Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ – hội nghị của sự hòa giải
Ngày 10/4 tại Panama diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Tổ chức các nước châu Mỹ, với sự tham gia lần đầu tiên của Cuba.
Hội nghị lần này được xem là hội nghị của sự hòa giải khi dự kiến lần đầu tiên sẽ chứng kiến cái bắt tay của Mỹ và Cuba sau hàng thập kỷ căng thẳng, cũng như dấu hiện cải thiện trong quan hệ Mỹ và Venezuela sau nhiều tháng gia tăng bất đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những khác biệt lớn mà các nước châu Mỹ sẽ cần nhiều thời gian để xóa bỏ.
Tổng thống Panama (áo vàng) chào đón người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)
Hội nghị năm nay diễn ra với chủ đề “Thịnh vượng và công bằng: Thách thức hợp tác ở khu vực châu Mỹ” và được dư luận đặc biệt quan tâm nhất là do sự tham gia lần đầu tiên của Cuba, cũng như sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Cuba. Sau những nỗ lực bền bỉ từ hai phía, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Mỹ và Cuba đang nỗ lực hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
Vấn đề Cuba từng là biểu tượng của sự chia rẽ, mất đoàn kết tại khu vực, song hội nghị lần này chứng kiến hai quốc gia cựu thù có thể ngồi cạnh nhau. Ngay trước thềm hội nghị, Chính phủ Mỹ cho biết đang xem xét đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố, một trong những lý do khiến Cuba ngần ngại chưa quyết định mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington.
Video đang HOT
Ông Manuel Yepes, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế nói: “Tôi cho rằng, cuộc gặp có thể giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ hai nước. Song cuộc gặp có thể làm dịu bầu không khí và có thể thúc đẩy quan hệ Mỹ- Cuba”.
Cùng với đó là quan hệ giữa Mỹ và Venezuela. Trong một động thái đảo ngược lập trường, Chính phủ Mỹ mới đây bất ngờ tuyên bố Venezuela không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ và thậm chí còn tuyên bố, quyết định trừng phạt Venezuela “hoàn toàn mang tính chiếu lệ”, do phe Cộng hòa chi phối Quốc hội Mỹ khởi xướng, và chính quyền Obama không nhắm tới bất kỳ thay đổi nào ở Venezuela.
Những tuyên bố này cho thấy nỗ lực của Mỹ “làm hòa” với các nước Mỹ Latin và xoa dịu bầu không khí chống Mỹ tại sự kiện lớn nhất bán cầu phía Tây.
Ngay sau những tuyên bố này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng thể hiện sự mềm dẻo khi khẳng định, nước này quan tâm tới mối quan hệ hữu nghị với Mỹ.
Ngay trong phát biểu ngày 9/4, ông Maduro cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này khi nhấn mạnh, ông nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ.
“Những tuyên bố của Tổng thống Obama tạm thời có thể mở ra con đường hướng tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Venezuela, một quốc gia Mỹ Latin tự do và có chủ quyền với Mỹ”, ông Maduro nói.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những dấu hiệu hòa giải này sẽ chỉ làm cho hội nghị bớt sóng gió hơn mà thôi, bởi những bất đồng sâu sắc tồn tại hàng thập kỷ sẽ chưa thể được tháo gỡ trong một sớm một chiều. Chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm gửi tới hội nghị bản kiến nghị, với chữ ký của 10 triệu người dân nước này buộc Mỹ phải hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Và quyết tâm của ông Maduro nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia Mỹ Latin như Paragoay, Urugoay, Argentina, Peru và đặc biệt là Cuba. Nước này cũng sẽ không vì các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ mà bỏ rơi một trong những đồng minh quan trọng của mình tại châu lục.
Trong bối cảnh Mỹ Latin ngày càng trở nên độc lập với Mỹ cả về chính trị và kinh tế, thì chắc chắn các quốc gia Mỹ Latin sẽ không từ bỏ mục tiêu hướng tới một mô hình hợp tác không chịu định hướng của lợi ích Mỹ.
Chính vì thế, dư luận rất chờ đợi hội nghị lần này để xem Mỹ sẽ thể hiện vai trò và xử lý các mâu thuẫn trong khu vực như thế nào./.
Theo Thu Hoài/VOV- Trung tâm Tin/tổng hợp
Hội ngộ lịch sử Mỹ - Cuba
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cú bắt tay đầy tính biểu tượng tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama.
Cái bắt tay giữa Tổng thống Obama (trái) và Chủ tịch Castro mở ra chương mới cho quan hệ giữa 2 quốc gia cựu thù - Ảnh: AFP
Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần 7 với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 35 nước trong vùng, được xem là sự kiện lịch sử vì đây là lần đầu tiên lãnh đạo Cuba được mời tham dự trong suốt 21 năm kể từ khi hội nghị được khai sinh. Việc nối lại quan hệ giữa Washington và Havana là một trong những chủ đề chính tại hội nghị, bên cạnh các vấn đề gây tranh cãi như căng thẳng Mỹ - Venezuela, vấn đề nhập cư và an ninh...
Do vậy, cái bắt tay của lãnh đạo hai nước cựu thù từ thời Chiến tranh lạnh ngày 10.4 mang tính biểu tượng rất lớn, nhất là trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Cuba nỗ lực cải thiện mối quan hệ ngoại giao. Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng đã chào hỏi vui vẻ trước sự ngạc nhiên lẫn vui mừng của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng một số lãnh đạo trong khu vực.
Quan hệ lạnh nhạt kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa Mỹ - Cuba cũng đang dần lùi xa, nhường chỗ cho thiện chí khi lãnh đạo 2 nước dự kiến có cuộc gặp song phương lần đầu tiên trong hơn 50 năm bên lề hội nghị. Theo AFP dẫn lời Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, quy mô của cuộc gặp chính thức chưa được quyết định, song hai bên muốn bàn thảo về việc mở lại đại sứ quán cũng như tìm tiếng nói chung cho nhiều vấn đề khác biệt. Giới phân tích đồn đoán nhân dịp này, Tổng thống Obama có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, sau khi được Bộ Ngoại giao khuyến nghị. Cũng tại Panama, ông Obama tuyên bố Washington từ nay không còn muốn áp đặt ý chí của mình lên khu vực và thời kỳ mà Mỹ có thể tùy tiện can thiệp vào Nam Mỹ "đã thuộc về quá khứ".
Có tên trong danh sách khủng bố đã khiến Cuba hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt nặng nề, bên cạnh những biện pháp trừng phạt thương mại từ năm 1960. Havana cũng đã đưa vấn đề này vào các điều kiện để bình thường hóa quan hệ song phương. Theo ông Rhodes, các biện pháp cứng rắn của Washington không đem lại lợi ích gì. "Chính sách Cuba của chúng tôi, thay vì cô lập Cuba, đã cô lập Mỹ ngay tại sân sau của mình", theo Reuters dẫn lời ông Rhodes.
Danh Toại
Theo Thanhnien
4 tâm điểm trong chuyến đi Mỹ La tinh của ông Obama Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày rưỡi đến Jamaica và Panama để tham dự một chuỗi các hội nghị, trong đó mối quan hệ Mỹ-Cuba được mong chờ sẽ là tâm điểm. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên máy bay đến Jamaica - Ảnh: Reuters Tại Jamaica, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ lãnh đạo các...