Học trước chương trình, trẻ sớm… hết “vốn”
Với tâm lý để con không thu kém bạn bè, một số phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Thế nhưng “vốn liếng” đó của trẻ chỉ được thời gian đầu và sẽ sớm cạn kiệt so với các trẻ học đúng chương trình.
Điều này được các chuyên gia giáo dục khẳng định tại hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1″ diễn ra vào sáng 6/5 tại trường Quốc tế Việt Úc, TPHCM.
TS Trần Lan Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và HTQT trường CĐ Sư phạm TW, chuyên gia nghiên cứu trẻ em của Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều phụ huynh (PH) cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 vì họ ngộ nhận sự chuẩn bị là tập trung vào việc hình thành các kỹ năng học tập, những thứ cơ bản trẻ học ở lớp 1 như viết, đọc, đếm…
Nhiều phụ huynh quan tâm đến việc có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không.
Bà Hương cảnh báo: Trẻ không hào hứng và chưa “chín” về các kỹ năng như phát triển cơ tay nhỏ, khả năng tập trung… mà bị ép học thì các con chữ, chữ số sẽ trở thành nỗi sợ hãi của trẻ, điều này làm mất hứng thú học tập và thật sự không có lợi cho việc học tập lâu dài của trẻ.
Trẻ học trước chương trình có thể xảy ra rất nhiều bất lợi. Vì có một “số vốn” nhất định, trẻ sẽ chủ quan cho rằng mình biết rồi dẫn đến việc sẽ không năng tập trung chú ý. Mất khả năng này nên sau 2 – 3 tháng “hết vốn” phải đối mặt với nhiệm vụ học tập đã nghiêm túc và ổn định, trẻ sẽ rất khó khăn để bắt đầu rèn kỹ năng tập trung. Điều nguy hiểm hơn là trẻ học trước chương trình nhưng không đúng, đến khi sửa sẽ cực kỳ khó.
“PH không cần chạy đua với việc con mình biết trước chữ trước hay không. Quan trọng là tạo động cơ học cho trẻ và sát cánh cùng trẻ để giải quyết các khó khăn trẻ gặp phải trong những ngày đầu đến trường”, TS Trần Lan Hương chia sẻ
Video đang HOT
Bà Hương cũng cho hay sự chuẩn bị cần thiết cho trẻ vào lớp 1 là phát hiển các chức năng tâm sinh lý để đảm bảo cho việc học với 4 yếu tố: sẵn sàng về mặt thể chất, về cảm xúc và quan hệ xã hội, về mặt ngôn ngữ và về mặt nhận thức.
Việc chuẩn bị này cần sự phối hợp giữa trường mầm non có trách nhiệm thiết kế các hoạt động giúp trẻ đạt được các chuẩn phát triển theo độ tuổi, khả năng; gia đình phối hợp với nhà trường thực hiện những hoạt động để củng cố và phát triển những khả năng của con. Đặc biệt, trường tiểu học cần chuẩn bị môi trường học tập chất lượng và thân thiện để tiếp nhận trẻ.
Nói về tâm lý cho con học chữ trước của PH, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai – hiệu trưởng hệ thống trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, nguyên Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho hay có thời kỳ một số trường tiểu học thực hiện khảo sát HS vào lớp 1. Đây không phải là chủ trương của ngành mà do khi đó bậc mầm non chưa có chương trình chuẩn bị trẻ 5 tuổi tốt, còn các trường tiểu học lại thực hiện chưa đúng việc khảo sát.
Trẻ cần được phát triển cơ tay nhỏ trước khi thực hiện hoạt động viết chữ.
Điều đó dẫn đến nhiều PH tưởng lầm con biết chữ trước sẽ vào học thuận lợi. Nhưng họ không biết rằng, việc học chữ được dạy bởi những người không đúng chuyên môn là một nguy hại cho trẻ. Viết chữ là cả một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý, nhất là cơ tay nhỏ. Không đảm bảo các yếu tố này mà học viết chữ trước, chữ sẽ bị hư và rất khó chỉnh sửa. Thực tế cách đây vài năm, khi rộ phong trào cho con đi học chữ từ lúc mẫu giáo, khi vào lớp 1 chữ các em rất xấu. Nhiều em được dạy chữ bằng cách được đưa cho cuốn tập, cây viết cùng mẫu chữ rồi nằm bò lăn lê như tô màu, đồ chữ chứ không ngồi ngay ngắn đúng tư thế.
“Ở mẫu giáo chỉ ở mức độ làm quen với hoạt động tô vẽ để trẻ phát triển cơ tay. Còn hoạt động viết chỉ có thể thực hiện khi chắc các kỹ năng như ngồi thế nào, tay mắt làm sao, cơ thể phối hợp thế nào để đúng tư thế… Những kiến thức, kỹ năng này chỉ GV lớp 1 mới được trang bị để giúp các em làm quen dần dần khi đi học”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo nhà giáo này, để việc học của con thành công, việc chuẩn bị cho con trước khi vào lớp 1 là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, PH cần hiểu đúng sự chuẩn bị đó gồm các yếu tố về sức khỏe, ngôn ngữ, nhận thức, khả năng tự phục vụ… để giúp con sẵn sàng cho việc học cũng như các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô chứ không phải dạy trước chương trình cho trẻ.
Trước lo lắng của PH khi trẻ đi học, GV lớp 1 thường dạy trên “nền” các trẻ đã biết chữ, bà Mai cho rằng theo nguyên tắc, GV lớp 1 phải dạy từ khởi đầu. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường mầm non và trường tiểu học.
Hoài Nam
Theo dân trí
Không dạy trước chương trình cho trẻ 5 tuổi trong dịp hè
Các trường mầm non cần phải xây dựng kế hoạch ôn tập và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với độ tuổi. Tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi. Đối với trẻ 5 tuổi, không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kỳ hình thức nào.
Đó là một trong những quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội trong công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động hè cấp học mầm non năm 2012. Cũng theo công văn này, phụ huynh có con đang học ở trường có nhu cầu gửi con trong hè phải có đơn xin học hè. Nhà trường tuỳ theo điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên (GV), nhân viên, cơ sở vật chất... để xem xét việc tổ chức hoạt động hè.
Các trường tổ chức hoạt động hè báo cáo kế hoạch với phòng GD-ĐT. Việc tổ chức hoạt động hè được thực hiện khi phòng GD-ĐT đồng ý bằng văn bản. Các trường cần sắp xếp giảm bớt số cháu/lớp và bố trí cho GV được nghỉ hè. Ngoài ra cần phải quan tâm đến các chế độ đãi ngộ đối với GV đi làm hè.
Bố trí đủ giáo viên để thực hiện kế hoạch giáo dục một ngày theo nội dung chăm sóc giáo dục trong hè. Trong trường hợp thiếu giáo viên, nhà trường kí hợp đồng với những GV có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn của cấp học mầm non và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu các trường mầm non khi tổ chức hoạt động hè cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Cụ thể, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Khi phát hiện có nguy cơ gây mất an toàn phải có biện pháp khắc phục ngay. Đối với những đơn vị đang xây dựng, cải tạo, sửa chữa trường, lớp cần có giải pháp đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ. Tuyệt đối không trả trẻ cho người lạ khi không có sự uỷ quyền của cha mẹ trẻ. Làm tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh không để trẻ một mình đến trường và về nhà.
Ban giám hiệu các trường cần phân công, bố trí ít nhất 2 GV/1lớp theo đúng Điều lệ trường mầm non. Tuyệt đối không nhận trẻ khi trường, lớp chưa đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ.
Dịp hè cũng là thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh nên về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong hè được Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt quan tâm. Theo đó các trường mầm non thực hiện nghiêm túc quy chế chăm sóc, vệ sinh cho trẻ. Đối với những đơn vị có tổ chức ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì việc ký hợp đồng mua thực phẩm sạch, an toàn như trong năm học, tuyệt đối không mua thức ăn chế biến sẵn, đảm bảo đủ nguồn nước sạch sử dụng cho trẻ, tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn thực phẩm, nước uống sử dụng hàng ngày tại trường.
Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nuôi dưỡng, quản lý chất lượng bữa ăn cho trẻ theo đúng quy định: Công khai thực đơn và tiền ăn hàng ngày của trẻ và của GV, thực hiện nghiêm túc việc giao nhận thực phẩm. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa hè đặc biệt đối với bệnh Tay - chân - miệng
Để chống nóng cho trẻ trong dịp hè, Sở GD-ĐT Hà Nội các trường cần bố trí đủ quạt, phòng học thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ. Thường xuyên cho trẻ uống nước. Tốt nhất nên cho trẻ uống nước đun sôi, nơi nào có điều kiện đun nước râu ngô, bông mã đề, sài đất... cho trẻ uống.
Để phòng tránh việc lây lan dịch bệnh trong dịp hè, Sở GD-ĐT cũng đưa ra quy chế khắt khe trong việc đón và trả trẻ. Chỉ có những trẻ sức khoẻ bình thường mới được nhận vào lớp. Trẻ bị bệnh dịch (sởi, thuỷ đậu, quai bị, ho gà, đau mắt đỏ...), sốt cao hoặc có triệu chứng bất thường cần được trả lại cho gia đình chăm sóc và kịp thời đưa trẻ đi khám bệnh.
Trong trường hợp cá biệt cháu bị mệt nhẹ, phụ huynh vẫn yêu cầu gửi con và có gửi kèm thuốc thì chỉ nhận các loại thuốc thông thường như thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho, thuốc bổ có hướng dẫn sử dụng cụ thể (về liều lượng, thời gian uống) và chữ kí xác nhận của phụ huynh. Nhân viên y tế của trường theo dõi sức khoẻ, cho trẻ uống thuốc và phối hợp với GV chăm sóc trẻ.
N.H.
Theo dân trí
Trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Lợi bất cập hại "Cho đi luyện chữ trước dễ làm cho trẻ mất tập trung khi bước vào học chính thức bởi tâm lý "biết rồi". Điều nguy hại hơn cả đó là trẻ không được rèn luyện chữ một cách quy chuẩn nên giáo viên điều chỉnh lại sẽ rất khó khăn". Đó là cảnh báo của cô Phạm Thị Yến - Hiệu trường Trường...