Học toán xác suất và thống kê từ lớp 2: Liệu có bị quá tải?
Việc học sinh sẽ học toán xác suất và thống kê ngay từ lớp 2 trong chương trình phổ thông mới khiến nhiều phụ huynh lo lắng sẽ quá tải đối với học trò.
PGS-TS Ngô Hoàng Long (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết chương trình môn toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất(đặc biệt chú trọng nội dung thống kê). Trong 3 mạch này, sự thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là Thống kê và xác suất.
Ở cấp tiểu học, kiến thức này chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 17-18 %.
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn – Ảnh: Đặng Trinh
Việc học sinh phải học xác suất và thống kê quá sớm khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Trả lời việc học sinh sẽ học xác suất và thống kê như thế nào ở tiểu học, GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán – Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng các bài học liên quan tới xác suất, thống kê ở lớp 2, lớp 3 nhìn qua các hoạt động học này khá đơn giản. Ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc sắc, sẽ có kết quả khác nhau, có thể mỗi lần gieo là 6, 5 nhưng có thể là 1, 2… Các thao tác đó cho các em khái niệm về sự “chắc chắn” hay “có thể”. Hoặc những câu hỏi “mặt trời có thể mọc vào ban đêm không?” hay “Mặt trăng có mọc vào giữa trưa không? cũng được đưa vào SGK.
Bài học về “thống kê”, ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp để xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản.
Ông Đỗ Đức Thái cho rằng việc đưa xác suất, thống kê từ lớp 2 là cần thiết. Vấn đề quan trọng ở đây là mức độ và cách triển khai hoạt động học như thế nào phù hợp. Khái niệm ở khía cạnh khoa học thì có vẻ to tát, nhưng thực chất nó hết sức đơn giản.
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, khi nghiên cứu chương trình và một số sách giáo khoa toán viết theo chương trình mới thì những nội dung được cho là “xác suất”, “thống kê” chỉ là những yêu cầu ở dạng đơn giản có trong cuộc sống hàng ngày mà trẻ tiếp thu được nhằm hình thành khái niệm ban đầu, khả năng quan sát, kiểm đếm, những nhận xét về quy luật tự nhiên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc độ giáo viên, một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp ở Hà Nội chia sẻ để dạy được các nội dung này không phải là điều dễ dàng. Thực tế, để dạy một thì phải biết mười, trong khi các thầy cô sinh năm 1990 trở về trước không được học về xác suất, thống kê trong chương trình phổ thông. Các thầy cô khác thì cũng lâu rồi không dùng đến các kiến thức liên quan đến xác suất. Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, ngoài tập huấn, các thầy cô cũng phải tự học, tự đào tạo mình để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Bên cạnh đó dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức lớp học theo các hoạt động để từ đó phát huy năng lực của học sinh, lĩnh hội tri thức mới. Các giáo viên phải có kiến thức khoa học, thực tiễn sâu sắc, có năng lực tổ chức lớp học.
Video đang HOT
Yến Anh
Theo nguoilaodong
Sách giáo khoa - nhìn từ các nước phát triển
GS.TS Trần Thị Vinh - Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Ở Mỹ và Canada, cũng như phần lớn các nước phát triển trên thế giới, sách giáo khoa là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy ở các cấp học.
Học sinh Singapore thảo luận nội dung bài trên nền tảng SGK
Tiêu chí cơ bản
Ở Mỹ và Canada có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau được biên soạn cho cùng một môn học. Kiến thức trong sách giáo khoa là một hệ thống kiến thức khoa học, chuẩn xác, theo một trình tự logic chặt chẽ, được gia công về mặt sư phạm cho phù hợp với trình độ học sinh các cấp học và thời gian học tập. Ngoài phần kiến thức, sách giáo khoa còn có một phần về rèn luyện các kỹ năng, các phương pháp dạy và học môn học.
Cùng với việc xác định các yêu cầu phải có đối với sách giáo khoa, việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả sách giáo khoa hết sức quan trọng. Hệ thống tiêu chí này cũng được sử dụng như một công cụ cho việc đánh giá, thẩm định sách giáo khoa cũng như phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa trong công tác dạy học ở các cấp phổ thông.
Nhấn mạnh điều này, GS.TS Trần Thị Vinh cho biết: Những tiêu chí cơ bản nhất đặt ra đối với một bộ sách giáo khoa ở Mỹ và Canada là: Phải vừa là tài liệu cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau. Nội dung sách giáo khoa phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực với mục tiêu phát triển năng lực học sinh và khơi gợi hứng thú, khát vọng học tập suốt đời, khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống.
Sách giáo khoa được xem như một công cụ quan trọng trong quá trình dạy học, giúp người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường.
Tiêu chí đánh giá, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu dạy học trên lớp cũng không phải là bất biến mà còn tuỳ vào nhận thức xã hội ở mỗi thời điểm. Trong quy trình biên soạn sách giáo khoa, khâu thẩm định sách và các tài liệu đọc thêm là hết sức quan trọng.
Sách giáo khoa đóng vai trò phát triển năng lực học sinh tại các nước phát triển
Một biện pháp thường được áp dụng ở Mỹ và Canada là việc thành lập các hội đồng kiểm soát chuyên môn bao gồm những giảng viên đại học, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giáo viên các trường phổ thông có uy tín trực tiếp tham gia giảng dạy (không phải là tác giả sách giáo khoa) làm công tác phản biện và kiểm soát chất lượng các tài liệu phát triển thêm. Đồng thời, học sinh các trường phổ thông cũng được tham gia vào quá trình thẩm định với tư cách là những người sử dụng và thụ hưởng sách giáo khoa.
Kiến thức, thực hành, ứng dụng
GS.TS Trần Thị Vinh cho rằng, nhìn chung, sách giáo khoa ở Mỹ và Canada chú trọng ba yếu tố cơ bản là: Kiến thức (kiến thức cơ bản, tinh giản, có hệ thống, cập nhật, vừa sức, phải tạo hứng thú, phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh); thực hành (kết hợp lý thuyết và thực hành, phân tích, sáng tạo và ứng dụng (áp dụng kiến thức, khả năng sáng tạo, kỹ năng ứng dụng vào tình huống thực tế, rút ra bài học).
"Ở Mỹ và Canada, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa là các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, đồng thời là những chuyên gia giỏi về giáo dục học và giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở các trường phổ thông. Theo quan điểm của một số chuyên gia, sách giáo khoa chỉ đạt yêu cầu khi có sự tham gia của đại diện các nhà khoa học thuộc các môn học, nhà giáo dục (tâm lý học, giáo dục học), nhà giáo và do chính đại diện học sinh tham gia thẩm định."
GS.TS Trần Thị Vinh
Theo đó, sách giáo khoa có những nội dung cơ bản có tính hàn lâm làm nền tảng, đồng thời có những nội dung có tính ứng dụng giúp học sinh thực hành và qua thực hành sẽ học tốt hơn. Vấn đề quan trọng mà các tác giả sách giáo khoa luôn chú trọng là xử lý làm sao bảo đảm được sự hài hoà cân đối giữa nội dung có tính hàn lâm và nội dung có tính ứng dụng.
Sách giáo khoa dành cho học sinh từng lớp học, cấp học có phần khác biệt bởi dấu ấn của tác giả nhưng đều phải đáp ứng được những yêu cầu, chuẩn mực chung. Việc cụ thể hoá nội dung giáo dục thành sách giáo khoa dành cho học sinh thường được tổ chức làm việc chuyên nghiệp, theo bài bản khoa học từ tổ chức nhân sự đến quy trình thẩm định, hoàn thiện bộ sách giáo khoa.
Sách giáo khoa cũng phải bảo đảm ba nguyên tắc: Phát triển, chuẩn mực, tối ưu. Bên cạnh đó, việc tổ chức biên soạn các tài liệu bổ trợ trực tiếp cho hệ thống sách giáo khoa và khuyến khích giáo viên, tập thể sư phạm trường liên kết biên soạn các tài liệu bổ trợ được đặc biệt chú trọng.
Vì mục tiêu phát triển năng lực học sinh
Trong quá trình biên soạn sách giáo khoa, các tác giả phải tính đến điều kiện, yêu cầu và giới hạn như mô hình giảng dạy, lứa tuổi và đặc điểm cá nhân của học sinh, các nguồn tư liệu bổ sung trong sách giáo khoa, đặc biệt với ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nội dung bổ sung gồm những tư liệu, trích đoạn từ các tài liệu khoa học thường thức, tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu sử các nhà khoa học... giúp khơi dậy niềm hứng thú của học sinh, giúp các em liên hệ giữa học tập với thực tiễn cuộc sống.
Theo chia sẻ của GS.TS Trần Thị Vinh: Sách giáo khoa ở Mỹ và Canada đều nhằm mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Theo đó, nội dung sách thường cấu trúc theo hai phần: Bài viết (trình bày kiến thức) và phần "Hoạt động sư phạm".
Phần nội dung kiến thức chỉ chắt lọc những kiến thức cơ bản, tinh giản theo quy định của chương trình. Phần "hoạt động sư phạm" gồm hệ thống các câu hỏi, bài tập, các kênh hình, bài đọc thêm, tài liệu tham khảo, hệ thống tư liệu, số liệu minh chứng... Các tình huống sư phạm, các bài học sẽ được đặt ra dưới dạng các chủ đề. Phần cơ chế sư phạm là các hoạt động để phần nội dung được chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động.
Sách giáo khoa không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ... vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày của học sinh. Vì thế, những người viết sách chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống thay vì tập trung vào kiến thức, nặng về kiến thức hàn lâm. Việc tích hợp và lồng ghép các giá trị thực tế đời sống vào sách giáo khoa, tăng cường tính sư phạm, tính hấp dẫn và tính bền vững của sách giáo khoa đặc biệt coi trọng.
Đồng thời, sách giáo khoa ở một số nước rất chú trọng đến hệ thống bài đọc thêm, tài liệu tham khảo phụ trợ cho quá trình dạy học, tăng tính mở của việc biên soạn và phát triển nội dung sách giáo khoa. Các cơ quan quản lý quy định và thiết kế phần lõi của chương trình, trên cơ sở đó, các tác giả có thể thiết kế bổ sung các bài tập, bài đọc và các tài liệu bổ trợ nhằm mang lại những giá trị lớn nhất cho giáo viên và học sinh.
"Một xu thế phát triển phổ biến của việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa trên thế giới là xu thế tích hợp các công nghệ và Internet vào xuất bản sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa điện tử. Sách giáo khoa ở Mỹ và Canada được thiết kế tích hợp với máy tính bảng, Internet và công nghệ di động.
Nhờ tính mở và di động, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, các địa phương trong phạm vi quốc gia được khắc phục nhanh chóng. Không chỉ học sinh học từ giáo viên, ngay cả cộng đồng giáo viên, học sinh các tỉnh xa xôi cũng có thể trao đổi và phát huy kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại các thành phố, các trung tâm đô thị lớn" - GS.TS Trần Thị Vinh thông tin thêm.
"Trong bối cảnh của sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng tin học, sự bùng nổ thông tin từ các kênh khác nhau như hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, sách giáo khoa giờ đây không còn là "pháp lệnh", là nguồn thông tin duy nhất nữa mà chỉ là một trong những công cụ dạy và học, trình bày thông tin, kiến thức và gợi ý hoạt động sư phạm theo quan điểm của người biên soạn. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho một chương trình giáo dục để các trường, giáo viên, học sinh có thể lựa chọn một bộ sách thích hợp và tối ưu cho mình". - GS.TS Trần Thị Vinh
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Giáo dục đặc biệt: "Bật mí" của chuyên gia Theo các chuyên gia, GD hòa nhập đối với học sinh khuyết tật là một xu thế thời đại và được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. GD hòa nhập được tiến hành với các tiền đề mà theo đó nhà trường sẽ tốt hơn nếu thu nhận mọi trẻ em trong cộng đồng. GV sẽ tốt hơn...