Hội đồng Giáo dục Toronto Canada cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử
Có bằng chứng không thể chối cãi về việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua các Viện Khổng Tử.
Hình minh họa, nguồn: Epoch Times.
South China Morning Post ngày 30/10 đưa tin, Hội đồng Giáo dục Toronto giám sát các trường công lập với 232 ngàn học sinh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ sau những áp lực của phụ huynh biểu tình phản đối ảnh hướng của chính phủ Bắc Kinh vào các trường học ở Canada.
Động thái này có khả năng kích thích Bắc Kinh trước khi Thủ tướng Canada Stephen Harper sang Trung Quốc dự diễn đàn APEC tuần tới. Đây là vụ hủy quan hệ với các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ tiếp theo sau các trường đại học ở Canada và Hoa Kỳ. Lý do là lo ngại tự do học thuật bị hạn chế và chính phủ Trung Quốc có thể giám sát các sinh viên của họ ở nước ngoài qua Viện Khổng Tử cũng như các mục tiêu chính trị khác của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Rõ ràng sự hợp tác này không phù hợp với Hội đồng Giáo dục Toronto và cộng đồng, sự tiếp tục hợp tác là không thích hợp”, cơ quan này cho biết trước khi bỏ phiếu quyết định. Thông báo của Hội đồng Giáo dục Toronto khẳng định, có bằng chứng không thể chối cãi về việc Bắc Kinh gây ảnh hưởng thông qua các Viện Khổng Tử, ví dụ như hạn chế tự do ngôn luận trong những giáo viên người Trung Quốc.
Việc hủy bỏ hợp tác có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Văn phòng Thủ tướng Canada và đại sứ quán Trung Quốc không đưa ra bình luận nào còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thì bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào Viện Khổng Tử.
Charles Burton, một giáo sư đại học Brock Ontario và là một nhà cựu ngoại giao có 2 nhiệm kỳ tại Trung Quốc cho biết, chắc chắn Bắc Kinh sẽ rất tức giận. Ở Trung Quốc, Canada được xem như mục tiêu thù địch trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, việc Hội đồng Giáo dục Toronto tuyên bố cắt đứt quan hệ hợp tác với Viện Khổng Tử sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy bị mất mặt.
Video đang HOT
Ban đầu Toronto hy vọng có thể thông qua Viện Khổng Tử để nhân rộng các chương trình dạy tiếng Hán và văn hóa, nghệ thuật Trung Quốc cho học sinh tiểu học nhưng đã vấp phải sự phản đối của các phụ huynh ngay từ lúc bắt đầu. Các lớp học tiếng Hán rất phổ biến ở Canada khi học sinh và phụ huynh cảm thấy ngoại ngữ này quan trọng với sự nghiệp.
Tiếng Hán là ngôn ngữ phổ biến thứ 3 tại Canada, sau tiếng Anh và tiếng Pháp. Khoảng 10,5% những người mới đến Canada từ năm 2006 đến 2011 là từ Trung Quốc.
Theo Giáo Dục
Trí thức Mỹ nói không với Học Viện Khổng Tử của Trung Quốc
Nỗ lực ngoại giao văn hóa của Trung Quốc mới đây gặp phải một thất bại lớn với việc Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử, theo VOA.
Trong thập niên qua chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới. Ảnh AP
Trong một thông cáo công bố hồi đầu tuần này, AAUP nói rằng Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được cho phép không tôn trọng tự do học thuật.
Hôm chủ nhật 15 tháng 6 vừa qua, ông Lưu Vân Sơn, Bí thư Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đến dự một hội nghị liên tịch của các Học Viện Khổng Tử ở Âu châu tổ chức tại thủ đô Dublin của Ireland (Ái Nhĩ Lan).
Tại cuộc họp, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ 5 của nhà cầm quyền Bắc Kinh bày tỏ hy vọng là các học viện này sẽ trở thành điều mà ông gọi là "đường xe lửa cao tốc tâm linh" nối liền giấc mơ Trung Quốc với giấc mơ của các nước và giấc mơ của thế giới.
Ông Lưu Vân Sơn đã phát biểu như vậy trong lúc báo chí quốc tế loan tin Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ (AAUP) thúc giục các trường đại học Tây phương cắt đứt quan hệ với Học Viện Khổng Tử vì những viện này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản của tự do học thuật và không tôn trọng tự do ngôn luận.
Các nhà quan sát nói rằng hành động này của Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ là một đòn nặng giáng vào dự án hàng đầu của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm khuyếch trương quyền lực mềm của họ trên thế giới.
Theo tường thuật hôm thứ ba của tờ New York Times, AAUP kêu gọi các trường đại học bảo vệ các nguyên tắc tự do học thuật bằng cách chấm dứt hoặc thương thuyết lại những thỏa thuận đã đưa gần 100 chương trình ngôn ngữ và văn hóa do chính phủ Trung Quốc bảo trợ tới các khuôn viên đại học ở Mỹ và Canada.
Một thông cáo của hiệp hội được thành lập từ năm 1915 và có 47.000 hội viên này nói rằng các trường đại học ở Mỹ đã đánh mất sự độc lập và phẩm giá của mình qua việc để cho chính phủ Trung Quốc quyết định về vấn đề tuyển dụng và giám sát nhân viên giảng dạy, thiết kế học trình và đặt ra những giới hạn về tranh luận bên trong các Học Viện Khổng Tử.
Thông cáo này tố cáo "Học Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được phép không tôn trọng tự học thuật", và "hầu hết các thỏa thuận về việc thành lập Học Viện Khổng Tử bao gồm những điều khoản không được tiết lộ và những sự nhượng bộ không thể chấp nhận đối với các mục tiêu chính trị và cách làm việc của chính phủ Trung Quốc."
Thông cáo trích dẫn một bài viết của giáo sư Marshall Sahlins trên tạp chí The Nation hồi tháng 10, trong đó vị giáo sư nhân chủng học của Đại học Chicago nói rằng "qua việc để cho Học Viện Khổng Tử được thành lập trong trường của mình, các đại học đó đã tham gia những nỗ lực tuyên truyền chính trị của một chính phủ nước ngoài với một cung cách trái ngược với những giá trị về tự do học hỏi và những phúc lợi của nhân loại."
Trong thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã chi tiêu khá nhiều tiền bạc và nhân lực cho việc xây dựng quyền lực mềm để gia tăng ảnh hưởng của nước họ trên khắp thế giới.
Và đối với các trường đại học nước ngoài, việc dùng tiền bạc của chính phủ Trung Quốc để mở các lớp giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho sinh viên của mình dường như là một việc chỉ có lợi mà không có hại gì cả.
Do đó, kể từ khi Học Viện Khổng Tử đầu tiên được thành lập ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004 tới nay, Trung Quốc đã lập ra hơn 400 Học Viện Khổng Tử tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết tính đến cuối năm 2013, có 850.000 học viên ghi danh theo học tại các Học Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử tại hơn 600 trường trung, tiểu học.
Ngoài việc giảng dạy Hán Ngữ, Học Viện Khổng Tử còn dạy các môn học đàn, chơi cờ, thư pháp, hội họa và võ thuật Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết những chương trình giảng dạy tại các Học Viện Khổng Tử được thiết kế để phô bày một hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản đương quyền và có nhiều đề tài cấm kỵ trong học trình.
Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Miami, nói với tờ New York Times rằng phía Trung Quốc thường đòi các trường đại học Mỹ muốn họ giúp thành lập Học Viện Khổng Tử không được thảo luận về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay mời nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng này tới thăm trường.
Bà Dreyer cho biết có rất nhiều đề tài cấm kỵ từ Tây Tạng, Đài Loan, cho tới kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những vụ đấu đá bên trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.
Theo NTD/Bizlive