Hối hận vì không tính kỹ khi cho con du học
Cho con đi du học ở những nước có nền giáo dục phát triển là xu hướng của nhiều phụ huynh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị ‘gãy gánh’ giữa đường…
Trong đó có việc cơ bản là tính toán và duy trì tài chính cho suốt quá trình du học vì bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
1 Năm con gái học lớp 11, vợ chồng tôi quyết định cho cháu đi du học ở Vương quốc Anh. Cháu vượt qua bậc dự bị ĐH và trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH. Lúc đó, coi như cháu đã thực hiện được khao khát của cha mẹ: học để về quản lý công ty của gia đình.
Nhưng bất trắc xảy đến quá nhanh và để lại hậu quả khôn lường. Tình trạng bất động sản đóng băng hồi ấy khiến gia đình tôi xính vính. Đất đai, nhà cửa bán không ai mua, những khoản vay ngân hàng đã đến.
Mà Vương quốc Anh là nơi nổi tiếng đắt đỏ, học phí cũng không hề thấp. Nếu như trước kia tôi tự hào rằng nếu mình có ba đứa con thì gia đình tôi cũng có thể lo cho chúng đi du học ở Anh, thì lúc làm ăn thất bát tôi mới thấm thía, khoản tiền ăn, học mỗi tháng của con gái không hề đơn giản.
Cầm cự được một thời gian, tôi quyết định nói thật với con mặc dù lúc đó cháu mới học gần hết năm nhất của bậc ĐH. Tôi đề nghị con chuyển chỗ ở ra vùng ngoại ô và giảm bớt những chi phí khác để tiết kiệm. Tôi cũng đề nghị con đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ, bớt được khoản nào thì cha mẹ đỡ lo khoản ấy…
Nhưng vì gia đình tôi có mỗi mụn con gái, cháu quen được cưng chiều nên ít va chạm với cuộc đời, thiếu những kỹ năng cần thiết nên khó tìm việc làm. Ngay cả khi tìm được việc, cứ làm vài ngày cháu lại bỏ. Cháu không chịu được vất vả hoặc ông chủ không hài lòng.
Từ sự khó khăn về vật chất, không quen thiếu thốn, vất vả, cộng với tinh thần xáo trộn (mà nói đúng hơn là cháu bị sốc khi nghe gia đình phá sản), con tôi quyết định về nước.
Video đang HOT
Mọi việc càng tồi tệ hơn khi con gái tự ái, tủi thân, thu mình lại, sợ gặp gỡ bạn bè, người thân cùng những câu hỏi như: “Ủa, chưa học xong sao lại về?”, “Học không nổi hả?”, “Hay không có tiền đóng học phí?”…
2 Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn tự trách mình. Vì tôi mà đứa con trai duy nhất của gia đình học hành dở dang, mất phương hướng trong cuộc sống.
Hồi còn trẻ, vợ chồng tôi đã phải gặp rất nhiều bác sĩ sản khoa, chữa trị một thời gian dài mới có được đứa con. Thế nên, không chỉ ba mẹ mà ông bà, chú bác đều cưng cháu như trứng mỏng.
Con trai tôi không chỉ là cháu đích tôn của dòng họ mà còn là cháu trai duy nhất trong 12 đứa cháu của hai bên nội ngoại. Bởi vậy, từ nhỏ đến lớn, cháu không phải làm bất cứ việc gì. Chưa kể, tất cả nhu cầu của cháu đều được đáp ứng ngay và luôn.
Được cái con tôi học hành cũng sáng dạ nên càng được ông bà, cha mẹ kỳ vọng. Chúng tôi quyết định cho con du học ở Nhật mặc dù thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ thuộc loại khá.
Nhưng, khi cháu vừa sang năm 2 ĐH thì ông xã tôi mất việc. Chỗ tôi làm doanh thu sụt giảm, kéo theo lương – thưởng của người lao động cũng giảm theo. Chúng tôi vẫn còn một ít tiền tiết kiệm, nếu chi tiêu dè sẻn thì cháu vẫn có thể học được đến hết ĐH.
Chúng tôi đã nói sự thật với con, khuyên con nên chi dùng tiết kiệm… Nhưng quán tính đã hằn nếp, cháu vẫn vô tư tiêu xài phung phí.
Tôi đã quyết định cắt giảm khoản phí hằng tháng với hi vọng con biết sống tiết kiệm. Song song đó, tôi cũng thông báo tình hình ở nhà: ba vẫn thất nghiệp, đang tìm việc làm; mẹ cũng đang tìm cơ hội để chuyển chỗ làm mới…
Rồi một ngày gia đình tôi nhận được tin sét đánh: con tôi đã bị bạn bè xấu rủ rê, cháu bỏ học và đi làm những việc xấu với đám bạn ấy. Cho đến một ngày, cháu bị chính quyền sở tại phát hiện…
Mọi thứ cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Để quá trình du học được suôn sẻ và hiệu quả, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho con em mình.
Cần chuẩn bị cho con em kiến thức, bao gồm kiến thức học tập ở trường, trong đó ngoại ngữ là yếu tố then chốt. Đồng thời, việc rèn luyện cho con em những kỹ năng cơ bản để có thể tự lập ở môi trường sống mới rất quan trọng.
Về tài chính, phụ huynh cần tích lũy một khoản riêng cho việc học hành, ăn ở của con em trong quá trình du học. Những gia đình có thu nhập trung bình vẫn có thể cho con em du học nếu họ có kế hoạch tài chính khoa học (tích lũy tài chính từ sớm, chọn quốc gia, chọn hình thức đào tạo phù hợp). Những nghiên cứu về tài chính cho du học cho thấy chỉ cần tiết kiệm ở mức tối thiểu 3 triệu đồng/tháng từ khi con vào lớp 1 là gia đình đã đủ tài chính để cháu du học sau khi học lớp 12.
TS Trần Hà Kim Thanh (giám đốc điều hành Bella Group)
Theo tuoitre
99% ứng viên trẻ biết tiếng Anh, chỉ 3% biết tiếng Đức
Kế quả khảo sát của Vietnam Works cho thấy số lượng người biết tiếng Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha... rất ít, trong khi nhu cầu nhân lực liên quan đến các ngôn ngữ này ngày càng tăng.
Sinh viên chuyên ngành ngữ văn Ý của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - T.H
Mới đây, cổng thông tin tuyển dụng trực tuyến Vietnam Works có khảo sát trên 1.600 ứng viên trẻ mới ra trường và có kinh nghiệm đi làm từ 1 - 2 năm về khả năng sử dụng ngoại ngữ, thì tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến nhất, 99%. Trong khi đó, tiếng Nhật chiếm vị trí thứ 2, cũng chỉ 15%. Tiếng Trung Quốc 12%, Hàn Quốc 8%, Pháp 6%. Tiếng Đức và Tây Ban Nha lần lượt là 3% và 4%. Tiếng Nga thì cực hiếm.
Điều đó cho thấy, ngoài tiếng Anh ra thì ứng viên biết các thứ tiếng còn lại vẫn thuộc loại "hiếm", khiến nhà tuyển dụng phải săn lùng.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết: "Theo thống kê của chúng tôi, các công việc yêu cầu tiếng Hàn tăng thêm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lương được các doanh nghiệp đề xuất trả cho các ứng viên này nhiều nhất là từ 701 - 1.000 đô la/tháng. Những thành phố có nhu cầu tuyển các ứng viên biết tiếng Hàn nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh. Top 5 công việc dành cho các ứng viên biết tiếng Hàn nhiều nhất lần lượt là phiên dịch viên, thư ký - hành chính, sản xuất, dịch vụ khách hàng và kinh doanh. Ngoài ra, thị trường lao động có nhiều vị trí công việc dành cho ứng viên biết tiếng Đức, Tây Ban Nha, Nga... nhưng số lượng ứng viên biết ngôn ngữ này rất ít".
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, gần đây số lượng thí sinh chọn học các ngành ngôn ngữ hiếm có tăng lên, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế.
"Chẳng hạn nhu cầu dành cho ngôn ngữ Nga khá lớn nhưng đây là ngôn ngữ khó so với các thứ tiếng khác, hơn nữa nhiều em cho rằng nó đã qua thời kỳ hoàng kim lâu rồi, nên không thu hút bằng các ngôn ngữ khác. Chính vì ít người học, nên nếu sinh viên nào giỏi ngôn ngữ này thì cơ hội việc làm rất tốt. Ngoài ra, cơ hội của người biết tiếng Tây Ban Nha và Ý cũng đang rất rộng mở do mối quan hệ giữa nước ta và nước bạn đang ngày càng phát triển. Những sinh viên tốt nghiệp 2 ngôn ngữ này còn có cơ hội nhận nhiều học bổng du học sau ĐH trị giá từ 50-100%, hoặc làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, hợp tác quốc tế, văn hóa, giảng dạy...", tiến sĩ Hạ thông tin.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết thêm, trong bối cảnh hiện tại, ứng viên nào vừa biết tiếng Anh vừa biết thêm một ngôn ngữ khác, thì chắc chắn sẽ được ưu tiên tuyển dụng so với người chỉ biết một thứ tiếng.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận: "Hiện nay chúng ta rất thiếu ứng viên biết các ngoại ngữ khác cho việc hội nhập, trong khi lại tập trung quá nhiều vào tiếng Anh. Để tăng cơ hội công việc, bạn trẻ nên học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Những cơ quan, doanh nghiệp sử dụng tiếng Đức, Tây Ban Nha, Ý... rất cần những người sử dụng tiếng của họ để tuyển về làm".
Theo thanhnien
Nỗi lòng du học sinh: Về nước thì bị chê kém cỏi, không nắm cơ hội, ở lại thì bị nói không có trách nhiệm với gia đình Tất cả mọi sự phát xét đều là phiến diện, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được vấn đề thực sự là gì. Quyết định ở lại hay quay về tất cả đều có lý do, có những cơ hội và có cả những băn khoăn, đánh đổi. Đi du học xa nhà khó khăn đủ bề nhưng ai cũng...