Hơn 315.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển vào đại học: Rộng cửa cho các trường nghề
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022, cả nước có 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống.
Điều này có bất thường hay đây chính là cơ hội cho các trường nghề, giúp xã hội cân bằng nhân lực lao động giữa thầy và thợ?
Rất nhiều thí sinh đã nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp, con đường sau khi tốt nghiệp THPT.Ảnh: Quang Vinh
“Từ chối” đại học, chủ động chọn trường nghề
Là một trong những tân sinh viên K13 khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội, Vũ Đức Mạnh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, em chọn học nghề vì tin rằng mình sẽ thành công trong tương lai với tay nghề vững chắc, có kỹ năng nghề và các kỹ năng khác đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Mạnh đạt 26,25 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 khối C (trong đó môn Lịch sử đạt 10 điểm) khiến nhiều người bất ngờ nhưng bản thân em cho rằng, đại học (ĐH) không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời.
Cũng từ chối vào ĐH, Tạ Đình Hoàng (Phú Thọ) đạt điểm tốt nghiệp THPT khá cao, 27 điểm khối C, có thể đỗ vào nhiều trường top đầu nếu xét điểm thi cùng điểm cộng ưu tiên. Trước đó, Hoàng cũng đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý của tỉnh nên nhiều người ngỡ ngàng khi em rẽ hướng sang học nghề. “Tuy thành tích học tập không tệ nhưng em lại không thích học những kiến thức lý thuyết dài dòng, khó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, em muốn tìm cho mình một ngôi trường có thể dạy cho mình những kiến thức để áp dụng vào thực tiễn công việc sau này” – Hoàng chia sẻ.
Đây là 2 trong số rất nhiều thí sinh năm 2022 đã nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp, con đường sau khi tốt nghiệp THPT. Không nhất định phải vào ĐH dù điểm thi tốt nghiệp THPT của các em không thấp. Đặc biệt, thành tích học tập trước đó của các em cũng khá ấn tượng nên không phải là chuyện may rủi trong thi cử. Ngay từ đầu, khi xác định rõ mình muốn gì, nên làm gì, hướng đi nào phù hợp với mình và điều kiện gia đình, các em đã tìm hiểu kỹ càng về ngôi trường mình định theo học, ngành học phù hợp với chí hướng và cơ hội việc làm rộng mở sau này.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Trần Xuân Ngọc – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, trường có gần 200 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao (từ 18 đến 20 điểm) chính thức làm thủ tục nhập học tại trường. “Đây là một tín hiệu vui đối với nhà trường và hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thể hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả” – ông Ngọc nhấn mạnh và chia sẻ thêm, từ phía nhà trường, những năm trở lại đây đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN thể hiện ở việc cam kết có việc làm ngay sau khi sinh viên ra trường đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh. Ngay khi học trong trường, các em đã được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp và được trả lương như: Cắt gọt kim loại, Điện Công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… Nhiều ngành được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên không lo về đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, năm 2022 trường mở thêm một số ngành nghề mới như kỹ thuật xây dựng; khai thác thiết bị phát thanh, truyền hình; may và thiết kế thời trang, nề hoàn thiện, điện nước… “Đây là những ngành mà thị trường đang có nhu cầu lao động rất cao. Sinh viên vừa học vừa thực tập, gắn kết việc học sát với yêu cầu của doanh nghiệp nên đào tạo ra đến đâu là có việc làm đến đó. Sinh viên đang trong thời gian vừa học, vừa làm tùy theo đặc thù ngành nghề cũng có mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Số học sinh, sinh viên này thường rơi vào năm thứ 2 của trung cấp và năm thứ 3 của CĐ” – ông Hùng thông tin.
Lựa chọn học nghề, nhiều thí sinh mong muốn ra trường có việc làm ngay, thu nhập cao Ảnh: Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Video đang HOT
Phân luồng thực chất
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính đến hết thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (đến 17h ngày 23/8), cả nước vẫn còn 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống.
So sánh với các năm 2020 và 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống lần lượt là 642.270 và 794.739 cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.
Lý giải điều này, đại diện Bộ GDĐT cho rằng điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào ĐH, mong muốn vào học ĐH sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết năm 2021 số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học ĐH ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.
Theo Bộ GDĐT, hơn 315.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng ĐH là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học ĐH. Bởi hàng loạt trường ĐH quyết định tăng học phí ở mức rất cao từ năm học 2022-2023 và tiếp tục lộ trình tăng những năm sau khiến người học quyết định rẽ hướng sang học nghề với nhiều ưu thế vượt trội như thời gian đào tạo ngắn, cơ hội việc làm rộng mở… Đặc biệt mức học phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm cho chương trình học trung cấp/CĐ, vài triệu đồng khóa nghề sơ cấp thì hệ thống GDNN đang chiếm ưu thế khá lớn so với mức học phí hàng trăm triệu đồng/khóa khi học ĐH.
Từ góc độ dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, học nghề là xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Qua công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Tuấn thấy hiện có khoảng 20%-30% học sinh tốt nghiệp THCS xong đi học nghề theo hệ 9 , nhiều em theo học xong THPT không vào ĐH mà rẽ hướng sang học nghề vì bài toán kinh tế chứ không phải vì các em học dở mới đi học nghề.
TS Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước với 1.911 cơ sở đào tạo 669 ngành, nghề trình độ CĐ và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực. Trong thời gian tới, hệ thống GDNN vừa phải tăng cả quy mô lẫn tăng chất lượng, đẩy mạnh tự chủ của các trường nghề. Trong đó, giải pháp để tăng chất lượng đào tạo đó là đẩy mạnh đào tạo vừa học, vừa làm, coi doanh nghiệp là nhà trường thứ hai.
“Tổng cục GDNN đã thiết kế chương trình đào tạo dành cho người làm công tác quản lý, cán bộ kỹ thuật ở doanh nghiệp để họ trở thành giảng viên, giáo viên tham gia vào quá trình đào tạo. Thậm chí đã mở ra cơ chế cho phép trường đào tạo 40% thời gian đào tạo trong doanh nghiệp” – ông Dũng nhấn mạnh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội:
Không chạy theo bằng cấp, hư danh
Theo nhu cầu xã hội hiện tại, chúng ta đang “thiếu thợ”, nhất là những thợ lành nghề. Bên cạnh đó, thợ lành nghề lại có mức lương cao. Thực tế này đã khiến nhiều thí sinh lựa chọn đi vào học nghề trực tiếp thay vì học ĐH theo “hình thức”. Các em đã nhận thức được đầy đủ: Không cần chạy theo bằng cấp, hư danh. Thí sinh nào có năng lực, cảm thấy phù hợp thì chọn đăng ký để vào ĐH, ngược lại thì không nên. Bởi trên thực tế, có rất nhiều em vào ĐH nhưng không học được, cuối cùng lại bỏ học rồi ra ngoài làm, tốn kém cả thời gian, tiền bạc.
GS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT:
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện việc đăng ký xét tuyển vào ĐH sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT nên nhiều thí sinh lúc này biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm thi không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển ĐH, do vậy đã không đăng ký nữa cũng là điều dễ hiểu.
Trước đây nhiều người quan niệm rớt ĐH mới chọn học nghề nhưng thực tế ngày nay cho thấy, không phải cứ học ĐH mới thành công. Các em cần xác định rõ ngành nghề mình muốn theo đuổi, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội và cả yếu tố tài chính của gia đình do xu hướng tự chủ ĐH, các trường sẽ tăng học phí từ năm học này và cả những năm sau. Lựa chọn học nghề ở bậc CĐ, trung cấp hay sơ cấp cũng là một hướng đi, quan trọng là sự nỗ lực của người học sẽ làm nên thành công trong tương lai.
Thí sinh rối với xét tuyển trực tuyến
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều thay đổi trong khâu đăng ký, xác nhận xét tuyển, nộp lệ phí, do đó không ít thí sinh cảm thấy bối rối.
Nhiều trường đại học cho đến giờ này vẫn đang thấp thỏm vì phải chờ hệ thống của Bộ GD-ĐT xét tuyển mới được đón thí sinh đến nhập học thay vì tự tuyển sinh như các năm trước.
Thí sinh Đồng Nai dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đồng thời lấy điểm xét tuyển đại học. Ảnh: C.Nghĩa
Khác với những năm trước, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tiếp vào các trường đại học cụ thể mà thí sinh mong muốn bằng nhiều hình thức như: xét tuyển trực tuyến, trực tiếp hoặc qua bưu điện. Còn năm nay, thí sinh bắt buộc phải xét tuyển qua hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, kể cả thí sinh đã được xác định trúng tuyển từ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng điểm thi năng lực, học sinh được tuyển thẳng... Sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh phải xác nhận lại nguyện vọng xét tuyển, hoặc điều chỉnh thông tin tuyển sinh đăng ký trước đó.
Thủ tục còn gây khó
Thí sinh Nguyễn Thị Tường Vy ở xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) chia sẻ, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 em có đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, vì sơ ý nên em quên không mặc định vào nội dung "Có dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học". Vì sơ suất này mà em đã lo lắng suốt thời gian dài, do không biết làm thế nào để điều chỉnh nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, em Phạm Tuấn Anh ở xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) phải "cầu cứu" đến Trang thông tin giáo dục Đồng Nai của Sở GD-ĐT để phản ánh về việc, sau khi hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT mở lại cho phép thí sinh đăng nhập vào xác nhận lại nguyện vọng xét tuyển, hoặc điều chỉnh lại thông tin xét tuyển, em Tuấn Anh có vào để thực hiện thao tác. Tuy nhiên, hôm sau mở ra, những thông tin đã điều chỉnh của em trước đó trên hệ thống đã không còn, muốn điều chỉnh lại cũng không được vì hệ thống của Bộ GD-ĐT đã chính thức đóng, không cho thí sinh quyền điều chỉnh thông tin nữa.
Là người từng lo cho 2 con xét tuyển vào đại học, năm nay đến lượt con gái út nhưng chị Giang Thị Phương Thanh (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng: "Cách đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay rối quá, dù có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, từ đầu đến cuối đều là trực tuyến. Chẳng hạn, khi thí sinh đăng ký xét tuyển, có thể nộp lệ phí trực tuyến ngay nhưng tìm mãi không ra mục nộp lệ phí. Phải chờ đến sau này Bộ GD-ĐT mới giải thích rằng, mục đó sẽ có sau. Đến khi có phần nộp lệ phí thì hệ thống bị nghẽn và Bộ lại thay đổi thời gian nộp theo hình thức nhiều đợt để tránh nghẽn cho hệ thống".
Bất ngờ với tỷ lệ thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào đại học
Năm 2022, cả nước có gần 942 ngàn thí sinh dự kiến đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi. Tuy nhiên đến giờ cuối xác nhận nguyện vọng chỉ có 616,5 ngàn (chiếm 65,5%) thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Đây là năm đầu tiên các trường đại học phải xét tuyển lọc ảo tất cả các phương thức trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Con số này chưa đủ cơ sở để kết luận là có bất thường hay không nhưng lại gây bất ngờ cho các trường đại học.
Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có 31,5 ngàn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 6,5 ngàn thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Số thí sinh này chủ yếu đến từ các trung tâm giáo dục thường xuyên trước đó vừa học văn hóa vừa học nghề hệ 3 năm. Tuy nhiên sau ngày 23-8, ngày cuối cùng cho phép thí sinh xác nhận nguyện vọng xét tuyển đại học, tiếp tục có 7.950 thí sinh không xác nhận lại nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Như vậy, trong số 31,5 ngàn thí sinh thi tốt nghiệp THPT, thực tế chỉ có khoảng gần 16 ngàn thí sinh tiếp tục hành trình xét tuyển vào đại học.
Trong bảng xếp hạng thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển vào đại học, Đồng Nai có 7.950 thí sinh, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành có nhiều thí sinh bỏ xác nhận nguyện vọng xét tuyển đại học. Đồng Nai đứng sau các địa phương về số thí sinh không xác nhận nguyện vọng xét tuyển gồm: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Đắk Lắk. Điều này khiến không ít trường đại học cảm thấy lo lắng vì đã giảm đi một nguồn tuyển không nhỏ trên địa bàn. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng: "Nếu có một lượng lớn thí sinh Đồng Nai không chọn con đường xét tuyển đại học mà tìm đến các trường cao đẳng, trung cấp học nghề thì quả là một sự đột phá tư duy nghề nghiệp, đồng thời là một tín hiệu quá tốt với các trường nghề".
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, quy trình xét tuyển tập trung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT phức tạp và hay gặp sự cố kỹ thuật đã làm thí sinh và nhà trường bối rối, khiến lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường giảm. Một cán bộ tuyển sinh của trường đại học tư thục tại TP.Biên Hòa cho biết, những năm trước khi thí sinh xét tuyển trực tiếp tại trường, trường có thể biết được đến từng ngày là đã có bao nhiêu thí sinh đăng ký xét tuyển so với chỉ tiêu trường đã được tuyển. Thậm chí, trường có thể xác nhận trúng tuyển sớm và nhập học sớm cho thí sinh mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào Bộ GD-ĐT. Còn năm nay, trường phải "làm phiền" thí sinh bằng cách vừa yêu cầu thí sinh chấp hành việc đăng ký xét tuyển vào trường trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, vừa đăng ký trên hệ thống riêng của trường để trường có thêm kênh tham khảo.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, năm nay công tác tuyển sinh có nhiều điểm mới và những vấn đề phát sinh khiến thí sinh phải lưu ý. Chẳng hạn, từ 0 giờ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 31-8, thí sinh Đồng Nai nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Sau thời gian này, hệ thống sẽ đóng lại. Vì vậy, thí sinh phải quan tâm nên thực hiện nộp trước 1-2 ngày, không nên nộp quá trễ vì có thể phát sinh sự cố.
Bộ GD-ĐT: 6 lưu ý về xét tuyển đại học 2022 Đến chiều nay 28/8/2022, theo Bộ GD-ĐT, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời 24/7, không có tình trạng nghẽn hay quá tải. Cách đây 2 ngày (25-26/8), tại Đà Nẵng, Bộ GĐ-ĐT tổ chức tập huấn...