Hội chứng “học sẵn” của một bộ phận teen lười biếng
Từ khi công nghệ thông tin bùng nổ, teen mình có một kho kiến thức khổng lồ, phong phú luôn cập nhật thường xuyên trên internet, không cần lúc nào cũng ngồi vào máy tính, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet được thôi là bất cứ mọi lúc mọi nơi, teen đều có thể có thể tìm được bất kì kiến thức nào thuộc mọi lĩnh vực một cách nhanh chóng và chưa bao giờ dễ dàng hơn thế.
Nếu chỉ làm tài liệu tham khảo thôi thì thật là đáng khuyến khích và phát huy, thế nhưng nhiều teen quen “ăn sẵn” lười biếng lại lấy luôn tài liệu đó để chép vào bài của mình, tiện lợi nhưng lại gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Cứ thế mà chép!
Với khối lượng bài tập, công việc đồ sộ hàng ngày, teen mình chỉ còn nước vắt chân lên cổ mà chạy. Thế mà bài tập chưa xong, lại thêm rất nhiều tài liệu cần sưu tầm, các bài thi viết như là: “Hà Nội trong trái tim em”, “Dòng sông quê hương”, viết thư UPU, các loại báo tường, tập san…Với những teen không có thời giờ, lười viết văn, mà biết rằng dù có cố gắng viết thì bài của mình cũng không được đánh giá cao, chỉ làm cho có lệ thôi, các bạn ấy đã chọn cách lên Google search rồi in ra, hoặc cùng lắm là chép ra cho tiện. Thậm chí đến cả những bài văn, bài tập sinh học, công nghệ…cũng được các bạn sao chép từ internet xuống luôn.
H.Tùng (lớp 11, trường THPT ĐĐ) là một “tay chép” có tiếng, cứ bài tập nào có trên mạng là Tùng lại search trên Google rất nhanh rồi chép, ở trường cũng như ở nhà. Còn những bài sưu tầm thì Tùng chỉ việc in ra rồi vô tư điền tên mình vào thôi. Khi ở nhà, bố mẹ không biết cứ thấy Tùng chăm chỉ học bài trên máy tính thì cũng rất hài lòng, cậu bạn nài nỉ bố mẹ mua cho chiếc điện thoại xịn kết nối internet để dùng ở lớp. Thậm chí trong giờ kiểm tra văn, sinh, công nghệ…Tùng chẳng cần học bài, cứ search trên điện thoại ra rồi tha hồ chép thôi, điện thoại nhỏ gọn nên thầy cô cũng không phát hiện ra, mà lỡ có phát hiện ra thì Tùng “chữa cháy” bằng cách nói con đang xem đồng hồ, thế là chẳng thầy cô nào bắt bí được nữa, vừa chất lượng lại vừa đơn giản” – Tùng nói.
Cũng có những “sự cố” nho nhỏ khi không có tài liệu nào thì Tùng lại dùng điện thoại nhắn tin hỏi bài bạn bè lớp khác, trường khác. Trong một thời gian ngắn, Tùng chẳng cần phải học mà điểm số cứ tăng vọt, gây hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác cho bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè.
H.Lan (lớp 10, THPT N.) chia sẻ: “Bây giờ đi học, bài tập ngày càng nhiều, nhiều khi không làm kịp thì tớ vẫn search trên mạng về chép cho đỡ nhọc công, đọc lại là mình hiểu ngay ý mà. Còn riêng môn Văn thì tớ không học đuợc, tớ kém Văn lắm, nên là trên mạng rất nhiều bài văn viết hay được post lên vô số, mình có chép thì cũng chẳng ai biết mà phát hiện ra được, vừa điểm cao vừa dễ dàng. Các bài tập sưu tầm, thi viết, tham luận, báo cáo…thì tớ và bạn bè đều làm cách search trên mạng rồi in, chứ làm sao mà có thời gian ngồi viết mấy cái đấy được, tốn thời gian mà chẳng được ích lợi gì”.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Dở khóc dở cười
Video đang HOT
Đành rằng teen mình có rất nhiều bài tập, nhiều công việc phải làm ngoài việc học, nhưng nếu teen nào cũng cứ không trung thực, đi sao chép của người khác rồi hồn nhiên nhận đó là của mình, thì thế giới học đường này sẽ như thế nào? Chưa nói đến việc vi phạm bản quyền rồi những chuyện rắc rối khác. Và cứ thử nhìn lại mà xem, nếu bạn làm như vậy, bạn có để cho lương tâm mình được thanh thản không. Đành rằng những bài tập sưu tầm, hay những bài viết dự thi bạn chỉ cần làm cho có, để lớp không bị trừ điểm, copy ở đâu về không quan trọng, miễn là đủ bài là được, thì đành chấp nhận vậy, nhưng còn những bài tập chấm điểm, thì teen làm như vậy thì đúng là sai rồi.
Cậu bạn H.Tùng không thể lừa dối mọi người mãi được, có lần khi Tùng đang search Văn mẫu trên mạng trong điện thoại, thì điện thoại bỗng dưng hết pin, Tùng chẳng làm gì được nữa. Chưa kể Tùng bị thầy giám thị bên ngoài cửa sổ để ý là cầm điện thoại trong giờ kiểm tra rất lâu, thế là Tùng bị bắt lên phòng giám thị. Từ đấy Tùng luôn bị để ý trong giờ kiểm tra, không thể chép gì được nữa, cậu chàng cũng phải từ bỏ cái thói quen chép bài đi.
Còn cô bạn H.Lan hay chép bài trên mạng, mọi lần Lan chỉ chép bài trên những forum bài do teen tự viết ra rồi chia sẻ với nhau, nhưng có lần Lan muốn bài hay, lại chép trên 1 website dạy học, ai ngờ đâu lại chép trúng bài văn do cô giáo Lan viết ra được chọn làm bài văn mẫu. Hic hic thế là cô nàng được một phen bẽ bàng, may mà đây là lần đầu tiên nên cô không nói với cả lớp mà chỉ gặp riêng để nói chuyện với Lan mà thôi.
Kết
Có thể bạn chép bài lúc này và được điểm cao trước mắt, nhưng đến khi thi Đại học thì bạn sẽ không có cách nào để chép ở đâu được nữa, và chắc chắn khi đó sự hối hận đã quá muộn màng. Chính vì vậy, hãy thành thật với chính mình, dù có ở hoàn cảnh nào đi nữa teen nhé!
Những thói quen xấu đẩy lùi việc học
Có những thói quen vô hình tồn tại trong lối sống của teen, khiến việc học của teen ngày càng đi xuống. Tất nhiên, đây không phải toàn bộ những thói quen teen có, nhưng nó là một trong những thói quen nổi bật, dễ thấy ở tuổi teen...
Thói cẩu thả
Nếu ép một teen lúc nào cũng phải từ tốn và cẩn thận thì đúng là chẳng khác gì bảo teen "bắc thang lên hỏi ông trời". Ở cái tuổi teen, lúc nào con người ta cũng có chút gì đó vội vã, bồng bột và nhất là hay "cẩu thả " trong mọi việc. Nhưng chính thói quen đó là một tác động không nhỏ đến việc học của teen.
Một bài toán tưởng chừng rất đơn giản, với những phép toán cộng trừ nhân chia rất đỗi bình thường, nhưng chỉ thiếu tính cẩn thận một chút thôi là "sai một ly, đi một dặm". Minh Quân, 17t, trường LTV, ngậm ngùi tiếc nuối vì đã quá cẩu thả trong bái kiểm tra vừa qua, anh chàng cho biết: "Vì quá tự tin, cho rằng bài quá dễ, nên lúc làm bài xong mình đã không thèm kiểm tra lại. Cuối cùng, đến gần hết giờ, mình mới phát hiện do quá ẩu, đã tính nhầm ngay bước đầu tiên, nhưng lúc đó thì không còn kịp để sửa lại nữa...."
Hay trong bài tập đòi hỏi tính kiên nhẫn và cẩn thận, các teen chúng ta lại muốn rút gọn các bước và mau đi đến đáp số. Nhiều teen rút gọn "tất tần tật" những gì có thể rút gọn được. Nhưng đó không phải thông minh, chính vì những sự cẩu thả như vậy lại khiến teen bỏ ra bao công sức nhưng lại chẳng thu được gì.
Hãy nhớ, các thầy cô luôn chấm điểm dựa theo đáp số và quá trình thực hiện. Nếu teen biết cách làm, nhưng lại làm ẩu và không đủ các bước theo yêu cầu, hay trình bày không rõ ràng, thì cũng không đạt được điểm tối đa đâu teen nhé. Tất nhiên là giữa hai bài làm, một bài làm đầy đủ, công phu và đủ các bước theo yêu cầu, với một bài chỉ có kết quả, thì không thể nào cho hai bài một thang điểm giống nhau được.
Đôi khi bản thân teen nghĩ rằng lúc học ở nhà, học thêm thì cẩu thả tí, làm sai tí, điểm thấp tí cũng không sao. Teen nghĩ rằng khi đi thi hay kiểm tra teen sẽ cố gắng cẩn thận hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn không đơn giản như thế, những gì đã hình thành thói quen thì khó có thể sửa được. Có những lúc teen muốn cẩn thận, nhưng do thói quen cẩu thả đã hình thành, không thể thay đổi đơn giản trong phút chốc, thế là "tiêu tùng"...
Thói lười biếng
Sau cả ngày đi học về, hết học chính thức rồi lại đi học thêm, vùi đầu vào việc học đến mức ngán ngẩm, chuyện teen nhìn đến sách là "đổ lười" cũng có thể hiểu được phần nào. Nhưng lười biếng chính là yếu tố khiến cho việc học của teen ngày càng trở nên "nguy hiểm". Tất nhiên, chẳng cần so sánh cũng biết, một học sinh cần cù, chăm chỉ, luôn đạt thành tích tốt hơn một học sinh lười biếng.
Khi teen trở nên lười biếng, teen sẽ làm việc một cách thờ ơ, không rõ ràng hay làm việc gì cũng lừng khừng, chờ đợi. Như trường hợp của Quốc Việt, 16t , biết mình vốn thông minh, nên anh chàng dành rất ít thời gian cho việc học. Việt luôn nghĩ rằng mình chỉ " iếc sơ là nhớ" , nên thời gian dành cho việc học của anh chàng chẳng được bao nhiêu. Riết rồi Việt cứ "nhìn thấy sách vớ là ngán". Đến khi chợt nhận ra, cái thông minh của mình không thể phát huy được nếu "quá làm biếng " thì anh chàng mới tìm cách " luyện siêng " trở lại. Nhưng quá trình luyện tập ấy cũng chẳng mấy dễ dàng.
Người xưa có câu "Nhàn cư vi bất thiện", khi teen lười biếng trong việc học, nó sẽ trở thành một thói quen ăn sâu vào cuộc sống sau này của teen. Và khi người ta quá "nhàn cư" thì cái "vi , tức hành động" dễ sa ngã vào những việc xấu. Nói đơn giản hơn như trong giờ kiểm tra, nếu teen vì một lí do nào đó không thuộc bài, có thể teen sẽ suy nghĩ đên việc "quay bài". Đó là một hành vi không tốt vì làm được một lần, teen có thể làm thêm 2-3 lần sau thế nữa.
Hay chỉ bắt đầu từ những bài tập về nhà, teen nghĩ rằng không làm cũng không sao vì cho rằng nó không mấy quan trọng. Hoặc bài tập quá nhiều nên teen "buông xuôi", cứ thế, 1 lần rồi 2-3 lần, nó vô tình trở thành thói quen cứ nhìn thấy học là lười...Ngay lúc còn có thể, thì hãy cố gắng "luyện siêng" vì lười biếng là con virut tấn công cực nhanh vào thói quen của teen, khó chữa trị lắm đấy!
Thói quen khất lần
Bất kì ai khi gặp khó khăn thì cũng có thể "nản chí", vì vậy nhân gian hay nói vui rằng "gian nan bắt đầu nản". Chỉ nói đến việc chép bài trên lớp, Do quá mệt, đôi khi do "lười lười" nên teen thường hay khất lần "thôi để về nhà chép", đến khi về nhà lại "thôi mai lên lớp chép" .Thế là hết lần này đến lần khác, bài vẫn chưa chép...
Thói quen xấu này sẽ làm tiêu hao đi tinh thần phấn đấu của teen. Ngay khi teen đưa ra một quyết định sẽ cố gắng phấn đấu cho một việc gì đó, hay cố gắng đạt điểm cao trong môn học nào đó. Nhưng nếu cứ khất lần khất lượt "thôi để lần sau ", thì chẳng biết bao giờ sự quyết tâm của teen mới đi được đến đích....
Thói quen "thờ ơ"
Thói quen này nổi trội nhất ở các teenboy. Mỗi khi được thầy cô giao cho bài tập về nhà, dù bài tập chất cao như núi, nhưng đến 60% các teenboy sẵn sàng chọn giải pháp đi đá banh với " lũ" hàng xóm sau đó mới về nhà làm bài. Đôi khi đá banh về quá mệt rồi lại "thôi , kệ đời, mai lên lớp tính".
Không chỉ thờ ơ với bài tập, các teenboy đa phần không cảm thấy "đau lòng " mỗi khi bị điểm thấp như các teengirl. Nỗi buồn chỉ "chan chứa" một lúc rồi lại thôi, không như các teengirl có thể "ăn không ngon, ngủ không yên" vì một điểm thấp.
Tuy vậy, không chỉ riêng các teenboy, các teengirl đôi khi cũng thờ ơ với kết quả học tập của mình. Nhưng tính về số lượng, thì không thể "dầy đặc" như các teenboy được. Một số teen nghĩ rằng đó là "sống đơn giản, không lo lắng", nhưng hoàn toàn không phải vậy đâu teen nhé. Khi teen thờ ơ với việc học, là teen đang thờ ơ với những việc ảnh hưởng đến bản thân. Bên cạnh đó, không riêng gì việc học, teen rất dễ mắc vào những việc làm sai trái hay lại rơi vào những trường hợp ngoài ý muốn nếu tiếp tục có lối sống thờ ơ.
Vì vậy, ngay từ hôm nay, chớ thờ ơ với học tập hay kết quả của bản thân, teen cần xác định lại xem mình đã vấp phải những điều gì để sửa chữa trong tương lai mới mau tiến bộ được.
Kết
Con đường học tập chính là con đường khổ luyện giúp chúng ta vững chắc bước vào đời. Không đơn giản rằng chúng ta đến trường để học kiến thức, để có bằng cấp mà chúng ta đang đến trường để học tập cách sống và rèn luyện nhân cách nữa. Vì vậy dù vẫn đang ngồi trong hàng ghế nhà trường, các teen hãy cố gắng rèn luyện cho mình những thói quen tốt. Đừng để những thói quen tưởng chừng vô hại, lại ảnh hưởng đến tương lai và cuộc sống của teen sau này, teen nhé...