Hơn 15.000 học sinh Việt Nam tham gia cuộc thi Toán lớn nhất thế giới
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 được chia thành 4 cấp độ, làm bài thi Toán học với đề trắc nghiệm song ngữ Anh – Việt.
Học sinh tham gia kỳ thi Toán Kangaroo tại điểm thi Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Dương Tâm
Sáng 18/3, hơn 15.000 học sinh đến từ 630 trường của 35 tỉnh, thành phố đã tham gia kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo – IKMC năm 2018. Đây là kỳ thi Toán học có số lượng thí sinh tham gia lớn nhất thế giới, thu hút trên 6 triệu em từ khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ mỗi năm.
Kỳ thi năm nay tại Việt Nam dành cho học sinh lớp 1-8 đang theo học tại các trường trên toàn quốc với 4 cấp độ: học sinh lớp 1-2 sẽ tham gia thi cấp độ 1, lớp 3-4 thi cấp độ 2, lớp 5-6 thi cấp độ 3 và lớp 7-8 thi cấp độ 4. Đề thi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm bằng tiếng Anh do Hiệp hội Toán quốc tế Kangaroo biên soạn. Thí sinh được làm bài dưới hình thức song ngữ Anh – Việt.
Ông Vũ Quốc Thái, Chủ tịch Hội đồng thi Toán quốc tế Kangaroo tại điểm thi Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), cho biết 2018 là năm thứ ba kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam với số lượng thí sinh đăng ký dự thi đạt mức kỷ lục. Điều này cho thấy sức hút, sự hưởng ứng từ học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Video đang HOT
“Điểm đặc biệt của kỳ thi này là phù hợp để phát triển tư duy Toán học của học sinh. Đây là cuộc thi đánh giá năng lực học Toán chứ không phải để chọn người tài nên học sinh bình thường cũng rất hứng thú”, ông Thắng nói và nhận định việc đề thi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm song ngữ cũng là điểm thu hút thí sinh. Nó giúp các em có kỹ năng tốt về ngoại ngữ và tập làm quen với hình thức làm bài giống kỳ thi THPT quốc gia.
Theo VNE
World Bank: Việt Nam có 'nền giáo dục ấn tượng'
Cùng với Trung Quốc, Việt Nam được xem là có nền giáo dục phát triển ấn tượng, có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho các nước khác.
Học sinh Việt Nam trong lễ khai giảng. Ảnh: Giang Huy
Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 15/3, có 7 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở Đông Á - Thái Bình Dương. Phát triển "thực sự ấn tượng" là hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam - hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục.
"Đây là thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác", báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương nêu.
Ngân hàng Thế giới cho biết, ở những nơi khác trong khu vực, 60% học sinh vẫn đang học tại các hệ thống nhà trường yếu và không được trang bị kỹ năng cần thiết để thành công.
Kết quả học tập không nhất thiết tỷ lệ thuận với thu nhập quốc gia
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 331 triệu trẻ em khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm một phần tư tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học tại hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các trường này không chỉ nằm ở nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
Nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu khu vực. Ở quốc gia như Campuchia và Đông Timor, thậm chí có tới hơn một phần ba học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ. Điều này đúng với tất cả nước trong khu vực. Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc, học sinh từ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.
"Hiệu quả chính sách cho việc lựa chọn, thúc đẩy và hỗ trợ giáo viên cũng như thực tiễn dạy học ở nhà trường là yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. Đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước, việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽ có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ em trong khu vực", Giám đốc cấp cao về giáo dục của Ngân hàng Thế giới, ông Jaime Saavedra nói.
Lựa chọn và hỗ trợ giáo viên là yếu tố quan trọng
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính là chi tiêu công có hiệu quả và công bằng; chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn; hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
"Các hệ thống giáo dục đứng đầu chi tiêu hiệu quả cho cơ sở hạ tầng trường học và giáo viên, có quy trình tuyển dụng để đảm bảo thu hút được ứng viên giỏi nhất cho công tác giảng dạy và đưa ra cơ chế lương thưởng xứng đáng", báo cáo nêu.
Theo VNE
Học sinh Việt Nam có thành tích học tập tốt hơn so với nhiều nước Ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia. ảnh minh họa Theo báo cáo được Ngân hàng thế giới công bố ngày 15/3, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu...