Hơn 10.000 người ký tên, kiến nghị giải cứu Sơn Trà khỏi bê tông hoá
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết đã có 10.361 người ký tên đồng tình với việc kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà theo hướng “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” và giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng bê tông hóa.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công văn yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch liên quan đến bán đảo Sơn Trà, hôm nay (5.4) Hiệp hội Du lịch đã có thư cảm ơn Thủ tướng.
Theo đó, trong bức thư Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng trân trọng cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “Giao cho Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng xem xét xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Bán đảo Sơn Trà có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng (Ảnh: Đình Thiên).
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bước đầu làm cho những người yêu và mong muốn giữ gìn “báu vật Sơn Trà” bớt đi một phần lo lắng cho số phận của Sơn Trà đang bị xâm hại bởi các dự án du lịch.
“Bên cạnh đó, chúng tôi xin vui mừng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm vào lúc 10h ngày 5.4 đã có 10.361 người ký tên đồng tình với kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà theo hướng: “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” và giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng bê tông hóa do cộng đồng những người yêu Sơn Trà phối hợp với một số tổ chức”, trong thư nêu.
Video đang HOT
Ngoài ra trong bức thư còn nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ phát biểu vào ngày 26.7.2016. Theo đó Thủ tướng gửi thông điệp: “Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ nhân dân” và “mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và tiếng nói của doanh nghiệp đều được lắng nghe thường xuyên”. Vì vậy, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà.
Ngoài loài vooc chà vá chân nâu, bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái đa dạng đặc hữu rừng biển (Ảnh: Tuan greenviet)
Bức thư dẫn giải, hiện Đà Nẵng hiện đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 đón 5,5 triệu lượt du khách) nên chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách.
Hiệp hội Du lịch còn kiến nghị Thủ tướng việc hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm; Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư; Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vấn để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Theo Danviet
Bất ngờ phát hiện 3 đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm
Ba đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm vừa được lực lượng kiểm lâm phát hiện tại rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) với số lượng hơn 70 cá thể.
Vào sáng 10/11, sau một thời gian dài cùng với các nhân viên kiểm lâm tìm kiếm, theo dõi, đến hơn 11 giờ trưa chúng tôi đã phát hiện tại khoảnh 9, Tiểu khu 250 có khoảng 10 cá thể voọc chà vá chân nâu (tên gọi khác là voọc ngũ sắc) xuất hiện ở khu vực khá gần với đường bộ qua đèo Hải Vân.
1 trong 3 đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm tại rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vừa được tìm thấy (ảnh: Văn Nhân)
Anh Nguyễn Ngọc Vấn, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng - Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Bắc Hải Vân cho biết, ngoài địa điểm phát hiện loài voọc ở tại Tiểu khu 250, khu vực Hố Nai, lực lượng kiểm lâm còn phát hiện thêm 2 đàn voọc ở 2 khu vực khác thuộc Tiểu khu 250 và 251 với số lượng khoảng 70 cá thể.
Hiện ở 3 tiểu khu này có tổng diện tích rừng gần 3.300 ha, trong đó rừng tự nhiên có gần 1.500 ha, rừng trồng là gần 1.400 ha.
Đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện tại rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, Thừa Thiên Huế (clip: Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân)
Voọc chà vá chân nâu có tên gọi khoa học Pygathrix nemaeus thuộc loài động vật nguy cấp có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế sau khi phát hiện đàn voọc trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã tăng cường công tác bảo vệ đàn voọc này.
Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân có diện tích gần 10.500 ha. Từ năm 1995, Nhà nước đã có nhiều dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ở vùng đèo Bắc Hải Vân. Nhờ thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng nghiêm ngặt, những cánh rừng nghèo kiệt trước đây đã trở thành những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, chính điều này đã góp phần đưa nhiều loài động vật quý hiếm trở về sinh sống tại đây.
Các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng có các phương án bảo vệ trước mắt và có sự khảo sát để bảo tồn đàn voọc này.
Cận cảnh một cặp voọc ngũ sắc
Văn Nhân - Đại Dương
Theo Dantri
Voọc chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện Đà Nẵng tại APEC Voọc chà vá chân nâu, loài được mệnh danh "nữ hoàng linh trưởng" sẽ là hình ảnh nhận diện của thành phố Đà Nẵng tại APEC 2017. Thành ủy Đà Nẵng vừa thống nhất với đề xuất của UBND TP, về việc chọn Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) làm hình ảnh nhận diện thành phố...