Học trò bán trú được chăm như… “gà công nghiệp”
Nếu ở mầm non, trẻ biết tự phục vụ bản thân thì lên các bậc học cao hơn, học trò bán trú được nhà trường phục vụ… tận răng từ chuyện ăn đến việc ngủ. Có người e ngại mô hình bán trú hiện nay đang biến học trò thành “ gà công nghiệp”.
Phục vụ tận răng
Sắp hết giờ học của buổi sáng tại một trường tiểu học ở TPHCM, khi học sinh (HS) vẫn đang ở trong lớp thì ở bên ngoài đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng đã bày biện xong bữa ăn cho các em tại khu vực ăn uống ở nhà ăn, khu vực hàng lang. Riêng với khối học trò lớp 1, do phòng ăn thiếu chỗ, các em được bố trí ăn ngay trong lớp. Hết giờ học, các em được hướng dẫn ra khu vực vệ sinh rửa tay, một số bảo mẫu xếp từng phần cơm lên bàn cho mỗi HS.
Tất cả được dọn sẵn. Rửa tay xong, học trò chỉ có mỗi nhiệm vụ ngồi vào và… ăn. Ăn xong, em nào em nấy bỏ nguyên hiện trường, đứng dậy tìm chỗ vui chơi cho mình. Thu dọn mọi thứ xong, bảo mẫu lại nhắc các em đi ngủ, thậm chí một số lớp gối chăn của học trò cũng được các cô lấy ra sẵn. Khi các em dậy theo tiếng đánh thức, đội ngũ nhân viên lại thu dọn chăn gối để trả lại hiện trường cho lớp học. Sau đó không lâu, các em lại tiếp tục được phục vụ tận nơi bữa ăn xế.
Phần ăn được bảo mẫu phục vụ sẵn tận chỗ ngồi, học trò tiểu học chỉ việc ngồi ăn.
Việc bảo mẫu, cấp dưỡng phụ vụ học trò bán trú tận… răng với hình thức trên là điều dễ thấy tại các trường phổ thông tổ chức bán trú. Không chỉ ở bậc tiểu học mà ở các bậc cao hơn, học trò cũng được “chăm bón” theo công thức nuôi… gà công nghiệp như vậy.
Nhìn vào hình ảnh của HS bán trú, ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM thốt lên: “Có lẽ không nơi nào trên thế giới học trò sướng như ở Việt Nam. Ăn ngủ không phải động tay vào bất cứ việc gì”. Ông lo ngại, sự phục vụ tận nơi này sẽ ảnh hưởng đến tính tự lập của học trò, các em càng thêm ỷ lại, thụ động trong cuộc sống.
Bà Trương Thị Việt Liên – Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ lo lắng trước mô hình bán trú phục vụ hiện tại ở các trường phổ thông đang làm “hỏng” đi quá trình rèn luyện tính tự lập của các em ở bậc mầm non.
“Ở mầm non các em tự phục vụ, đến bữa được chọn và lấy đồ ăn theo sở thích, nhu cầu nên có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, không để đồ ăn dư. Ăn xong các em tự dọn chén bán nhưng lên tiểu học lại chuyển sang hình thức được phục vụ. Đồ ăn đóng sẵn trong khay, đưa đến tận nơi, các em không được lựa chọn đồ ăn cũng như chẳng phải làm gì hết”, bà Liên nói.
Lực bất tòng tâm?
Hiện nay, toàn TPHCM có 604 trường Tiểu học, THCS, THPT tổ chức bán trú. Trong đó, 268 trường đặt suất ăn sẵn công nghiệp, 399 trường có bếp ăn.
Các trường phổ thông cho rằng, học trò bán trú được chăm như “gà công nghiệp” xuất phát từ thực tế bán trú là nhu cầu của phụ huynh, các trường không có cơ sở bán trú mà phải tận dụng cơ sở sẵn có để “mở rộng” bán trú. Bữa ăn ở trường đặt suất cơm công nghiệp bên ngoài mang vào hoặc tự nấu trong trường không có điều kiện để chế biến nhiều món. Ngoài ra cũng không thể tổ chức cho các em tự phục vụ vì thiếu không gian, chỗ ăn chỗ ngủ đều do trường “cơi nới” trong phòng học, ở hành lang, nhà xe…
Video đang HOT
Ở bậc mầm non, trẻ được tự phục vụ bữa ăn.
Nhiều trường cũng biết rằng như thế đang làm “hư” HS nhưng lực bất tòng tâm vì thiếu cơ sở cũng như thiếu cả kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tự phục vụ cho các em. Một số trường đành trao đổi, nhắc nhở phụ huynh ở nhà nên giáo dục các em cách tự chăm sóc bản thân.
Bà Phan Thúy Trang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TPHCM) cho hay, số lượng học sinh bán trú ở trường rất đông, khi trường không có sơ sở bán trú nên không thể thực hiện được hoạt động tự phục vụ cho học trò. Mới đây, trường đã phải cắt giảm sân chơi vốn rất hạn hẹp của HS để mở nhà ăn vì lâu nay các em phải ăn ở hành lang, sân trường.
Tuy nhiên, bà Trang nhắc nhớ các cô bảo mẫu, điều dưỡng là những việc các em có thể làm thì không được làm thay. Như việc dọn bàn dọn bàn ghế, ăn xong dọn khay để vào đúng chỗ, biết phân loại đồ ăn thừa… để các em tự làm. “Trong hè, số lượng HS bán trú ít, chúng tôi tổ chức được bữa ăn buffet để các em tự phục vụ, nhưng khi số lượng đông quá thì không thể”.
ThS, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM cho rằng chỉ nên mở bán trú ở bậc mầm non, tiểu học và cần giảm dần ở THCS và không nên tổ chức ở bậc THPT. Điều này không chỉ giảm nỗi lo ăn uống về phía nhà trường để tập trung cho công tác chính là giảng dạy, phòng tránh ngộ độc tập thể mà còn nhằm tạo thói quen cho trẻ tự lập, biết chăm sóc bản thân.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, các trường cần tạo mọi cơ hội cho các em tự phục vụ việc ăn uống của mình, việc gì học trò có thể làm thì tuyệt đối không nên làm thay. Nếu không thể tổ chức bữa ăn tự phục vụ thường xuyên thì có thể thu xếp mỗi tuần một lần tùy theo khả năng, điều kiện của trường.
Hoài Nam
Theo dân trí
Cần chuẩn bị gì trước khi trẻ vào lớp 1?
Vì "chạy đua" để con biết trước kiến thức, nhiều phụ huynh quên mất rằng vào lớp 1, trẻ cần sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý một cách kỹ càng vì ở môi trường mới có rất nhiều lý do, tình huống dẫn đến việc sợ đi học ở trẻ.
Rành chữ vẫn hoảng loạn khi đi học
Đến bây giờ, chị N.M.Giang, có con đang theo tại một trường tiểu học ở Q. Gò Vấp (TPHCM) vẫn day dứt vì quyết định cho con nghỉ học lớp lá để đầu tư luyện chữ mà theo chị đó là bước đệm để vào lớp 1.
Được học tại một trung tâm luyện chữ có tiếng trong thời gian dài nên người mẹ này vô cùng tự hào khi con đã đọc và viết chữ vanh vách khi các trẻ khác mới bắt đầu "a, o, b, c...". Chị dồn hết thời gian cho con luyện chữ, làm toán của với lời động viên: "Con mẹ biết hết thế này, đảm bảo khi đi học nhất lớp".
Học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TPHCM) trong giờ ăn trưa.
Nhưng điều đó đã không xảy ra vì chỉ vài tuần vào lớp 1, chưa kịp thể hiện "tài nghệ" về chữ viết, ở cháu đã xuất hiện tình trạng sợ trường lớp, sợ bạn bè... nhất quyết không chịu đến trường. Vào lớp cháu liên tục nôn ói, tè dầm... Sau đó, gia đình mới phát hiện ra cháu sợ một cậu bạn cao to nhất trong lớp thường hay bắt nạt bạn bè cũng như không biết xử lý khi đi vệ sinh ở trường nên lâu nay vẫn nhịn.
Lúc này chị Giang mới nhận ra con mình chỉ chữ mà thiếu đi các kỹ năng như giao tiếp với bạn bè, tự chăm sóc bản thân cũng chia sẻ với bố mẹ về trường lớp. Được kỳ vọng nhưng sau việc học không như mong muốn, cháu càng bị hoảng loạn, chị buộc phải đưa con đến bác sĩ tâm lý.
Ngược lại, chị N.T.M.N., có con đang học tại Trường tiểu học Cao Bá Quát (Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, con mình không hề học chữ trước khi vào lớp 1. Mới đầu cháu có chậm hơn bạn bè, thậm chí cô giáo cũng nhắc cháu phải luyện chữ thêm nhưng chị vẫn không tạo cho con áp lực, về nhà kèm thêm cho con rất nhẹ nhàng.
"Năm đầu tiên cháu kém hơn các bạn, nói thật mình cũng lo nhưng cố gạt đi, miễn sao con thích đi học, không gặp những khó khăn khi ở trường. Bây giờ cháu học lớp 3, đã phát triển bình thường như bao bạn bè. Vợ chồng tôi luôn cố gắng không đặt nặng điểm số của con vì thế cháu cũng không đi học thêm mà không phải lo ngại cô giáo này nọ", chị N. nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, TPHCM cho hay, thực tế nhiều phụ huynh (PH) cho con nghỉ lớp lá đi luyện chữ để vào lớp 1. Họ coi nhẹ việc hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội ở mẫu giáo mà không biết rằng đó chính là tiền đề quan trọng nhất cho trẻ vào lớp 1. GV hai bậc học này không thể làm thay công việc cho nhau.
Về điều này, GV lớp 1 tại trường tiểu học ở Q. Gò Vấp bày tỏ, về kiến thức, GV là người có trách nhiệm giúp HS học đảm bảo chương trình nhưng về việc chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng chăm sóc bản thân như đi vệ sinh, ăn uống... nằm ngoài khả năng của họ.
"Các em biết chữ nhưng các em không thích nghi được với đồ ăn ở trường, không biết thay quần áo, không tự đi vệ sinh... Chuyện tưởng rất nhỏ nhưng nhiều em sợ đi học, không có hứng thú với việc học là vì những lý do đó chứ không phải vì không biết chữ. Điều này các em phải được chuẩn bị từ gia đình và trường mầm non", GV này nhấn mạnh.
Quan trọng nhất là hứng thú đến trường
Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho hay, không ít trẻ biết chữ trước khi đến trường nhưng không thích nghi được với trường lớp, thậm chí tâm lý các em bị khủng hoảng.
"Điều quan trọng nhất khi trẻ vào lớp 1 là các em được chuẩn bị về tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới để các em có sự hứng thú với việc học không phải là sự chuẩn bị về chữ viết", cô Vân khẳng định.
Vào lớp 1, các em cần được trang bị các kỹ năng chăm sóc bản thân.
Cô Vân cho biết, tại các trường tiểu học, các em sẽ có thời gian làm quen trước khi vào học chính thức. Trong một lớp có trẻ biết chữ trước và trẻ chưa biết chữ, GV sẽ dạy theo phương pháp cá thể hóa để làm sao cho trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi. Vì thế PH đừng nặng nề chuyện con mình phải biết chữ trước mà bỏ qua các khâu chuẩn bị cần thiết về sức khỏe, tâm lý cho các em.
Ở góc độ nhà tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) cho hay, trẻ không cần phải học chữ trước khi khi vào lớp 1 vì kiến thức các nhà khoa học đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi. Trẻ học trước nhưng vẫn thua kém bạn bè cũng là điều dễ hiểu vì các em lo "nhồi nhét" học chữ, bỏ qua chuẩn bị sức khỏe, tâm lý sẵn sàng cho việc học.
Sức khỏe đảm bảo và tâm lý vững vàng sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Ngày đầu đến trường trẻ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quan hệ bạn bè, thầy cô, giờ giấc, tự chăm sóc bản thân, ăn uống... Tất cả mọi thứ trẻ cần được chuẩn bị trước. Nhưng nhiều PH chỉ chăm chăm sao cho con mình bằng bạn bằng bè, thậm chí phải hơn con người khác nên ép trẻ "chín non" dù biết rằng tâm lý của sẽ chưa sẵn sàng. Trong khi chỉ cần có sức khỏe đảm bảo, tâm lý vững vàng thì những kiến thức ở lớp 1 không hề nặng nề với đứa trẻ 6 tuổi.
"Bị ép học trước tuổi sẽ sẽ rất dễ bị stress, dẫn đến sợ hãi. Mà tâm lý con người, khi sợ điều gì người ta sẽ né tránh", bà Huệ cho hay.
Theo bà Huệ, PH nên hiểu rằng, thật ra kiến thức trẻ được học ngay từ nhỏ qua những bài hát, những câu chuyện, hiện tượng xung quanh... những hình thức tiếp nhận phù hợp với độ tuổi chứ không chỉ duy nhất bộ sách giáo khoa mới là công cụ để con học kiến thức.
Hoài Nam
Theo dân trí
Bệnh vô tâm của "gà công nghiệp" Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ con ngày nay ích kỷ, chỉ thích sống hưởng thụ. Quan niệm trên tuy chưa hoàn toàn đúng nhưng cho thấy xu hướng ít quan tâm đến người khác ở một số trẻ hiện nay. Vậy cha mẹ phải làm gì để con mình bớt vô tâm? Hai ví dụ buồn Đã nhiều lần, chị Bắc...