Hơn 3.000 trường triển khai nội dung phòng chống tham nhũng
QĐND Online – Bộ GD-ĐT đã triển khai đại trà việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào hơn 2.400 trường THPT; hơn 700 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra sáng 24-12, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của Bộ GD-ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Ngay sau khi Luật PCTN được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật PCTN; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Luật PCTN và có văn bản hướng dẫn toàn ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tham nhũng. Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, Bộ GD-ĐT đã thành lập bộ máy phụ trách, theo dõi công tác PCTN và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ; đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc đã thành lập phòng thanh tra và giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách công tác PCTN.
Bộ GD-ĐT đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (trong đó có nội dung PCTN) trong ngành giáo dục bằng các hình thức: Ban hành Kế hoạch hoạt động công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về các nội dung của các Luật PCTN, Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thông qua mạng điện tử (của Thanh tra và các Cục, Vụ) và bản tin pháp luật để tuyên truyền Luật PCTN và các văn bản liên quan. In và phát hành hơn 200 tài liệu PCTN, hơn 3.000 đĩa E-Learning bài giảng đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy; tổ chức Hội thảo, Hội nghị tập huấn như: tập huấn về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN cho các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT…
Bộ GD-ĐT cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động của đơn vị (Công tác tổ chức cán bộ; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; Việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản thu nhập); Công tác quản lý tài chính, tài sản; Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý và hạn chế tiêu dùng tiền mặt…
Từ 2006 đến nay, co 7 vu viêc phat hiên vi pham cua các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, ky luât 10 ngươi. 1 vu đa co ban an cua Toa an. 958 triệu đồng là số tiền gây thiệt hại do tham nhũng đã được ngành giáo dục phát hiện. Điển hình như vụ việc 1 giáo viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhận tiền của sinh viên để photo bài giải thi hết môn (với số tiền: 24,2 triệu đồng), hình thức buộc thôi việc (hành vi mua bán điểm); 1 vụ lạm thu chi quỹ xe đạp, xe máy tại Trường ĐH Quy Nhơn, gây thiệt hại 934 triệu đồng. Cơ quan điều tra khởi tố 1 hiệu trưởng và 3 cán bộ nhân viên; 1 giáo viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu sinh viên nộp tiền để chạy điểm, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo vì hành vi mua bán điểm; xử lý kỷ luật 1 trưởng khoa tại Trường ĐH Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, vì có sai phạm trong việc quản lý kinh phí các lớp đào tạo liên kết tại đơn vị; kỷ luật cảnh cáo 1 cán bộ công chức tại cơ quan Bộ vì hành vi lợi dụng trách nhiệm được phân công có vi phạm trong việc quản lý chứng chỉ…
Hội nghị cũng nêu lên những hạn chế, khó khăn trong công tác PCTN như: Tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, quy định chế tài xử lý hành vi tham nhũng chưa mạnh. Do đó trong quá trình thực hiện quản lý vẫn còn lỗ hổng, sơ hở, lỏng lẻo, phát sinh tệ tham nhũng trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, quy mô hệ thống giáo dục Việt Nam lớn, đa dạng. Giáo dục mầm non có 13.867 trường và 277.684 giáo viên; Giáo dục phổ thông có 28.922 trường và 856.730 giáo viên; Giáo dục thường xuyên có 726 Trung tâm tại các tỉnh, quận, huyện; Giáo dục đại học có 436 trường và 91.183 giảng viên Cao đẳng, Đại học; Trung cấp chuyên nghiệp có 313 Trường đào tạo với 10.911 giáo viên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Bộ GD- ĐT đã nghiêm túc quán triệt sâu sắc Luật PCTN và các văn bản có liên quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN được tổ chức thường xuyên, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành hiểu rõ và thay đổi nhận thức, tích cực tham gia mạnh mẽ hơn trong công tác PCTN.
Để làm tốt công tác thực hiện Luật PCTN, Thứ trưởng cũng kiến nghị: Luật PCTN cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chuyên môn hóa cơ quan PCTN; tăng chế tài xử lý hành vi tham nhũng. Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo hướng nâng cao vị thế và tăng tính độc lập của cơ quan Thanh tra. Tăng cường xây dựng đội ngũ công chức giỏi, có trình độ, chuyên môn trong công tác PCTN; có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm công tác PCTN. Đầu tư cho giáo dục đúng tính chất quốc sách làm đầu, có chính sách xây dựng đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu.
Theo QĐND