Hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ: Hơn 500 sinh viên miền Tây tranh tài
Hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ đã thu hút hơn 500 sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng ở khu vực Tây Nam bộ tham dự.
Vừa qua, ngày 22/10, tại Trường Đại học An Giang đã diễn ra Hội thi Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô an toàn khu vực Tây Nam bộ năm 2022.
Hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ do Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Công ty Honda Việt Nam tổ chức.
Đây là hoạt động thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, nhằm mục tiêu nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; góp phần giảm tỉ lệ tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên. Đây cũng là dịp để học sinh, sinh viên tham gia rèn luyện thi lái xe môtô an toàn.
Các đội thi tham gia phần thi lý thuyết Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Bắc Sơn
Năm nay, hội thi đã thu hút hơn 500 sinh viên đến từ 5 trường đại học, gồm: trường Đại học An Giang, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Y dược Cần Thơ, trường Đại học Đồng Tháp và trường Đại học Kiên Giang. Các đội thi tham dự hội thi lần này là các đội xuất sắc nhất sau khi trải qua các cuộc thi vòng loại được tổ chức tại các trường để tham gia vòng thi cấp khu vực.
Các sinh viên được hướng dẫn viên Honda Việt Nam chia sẻ nội dung về Luật Giao thông đường bộ, Pháp Lệnh về an toàn giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông, kỹ năng tham gia giao thông và phần thi thực hành về lái môtô an toàn; thi diễn tiểu phẩm phản ánh các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Tham gia hội thi năm nay, sinh viên các đội đã chuẩn bị những phần thi đầy công phu và tâm huyết, thông qua các hình thức thu hút như tiểu phẩm, thi tìm hiểu lý thuyết và thi thực hành kỹ năng điều khiển xe mô tô an toàn.
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về pháp luật an toàn giao thông nói chung và bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy nói riêng bằng nhiều hình thức phong phú.
Cụ thể như: đưa giáo dục an toàn giao thông vào giảng dạy chính khóa của các cấp học, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông qua các hoạt động ngoại khóa, trong giờ chào cờ và sinh hoạt lớp; tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống pa nô, áp phích và qua hệ thống phát thanh, Website của các nhà trường…; tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
Các đội thi tham gia phần thi lái xe mô tô an toàn. Ảnh: Bắc Sơn
Những nỗ lực đó, cơ bản đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục đã có quyết tâm thực hiện và áp dụng những giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế tai nạn khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên.
Video đang HOT
Qua các hoạt động thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, mỗi sinh viên sẽ từng bước hình thành và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, có các kĩ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn và sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và cho mọi người trong xã hội.
Nhiều sinh viên bày tỏ sự hào hứng và phấn khởi khi có cơ hội được tham gia một sân chơi thú vị và bổ ích liên quan tới an toàn giao thông. Cuối cùng, bằng tinh thần quyết tâm và khí thế thi đua sôi nổi, 100% các thí sinh đã tham gia hoàn thành tốt các nội dung thi theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đại diện Ban Tổ chức trao giải Nhất cho đội thi Trường Đại học An Giang. Ảnh: Bắc Sơn
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã chọn và trao tặng 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba cùng các giải thưởng cho Tiểu phẩm hay nhất, thí sinh lái xe mô tô xuất sắc nhất.
Cụ thể: giải nhất cho Trường Đại học An Giang; giải nhì cho Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Cần Thơ; giải ba cho Trường Đại học Kiên Giang và Trường Đại học Y dược Cần Thơ và trao giải cá nhân có thành tích xuất sắc trong phần thi thực hành cho sinh viên Trần Tuấn Kiệt (Trường Đại học An Giang).
Kết thúc hội thi, Ban Tổ chức bày tỏ mong muốn mỗi bạn sinh viên sẽ hình thành và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, và sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và mọi người trong xã hội.
Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên, ngày 18/10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an đã ký kết chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, hai Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về tuân thủ an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên. Xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên các cấp.
Bắc Sơn
Ấm áp những 'Ngôi nhà 5.000 đồng' dành tặng sinh viên nghèo
Sau 12 năm thực hiện mô hình 'Ngôi nhà 5.000 đồng,' Đoàn trường Đại học Đồng Tháp đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 72 ngôi nhà cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng.
Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua Mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng." (Ảnh: TTXVN phát)
Từ năm 2010 đến nay, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp (phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã duy trì thực hiện mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" với sự đóng góp hằng tháng 5.000 đồng/đoàn viên để hỗ trợ xây dựng hàng chục ngôi nhà nghĩa tình tặng sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn 70 mái ấm cho sinh viên nghèo
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp Lê Phước Vinh, sau 12 năm thực hiện mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng," đến nay, Đoàn trường đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 72 ngôi nhà cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở 8 tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Cà Mau với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng và hơn 2.500 ngày công lao động.
Mỗi căn nhà là một câu chuyện đẹp về sự sẻ chia, lòng nhân ái, giúp nhiều sinh viên vượt qua khó khăn.
Em Nguyễn Trung Tín, sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đồng Tháp, vui mừng bởi mơ ước về căn nhà mới của em và gia đình đã thành hiện thực.
Bị khuyết tật bẩm sinh ở tay nhưng Tín vẫn nỗ lực học tập. Kinh tế gia đình em khó khăn vì chỉ có cha là lao động chính (gia đình 4 người) và ở trong ngôi nhà bằng gỗ đã xuống cấp.
Biết được hoàn cảnh của Tín, từ nguồn quỹ "Ngôi nhà 5.000 đồng," Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới.
Đây cũng là "Ngôi nhà 5.000 đồng" thứ 72 được Đoàn trường trao tặng cho sinh viên.
Em Nguyễn Trung Tín tâm sự: "Sự giúp đỡ của Đoàn trường không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần. Công trình là nghĩa cử cao đẹp của thầy cô và bạn bè toàn trường dành cho em."
Gia đình em Huỳnh Như (quê ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), sinh viên năm thứ 3, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Đồng Tháp cũng được Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức lễ bàn giao "Ngôi nhà 5.000 đồng" trị giá hơn 70 triệu đồng năm 2021, trong đó, Đoàn trường hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm.
Huỳnh Như chia sẻ nhà có 2 chị em, mẹ em bị bệnh hiểm nghèo nên kinh tế rất túng thiếu. Nhờ sự hỗ trợ của Đoàn trường, gia đình em đã xây dựng được ngôi nhà mới, vững chắc. Đây là động lực để em phấn đấu học tốt hơn.
Gia đình em Lê Thị Ngọc Chăm, sinh viên năm thứ 4 ngành Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Đồng Tháp những ngày này cũng rộn rã tiếng cười bởi ngôi nhà mới sắp hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp qua mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng."
Chị Phan Thị Cẩm Loan (mẹ của em Ngọc Chăm) ngụ xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết vợ chồng chị không có đất canh tác, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, kinh tế rất khó khăn.
Tuy ngôi nhà tạm đã xiêu vẹo, dột mưa nhưng gia đình chưa dám nghĩ tới việc cất lại vì còn phải lo cho hai con ăn học. Nhờ Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp "tiếp sức," gia đình chị mới có thể xây dựng ngôi nhà mới. Khoảng 2 tuần nữa, nhà sẽ hoàn thành.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Đồng Tháp, mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của Đoàn Thanh niên Trường đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, qua đó, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm phấn đấu học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Lan tỏa lòng nhân ái
Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đồng Tháp Lê Phước Vinh cho biết, "Ngôi nhà 5.000 đồng" là mô hình sáng kiến hỗ trợ đoàn viên, sinh viên của nhà trường được Đoàn Thanh niên trường triển khai thực hiện từ tháng 4/2010.
Trải qua 12 năm, mô hình lần lượt có các tên gọi: "Căn nhà nhân ái," "Ngôi nhà 3.000 đồng," "Ngôi nhà 5.000 đồng." Từ khi được phát động, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Những năm đầu hoạt động, mỗi cán bộ, giảng viên (trong độ tuổi Đoàn) đóng góp 10.000 đồng/tháng; sinh viên ủng hộ 2.000 đồng/tháng; mức hỗ trợ xây dựng mỗi ngôi nhà là 20 triệu đồng. Sau đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng mỗi ngôi nhà được tăng lên 30 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, mỗi cán bộ, giảng viên (trong độ tuổi Đoàn) đóng góp 10.000 đồng/tháng; mỗi sinh viên đóng góp 5.000 đồng/tháng vào quỹ "Ngôi nhà 5.000 đồng" để hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng/ngôi nhà.
Những sinh viên được hỗ trợ xây nhà khi: có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, được chính quyền và Đoàn cơ sở xác nhận; có đủ diện tích đất để xây nhà.
Đồng thời, sinh viên phải đạt học lực từ loại khá trở lên, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội của khoa, trường...
Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức lễ bàn giao "Ngôi nhà 5.000 đồng" cho gia đình sinh viên Huỳnh Như ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)
Đặc biệt, ưu tiên cho đối tượng sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học; được nhận giấy khen của trường, Đoàn, Hội Sinh viên về thành tích nổi bật trong các hoạt động phong trào; đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt, Sao Tháng Giêng.
Để thực hiện hiệu quả mô hình, Đoàn trường chú trọng công tác thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế nhằm đảm bảo giúp đỡ đúng đối tượng.
Bí thư Đoàn Lê Phước Vinh cho hay Đoàn cơ sở lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ "Ngôi nhà 5.000 đồng" cho đoàn viên đủ tiêu chuẩn kèm theo tư liệu, hình ảnh minh họa gửi về Ban Thường vụ Đoàn trường.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Đoàn trường tiến hành thẩm định và tổ chức họp xét các hồ sơ và đi khảo sát thực tế gia cảnh đoàn viên. Số tiền hỗ trợ được trao thành 2 đợt vào lúc khởi công và khi nhà được hoàn thành.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Trường còn phát động và kêu gọi các sinh viên trong thời gian nghỉ hè tham gia vào quá trình xây nhà tặng bạn như: khiêng gạch, trộn hồ... Mặc dù công việc khá vất vả nhưng các sinh viên đều tích cực tham gia.
Mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" đã hỗ trợ những sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn có được mái ấm vững chắc, an tâm phấn đấu học tập, rèn luyện, đồng thời, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương và đã giúp lan tỏa lòng nhân ái trong nhà trường cũng như xã hội./.
Đại học Y Dược Cần Thơ: Ngành Y khoa có điểm trúng tuyển cao nhất Tối 15-9, lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thông tin vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2022 dựa trên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của 10 ngành. Một góc Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Theo đó, mức điểm trúng tuyển dao động từ 20 đến 25,6 điểm, tùy ngành. Cụ...