Học từ 6h tạo thói quen tốt hay ép sinh viên bỏ tiết?
Nhiều người cho rằng xếp lịch học từ 6h khiến sinh viên dễ bỏ tiết học vì không dậy sớm được, trong khi không ít ý kiến khẳng định cách làm này tạo cho người trẻ thói quen tốt.
“Em thấy học từ 6h không thành vấn đề, vừa tạo thói quen dậy sớm vừa tránh tắc đường”, Tuấn Anh (sinh viên ĐH Sài Gòn) nêu quan điểm cá nhân về việc ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo lịch học tiết một từ 6h.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chung suy nghĩ như nam sinh. Nhiều người cho rằng việc học quá sớm sẽ khiến nhiều người bỏ tiết hoặc không đủ tỉnh táo để học.
Kỷ luật và siêng năng hơn
Đình Sơn (cựu sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết từ nhỏ, anh tạo thói quen dậy từ 5h, dù giờ vào học là 7h hay 8h. Sơn cho rằng việc thức dậy từ 5h để kịp vào học lúc 6h (như cách xếp lịch học của ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM) không hề khiến sinh viên mất ngủ, thiếu tỉnh táo. Thay vào đó, nó rèn cho họ tính kỷ luật, siêng năng.
“Vào học sớm, các em sẽ có thói quen đi ngủ sớm, tránh thức khuya, chơi bời tới 1h-2h, không tốt cho sức khỏe”, anh Sơn giải thích.
Nhiều người ủng hộ việc học từ 6h sáng như thông báo của ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM và khẳng định sinh viên hãy chăm chỉ hơn thay vì kêu ca. Ảnh: Hcmut.
Nguyễn Trường, cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM, kể hồi trước, anh cũng từng học từ 6h30. Ban đầu, sinh viên khó thích nghi nhưng sau một thời gian, mọi thứ trở nên bình thường.
Số lượng sinh viên vào lớp đúng giờ rất nhiều. Ai đến sớm thì được ngồi trong phòng. Đến 6h30, không ít sinh viên đã phải kê thêm bàn bên ngoài. Do đó, cựu nam sinh rất thông cảm khi trường phải xếp lịch tiết một từ 6h. Anh cho rằng nếu không phải bất đắc dĩ, trường cũng không lên lịch học sớm như vậy.
Ngoài ra, thông báo ghi rõ “không xếp thường xuyên” tiết học từ 6h-6h50. Trưởng phòng đào tạo cũng giải thích đây chỉ là khung giờ hoạt động của nhà trường, bộ phận giáo vụ xếp thời khóa biểu cho sinh viên sẽ lưu ý riêng. Tiết một bắt đầu lúc 6h nhưng thực tế trường sẽ không xếp lịch học của sinh viên vào tiết này. Thay vào đó, sinh viên sẽ vào học từ lúc 7h sáng.
Không chỉ những người đã trải qua năm tháng đại học, không ít sinh viên cũng đồng ý với việc bắt đầu giờ học từ lúc 6h.
Tuấn Anh, sinh viên ĐH Sài Gòn, thấy lạ khi nhiều người phản ứng mạnh với lịch học của ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nam sinh cho biết học 6h hay 7h cũng chỉ là thói quen. Việc học có nhiều khó khăn, trong đó có phải dậy sớm đến trường. “Nhiều người có thể cho rằng em nói suông vì trường mình không vào học sớm thế. Nhưng thực tế, ngày nào em cũng dậy từ 5h và đến trường sớm nhất có thể”, Tuấn Anh nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cậu bạn cho rằng giờ học này có thể gây khó khăn cho những bạn ở xa và không có phương tiện di chuyển. Dù vậy, nếu có thể, sinh viên nên học cách thích nghi thay vì phàn nàn.
Cùng quan điểm, Kim Chi, sinh viên CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng lịch học từ 6h có thể chấp nhận được. Chi từng gặp khó khăn khi phải dậy từ 5h để kịp lên trường điểm danh vào 6h. “Khi thành thói quen, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều”, nữ sinh nhận định.
Bỏ tiết hoặc không tập trung học
Ngược lại, nhiều người cảm thấy vào học từ 6h là “cực hình”. Để kịp giờ học, họ bắt buộc phải dậy từ 5h. Điều này thực sự là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với hàng loạt sinh viên vốn quen với lối sống “ cú đêm”.
Minh Lý, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định học từ 6h là điều không thể. Trường cô xếp lịch học từ 7h mà nhiều sinh viên còn chật vật mãi mới lên lớp đúng giờ. Nữ sinh tin chắc nếu không phải trường siết kỷ luật, số người đi học muộn, bỏ tiết chắc chắn không hề ít.
Nhiều sinh viên khẳng định học từ 6h sẽ rất khó cho những bạn ở xa. Ảnh: Sinh viên Bách khoa.
Lê Trang, sinh viên Học viện Hàng không, cho hay nhà cô ở Thủ Đức, TP.HCM. Hàng ngày, nữ sinh phải dậy từ 4h30 đến tầm 5h lên xe buýt mới kịp đến trường vào học 7h. Nếu trường bắt đầu học từ 6h, cô chắc chấp nhận bỏ tiết vì thực sự không thể dời lịch sinh hoạt lên sớm hơn được nữa.
Nhiều ý kiến không đồng tình việc học từ 6h sáng vì cho rằng giờ đó, sinh viên chưa đủ tỉnh táo để vào học.
“Tôi từng học từ 6h30, cảm thấy không tập trung nổi. Đi học mà không tập trung được, không hiểu nổi bài thì học làm gì?”, Mỹ Duyên, sinh viên ở Cần Thơ, lên tiếng.
Nguyễn Đại, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, cũng không ủng hộ việc lên lịch học từ 6h. Việc học quá sớm như vậy khiến sinh viên khó sắp xếp thời gian. Ngoài ra, đa số trường học theo tín chỉ, tức không phải ngày nào cũng phải học từ 6h. Do đó, rất khó tạo thói quen.
“Cả tuần quen với việc vào học từ 7h. Bỗng dưng một hôm phải dậy sớm hơn để vào học lúc 6h. Không phải sinh viên không chịu khó được mà là sự thay đổi này dễ gây ức chế”, nam sinh giải thích.
Cậu nói thêm số lượng giờ học không quan trọng bằng hiệu quả. Vì thế, dù khó khăn trong việc sắp xếp lịch học, trường cũng không nên đẩy lịch học lên tận 6h và kết thúc khi quá muộn như vậy.
Đức Huy, học sinh ở Hà Tĩnh, cũng hơi sốc trước khung giờ học của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Dù là học sinh cuối cấp, quen với việc thức khuya dậy sớm học bài, cậu vẫn cảm thấy mình không thể thích nghi nổi nếu trường yêu cầu vào học từ lúc 6h.
Với cậu, thức dậy tự học từ 6h khác hoàn toàn với việc trường bắt đầu học cũng vào giờ đó. Nam sinh giải thích đây là vấn đề tâm lý, một bên tự giác học, không ai ép hay giám sát, một bên phải thực hiện vì là quy định chung, mang cảm giác bị buộc phải học từ sớm.
“Em đang xem xét các nguyện vọng đại học. Nhưng giờ chắc em phải xem thêm liệu trường đăng ký học có bắt sinh viên phải vào học từ 6h không nữa”, Đức Huy nói.
Điều 4 Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ (gọi tắt là Quy chế 43) của Bộ GD&ĐT quy định:
“Thời gian hoạt động giảng dạy của trường được tính từ 8h đến 20h hàng ngày. Tùy theo tình hình thực tế của trường, hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian hoạt động giảng dạy của trường.
Tùy theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của trường, trưởng phòng đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp”.
Theo Zing
Sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM bức xúc vì phải học từ 6h sáng
Khung giờ giảng dạy mới của ĐH Bách khoa bắt đầu sớm nhất từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h10. Nhiều sinh viên cho rằng khung giờ giảng dạy này rất bất hợp lý.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa thông báo đổi khung giờ giảng dạy áp dụng từ học kỳ II năm học học 2018-2019.
Sinh viên bức xúc với khung giờ mới
Theo thông báo của trường, tiết một sẽ bắt đầu vào 6h sáng, tiết cuối cùng kéo dài đến 22h10. Các tiết học được sắp xếp liên tục cách nhau 10 phút, không có thời gian nghỉ giữa buổi.
Thông báo thay đổi khung giờ giảng dạy của ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Sinh viên Bách khoa.
Dưới thông báo của trường, nhiều sinh viên bức xúc với cách sắp xếp khung giờ dạy học. Đa số ý kiến cho rằng lịch trường sắp xếp không khoa học, thời gian bắt đầu tiết một quá sớm, sinh viên không sẵn sàng học tập, trong khi đó giờ nghỉ trưa chỉ có 10 phút (tiết 6 kết thúc lúc 11h50, tiết 7 bắt đầu lúc 12h).
"5h hơn, sinh viên phải dậy, trở thành như người nông dân thực sự. Con học ở thành phố có khi còn dậy sớm hơn cha mẹ", tài khoản MK Vo bình luận.
Bạn Thùy Trang Phan cho rằng: "Cần lời giải thích cho khung giờ học như vậy, theo mình hơi phi khoa học".
Phạm Hoài Thư, sinh viên năm thứ tư, khoa Quản lý Công nghiệp của trường, cho biết trước đây, tiết một bắt đầu lúc 6h30 đã là rất sớm so với các trường khác, bây giờ lại đổi thành 6h sẽ khó khăn cho cho những bạn ở xa hoặc ở cơ sở hai (Thủ Đức) lên cơ sở một (quận 10) học.
Tương tự, bạn Ngô Mạnh Thắng, sinh viên khoa Máy tính, cho hay: "Trường xếp giờ các tiết học liền nhau như vậy là không hợp lý, không có thầy cô lẫn sinh viên nào chịu nổi. Giờ học lại bắt đầu quá sớm, sinh viên có đúng giờ thì vào cũng gật gù ngủ".
Sẽ bắt đầu học lúc 7h
Chiều 18/10, trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay đó chỉ là khung giờ hoạt động của nhà trường, khi bộ phận giáo vụ sắp xếp thời khóa biểu cho sinh viên sẽ lưu ý riêng.
Cụ thể, ông Thắng thông tin tiết một của trường bắt đầu lúc 6h nhưng thực tế trường sẽ không xếp lịch học của sinh viên vào tiết này. Thay vào đó, sinh viên sẽ vào học từ lúc 7h sáng.
"Trường xếp tiết một 6h, tức là lúc đó các bộ phận đã sẵn sàng phục vụ sinh viên nếu cần, hoặc trong trường hợp bất khả kháng, khẩn cấp, nhà trường vẫn có thể điều động. Thời khóa biểu của sinh viên sẽ bắt đầu vào tiết 2, tức lúc 7h. Tương tự, tiết trễ nhất trong ngày cũng không được xếp vào thời khóa biểu của sinh viên", ông Thắng thông tin.
Theo lời của trưởng phòng đào tạo, từ học kỳ 2 của năm học này, tiết một trong thời khóa biểu của sinh viên sẽ bắt đầu lúc 7h thay vì 6h30 như trước đây.
Mặt khác, ông Thắng cho biết khung giờ giảng dạy được xếp liên tiếp nhau, giữa các tiết có 10 phút giải lao và không có thời gian nghỉ giữa các buổi, nhưng trên thực tế, sẽ không có sinh viên/giảng viên nào được xếp lịch học/dạy với các tiết liên tục nhau.
"Về mặt kỹ thuật, chúng tôi chia khung giờ giảng dạy liên tục và đều nhau, nhưng thời khóa biểu của mỗi sinh viên/giảng viên sẽ không có tiết học liên tục trong thời gian buổi trưa. Như vậy, các em sẽ cân nhắc chọn giờ học nào cho hợp lý và ăn, nghỉ trưa thế nào cho phù hợp", ông Thắng nói.
Thông tin thêm về cách chia khung giờ giảng dạy mới, đại diện ĐH Bách khoa TP.HCM hy vọng sinh viên chủ động lựa chọn, sắp xếp và dành nhiều thời gian tự học tại trường. Vì trên thực tế, một buổi học của sinh viên Bách khoa thường chỉ kéo dài 3-4 tiết, đôi khi chỉ 2 tiết. Sau đó, sinh viên sẽ làm bài tập, học nhóm hoặc nghỉ ngơi tại các phòng tự học của trường.
"Trước đây, sinh viên dồn sức học liền 6 tiết trong một buổi rồi nghỉ buổi chiều và những ngày sau đó, như thế sinh viên rất mệt mà lại tiếp thu không hiệu quả. Với cách chia khung giờ giảng dạy và thời khóa biểu thời gian tới, sinh viên sẽ luôn có mặt tại trường, học với bạn bè hoặc tự học trong điều kiện đầy đủ Wi-Fi và phòng tự học", ông Thắng chia sẻ.
Theo Zing
Bạn đọc viết: Người lớn càng kỳ vọng, áp lực học tập của con trẻ càng lớn Gần đây, cô bạn tôi thường phàn nàn về việc học tập của con. Từ ngày cậu con trai lên lớp 6, tối nào chị cũng phải kèm con học bài. Năm học mới chưa bao lâu nhưng đã thấy rõ áp lực học tập của con quá lớn, nếu so sánh với thời gian học tiểu học thì khác nhau "một trời...