Học từ những chương trình giao lưu quốc tế
Đi nước ngoài miễn phí, được trau dồi tiếng Anh, rèn luyện góc nhìn đa chiều, cạnh tranh… là những lý do khiến nhiều bạn trẻ đăng ký chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế.
Mỗi chuyến đi là một bài học từ cuộc sống. Tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu quốc tế, người trẻ tiếp xúc với thế giới để mở mang đầu óc, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, kiến thức và hành vi.
Những chuyến đi đầy cơ hội
Trong năm 2015, Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1994) có bốn chuyến xuất ngoại đến Australia, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Trong đó, Bảo tham dự ba hội nghị quốc tế. Ban tổ chức chương trình đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho chàng trai năng động.
Cũng chọn giao lưu quốc tế là cơ hội mở mang tầm mắt, Phạm Giang (SN 1991) từng tham gia nhiều chương trình như Loyola Exchange Program 2011-2012, Interfaith Summit 2012, JENESYS 2.0 2013, SSEAYP 2013, Vietnam Youth Model of United Nations 2014, Lifestyle of ASEAN – Korea Exhibition 2015.
Theo Giang, những điều quan sát về cuộc sống và xã hội ở nơi mình tới giúp có cái nhìn thực tế và sự trải nghiệm lý thú. Mỗi chuyến đi là bài học thực tế sinh động.
Nguyễn Vĩnh Bảo tại Hội nghị Sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ năm.
Trưởng thành trong những chuyến đi cũng là mong muốn của Lương Mạnh Hà (SN 1993). Sau một thời gian tự ti và hoài nghi về khả năng bản thân khi nhập học Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nam sinh yêu thích du lịch này mạnh dạn ứng tuyển vào các chương trình dành cho giới trẻ tại nước ngoài.
Sau đó, chàng trai Ngoại thương có cơ hội tham quan nhiều quốc gia khi dự các sự kiện Google Student Ambassador Program 2013 (Indonesia), CIMB Young Leaders’ Summit 2014 (Malaysia), International SOS Summit 2015 (Hoa Kỳ)…
Còn Vũ Thị Thanh Phát (SN 1994), đang học Đại học Luật Hà Nội và làm việc tại dự án Today’s Voice thuộc UNESCO – CEP lại chọn những chương trình hướng về cộng đồng ASEAN. Phát từng tham gia dự án Global Citizen – Sunshine 4 project (Indonesia). Gần đây, bạn trở thành đại diện Việt Nam cho chương trình Model ASEAN meeting tại Malaysia. Chương trình diễn ra dưới hình thức một kỳ họp thượng đỉnh ASEAN giả định.
Video đang HOT
Bài học kinh nghiệm đắt giá
Chỉ có trải nghiệm thực tế mới biết được khó khăn khi bắt tay vào đăng ký những chương trình giao lưu quốc tế. Những bước đơn giản như viết đơn đăng ký, tự làm CV cũng khiến các bạn sinh viên gặp khó khăn.
“Hầu hết chương trình chỉ nêu tiêu chí lựa chọn và mình phải thiết kế một bản CV riêng. Tại Việt Nam, sinh viên chưa được hướng dẫn và việc giới hạn số chữ sẽ khiến nhiều bạn lúng túng” – Thanh Phát chia sẻ.
Vĩnh Bảo thì cho rằng, việc một tuần nhận nhiều email báo không được chọn là chuyện bình thường. Bạn nên bổ sung những mặt chưa được và sửa chữa theo góp ý của những người đã đánh trượt mình. Điều quan trọng, theo Bảo, số lần thất bại sẽ tỷ lệ thuận với thành công.
Giang Phạm cũng từng không qua được vòng phỏng vấn SSEAYP năm 2012 nhưng đã kiên trì chuẩn bị kỹ càng hơn và trở thành đại diện Việt Nam nổi tiếng trên chuyến tàu năm 2013.
Giang chia sẻ thêm, việc đầu tư kỹ cho bài luận rất quan trọng. Những chương trình mà ban tổ chức đài thọ toàn bộ chi phí luôn có sự cạnh tranh lớn giữa các ứng viên, cần chuẩn bị tốt để không bất lợi khi phỏng vấn.
Còn Phan Trâm Anh (SN 1994), đại biểu Việt Nam cùng 74 lãnh đạo trẻ trên toàn thế giới, tham dự chương trình Trường học Mùa hè Liên Hợp Quốc năm 2015 tại New York, Mỹ, tâm sự, tham gia các chương trình giao lưu quốc tế, sinh viên là đại diện cho đất nước mình, phải có góc nhìn khác và năng lực cạnh tranh cao.
Trâm Anh đã xác định rõ tâm thế và chuẩn bị kỹ càng, tập trung cao độ, và thể hiện trưởng thành hơn trong nhận thức suốt hơn một tuần ở Mỹ.
Bạn Lương Mạnh Hà đưa ra lời khuyên “phải hiểu rõ về bản thân”. Trước hết, các bạn trẻ thử dành thời gian nhìn lại những việc mình từng làm, khám phá điều yêu thích hoặc thế mạnh của bản thân. Hà hiểu về mình thông qua bài trắc nghiệm tính cách, từ đó có thể đưa ra những định hướng phù hợp.
Là thời điểm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC, sự hội nhập của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, Hà cho rằng, mỗi người trẻ hoàn toàn có thể chọn cho mình một chương trình giao lưu quốc tế và giành cơ hội học hỏi kinh nghiệm.
“Tham dự những cuộc chơi lớn để biết mình là ai, đến và đang ở đâu, mình sẽ làm được gì để bớt ‘anh hùng bàn phím’ và ‘ảo tưởng sức mạnh’, từ đó hàng động nhiều hơn” – Thanh Phát nêu quan điểm.
Theo Zing
Năng lực giáo viên ngoại ngữ: Choáng và sốc
Tỷ lệ 100% giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học ở Phú Thọ không đạt chuẩn năm 2011 từng khiến các trường, cũng như chính bản thân thầy có sốc và choáng.
Trên 50% giáo viên tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc THCS và 73,88% cấp THPT chưa đạt chuẩn. Đó là con số được Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội thảo tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học này và hướng tới thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Hội thảo diễn ra sáng 22/1 tại Hà Nội.
Cô giáo và học sinh tiểu học trong giờ học. Ảnh minh họa: Infonet.
Gần 70% giáo viên chưa đạt chuẩn
Bà Phùng Thị Hoàng Yến, chuyên viên Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, năm 2011, khi đánh giá đội ngũ giáo viên tiếng Anh của tỉnh, 100% thầy cô không đạt chuẩn. Con số này khiến Sở, các trường, cũng như chính bản thân giáo viên sốc và choáng.
Ngay sau đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ tiến hành bồi dưỡng 400 tiết trên lớp, 300 tiết online cho giáo viên trong 3 tháng liền, không phải dạy học. Sở cũng yêu cầu đơn vị nhận bồi dưỡng phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá từng người, cũng như thái độ chuyên cần của giáo viên.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phó giám đốc sở GD&ĐT Bắc Giang chia sẻ, qua đợt khảo sát năm 2011, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của tỉnh rất thấp. Thậm chí, theo đại diện Vụ tiểu học, Bộ GD&ĐT, có địa phương số giáo viên đạt chuẩn chỉ đạt 5,7%.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý Cán bộ, Bộ GD&ĐT, thông tin, qua vài năm bồi dưỡng tích cực, đến tháng 7/2015, hơn 32% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Như vậy, khoảng 68% giáo viên dạy môn này chưa đạt chuẩn (trong đó riêng cấp tiểu học là 68,63%).
"Với số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng. Đây là khó khăn, rào cản lớn cho việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình tiếng Anh mới", bà Hồng nói.
Sẽ chuyển công tác giáo viên không "lên hạng"
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang rất quyết tâm trong việc nâng chuẩn cho giáo viên, dù gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nếu thầy cô được bồi dưỡng nhiều lần vẫn không đạt chuẩn, thì sẽ phải nhận nhiệm vụ khác.
Đề cập vấn đề đào tạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho rằng, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng, cần khảo sát lại để triển khai thực chất hơn. Còn bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Mỹ 1 (Hưng Yên) cho hay, giáo viên ngoại ngữ cấp tiểu học đang gặp phải hai vấn đề: Hết chỉ tiêu và tuyển dụng khó khăn.
Hiện, chỉ tiêu tuyển dụng các tỉnh đều không còn. "Nhiều giáo viên dạy tốt, có người gắn bó với ngành 10 năm nhưng không được vào biên chế nên đã chuyển việc", bà Thúy nói.
Khó khăn thứ hai là có chỉ tiêu thì tuyển dụng khó khăn vì yêu cầu thầy cô phải đạt trình độ B2. Trong khi đó, việc bồi dưỡng giáo viên còn bất cập (chủ yếu giáo viên xác định để lấy chứng chỉ), cán bộ quản lý không thể tự bồi dưỡng cho giáo viên của mình. Công tác tự bồi dưỡng chưa đạt hiệu quả cao vì thầy cô chưa xác định được động cơ, cũng như không có nhiều thời gian tự học.
Tuyển không đạt chuẩn, "chữa mãi" không xong
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định phải tuyển mới những người đạt yêu cầu. "Thời gian qua, chúng ta tuyển không đạt chuẩn, đến bây giờ 'chữa mãi' không xong", ông Hiển nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nếu không có giáo viên đảm bảo chất lượng thì không dạy, vì trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020, Bộ đã đề cập vấn đề này.
Đối với việc chuyển ngang giáo viên dạy từ chương trình cũ sang mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sẽ phải "bù dần" để nâng trình độ người dạy. Giáo viên đã tham gia bồi dưỡng nâng chuẩn là phải đạt.
Theo Zing
Giáo viên nghe, nói tiếng Anh ấm ớ Giáo viên dạy tiếng Anh không giao tiếp được bằng tiếng Anh nên chỉ chú trọng dạy đọc, viết. Học sinh không giao tiếp được tiếng Anh là tất yếu, đa số lên đại học phải học lại. Trao đổi với phóng viên về việc tại sao không chọn các trường sư phạm là đơn vị khảo sát, bồi dưỡng giáo viên (GV)...