‘Học xong lớp 9 vào trường nghề là xu hướng ở nhiều nước’
Ông Vũ Xuân Hùng – Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – cho biết như vậy khi đề cập vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
“Em đã học xong lớp 9 có nên học nghề hay không?”, “Học xong lớp 9 nên học nghề hay học tiếp phổ thông?”, “Học xong lớp 9 học nghề gì?… là nhiều câu hỏi của học sinh trong các buổi tư vấn hướng nghiệp.
Nghề lập trình viên được nhiều học sinh lựa chọn.
Nhiều lựa chọn sau khi học xong lớp 9
Điều 61 của Bộ Luật Lao Động 2012 quy định: “Người học nghề và tập nghề phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định”.
Học sinh đủ 14 tuổi trở lên hoàn toàn có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp bản thân để lập nghiệp từ sớm. Tuy nhiên, nhiều gia đình, học sinh còn lo lắng khi độ tuổi này, các em chưa có nhiều kỹ năng tự lập.
Sau khi học xong hệ THCS, học sinh có lựa chọn cơ bản: Học THPT, bổ túc văn hóa hoặc trung cấp. Với cách thức nào, các em đều có thể học tiếp lên cao đẳng và đại học. Điều này phụ thuộc kinh tế gia đình và lựa chọn của từng cá nhân. Những học sinh học trung cấp sẽ gia nhập thị trường lao động sớm, có việc làm và thu nhập.
Một trong những ngôi trường nhận học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 là Cao đẳng Công Nghệ Thông Tin TP.HCM. Đại diện nhà trường cho biết tỷ lệ học viên có việc làm sau tốt nghiệp là 97,7%. Trường cấp bằng chính quy, nhiều em ra trường có thu nhập khá khi mới 19 tuổi.
Đầu bếp là lựa chọn hấp dẫn khi học nghề.
Tiết kiệm ngân sách, giảm gánh nặng cho xã hội
Theo ông Vũ Xuân Hùng – Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – phân luồng học sinh sau THCS là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện.
Video đang HOT
Ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ học sinh sau trung học tham gia giáo dục nghề nghiệp cao do nhu cầu việc làm và hệ thống giáo dục liên thông linh hoạt.
Bên cạnh đó, ở một số nước, số học sinh tuổi 17 hoặc 18 không vào được đại học hoặc cao đẳng nhưng không được chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, gây khó khăn cho xã hội.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THCS, những học sinh này, nếu được đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ tiết kiệm rất lớn ngân sách, giảm gánh nặng cho xã hội.
Nhiều quốc gia cũng đang đa dạng hóa các loại hình và hình thức cung cấp giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện thu hút học sinh học nghề.
Bên cạnh đó, người học rất quan tâm việc học lên trình độ cao hơn. Ở nhiều nước, chính sách liên thông cho phép người học được lên những bậc học cao hơn. Họ không phải học lại kiến thức và kỹ năng ở bậc học dưới.
Các ngành Quản trị khách sạn, Hướng dẫn du lịch, Quản trị giải trí, Quản trị bếp Ẩm thực hiện rất “khát” nhân lực. Ảnh: Trung cấp nghề Việt Giao.
Ví dụ, Isarel cho phép sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp tham gia kỳ thi THPT cuối cấp để vào đại học. Ở Thụy Điển, người theo học chương trình dạy nghề được tham gia các khóa học bổ sung để phân loại sinh viên vào một số trường đại học.
Điều đó cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sử dụng nguồn lực một cách thông minh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay tại các nước phát triển như Đức, Nhật hoặc Australia, nhiều gia đình quan tâm việc cho con em học nghề sớm. Đó cũng là con đường để tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước.
Đơn cử, Nhật Bản có mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 để có kỹ sư thực hành. Hiệp hội 51 trường cao đẳng công nghệ Kosen là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình và doanh nghiệp. Ra trường, 100% học viên có việc làm với thu nhập cao.
Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề. Hiện nay, con số này mới chỉ đạt 15%.
Theo Zing
Cần lắm chương trình tư vấn hướng nghiệp dài hơi
Chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai đã đi đến hơn 50 trường THPT trên toàn tỉnh. Trên 25 ngàn học sinh lớp 12 được tiếp cận thông tin.
Đối với đa số học sinh, chương trình đã giải tỏa "cơn khát" hướng nghiệp mà các em đang mong chờ, nhất là trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp ở năm học cuối cấp.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) đặt nhiều câu hỏi trong chương trình tư vấn hướng nghiệp mới đây. Ảnh: H.Yến
Chương trình do Sở GD-ĐT và Báo Giáo dục TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, được thực hiện từ ngày 23-9 đến 20-10.
* Mơ hồ trong lựa chọn ngành nghề
Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế chia sẻ: "Mặc dù năm nay chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức ngay từ đầu năm học nhưng theo tôi đây vẫn là biện pháp "chữa cháy" nhằm giúp học sinh có được một lượng thông tin, hiểu biết nhất định để giảm bớt việc lựa chọn ngành nghề sai, không bỏ học giữa chừng ở bậc học cao hơn... Về lâu dài, chúng ta cần có một chương trình hướng nghiệp dài hơi ở trường phổ thông sao cho khi lên lớp 10, 11 thì học sinh đã chọn ngành rồi. Lúc này, nhà trường chỉ hướng dẫn cơ bản cho các em về hệ thống đào tạo chứ không còn phải làm hướng nghiệp nữa".
"Thưa thầy, em cung Cự Giải thì nên chọn ngành gì?", "Em là người ưa nổi loạn, vậy em phù hợp với nghề gì?", "Em thích ngành quản trị kinh doanh nhưng bố mẹ lại muốn em học nghề kế toán, vậy em nên học ngành nào?"... Đó là ba trong số rất nhiều câu hỏi mà học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) đặt ra cho ban tư vấn hướng nghiệp trong chương trình tư vấn tại trường này.
Đây không phải là những câu hỏi xa lạ với những người làm công tác hướng nghiệp. Những thắc mắc hay gặp nhất của học sinh là: mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong lựa chọn nghề nghiệp, sự phân vân khi phải chọn giữa các ngành nghề. Có muôn vàn câu hỏi khác nhau, nhưng đa số đều cho thấy sự mơ hồ của học sinh trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Theo ông Đỗ Văn Sự, chuyên gia tâm lý của chương trình tư vấn hướng nghiệp, hiện nay rất nhiều học sinh lớp 12 đang gặp bất ổn về tâm lý trong lựa chọn nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ nét qua sự chi phối của gia đình, xã hội, bạn bè và các yếu tố rối nhiễu của thời buổi công nghệ hiện đại. Bản thân học sinh phải đưa ra quyết định trong bối cảnh chịu áp lực bởi nhiều luồng thông tin như vậy thì sẽ khó có thể đưa ra quyết định một cách chính xác, rõ ràng. Thậm chí, sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh lại bị lệ thuộc bởi những áp đặt của người khác.
TS.Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của học sinh trong việc chọn nghề là các em không đủ thông tin để tìm ra ngành nghề phù hợp với bản thân mình và chưa tự chủ trong việc tự hướng nghiệp ở phổ thông.
Hiện nay, đa phần học sinh đang chọn trường (theo điểm học tập) hơn là chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Những chương trình tư vấn hướng nghiệp đa phần không thể thỏa mãn hết được những băn khoăn, thắc mắc của học sinh. Nhiều em không đủ tự tin để đặt câu hỏi. Thậm chí với thời gian ít ỏi của một chương trình tư vấn, các chuyên gia cũng không có đủ thời gian để trả lời hết câu hỏi mà học sinh đặt ra.
Em Chu Ngọc Anh, lớp 12A9 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) thừa nhận: "Bản thân em đang gặp khó khăn trong chọn nghề. Em bị yếu một trong 3 môn thuộc khối xét tuyển đại học nên không biết mình có nên tiếp tục theo đuổi hay không. Em rất cần những buổi tư vấn hướng nghiệp để có thể hiểu thêm được nhiều ngành nghề, từ đó có thể chọn được những ngành hợp với bản thân mình".
* Chưa để ý phần "gốc"
Nếu ví việc hướng nghiệp như một cái cây thì các học sinh hiện chỉ quan tâm đến phần ngọn để hái quả chứ không quan tâm phần gốc rễ của cây. Theo đó, khi đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấn, học sinh chỉ quan tâm về mức thu nhập, công việc trong tương lai mà "quên" đặt câu hỏi về những thứ cần phải xây dựng trước. Đó là kỹ năng, sở trường, yêu cầu bắt buộc phải có để đáp ứng được công việc mà mình lựa chọn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết, trong chương trình tư vấn, đa phần học sinh cứ quanh quẩn hỏi ngành nghề nào tạo ra thu nhập cao, dễ có việc làm, những trường nào dạy giỏi. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình thì các em hầu như không quan tâm.
Bên cạnh đó, học sinh cũng chỉ để ý đến bậc đại học mà "ngó lơ" các bậc học khác như: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, trong khi không phải ai cũng đủ năng lực để học đại học.
"Các em cũng không tính toán xem mình sẽ làm việc ở đâu. Tôi vẫn thường nói rằng các em là người Đồng Nai thì nên suy nghĩ xem nhu cầu nhân lực trong tương lai ở Đồng Nai là gì để có thể làm việc tại chỗ. Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Tôi nghĩ rằng công tác hướng nghiệp ở địa phương cần lưu ý quảng bá nhiều hơn đến nhu cầu lao động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai để học sinh lựa chọn nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu ở địa phương" - ông Tuấn cho hay.
* Tiếp cận thông tin chính thống
Hiện nay, học sinh có rất nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về công tác hướng nghiệp, đặc biệt là các thông tin trên internet. Những thông tin này cung cấp cho học sinh những thông tin đa dạng, nhiều chiều. Tuy vậy, nếu không biết cách tìm hiểu thông tin, các em có thể bị lạc trong chính rừng thông tin đa chiều đó và sẽ đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Vì vậy, điều cần thiết là học sinh phải biết sàng lọc thông tin, thiết lập được "màng chắn" để miễn nhiễm với những thông tin gây rối nhiễu, chọn được những thông tin cần thiết... Cách an toàn nhất là tìm thông tin từ các trang báo, trang mạng chính thống, có uy tín.
Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Sở GD-ĐT nên có một chuyên trang riêng về hướng nghiệp. Trang này sẽ cập nhật các thông tin chính thống về định hướng nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ chuyên gia để viết bài, tư vấn trực tiếp. Việc hướng nghiệp dài hơi rất cần "bàn tay" của Sở GD-ĐT.
Các chương trình tư vấn hướng nghiệp trực tiếp thường có sự đồng hành của các trường đại học, cao đẳng bởi vì những đơn vị này mới có các chuyên gia hiểu sâu về các ngành đào tạo. Tuy vậy, trong khâu tổ chức cần có sự kiểm soát về mặt nội dung để đảm bảo thông tin đến với học sinh một cách khách quan nhất.
Về phía các trường phổ thông, cần phải xây dựng chương trình trải nghiệm, giúp các em khám phá bản thân. Sau đó phải có bộ phận tư vấn để các em thấy bản thân mình có phù hợp với ngành nghề mình đã chọn hay không.
Về phía học sinh, các em cũng phải tự hướng nghiệp. Điều này không quá khó. Mỗi ngày, các em có thể tự đặt ra cho mình để xem cái mình yêu thích có phải thực sự là niềm đam mê không, các em có đủ sức làm hay không? Sau khi đặt ra câu hỏi cho chính mình, học sinh phải tự tìm hiểu trước, sau đó gặp gỡ thầy cô, bạn bè và tìm đến các chuyên gia để tham vấn.
Hải Yến
Theo baodongnai
Đào tạo 9+4: Thêm cơ hội phân luồng học sinh Tại Đồng Nai, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình đào tạo 9 4. Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, vừa học nghề hệ cao đẳng. Học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 4 tại Trường cao đẳng...