Học trò Sài thành được trải nghiệm gói, nấu bánh chưng ngay tại trường
Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TPHCM) “thi” gói bánh chưng, bánh tét trong chương trình Ngày hội Xuân 2019. Học sinh trường THCS Nguyễn Du (TPHCM) được trải nghiệm gói, nấu bánh chưng ngay tại trường…
“Bánh này chúng ta sẽ sẻ dụng, sẽ chọn làm phần quà tặng các em nhỏ khó khăn. Bánh có thể không đẹp nhưng các con phải cực kỳ chú ý đến vệ sinh, an toàn”.
Lời nhắc nhở vang lên qua loa phóng thanh giữa sân trường Trường THPT Trưng Vương, TPHCM chiều 25/1, khi các lớp tham gia “thi” gói bánh chưng, bánh tét trong chương trình Ngày hội Xuân 2019.
Nhiều chiếc bánh các em gói từ hình vuông, bó xong lại ra hình tam giác, bánh tét lại móp luôn thành bánh sừng trâu.
Có đội đong được nếp, đậu, nhân vào lá dong, cuốn được thành bánh cho đến phiên thắt dây lạt thì cả nhóm nháo nhác. Thắt được nhưng lỏng, thắt được chặt thì lại luống cuống không gập nổi dây lạt.
Vụng về, lúng túng nhưng đây, các em được chạm vào da thịt chiếc lá dong, sợ dây lạt. Được trải nghiệm quá trình làm chiếc bánh chưng, bánh tét.
Chương trình gói bánh chưng bánh tét nằm trong hoạt động Ngày hội Xuân 2019 của trường. Qua đây, giúp học sinh (HS) tìm hiểu thêm về bánh chưng, bánh tét và ý nghĩa của các loại bánh này trong đời sống văn hóa Việt Nam, hình thành ở các em tình cảm yêu quý, giữ gìn những nét đẹp truyền thống cũng như tạo không khí đón Tết cổ truyền cho HS trước kỳ nghỉ Tết dài.
Học sinh Trường THPT Trưng Vương trong ngày hội Xuân thi gói bánh chưng
Những sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được sử dụng làm quà tặng cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khó khăn vào ngày hôm sau. Đây cũng là cũng cách để các em trân trọng những sản phẩm của mình, giáo dục tinh thần sẻ chia.
Ngày hội Xuân tại trường còn có các hoạt động gian hàng Xuân của HS để bán các mặt hàng, hướng nghiệp…
Video đang HOT
Dạy học Văn bằng gói bánh chưng
Tại trường THCS Nguyễn Du (TPHCM), HS khối 8 cũng háo hức với trải nghiệm gói, nấu bánh chưng ngay tại trường.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên dạy Văn của trường chia sẻ, đây là hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn Văn lớp 8. Trước đó, thầy trò sẽ cùng thuyết trình về phương pháp, cách làm. Sau đó, vận dụng kiến thức đã học, giáo viên yêu cầu các em làm một bài thực tế thay cho một bài văn viết.
Hoạt động gói bánh chưng của thầy trò Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TPHCM được đưa vào môn Văn
HS sẽ tự tìm hiểu cách gói bánh chưng. Nhà trường chuẩn bị sẵn các nguyên liệu, khi tập trung, thầy cô sẽ hướng dẫn các em một lần nữa. Khi các em thực hành gói bánh, sẽ giao các bạn trong nhóm quay lại sau đó dựng clip hướng dẫn gói bánh chưng và lấy điểm.
Trong hoạt động Ngày hội Xuân năm nay, thay cho các hoạt động hội chợ đơn thuần, nhiều trường học ở TPHCM thiết kế đưa các hoạt động trải nghiệm vào như gói bánh chưng, làm kim chi, thiết kế bao lì xì…
HS không chỉ được trải nhiệm, được thực hành mà qua đây các trường gắn với các hoạt động về học tập, thiện nguyện. Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, sau khi gói, nấu bánh xong, HS cũng sẽ mang bánh trực tiếp đến tặng cho các hộ gia đình khó khăn, người lao động ở địa bàn.
Thầy trò Trung tâm GDTX Chu Văn An, TPHCM đến nhà “tập thể” của các cụ già bán vé số để trao quà xuân
Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An, TPHCM, hưởng ứng chiến dịch Xuân tình nguyện 2019, Đoàn Trung tâm kêu gọi giáo viên và HS của trung tâm quyên góp kinh phí và sẻ chia tấm lòng thiện nguyện.
Trường đã gửi quà Tết cho 32 cụ già bán vé số ở chung trong một ngôi nhà thuê chật hẹp trên đường Nguyễn Văn Cừ. Q.5 để họ ấm lòng khi Tết về.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đọt Chuối Non và 'Cơm Có Thịt Tây Nguyên' lần đầu đến Gia Lai
Ngày 7/1/2019, báo Tiền Phong tổ chức trao học bổng Đọt Chuối Non cho học sinh 4 huyện thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, và khai trương bếp "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" tại trường TH-THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Lần đầu tiên báo Tiền Phong triển khai đồng loạt cả hai chương trình thiện nguyện tại một xã nghèo vùng sâu của tỉnh Gia Lai.
Lan tỏa gương sáng học đường
Đây là lần thứ 12 báo Tiền Phong tổ chức trao học bổng Đọt Chuối Non trên Tây Nguyên, nhưng là lần đầu tiên chính thức trao trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây cũng là lần đầu tiên Quỹ Hỗ trợ Tài năng Trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn dành trao 4 suất học bổng đặc biệt trong chương trình này cho những học sinh xuất sắc hơn cả.
Dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, các Phòng GD-ĐT đã nhanh chóng triển khai việc xét chọn 60 học sinh tiêu biểu hiếu học, hiếu thảo, vượt khó được nhận học bổng (mức 2 triệu đồng/suất), và "cân đo đong đếm" tỉ mỉ để đề cử 4 học sinh nổi bật để nhận suất học bổng đặc biệt (5 triệu đồng/suất). Đó là các em: Huỳnh Thị Thu Nghiệp huyện Ia Pa, Lê Thanh Yên huyện Phú Thiện, Rơ Ô H'Phia huyện Krông Pa, Nguyễn Lê Anh Vũ thị xã Ayunpa.
Em Rơ ô H'Phia nhà ở buôn Nu B, xã Ia Siơm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, lớp 9A, trường THCS Lê Quý Đôn là học sinh giỏi môn Sử cấp huyện, thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2019. Sức khỏe kém, nhưng H'Phia buổi sáng vẫn học đều tại trường THCS Nội Trú ở thị trấn Phú Túc cách nhà khoảng 20km. Buổi chiều lại học bồi dưỡng cùng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh tại trường THCS Lương Thế Vinh ở xã Phú Cần, cách nhà khoảng 4km.
Em Lê Thanh Yên nhà ở thôn Bình Nam, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du. Gia đình nông dân mà không có đất, phải đi làm thuê, bố Yên lại mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay nên gia đình đành giữ sổ "nghèo bền vững", nhưng năm nào Yên cũng là học sinh giỏi, và thành viên đội tuyển HSG môn Hóa.
Em Nguyễn Lê Anh Vũ học sinh lớp 9.2 trường THCS Nguyễn Huệ thị xã Ayunpa, là thành viên đội tuyển HSG môn Sinh cấp tỉnh. Hai lần phải lên bàn phẫu thuật cắt khối u vỏ não, gia cảnh rất khó khăn, Vũ phải nỗ lực vượt bậc so với các bạn đồng trang lứa mới có thể tiếp tục theo đuổi việc học, và học giỏi.
Còn Huỳnh Thị Thu Nghiệp là lớp trưởng lớp 7.1, trường THCS Phan Bội Châu, nhà ở thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Không biết mặt cha, đêm đêm phải cùng mẹ làm rau, bán rau kiếm sống, nhưng Nghiệp vẫn là học sinh giỏi nhiều năm liền, học giỏi nhất trường môn Văn, được mọi người yêu mến.
Chân trần tới lớp
Cơm ngon cho trò nghèo vùng sâu
Tháng 9/2018, tôi đến huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) khảo sát khả năng hỗ trợ bữa cơm trưa miễn phí cho cả trăm học sinh nghèo tại trường tiểu học Kim Đồng xã Ia Tul, theo nguyện vọng tha thiết mà lá thư thầy Trần Đăng Khoa -Hiệu trưởng đã trình bày, nhằm giúp học sinh J'rai học lớp 1 được ở trọn ngày 2 buổi ở trường thì mới có thể nói được, viết được chữ phổ thông. Thống nhất xong kế hoạch sẽ khai trương bếp "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" đầu tiên tại trường Kim Đồng vào ngày 1/10/2018, chúng tôi cùng thầy Phạm Văn Đức trưởng Phòng GD-ĐT tiếp tục đến thăm "nơi còn nghèo khó hơn nhiều", ở xã Pờ Tó.
Dưới màn mưa lạnh, tôi chứng kiến trên nền đất sình lầy, nhiều em nhỏ đi học với đôi chân trần. Đã gần trưa, tôi vào từng lớp, hỏi trực tiếp học trò: "Sáng nay cháu nào chưa được ăn gì trước khi đi học?", thì hàng loạt cánh tay giơ lên. Khối lớp 1, có những cháu bé ba mẹ lên rẫy trưa không về, phải chia nhau nhai những gói mì tôm mua chịu ngoài quán tạp hóa.
Những cánh tay giơ lên khi PV hỏi: "Em nào muốn ăn cơm ở trường?"
Bếp "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" đầu tiên do báo Tiền Phong và Quỹ Trò nghèo Vùng cao hỗ trợ thầy Trần Đăng Khoa triển khai thuận lợi, thu hút được nhiều Mạnh thường quân, là động lực để chúng tôi quyết định mở thêm điểm số 2 cho trường TH-THCS Đinh Núp, cũng huyện này. Thầy Khoa cho biết: Tới nay tổng số tiền và vật dụng, vật tư quyên góp được, cộng với 100 triệu đồng gia đình thầy tự nguyện ủng hộ chương trình, đủ để bếp Cơm Có Thịt cho học trò lớp một trường Kim Đồng duy trì tới hết niên khóa 2019-2020.
Không "đua" nổi với thầy Khoa về độ hào phóng, nhưng thầy Lê Công Tấn hiệu trưởng trường TH-THCS Đinh Núp cũng xung phong ủng hộ chương trình 5 triệu đồng để phát động phong trào. Sau khi họp thông báo tin vui cho toàn thể phụ huynh về việc học sinh lớp một xã Pờ Tó sắp được hỗ trợ "Cơm Có Thịt Tây Nguyên", thầy Tấn đã vận động được phụ huynh ủng hộ việc quy tụ con em học lẻ ở các điểm trường Bi Dông, Bi Da về trường chính, giúp trường dựng bếp, làm phòng ăn, vỡ đất trồng rau sạch. Toàn thể giáo viên nhà trường đều thông suốt tinh thần vô tư phục vụ, vì các cháu dùng cơm và ở lại trường cần thêm giáo viên chia nhau trực trưa với cô cấp dưỡng.
Ông Võ Anh Tuấn nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai, hiện là Bí thư Huyện ủy huyện Ia Pa chia sẻ: Thời làm công tác Đoàn, tôi đã gắn bó với tờ báo Tiền Phong, nên nay rất vui mừng khi thấy báo về tận xã vùng sâu này để thực hiện các chương trình có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điều chính quyền địa phương rất lo âu, trăn trở. Chương trình học bổng Đọt Chuối Non, và cách huy động xã hội mở bếp "Cơm Có Thịt" cho học sinh nghèo là giải pháp hiệu quả, mà chúng tôi sẽ suy nghĩ để học hỏi, nhân rộng mô hình.
Chương trình Học bổng "Đọt Chuối Non" của báo Tiền Phong hoạt động từ năm 2012, phối hợp các Sở GD&ĐT, nhằm lan toả những tấm gương sáng về hiếu học, hiếu thảo. Chương trình Cơm Có Thịt Tây Nguyên do báo Tiền Phong cùng Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao phối hợp tổ chức từ năm 2018, hỗ trợ bữa ăn suốt năm học cho học sinh nơi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nguồn kinh phí thực hiện 2 chương trình này được huy động từ độc giả, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp giàu lòng thiện nguyện.
Cảm ơn các nhà tài trợ "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" và Học bổng Đọt Chuối Non
Ngoài danh sách hỗ trợ "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" đăng trên báo Tiền Phong, Tienphong Online ngày 11/12/2018 kèm bài "Báo Tiền Phong giúp đỡ trò nghèo vùng sâu Ea Súp", chương trình Học bổng "Đọt Chuối Non" và chương trình "Cơm Có Thịt Tây Nguyên" của báo Tiền Phong đã nhận được:
Chương trình Cơm Có Thịt Tây Nguyên:
Gia Lai: Ông Thái Thanh Bình- Bí thư Thị ủy thị xã Ayunpa, Gia Lai 5 triệu đồng; Ông Võ Anh Tuấn- Bí thư huyện ủy huyện Ia Pa, Gia Lai 5 triệu; Thầy Phạm Văn Đức- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Pa, Gia Lai 5 triệu; Ông Lê Trọng Nam- Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó huyện Ia Pa, Gia Lai 10 triệu; Ông bà Xuân Hương-Công ty TNHHXD Xuân Hương xã Ia Mrơng huyện Ia Pa 15 triệu đồng;Ông Nguyễn Quốc Tư-Vườn lan Khaly, Đức Cơ, Gia Lai 5 triệu; Một người chuyển khoản không tên ngày 11/10: 500.000đ; Chị Phạm Thị Minh Phương 500.000đ; Chị Trần Thùy Dương 550.000đ; Chị Đặng Thị Minh 500.000đ; Chị Dương Thị Ngọc Bích 300.000đ; Chị Đào Tường Vy 100.000đ; Thầy Lê Công Tấn Hiệu trưởng trường TH-THCS Đinh Núp xã Pờ Tó 5 triệu; Thầy Nguyễn Khắc Trung- Phó hiệu trưởng trường TH-THCS Đinh Núp 1 triệu; Ông Trần Văn Ba- Bảo vệ trường TH-THCS Đinh Núp 2,5 triệu; Ông Lê Tiến Hiệp Pleiku 1 triệu đồng.
Đắk Lắk: Cty TNHH ĐT DL và TM Đam San 5 triệu đồng; Chị Thục Uyên ô tô Công Thành 5 triệu; Thầy thuốc Khăm Phết Lào 10 triệu; Yến Nguyễn 2 triệu; Ngọc Sương 1 triệu. TP Hồ Chí Minh: Nhóm bạn Nguyễn Minh Quan Huấn 5 triệu; 1 độc giả ngày 21/11 chuyển khoản 1 triệu đồng.
Chương trình học bổng Đọt Chuối Non:
Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ VN 20 triệu đồng; Hội Hữu nghị Pháp Việt vùng Choisy le Roi 24 triệu; Cty CP Tập đoàn Trung Nguyên 20 triệu; Bác sĩ PT 20 triệu; BIDV Đắk Lắk 10 triệu; Thầy thuốc Khăm Phết Lào 10 triệu; Kỹ sư Nguyễn Đăng Phong Cty SX Bơm chìm Đăng Phong 10 triệu; Ông Đậu 5 triệu; Ông LQT Viện KSND Đắk Lắk 5 triệu; Cty TNHH ĐT DL&TM Đam San 5 triệu; Nhóm bạn Nguyễn Minh Quan Huấn 5 triệu; Ông ĐKV Gia Lai 5 triệu; Tập đoàn Đức Long Gia Lai 5 triệu; Đỗ tiên sinh Hà Nội 2 triệu; Ông Trần Hùng HN 3 triệu; Cô Phùng Bảo Ngọc Vân 3 triệu; Nick Son Dang 2 triệu đồng.
Hỗ trợ tổ chức chương trình: Công ty Truyền thông và Tổ chức sự kiện PRO, Công ty Thiết kế Quảng cáo Mặc Vi, Công ty TNHH In Công Nghệ Việt, Trung Nguyên Legend tặng sách và cà phê.
HOÀNG THIÊN NGA
Theo Tiền phong
Cô học trò đạt danh hiệu công dân trẻ TP HCM 2018 Thành Đoàn TP.HCM vừa công bố danh sách 9 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2018 được bình chọn. Học Sinh Cao Thanh Hiếu một trong 9 gương công dân trẻ tiêu biểu 2018. Trong 9 gươngcông dân trẻ có em Cao Thanh Hiếu, học sinh trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) Nhắc đến Cao Thanh Hiếu, ai cũng sẽ ngưỡng mộ...