Học trực tuyến khó đạt hiệu quả như trên lớp
Chúng tôi tìm gặp TS Lê Thống Nhất- người sáng lập dự án giáo dục trực tuyến BigSchool giữa những ngày ca khúc “Đánh giặc Corona” do ông sáng tác đang thu hút người nghe trên internet.
Ông cho rằng giai đoạn học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để phụ huynh gần con em mình. Điều quan trọng lúc này là học sinh nên tạo thói quen đọc sách, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết…
TS Lê Thống Nhất.
PV: Thưa ông, bước sang tuần thứ 3 học sinh nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, mặc dù các nhà trường phổ thông hiện nay áp dụng nhiều hình thức khác nhau để việc học của học sinh không bị gián đoạn, song nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng việc học từ xa sẽ không thể đảm bảo hiệu quả như học trên lớp?
TS Lê Thống Nhất: Phụ huynh lo lắng như thế là đúng. Theo dõi tình hình này tôi thấy một số nhà trường đi theo hướng: Dạy trực tuyến bài học mới; Giao bài tập củng cố kiến thức đã học. Yêu cầu học sinh gửi bài làm để thầy cô kiểm tra việc thực hiện bài tập, chữa cho học sinh những lỗi sai; Tạo video dạy kiến thức mới.
Theo tôi cả 3 cách này đều không nên bởi vì: Việc dạy kiến thức mới là không nên vì hầu hết các trường trên cả nước đều nghỉ học bởi vậy Bộ GDĐT sẽ có giải pháp để điều chỉnh về thời gian khung năm học đảm bảo thực hiện nội dung chương trình. Việc dạy trực tuyến hay dạy qua video chỉ là hỗ trợ cho việc dạy trên lớp chứ không thể thay thế việc dạy trên lớp. Việc củng cố kiến thức qua hình thức gửi mail cũng khá vất vả cho thầy cô soạn đề bài, chấm bài làm. Thậm chí nhiều phụ huynh đã kêu trên mạng xã hội là thầy cô giao nhiều bài tập quá tạo áp lực cho học sinh và cả phụ huynh.
Theo tôi với việc củng cố kiến thức đã học nên tận dụng các trang thi trực tuyến, đã có sẵn kho đề kiểm tra từng phần nội dung kiến thức, hệ thống chấm tự động ngay khi học sinh làm bài xong và còn chỉ ra những câu học sinh làm sai. Phần thi trên BigSchool (https://exam.bigschool.vn/ ) hoàn toàn có thể giúp học sinh tự kiểm tra đánh giá kiến thức như thế. Việc này không nên ép về số lần làm bài mà nên để học sinh tự giác, tuỳ theo việc học sinh đã nắm vững kiến thức đến đâu.
Học trực tuyến không phải là khái niệm xa lạ nhưng để áp dụng với phần đông học sinh phổ thông hiện nay, nhất là ở các vùng sâu vùng xa là điều khó khả thi. Vậy có thiệt thòi cho các em thời gian nghỉ này không được học trực tuyến?
- Ngay cả ở thành phố lớn thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để con em học trực tuyến. Nếu bị ép học thì rất có thể phụ huynh lại đưa con ra quán internet, tập trung đông người là điều mà chúng ta đang khuyến cáo không nên trong giai đoạn phòng chống dịch.
Video đang HOT
Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết những trường đã tổ chức việc học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu và dạy kiến thức mới thì sau này vẫn phải tổ chức dạy bù. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Việc dạy trước chương trình hiện nay chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, việc quản lý việc dạy học cần đồng bộ từ Bộ GDĐT, Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường. Giải pháp nào nhà trường cũng cần tuân theo sự chỉ đạo của đơn vị quản lý trực tiếp. Bởi việc dạy trực tuyến khó thay thế việc dạy trực tiếp trên lớp nên theo tôi các thầy cô dù đã dạy trực tuyến cũng nên củng cố lại những kiến thức đã dạy trực tuyến.
Sát trùng lớp học để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Là một giáo viên đã từng có những bài giảng trực tuyến thu hút lượng người truy cập rất đông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để việc thiết kế một bài giảng trực tuyến khác với việc lên lớp trực tiếp như thế nào? Các giáo viên cần làm gì để giờ học trực tuyến hoặc bài giảng online trở nên hiệu quả nhất đối với người học?
- Tôi đã dạy trực tuyến ngay từ khi trang dạy trực tuyến đầu tiên ra đời, trang Trường Thi, khi đó chỉ là video đưa bài soạn như viết trên bảng cùng lời giảng của mình. Tất nhiên tới nay việc dạy trực tuyến đã có những tính năng tốt hơn nhiều nhưng cũng không thay được việc dạy trên lớp, đây chỉ là hỗ trợ hoặc học sinh tham khảo thêm mà thôi. Kịch bản dạy trực tuyến cần làm khác với dạy trực tiếp và đặc biệt khi giáo viên không quan sát được việc học sinh học.
Bài giảng cần phải chia nhỏ từng đoạn, sau mỗi đoạn cần có cách tương tác như là giáo viên đặt câu hỏi để kiểm tra sự tiếp thu của học sinh, căn cứ vào kết quả của việc này để cho học sinh học tiếp phân đoạn sau. Muốn làm việc này cần có phần mềm đã tạo sẵn hình thức này, nếu chưa có phần mềm hỗ trợ thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn để tạo hiệu quả cho bài giảng. BigSchool (https://class.bigschool.vn/ ) đã có sẵn hệ thống hỗ trợ để giáo viên làm việc này. Trên BigSchool, các bài giảng mà giáo viên thiết kế được lưu lại để học sinh có thể học bất cứ lúc nào và học lại khi cảm thấy chưa hiểu hết. Đồng thời cũng có rất nhiều bài giảng của các thầy cô trên cả nước mà học sinh có thể vào học ngay. Tuy nhiên cũng nhắc lại, việc học trực tuyến khó đạt hiệu quả như học trên lớp.
Theo ông, giai đoạn này học sinh phổ thông nên làm gì?
- Theo tôi giai đoạn này lại là cơ hội để phụ huynh gần con em mình và điều quan trọng lúc này là học sinh nên tạo thói quen đọc sách, tất nhiên phụ huynh phải hướng dẫn con nên đọc những loại sách nào (có thể trao đổi để hỏi ý kiến những ai có kinh nghiệm về việc này). Ngoài ra nhân dịp này phụ huynh nên rèn luyện con em mình về kỹ năng sống. Từ những việc giúp đỡ gia đình đến những kỹ năng thoát hiểm, bảo vệ và tự phục vụ bản thân, những kiến thức về phòng chống dịch bệnh. Chúng ta biến hoàn cảnh bất thường này thành cơ hội dạy những kiến thức về xã hội, về tình người.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hương (thực hiện)
Theo Đại đoàn kết
Phần mềm học trực tuyến: Ai kiểm duyệt, đánh giá nội dung?
Các chuyên gia giáo dục cho rằng học trực tuyến là xu hướng tất yếu của giáo dục nhưng để áp dụng phương thức đó một cách bền vững và hiệu quả thì không thể tùy tiện lựa chọn phần mềm giáo dục
UBND TP HCM vừa ra văn bản cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2 và kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép học sinh nghỉ hết tháng 3 do dịch Covid-19. Các trường phổ thông trên địa bàn TP đã có kế hoạch chủ động ứng phó với đợt nghỉ dài hơi này, bảo đảm ôn tập kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Như vậy, các hệ thống học tập trực tuyến sẽ góp phần hỗ trợ cho học sinh ôn tập kiến thức trong kỳ nghỉ dài.
Dùng phần mềm "tự nguyện"
Trước đó, Sở GD-ĐT TP HCM ra văn bản về tăng cường triển khai phần mềm Smartschool và cung cấp tài khoản cho phụ huynh hướng dẫn học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Theo văn bản này, Sở GD-ĐT đã làm việc với Công ty CP Trường học thông minh (Smartschool) để hỗ trợ phụ huynh trên địa bàn TP trong việc hướng dẫn học sinh học tập tại nhà.
Giáo viên một trường THPT tại TP HCM tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến
Các trường phổ thông sử dụng phần mềm Smartschool, công ty sẽ cung cấp miễn phí thêm các tài khoản cho phụ huynh học sinh để truy cập bài giảng điện tử từ ngày nhà trường đăng ký sử dụng phần mềm đến khi có thông báo hết thời gian tạm nghỉ học do dịch Covid-19. Sau đó, tùy điều kiện thực tế, các trường căn cứ yêu cầu đổi mới dạy và học, kiểm tra đánh giá, có kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin qua phần mềm Smartschool bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trên cơ sở vận động tài trợ hoặc thỏa thuận với cha mẹ học sinh với tinh thần "tự nguyện".
Được biết, phần mềm này có những bài giảng minh họa, video, tư liệu, học liệu điện tử và hướng dẫn chi tiết tổ chức các hoạt động học tập của các môn lịch sử, địa lý, đạo đức - giáo dục công dân. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn giới thiệu các phần mềm do đối tác cung cấp theo yêu cầu chuyên môn của phòng chuyên môn sở, như hệ thống mạng xã hội học tập trực tuyến ViettelStudy, giáo viên, học sinh và phụ huynh mạng xã hội học tập trực tuyến để học sinh được khai thác các nội dung miễn phí trên hệ thống. Hay hệ thống học trực tuyến của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tất cả đơn vị có nhu cầu, VNPT sẽ cung cấp miễn phí tài khoản trên hệ thống trực tuyến của VNPT đến tháng 7-2020.
Khó đo lường hiệu quả
Một chuyên gia giáo dục cho rằng phương pháp dạy học trực tuyến phải phát triển như một phương thức dạy chính thống theo xu hướng thế giới chứ không chỉ là để chống chế trong mùa dịch. Nhưng đến nay, chưa có một quy trình, khuôn khổ kiểm định nội dung của các cơ quan chuyên môn nào đối với các công ty phát triển phần mềm giáo dục có nội dung dạy học mẫu. Bởi lẽ, công ty giáo dục bán sản phẩm dựa trên nền học liệu sẵn có trong sách giáo khoa, được xây dựng lại theo phương pháp riêng của từng đơn vị và thương mại hóa chúng. Tức là công ty được cấp phép kinh doanh sẽ đồng nghĩa với việc nội dung đã được kiểm duyệt và trên thực tế, cơ quan chuyên môn giáo dục không thể kiểm duyệt cụ thể nội dung, phương pháp của đơn vị vì là mặt hàng kinh doanh thì "thuận mua vừa bán".
Như vậy, nội dung của các công ty phần mềm giáo dục có thực sự hữu ích, hiệu quả hay chỉ đưa ra để "móc túi" phụ huynh thì không cơ quan nào có thể kiểm duyệt được, chính phụ huynh là khách hàng phải tự dựa trên kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của bản thân để lựa chọn, đôi khi phải chấp nhận sự lựa chọn này trong thế bị động.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, quy trình kiểm duyệt đối với các công ty phát triển phần mềm giáo dục cũng như những công ty kinh doanh các mặt hàng khác, còn về nội dung thì không thể thống nhất, đồng bộ được vì mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác riêng để sản phẩm của mình phong phú, thu hút khách hàng hơn. Như vậy, rất khó để quản lý nội dung, không thể quản lý nguồn học liệu của đơn vị, càng khó hơn khi đánh giá sản phẩm của đơn vị nào tốt, phù hợp với từng đối tượng ra sao.
Khi các trường phổ thông muốn đưa vào sử dụng phần mềm nào thì đó là quyền của mỗi trường nên cân nhắc kỹ, phụ huynh phải đưa ra ý kiến dựa theo kinh nghiệm của bản thân. Đến hiện tại, chưa có tiêu chí chung để đánh giá những sản phẩm của các đơn vị nhưng về mặt giáo dục, vẫn nên ưu tiên lựa chọn những phần mềm có hình ảnh tốt, ngôn ngữ học liệu phù hợp, kỹ năng sư phạm. Về lâu dài, đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.
ThS Trần Hoàng Cẩm Tú, Viện trưởng Viện E-learning - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định các trường tự đưa ra tiêu chí về nội dung cho các công ty nhưng đôi khi sản phẩm quảng cáo và thực tế tỉ lệ nghịch. Đối với các trường ĐH, để đánh giá một giáo án dạy theo phương pháp trực tuyến thì hội đồng đánh giá phải mất đến 3 tháng, qua rất nhiều công đoạn và không phải môn nào cũng áp dụng được hình thức này.
"Nhưng ở các trường phổ thông, quá trình đánh giá này diễn ra rất nhanh, có những trường không có hội đồng đánh giá chuyên môn. Như vậy, về mặt chuyên môn, không thể bảo đảm 100%, đây chỉ là cách để đối phó, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh, học sinh chứ chưa thật hiệu quả" - ThS Trần Hoàng Cẩm Tú nhận định.
Cần kho dữ liệu miễn phí
ThS Trần Hoàng Cẩm Tú cho rằng các Sở GD-ĐT nên có đề xuất mở một kho dữ liệu sử dụng chung miễn phí thì sẽ giảm được sự chênh lệch giữa các trường, tổ chức các bài giảng đa phương tiện mẫu từ phòng chuyên môn của sở để giáo viên tham khảo. Xuất phát từ sở thì chắc chắn sẽ có nghiệm thu và đơn vị nghiệm thu sẽ bảo đảm được chuyên môn, tính sư phạm, kỹ thuật, hình ảnh. Tâm lý của phụ huynh khi sử dụng sẽ yên tâm hơn, các trường cũng dễ dàng triển khai.
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận
Theo nguoilaodong
Phòng chống Covid-19: Thêm nhiều trường cho sinh viên nghỉ tiếp, hoặc học trực tuyến Các trường đại học như Thương mại, Kinh tế quốc dân, Luật Hà Nội, Thủy lợi, Học viện Tài chính... đã chính thức ra thông báo cho sinh viên nghỉ học tiếp, hoặc học theo hình thức trực tuyến. Sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội - Ảnh Ngô Chuyên Hai hôm nay, một số trường đại học trên địa bàn Hà...