Học trực tuyến, trên truyền hình: Cha mẹ có trách nhiệm giám sát
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc học trực tuyến, học trên truyền hình, cha mẹ phải có trách nhiệm giám sát việc học, hỗ trợ học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Đã có rất nhiều ý kiến giáo viên phản ánh, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về việc học trực tuyến, học trên truyền hình, tránh tình trạng các cơ sở lúng túng, “mạnh ai nấy làm”.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19.
Cha mẹ có trách nhiệm giám sát việc học của con
Theo Bộ GD&ĐT, các hệ thống dạy học trực tuyến bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System); Dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS – Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Học sinh chăm chú theo dõi bài giảng trên truyền hình.
Bài học và học liệu được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông theo các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bao gồm sách giáo khoa, bài giảng, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Bài học và học liệu phải được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
Video đang HOT
Giáo viên có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet; tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.
Khi học sinh đi học trở lại, giáo viên sẽ kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet. Từ đó, tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Đặc biệt, cha mẹ học sinh phải có trách nhiệm trong việc học của con. Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Gia đình học sinh có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua Internet của học sinh. Phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá”.
Học sinh được gửi tài liệu hướng dẫn trước khi bài học phát trên truyền hình
Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội và nhiều giáo viên mà Báo KH&ĐS đã có bài tư vấn, việc học trên truyền hình chỉ có kết quả tốt nếu học sinh có sự chủ động và chuẩn bị bài trước.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, đối với việc học trên truyền hình, giáo viên có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, bao gồm tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.
Giáo viên gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học tập trên truyền hình.
Tiếp nhận báo cáo kết quả học tập trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả học tập thông qua báo cáo kết quả học tập của học sinh.
Kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình giáo dục.
Cũng giống như đối với học trực tuyến, cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp với giáo viên để hỗ trợ học sinh tiếp nhận nhiệm vụ học tập, tài liệu hướng dẫn học theo bài học trên truyền hình; giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài học trên truyền hình.
Hỗ trợ học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao và gửi báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo bài học trên truyền hình cho giáo viên để được nhận xét, đánh giá.
Bài kiểm tra trên internet, truyền hình có thể thay bài kiểm tra trên lớp
Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học của học sinh khi học trên truyền hình, học internet thế nào là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ rất khó để đánh giá, khi chất lượng không hề đồng đều. Và kết quả kiểm tra đánh giá liệu có được công nhận, sử dụng hay không?
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet.
Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Khi đi học trở lại, học sinh sẽ được ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình.
Thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức.
Hiện có khoảng 10 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trên truyền hình
Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19, các địa phương đã tích cực triển khai việc dạy học trên truyền hình.
Ảnh minh họa
Hiện có khoảng trên 10 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trên truyền hình theo các khung giờ phù hợp để thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh cũng như sự theo dõi và tham gia cùng phụ huynh). Nhiều địa phương, nhà trường đã dạy qua internet hoặc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên trước khi đến trường, trong quá trình học tại trường và sau học tại trường (hướng dẫn xử trí các trường hợp học sinh/giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học). Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành xem xét tình diễn biễn của dịch bệnh quyết định cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, đồng thời áp dụng hiệu quả các hình thức dạy học và học trực tuyến, online.
Bộ sẽ thực hiện rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đồng thời căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có chính sách miễn giảm thuế đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập; miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trong quý 1 và 2 năm 2020....
Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành giáo dục để tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và kịp thời đề xuất các giải pháp.
PHAN THẢO
Đào tạo trực tuyến vì dịch bệnh, sinh viên thêm kỹ năng mềm Học trực tuyến đang trang bị kỹ năng làm việc online, làm việc trên mạng internet cho chính sinh viên và hỗ trợ quá trình tự học suốt đời. Trước đây, nhiều trường cao đẳng, đại học ở TPHCM đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến nhưng để ngỏ sựa lựa chọn cho sinh viên. Còn từ đầu mùa dịch bệnh...