Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi: "Một hệ thống giáo dục tốt cần căn cứ vào những tiêu chí gì? Lấy ví dụ ở giáo dục Hoa Kỳ có một số tiêu chí gồm: Công bằng; chất lượng; hiệu quả. Phải đảm bảo 3 tiêu chí này mới được gọi là hệ thống giáo dục tốt. Nhưng muốn đảm bảo được 3 tiêu chí này phải có tiêu chí thứ tư là tính thống nhất, tập trung, không thả nổi".
Trong các hướng đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cấu trúc của thành phần nhân lực, trình độ nhân lực phải luôn luôn phát triển theo hướng đa dạng, có sự phân luồng.
TS Khuyến thấy rằng việc phân luồng sau THCS thường diễn ra ở các nước đang phát triển, điển hình là của Đài Loan (1989). Đây không phải là mô hình mới nhất nhưng theo đánh giá nó thích hợp nhất với Việt Nam.
Theo sơ đồ này, sau tốt nghiệp THCS sẽ có khoảng trên 70% đi vào trung học nghề (phát triển lên cao đẳng, đại học theo hướng công nghệ), chỉ có khoảng 30% vào THPT (hướng đi theo THPT rồi phát triển lên đại học - gọi là hướng học thuật).
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc phân luồng của chúng ta cũng nên như Đài Loan, bởi quy mô đào tạo, trình độ đào tạo luôn bám sát vào sự dịch chuyển kinh tế.
Mô hình cấu trúc hệ thống giáo dục sau 2015 do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất
Trong bối cảnh của đất nước, TS. Khuyến nhận định thực tế đường lối chính sách của ta khá phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của thế giới, nhưng công tác triển khai hoàn toàn đi ngược lại.
Hiện tại, hệ thống giáo dục hiện hành chúng ta cũng có phân luồng học sinh sau THCS (theo trung học chuyên nghiệp từ 3-4 năm, trung học nghề từ 1-3 năm và sơ cấp nghề dưới 1 năm).
Phần lớn học sinh chúng ta đi theo kênh thẳng qua THPT rồi lên tới đại học và tới thạc sỹ, tiến sỹ - đây là sự phân luồng không đáng kể.
Theo VNE
Thi cử năm 2014: Những ma trận cũ - mới "Ma trận đề thi" cụm từ này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, học sinh và nhiều thầy cô giáo từ khi Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tuyên bố: Trong đề thi môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT không đưa ra khái niệm cấu trúc đề thi mà chỉ thực hiện theo ma trận đề thi! Trong khi đó,...