‘Hồi chuông cảnh báo về an toàn trong trường học’ phải dừng lại!
‘Hồi trống trường có thể vang theo năm tháng, nhưng ‘hồi chuông cảnh báo về an toàn trong trường học’ phải dừng lại…
Cây phượng còn lại trong Trường THCS Bạch Đằng được đốn bỏ sáng nay – NGUYỄN RÔNG
Thời gian gần đây, những tai nạn đang diễn ra liên tục trên khắp cả nước khiến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh lo ngại về sự an toàn trong trường học của bản thân. Họ đang bất an, nơm nớp lo sợ với đầy rẫy mối nguy tiềm ẩn.
Khi trường học có nhiều mối nguy tiềm ẩn
Nếu nhìn thấy hình ảnh bố mẹ của N.T.K (12 tuổi, HS lớp 6/8, Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, nạn nhân bị cây đè tử vong tại trường) thẫn thờ trước linh cữu đứa con trai đầu lòng đã không còn được cười nói, chắc hẳn ai cũng sẽ bật khóc.
Bố mẹ của K. đã không ngờ, K. tử vong vì cây bật gốc ngã đè lên người ngay ở trường học.
Khoảng 3 năm trước, người thân của N.T.L (ở Q.2, TP HCM), sinh viên liên thông ngành Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bật khóc tức tưởi khi L. tử vong vì bị khối bê tông của trường vỡ, rơi từ tầng cao trúng đầu khi đang xếp hàng vào thang máy.
Người thân của L. đã không ngờ con trai mình qua đời vì một tai nạn trong khuôn viên trường học.
Cách đây vài ngày, Bùi Hoàng Anh (22 tuổi, ở xã Bù Gia Mập, Bình Phước) đến một trường tiểu học trên địa bàn TP.Đồng Xoài. Sau đó đến khu vực nhà vệ sinh của trường, đe dọa và khống chế một bé gái để thực hiện một số hành vi dâm ô. Chắc chắn, bố mẹ của bé gái này cũng không ngờ con mình bị dâm ô ngay trong khuôn viên trường học.
Hiện trường vụ cây đổ làm một học sinh tử vong ngày 26.5 – NGUYỄN RÔNG
Những câu chuyện trên đã chứng minh an toàn trong trường học, trên khắp cả nước có một số vấn đề. Điều này khiến giáo viên, phụ huynh và cả học sinh lo ngại về sự an toàn của bản thân. Họ bất an, lo sợ vì ngay trong trường học lại đầy rẫy mối nguy tiềm ẩn.
Sau mỗi vụ việc, cụm từ “là hồi chuông cảnh báo, đáng báo động về an toàn trong trường học” lại xuất hiện. Nhưng sau đó, lại tiếp tục diễn ra những câu chuyện đau lòng khác.
Đừng để sau tai nạn phải thốt lên “hồi chuông cảnh báo”
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đọc tin tức trên báo chí về vụ việc N.T.K tử vong, ông cũng đã không thể kìm nén những giọt nước mắt.
“Người hiệu trưởng phải quản lý giảng dạy, có trách nhiệm về mọi mặt trong trường nên khó quán xuyến được hết mọi việc. Tuy nhiên, hiệu trưởng phải biết phân công từng người, từng nhóm người là giáo viên, nhân viên trong trường thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất để kịp thời phát hiện những mối nguy có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc”, ông Ngai nói.
Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT một tỉnh lân cận TP.HCM, cho rằng ngành giáo dục cần phải thẳng thắng thừa nhận môi trường học đường đang tiềm ẩn những bất an. Vị này dẫn chứng năm 2019, vụ chập điện cháy ở một trường mầm non ở P.Phú Lương (Q.Hà Đông, Hà Nội) khiến cô hoảng loạn ôm trò bỏ chạy.
Ông cũng nhắc lại cách đây không lâu, nhiều phòng học ở H.Núi Thành (Quảng Nam) xập xệ, mái ngói bị mục nát rơi vãi xuống nền nhà, cửa kính nhiều phòng bị vỡ…
“Ngay lúc này, ngay bây giờ, chứ không phải lúc nào khác, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các tỉnh thành phải rà soát lại cơ sở vật chất tất cả các trường học trên cả nước. Đồng thời phải tăng cường hướng dẫn những quy định an toàn cho học sinh, giáo viên. Có như vậy, ngành giáo dục mới có sự chủ động để sẵn sàng giải quyết những tình huống, sự cố về mất an toàn bất ngờ xảy ra ngay trong trường học. Chứ đừng để sau mỗi vụ tai nạn thì lại thốt lên điệp khúc ‘đây là hồi chuông cảnh báo…’”, vị này chia sẻ.
Hiện trường vụ cây đổ làm một học sinh tử vong ngày 26.5 – NGUYỄN RÔNG
Giáo viên phải có nhiều kỹ năng
Ngay trong chiều 26.5, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã cùng giáo viên trong trường đi quanh khuôn viên trường, nhìn khắp các tường, cống, ổ điện, dây điện trong phòng học…
Ông Phú cho biết bài học đau lòng vừa xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng khiến ban giám hiệu nhà trường phải rà soát lại cơ sở vật chất nhà trường.
Cách đây mấy ngày, khi TP.HCM bắt đầu mùa mưa, vị hiệu trưởng này đã yêu cầu đốn đi 2 cây bò cạp vàng trong sân trường. Lý do vì thân cây này to lại dòn, dễ gãy. Trái của cây này nặng, rơi dễ “bể đầu”. Nếu để cây tồn tại trong trường, rất dễ gây tai nạn đáng tiếc cho học sinh, giáo viên.
Ông Phú cũng yêu cầu đội bảo trì của trường dựng thêm nhiều trụ đỡ mái vòm trong sân trường. “Mái vòm dù mới làm, nhưng nếu có nhánh cây đổ xuống, có thể làm xiêu vẹo, đổ đè học sinh”, ông Phú cho biết.
Kể những câu chuyện ấy, ông Phú cho rằng không chỉ hiệu trưởng, mà giáo viên, nhân viên trong trường học đều phải có những kỹ năng.
Đó là kỹ năng nhìn nhận, đánh giá và dự báo sự việc. Nếu nhìn cây có nguy cơ bị bật gốc, có thể ngã đổ, cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nếu thấy cơ sở vật chất hư hỏng, hệ thống điện chập chờn, có vấn đề, phải lập tức sửa chữa. Nếu thấy hệ thống thoát nước ở trường ùn ứ, có thể gây muỗi đốt học sinh, cần nhanh chóng nạo vét…
“Những kỹ năng ‘bảo trì’ này cần được hướng dẫn bài bản với giáo viên, nhân viên trong trường. Có như vậy, thì mới ngăn chặn được những tình huống xấu có thể xảy ra”, ông Phú chia sẻ.
Quang cảnh buổi họp báo sau vụ cây đổ khiến học sinh tử vong ngày 26.5 – ĐĂNG NGUYÊN
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, trường cần thường xuyên dạy kỹ năng sống cho học sinh.
“Việc dạy kỹ năng ứng phó trước những tình huống nguy cấp, kỹ năng phản kháng trước những hiện tượng bất thường, sẽ giúp học sinh tránh được những câu chuyện đau lòng trong trường học. Ví dụ, cần dạy học sinh khi trời mưa gió không được ra ngoài, không được chạy nhảy ngoài sân trường. Khi bị người lạ xông vào trường uy hiếp, phải biết kêu cứu tìm sự trợ giúp. Khi thấy trời sấm chớp hay cây ngã không được tò mò ra hiện trường mà phải tập trung trong lớp học. Khi thấy những điều bất thường trong lớp học, trong trường học, thấy có người lạ lảng vảng trong khuôn viên trường, thấy hệ thống điện chập chờn, thấy ngói trường có nguy cơ bị rớt… phải báo với giáo viên, ban giám hiệu…”, ông Phú chia sẻ.
“Cần chú trọng những kênh thông tin từ phụ huynh và học sinh có nói về an toàn trong trường học. Những phản ảnh (nếu có) của học sinh, phụ huynh về cơ sở vật chất của trường, về những tình huống bạo lực học đường… sẽ giúp nhà trường dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm soát, nhằm tránh những câu chuyện tai nạn khó lường có thể xảy ra”, ông Phú nói thêm.
Cây đổ đè chết học sinh: Nỗi lo an toàn trường học
Vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM bật gốc khiến một học sinh tử vong sáng 26.5 đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn trường học.
Hiện trường vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong - ẢNH: MAI THANH
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh (HS) đi học trở lại vào thời điểm TP.HCM bước vào mùa mưa, nên càng phải quan tâm chú trọng đến những hiểm nguy rình rập HS từ cây xanh.
Vụ cây phượng đè chết học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng: Hiệu trưởng nói gì?
Tại cuộc họp báo chiều 26.5, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông và UBND Q.3 tổ chức, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thông tin cây phượng bật gốc trồng từ năm 1996, hằng năm nhà trường thuê công ty cây xanh mé nhánh và chăm sóc các cây xanh trong khuôn viên. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, một đơn vị chăm sóc cây xanh của tư nhân đã thay đất và mé nhánh không an toàn.
Học sinh kể lại giây phút kinh hoàng bị cây phượng bật gốc ngã đè
Lời kể của nhân chứng vụ cây phượng bật gốc ngã làm chết 1 học sinh
Ông Phúc thừa nhận bản thân ông và Ban giám hiệu là giáo viên nên không có chuyên môn về cây xanh, nếu chỉ nhìn vẻ tươi tốt bề ngoài thì không ai nghĩ cây phượng sẽ đổ. Vào thời điểm xảy ra sự cố, HS lớp 6/8 đang ngồi ăn sáng trước khi vào lớp. Vụ việc làm 1 học sinh tử vong, 17 học sinh khác bị thương.
Hiện trường vụ cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh - ẢNH: MAI THANH
Thủ tướng chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em
Bộ GD-ĐT: Chỉ đạo kiểm tra, xử lý các cây nguy hiểm
Ngày 26.5, Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em (TE) và bảo vệ TE.
Theo đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về TE, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về TE; tăng cường thanh tra, kiểm tra các quy định pháp luật về TE. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc TE khi có hành vi vi phạm pháp luật về TE, nhất là các hành vi xâm hại TE, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền TE đều phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với TE có hoàn cảnh đặc biệt; triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích TE, giảm tình trạng TE tử vong do đuối nước. Đối với Bộ GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu giáo dục lối sống văn hóa, đạo đức cho học sinh và phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục TE trong trường học; phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá; phòng ngừa và xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích TE trong trường học.
Chiều ngày 26.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM, các sở GD-ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho HS sinh viên.
Hoang mang, lo lắng
Ngay trong sáng qua, khi chúng tôi có mặt tại nhiều trường học tại TP.HCM, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo âu sau vụ cây phượng bật gốc khiến HS tử vong.
Tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, N.T.M.H, phụ huynh có con học tại trường này lo lắng: "Trường con tôi có 2 cây phượng rất lớn và nhiều cây sa kê. Sau vụ tai nạn sáng nay, tôi lo lắng quá, không biết làm sao".
Cây phượng bật gốc đè học sinh: Bác sĩ nói gì về 2 trường hợp bị thương nặng?
Chị Phạm Thanh Thảo, phụ huynh HS học tại Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, cho biết: "Trường học của con tôi không có nhiều cây lớn, chỉ có một số cây nhỏ. Nhưng sáng nay, các thầy cô cũng nhắc nhở các con trời mưa không nên đứng dưới những khu vực có cây, dù ở trường học hay ở các nơi khác", chị Thảo nói.
N.T.M.V, 16 tuổi, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, cho biết khi nghe tin có HS bị tử vong vì cây đè trong trường thì rất lo sợ vì em rất hay cùng bạn bè ngồi ghế đá dưới tán cây to để vui đùa mỗi khi ra chơi.
Cùng nỗi lo lắng đó, T.T.Y.N, HS lớp 9 Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, cho biết: "Em hay chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè ngoài sân trường. Khi nghe tin này, em cũng sợ nếu lỡ đang chơi mà gió lớn quật nhánh cây rớt trúng đầu thì không biết làm sao!".
Trong khi đó, chị N.T.G, 40 tuổi, phụ huynh HS Trường THCS Cách Mạng Tháng 8, Q.10, cho biết đi học vào mùa mưa có nhiều nguy hiểm. Không chỉ lo cây xanh trong trường mà còn lo nguy hiểm khác trên đường nếu đưa rước con em mình đúng ngay thời điểm mưa to, gió lớn.
Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bị bật gốc đè trúng học sinh tử vong - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lãnh đạo TP.HCM đến chia buồn gia đình học sinh tử vong
Sáng ngày 26.5, thi thể của em N.T.K được đưa về nhà trong nỗi đau tột cùng của gia đình. Mẹ của K. chỉ vừa sinh con được 3 ngày, vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chị được đưa về nhà bằng băng ca, phải có bác sĩ, y tá đi theo chăm sóc và thường xuyên ngất xỉu trong đám tang của con mình.
Chỉ cách vài căn nhà của K., em V.T.H, học cùng lớp và là bạn thân của K. cũng thẫn thờ, đeo băng tay trắng toát, vừa từ bệnh viện về.
Có thể thấy, sau nỗi đau này, H. và những bạn có mặt tại hiện trường sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết sẽ cố gắng hết sức để ổn định tâm lý không chỉ của HS mà cả giáo viên. Tại trường có chuyên viên tâm lý, sẽ kết nối ngay để tư vấn cho các em trong trường, giáo viên cũng sẽ sát cánh với các em. Nếu có trường hợp ảnh hưởng tâm lý khó khăn hơn, Phòng GD-ĐT Q.3 sẽ nhờ đến các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp hỗ trợ. Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, các em chắc chắn sẽ bị chấn thương về tâm lý nên việc ổn định tâm lý cho các HS này là điều cần phải làm.
Chiều 26.5, nhiều lãnh đạo của TP.HCM đã đến nhà của HS tử vong để động viên và chia buồn cùng gia đình. Đến thăm gia đình cháu N.T.K (12 tuổi, HS tử vong tại Trường THCS Bạch Đằng) có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các cơ quan ban ngành địa phương.
Tại buổi viếng, ông Nguyễn Thiện Nhân gửi lời thăm hỏi đến gia đình cháu K., đồng thời động viên gia đình cháu sớm vượt qua nỗi đau không gì bù đắp được. Chia sẻ cùng gia đình, ông Nhân cho rằng đây là sự việc không may và lãnh đạo thành phố rất chia sẻ với mất mát lớn của gia đình.
Phạm Hữu - Đăng Nguyên
Đồng loạt rà soát cây xanh trong trường học
Về việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong trường học, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, lãnh đạo các trường tại TP.HCM đều cho biết có phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ...
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết mỗi năm nhà trường dành khoản ngân sách cho việc chăm sóc, quản lý cây xanh trong trường. Thông thường vào đầu mùa mưa khoảng đầu tháng 3, nhà trường ký hợp đồng với bên công ty cây xanh cung ứng dịch vụ đến kiểm tra, mé nhánh, xử lý cây bị sâu mà mắt thường, không có chuyên môn không thể phát hiện. Sau sự cố tại Trường THCS Bạch Đằng, nhà trường rà soát lại không chỉ cây xanh mà cả các điều kiện cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho hay sân trường hầu hết đều có cây xanh, đặc biệt những trường tồn tại lâu đời thì cây xanh đều có tuổi đời cao. Vì vậy, từ tháng 3, theo văn bản triển khai của Sở, của phòng, trường đã phối hợp với bên dịch vụ thực hiện việc tỉa cành, cắt nhánh, kiểm tra gốc, rễ... Đồng thời, để đảm bảo an toàn thì trong nhà trường còn lưu ý đến các máng xối, cống thoát nước, kệ, tủ, hệ thống bảng treo, đèn điện để đảm bảo an toàn cho HS.
Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cũng nói khuôn viên trường có khá nhiều cây xanh, trong đó có những cây tuổi đời cao, thân cây đến 2 vòng tay của 2 HS ôm mới xuể. Vì vậy, hằng năm trường đều nhờ nhân viên cây xanh đến kiểm tra hiện trạng và xử lý trước khi thời tiết bước vào mùa mưa.
Bà Giang nói thêm trong thời gian HS nghỉ tết, thời tiết khô ráo nhưng một cây xanh trong trường cũng bất ngờ gãy đổ, dù thân ngoài không thấy sự bất thường nhưng bên trong thì mối ăn mục hết. Sau đó, trường phải tiến hành cưa thêm 2 cây để phòng tránh tình huống nguy hiểm. Vì vậy, việc quản lý cây xanh, đặc biệt cây có tuổi đời cao, cây lâu năm phải cần người có chuyên môn và ngay trong ngày hôm nay, trường rà soát lại các vấn đề an toàn cho HS.
Về việc cây phượng vĩ thường được trồng ở khuôn viên trường học, mà loại cây này hay mục, rỗng gốc, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, cho rằng các trường học, đơn vị trồng loại cây này nên thuê đơn vị có chức năng thường xuyên khảo sát đánh giá, xem tuổi thọ của cây, xem xét hạ tầng khu vực đảm bảo cây sinh trưởng, đồng thời có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc đốn hạ nếu như cây bị sam mục, cây nghiêng nguy hiểm.
Trong buổi họp báo chiều ngày 26.5, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là bài học cho toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn trong trường học. Trong vài ngày tới, Sở sẽ chỉ đạo các trường phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm tra cây xanh.
1 học sinh tử vong, nhiều học sinh bị thương vì cây phượng trong trường bật gốc ngã
Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 9 Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi riêng tại trường với 2 môn năng khiếu. Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM - MINH LUÂN Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vừa thông báo phương án tuyển sinh năm 2020, trong đó trường tổ chức kỳ thi riêng 2 môn...