Học trò trường chuyên với đề thi ‘khủng bố Paris’
Sáng 19/11, Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức thi định kỳ môn văn dành cho 14 lớp khối 11 của trường.
Đề văn được ra theo dạng mở, đề cập vụ khủng bố gây chấn động kinh đô ánh sáng của Pháp và toàn thế giới, khiến nhiều học sinh hào hứng.
Trong khoảng thời gian 45 phút, học sinh được yêu cầu làm bài thi với đề ra như sau:
“Báo chí có đưa tin về vụ khủng bố tại thủ đô Paris của nước Pháp. Tóm lược diễn biến chính được biết đến nay trong vụ khủng bố trên như sau:
- Hàng trăm người chết, bị thương trong nhiều vụ xả súng và đánh bom tại nhiều địa điểm khác nhau tại thủ đô Paris.
- Ít nhất 100 người thiệt mạng trong nhà hát Bataclan, nhà hát rất lớn nằm trong trung tâm Paris. Đó là vụ đánh bom và bắt cóc con tin trong một buổi trình diễn. Vụ bắt cóc đã kết thúc, những người bị thương đang được đưa tới bệnh viện.
- Nhiều người khác chết tại sân vận động State de France, nơi đội tuyển Pháp và Đức đang thi đấu khi vụ tấn công xảy ra, các nhà hàng trong sân vận động cũng bị tấn công.
Thủ đô Paris của nước Pháp đã bị khủng bố tấn công làm chấn động cả thế giới. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?
Đề thi môn Văn của Trường chuyên Hùng Vương sáng 19/11. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Thầy Nguyễn Minh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết, đề văn này được nhà trường lựa chọn trong hai đề thi được tổ Văn gửi lên. Đây là đề thi theo hướng mở, bám sát chủ trương đổi mới cách ra đề của Bộ GD&ĐT và tinh thần hướng dẫn của Sở GD&ĐT Gia Lai.
“Có hai đề thi được giáo viên gửi lên nhưng nhà trường quyết định chọn đề thi nói về thủ đô Paris bị khủng bố tấn công này. Cá nhân tôi thấy đây là đề có tính định hướng cao và gợi mở ra nhiều suy nghĩ”, thầy Sơn chia sẻ.
Cô Hà Thị Hoài Phương – Tổ trưởng tổ Văn – Trường THPT chuyên Hùng Vương, cho biết, trước đây, tổ Văn cũng ra rất nhiều để văn với chủ đề mở, bám sát thời sự được Sở GD&ĐT Gia Lai đánh giá cao, tạo hứng thú cho học sinh.
Video đang HOT
Năm 2013, trước câu chuyện tài xế xe tải chở bia bị đổ thùng hàng ở Đồng Nai, trường có một đề thi thú vị liên quan câu chuyện này, được học sinh và giáo viên trong ngành quan tâm.
Cô Phương cho biết, trước khi ra đề thi, tổ Văn đã họp lại để định hướng, gợi mở cho các giáo viên ra đề. Đề thi phải vừa đáp ứng tinh thần đổi mới thi cử, đổi mới tư duy ra đề, bám sát thời sự xã hội, vừa phải định hướng gợi mở suy nghĩ cho phụ huynh.
Cô Phương cho biết, câu chuyện khủng bố ở Paris không chỉ là nỗi đau của riêng kinh đô ánh sáng, riêng Paris hay nước Pháp mà của toàn nhân loại. Hơn lúc nào hết, con người đang phải sống trong giai đoạn đầy những thù hận, nguy cơ chiến tranh khủng bố hiện hữu toàn cầu như những bóng ma.
Học sinh là những người trực tiếp đối diện và có tác động lớn từ dòng xoáy thông tin trên mạng. Bởi vậy, nhà trường muốn định hướng cho học sinh cách nhìn nhận đúng, cách thể hiện quan điểm, sự sẻ chia trong sự kiện đau thương chấn động thế giới này.
Cô Trương Thị Lệ Hằng (bên trái) – người trực tiếp ra đề thi và cô Phương – Tổ trưởng tổ Văn, Trường chuyên Hùng Vương. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Muốn học sinh chia sẻ nỗi đau
Cô giáo Trương Thị Lệ Hằng – người trực tiếp ra đề thi – chia sẻ: “Câu chuyện khủng bố ở Paris là một sự kiện gây chấn động toàn thế giới. Từ việc nhìn nhận đúng, hiểu đúng sẽ dẫn tới những hành động đúng đắn.
Tôi lên Facebook và đọc những dòng chia sẻ, like hay comment của học sinh và thấy không phải em nào cũng nhìn nhận đúng vấn đề. Ví dụ thời sự nhất là câu chuyện nhiều thành viên lên mạng rồi có những phát ngôi mang tính kích động, gây thù hằn với tổ chức khủng bố Hồi giáo IS, dẫn đến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Nếu học sinh của mình không được định hướng, có những suy nghĩ và cách làm lệch lạc như thế, sẽ rất đau lòng. Tôi chọn đề thi này để muốn học sinh nói lên suy nghĩ và chia sẻ với nỗi đau chung. Đó là ý thức nhân văn, vừa giáo dục vừa định hướng suy nghĩ”.
Cô Hằng và cô Hoài Phương cho biết, sau khi tiếp nhận đề thi sáng 19/11, đa số học sinh đều có tâm lý phấn khởi, cặm cụi viết bài đến hết giờ. Nhiều em bàn bạc về đề thi với tâm trạng hào hứng.
Thầy Lê Ngọc Lộc – Hiệu trưởng Trường chuyên Hùng Vương – khẳng định, chính nhờ những đề thi này mà học sinh của trường luôn dẫn đầu tỉnh về chất lượng.
Chủ trương của Ban giám hiệu là khuyến khích giáo viên ra đề mở, phải bám sát tình hình thời sự để kết hợp dạy chữ, định hướng suy nghĩ cách nhìn nhận về xã hội cho học sinh.
Kỳ thi quốc gia vừa qua tỷ lệ học sinh Trường Hùng Vương đậu đại học từ khung 15 điểm đạt 100%, khung 18 điểm trở lên đạt 80%.
Một trong nhiều nguyên nhân để có kết quả này chính là tư duy ra đề, trường là đơn vị tiên phong ra đề mở cho học sinh tại tỉnh Gia Lai.
Theo Thái Bá Dũng/Tuổi Trẻ
Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Xử lý bất cập đề thi '2 trong 1'
Nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi THPT quốc gia 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu "2 trong 1".
Năm 2016, Bộ GD&ĐT quyết định tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi THPT Quốc gia 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu "2 trong 1"...
Ngày càng học lệch
Trong một kỳ thi tích hợp với nhiều mục đích, đề thi càng có ý nghĩa quyết định chất lượng của kỳ thi. Thế nhưng, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại được nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý, đánh giá thí sinh không chính xác.
Đề thi gồm 2 phần chiếm tỷ trọng 50 - 50, một phần cơ bản dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, một phần nhằm phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ trọng này là chưa hợp lý, đặc biệt với môn Ngữ văn thì tỷ trọng này chưa nói được gì nhiều.
Nếu có thể đề thi cần nâng lên tỷ trọng là 40 - 60, trong đó 40% là các câu hỏi dễ, 60% là các câu hỏi khó hơn, thậm chí 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn. Do đề thi có tính phân loại thấp nên chất lượng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay cũng bị giảm sút.
Đề thi cần có độ phân hóa cao hơn nữa để đạt được mục tiêu "2 trong 1". Ảnh: VOV.
PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra những hậu quả nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1 với quy định trên: "Ngay khi bước vào THPT, nhiều học sinh sẽ chỉ học 4 môn để tốt nghiệp, hoặc cùng lắm là 6 môn để thi đại học, những môn như Lịch sử sẽ ngày càng ít người học".
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đang dạy 13 môn bắt buộc trong phổ thông nhưng việc cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ và lựa chọn một môn học sẽ dẫn đến học lệch.
Đề thi kiểm tra năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được giới chuyên môn đánh giá cao chính là đề có thể kiểm tra toàn diện năng lực của người học, chống tình trạng học lệch và có tính phân loại cao. Một dẫn chứng cho thấy, tình trạng học sinh đang học lệch khá nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn đó là, kỳ thi này đã thu hút sự tham gia của thí sinh thuộc 55 tỉnh thành nhưng trong bảng kết quả thì Hà Nội xếp thứ 14.
Nếu như học sinh Hà Nội bị rơi vào tình trạng học lệch quá trầm trọng thì với những tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... học sinh học các môn khá đều, nên đạt kết quả tốt hơn.
Một số ý kiến chuyên gia đề xuất, giải pháp buộc học sinh phải học tất cả các môn là, ngoài ba môn bắt buộc, Bộ GD&ĐT sẽ chọn một trong các môn gồm: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Với cách làm trên, đảm bảo học sinh sẽ không "dám" học lệch.
Cần đề thi có độ phân hóa cao
"Nên cho thí sinh thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổng hợp kiến thức tự nhiên, một bài thi tổng hợp kiến thức xã hội. Như vậy sẽ rất phù hợp với việc đổi mới nội dung, phương pháp học tập như hiện nay, học sinh sẽ không học lệch, đảm bảo trình độ, sự hiểu biết của một học sinh tốt nghiệp THPT".
PGS Trần Xuân Nhĩ
Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi THPT quốc gia năm tới cần có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được nhiều mục đích là vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thực tế, cấu trúc đề thi THPT quốc gia vừa qua, tỷ trọng được cho là chưa hợp lý, không có tính phân loại cao. Vì thế, đề thi nên có tỷ trọng là 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn.
Để tăng chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia, các chuyên gia cho rằng, tất cả các môn thi đều theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Văn và Toán có thêm phần tự luận.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Bộ hãy tăng chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia để phục vụ cho mục đích tuyển sinh đại học, thì không thể chọn phương án thi như vừa qua. Phương án thi mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị thực hiện là tất cả các môn đều thi trắc nghiệm, riêng môn Văn và Toán có thêm phần tự luận, nhưng phần này chiếm ít".
Thực tế cho thấy, với thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, còn thi tự luận, chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào năng lực người chấm. Nếu sử dụng giải pháp thi trắc nghiệm, chúng ta nên xây dựng được ngân hàng câu hỏi thật tốt. Làm được như thế nhất định kỳ thi sẽ có chất lượng và sẽ rút ngắn thời gian thi, giảm áp lực cho thí sinh và cả xã hội.
Lo lắng cho chất lượng đầu vào đại học nếu vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, PGS.TS Văn Như Cương cũng đưa ra kiến nghị, cách tốt nhất là thực hiện theo một bài thi đánh giá năng lực trên máy tính như hình thức của trường Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua. Một bài thi tổng hợp tất cả các môn, học sinh không thể học lệch, không có tiêu cực vì thực hiện trên máy, thi xong biết kết quả luôn.
Có thể thấy rằng, một kỳ thi tích hợp nhiều mục đích nhưng đề vẫn ra theo cấu trúc cũ là điều bất hợp lý, Bộ GD&ĐT cần đề thi có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được kỳ thi sử dụng cho nhiều mục tiêu. Đặc biệt, Bộ cần xây dựng đề thi mang hướng tổng hợp, lồng ghép đa dạng các kiến thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội để có thể đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
Theo Thu Hằng/VOV
Đề thi cứu mẹ hay bạn gái của Bộ Tư pháp Trung Quốc Những thí sinh tham gia kỳ thi của Bộ Tư pháp Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc cứu mẹ hay bạn gái khi cả hai gặp hỏa hoạn. Một tờ báo địa phương tại thành phố Nam Kinh cho hay, câu hỏi này được đưa ra trong đề thi Tư pháp quốc gia nhằm đánh giá liệu thí sinh có đủ điều...