Hội thảo “Dạy – học – chia sẻ: Hội nhập quốc tế”
QĐND Online – Ngày 21-12, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo “Dạy-học-chia sẻ: Hội nhập quốc tế”. Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình đào tạo từ xa; Mô hình giáo dục trường học kết nối cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin ở Philippines và xuất khẩu công nghệ giáo dục Việt Nam ra nước ngoài để thu ngoại tệ…
PGS.TS Lê Văn Thanh chia sẻ những thách thức của loại hình đào tạo từ xa.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá, chủ đề hội thảo phù hợp với những nội dung trong chương trình hành động của ngành giáo dục, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc dạy và học trong thời đại ngày nay không còn bó gọn trong phạm vi từng trường, từng quốc gia mà là sự kết nối của nhiều nền giáo dục khác nhau. Tri thức ngày nay được phổ biến nhanh chóng thông qua các kênh thông tin, truyền thông. Nhờ vậy việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trở nên bình đẳng hơn đối với tất cả mọi người.
Thảo luận tại Hội thảo, TS Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đặt vấn đề, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hội nhập, “gạn đục khơi trong”, biết nắm bắt, học hỏi, chia sẻ với các nền giáo dục tiến bộ trên cơ sở điều kiện kinh tế chính trị, xã hội của nước ta.
Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế đất nước, TS Trần Đình Châu cho rằng, rào cản về ngôn ngữ rõ ràng đóng vai trò rất quan trọng trong hội nhập của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho nguồn nhân lực nước ta là công việc không chỉ của ngành giáo dục mà là nhận thức chung của cả xã hội.
“Singapore đã phát triển một phần vì biết dùng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp phổ biến. Gân đây nhất Hàn Quốc cũng đã có một chương trình đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia sử dụng tiếng Anh hàng đầu châu Á”, TS Trần Đình Châu chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông là điều kiện rất quan trọng cho dạy – học – chia sẻ, trong hội nhập toàn cầu. Trên thế giới có rất nhiều khóa học trực tuyến cung cấp nhiều cơ hội học tập cho mọi người. Giáo dục trực tuyến có nhiều ưu thế so với giáo dục truyền thống, cho phép đào tạo mọi lúc, mọi nơi với chi phí tiết kiệm.
Từ thực tế thành công trong việc mở rộng cơ hội học tập qua đào tạo từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, PGS.TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa, phương thức E-learning là phương thức học tập có nhiều ưu điểm, song bên cạnh đó còn một số khó khăn, thách thức.
“Từ việc học tập cho đến công tác giảng dạy, quản lý đào tạo luôn đòi hỏi trang bị thiết bị học tập, làm việc cũng như kỹ năng, phương pháp thực hiện. Do vậy, loại hình học tập này chủ yếu tập trung ở thành phố lớn, chưa thể đi đến được các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, nhiều giảng viên lớn tuổi có kinh nghiệm chuyên môn cao phần lớn ngại sử dụng công nghệ. Một thách thức lớn nữa, đó là sự phát triển liên tục của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, các thiết bị dạy học liên tục được nâng cấp… điều này khiến đơn vị đào tạo phải đầu tư chi phí tốn kém”, PGS.TS Lê Văn Thanh bày tỏ.
Theo QĐND