Hơn 200.000 người thất nghiệp có trình độ Đại học
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, cả nước hiện đang có khoảng 200.000 người thất nghiệp có trình độ đại học – đây là một thực trạng đáng lo ngại về vấn đề việc làm ở nước ta.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại cuộc họp.
Chiều 21/9, tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 12 cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2015, dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm này có nhiều chuyển biến tích cực, trong 8 tháng đầu năm, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1.114 nghìn lao động, ước cả năm sẽ tạo việc làm cho trên 1.600 nghìn người (đạt 101,1%); thực hiện quy định tiền lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp năm 2015 đúng quy định từ 1.1.2015, trong đó thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp quý I.2015 là 4,9 triệu đồng, tăng 0,5 triệu so với quý IV.2014; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,4 triệu người có công…
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chất lượng lao động còn hạn chế, việc làm chưa ổn định, năng suất và thu nhập thấp. Công tác dạy nghề chưa có chuyển biến căn bản, chất lượng dạy nghề chưa cao. Nguồn lực cho giảm nghèo còn bị phân tán, chính sách còn trùng lặp về đối tượng thụ hưởng, chồng chéo trong quản lý, tổ chức thực hiện nên hiệu quả chưa cao…
Đặc biệt, qua tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công phát hiện gần 76.000 người chưa được hưởng đầy đủ chính sách và trên 2.900 người hưởng sai chính sách.
Tại phiên họp, các thành viên UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp của những hạn chế tồn tại trong thời gian qua, nhất là về vấn đề mang tính thời sự hiện nay là vấn đề việc làm.
Đáng chú ý, ĐB Lê Thành Nhơn (Bình Dương) có đặt vấn đề về 200.000 người có trình độ đại học bị thất nghiệp, trách nhiệm này thuộc về ai và giải pháp như nào? Ý kiến của ĐB khác còn cho rằng việc dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay có bất cập khi có người học đến 7,8 chứng chỉ mà vẫn không có việc làm…
Trả lời một số câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, số người thất nghiệp có bằng Đại học, Cao đẳng phần đông rơi vào các ngành học ứng với các vị trí của cơ quan hành chính, chứ rơi vào các ngành đào tạo kỹ thuật là không nhiều. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng vào công tác tạo việc làm, nhất là tạo việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới ra trường; phát huy, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm; ưu tiên giáo dục nghề nghiệp…
Video đang HOT
Liên quan đến công tác giảm nghèo, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Chưa có chính sách khuyến khích và hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, để giúp họ chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Một số chính sách ban hành mang tính ngắn hạn, tình thế, nên chưa tập trung đúng mức vào giải quyết nguyên nhân của đói nghèo.
Bên cạnh đó, hiện nay còn có sự chênh lệch trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng, miền. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao.
Trong năm 2016, Bộ LĐTBXH hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng, bình đẳng; phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 từ 1 đến 1,5%; giải quyết việc làm cho 1,5 – 1,6 triệu lao động; phấn đấu để 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Theo Lao động
Theo_Người Đưa Tin
Nghịch lý Việt Nam: Bằng cấp càng đẹp, thất nghiệp càng cao
Các nhà quản lý về lao động cho rằng không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng.
Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong quý I.2015 là nhóm có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000 người trong tổng số hơn 1 triệu người thất nghiệp.
Trước thông tin trên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế Tổng Liên đoàn Lao động VN cho rằng, do nhiều trường đại học được thành lập, số sinh viên ra trường tăng cao.
Hơn nữa, ông nhận định: "Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, qua các trường đào tạo nghề và phần lớn các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để giảm chi phí giá thành. Nên lao động có trình độ đại học và trên đại học khó tìm được việc".
Ông Điều chia sẻ, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên cần tìm công việc, chỗ làm tương xứng năng lực của mình, như vậy tỉ lệ xin được việc sẽ cao hơn.
"Không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng", ông Điều nói.
Cùng nhận định, ông Mai Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí của Tập đoàn Dầu khí VN chia sẻ, nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, học lý thuyết nhiều hơn thực hành.
Trong khi các doanh nghiệp muốn tìm người có kinh nghiệm, có thể sử dụng ngay thay vì đào tạo lại.
"Doanh nghiệp quan tâm người lao động đã làm việc ở đâu, làm được bao năm và qua những công ty nào hơn việc người lao động học cái gì, bằng cấp nào", ông Hoàng nói.
Tỷ lệ thất nghiệp nhiều ở bậc Đại học là do không có mục tiêu rõ ràng
Chỉ rõ thực trạng, bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra nguyên nhân: "Chính bản thân sinh viên khi ra trường đặt kỳ vọng quá cao về bản thân. Tâm lý thanh niên "sính" bằng cấp và nghĩ rằng công việc này không phù hợp hoặc không đáp ứng với bằng cấp đã được đào tạo".
Phải xác định rõ mục tiêu: Ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là hãy làm nghề hợp pháp mà có tiền sống. Mục tiêu dài hạn là bạn đi theo đam mê của mình. Nó phải được xác định dựa trên sở thích, phong cách, kỹ năng, trình độ cũng như hoàn cảnh cụ thể mỗi người.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, lý giải nguyên nhân về sự việc, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cho biết: "Nguyên nhân của vấn đề này do cả chủ quan và khách quan. Về khách quan mà nói, nền kinh tế Việt Nam trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, và gần đây mới có chút dấu hiệu hồi phục.
Chưa kể, sức sản xuất của nền kinh tế suy giảm, kéo theo sức cầu đối với lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề chuyên nghiệp cũng tụt xuống thấp.
Những năm gần đây, những sản phẩm đó đã tốt nghiệp và ra nhập thị trường lao động, thì họ trở thành những người thất nghiệp "đã qua đào tạo" chứ không phải là những người thất nghiệp "không được đào tạo" như ở thời kỳ còn thắt chặt đối với đào tạo đại học, cao đẳng và thạc sĩ.
Chính vì thế, tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng trở lên tăng cao hơn so với tỉ lệ người không có bằng cấp, chứng chỉ là hệ quả của chính sách cởi mở trong tuyển sinh cao đẳng, đại học và cao học mà thôi".
Một vấn đề khác, ông Trần Phương - Phó giám đốc thường trực Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng chỉ rõ: "Ở nước ngoài họ không quan niệm mình là TS hay có bằng cấp, mà chỉ xác định đi làm thêm có thu nhập, có thể là trực ca đêm, công việc liên quan đến cơ bắp.
Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sau những giờ làm công việc trí tuệ giảng đường ĐH căng thẳng, muốn hài hòa đảm bảo sức khỏe, tập luyện thể thao, nhận công việc chân tay kể cả bồi bàn phục vụ.
Còn ở VN thì khác, tôi là thạc sĩ mà đi phục vụ bàn hay đứng nấu bếp, vô tình ai nhìn thấy thì ngượng, cả dư luận XH theo định hướng như vậy. Rõ ràng đội ngũ có bằng cấp vô cùng ngại và khó khăn khi lựa chọn công việc".
Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alphabook cho hay: "Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo cần gần và sát hơn với thực tế, nên tham vấn hoặc mời doanh nhân, nhà quản lý trực tiếp tham gia hoạch định chương trình đào tạo mới là giải pháp hiệu quả nhất.
Giai đoạn nào cũng có sự vênh này nhưng nhờ kinh tế thị trường và sự tự do rộng rãi hơn về thông tin và học thuật, nên sự gần gũi và gắn kết giưa các chính sách của nhà nước - doanh nghiệp - hệ thống giáo dục - người lao động gần hơn và nhanh điều chỉnh hơn chúng ta".
Sơn Ca(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Gần 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp Theo thống kê, số người thất nghiệp theo trình độ chuyên môn đại học và sau đại học tăng khoảng 16.000 so với cùng kỳ năm 2014. Ngày 20/7, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015. Bản tin ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm...