Học tiếng dân tộc để gần dân
Những người lính mang quân hàm xanh trên biên giới Nghệ An đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về ngôn ngữ để đến gần hơn với nhân dân, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh và Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp học tiếng Lào do BĐBP Nghệ An tổ chức. Ảnh: Hải Thượng
Ngôn ngữ là nhịp cầu kết nối mọi dân tộc. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ BĐBP thường xuyên tiếp xúc với bà con nhiều dân tộc khác nhau, cả trong và ngoài nước. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An đã tổ chức các lớp học tiếng dân tộc trên địa bàn công tác, tiếng nước láng giềng trên tuyến biên giới. Yêu cầu thông thạo tiếng địa phương đối với cán bộ công tác lâu năm ở địa bàn biên giới, người làm công tác vận động quần chúng, cán bộ địa bàn là bắt buộc đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Không chỉ tổ chức học tiếng người dân địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An còn phối hợp các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An tổ chức giảng dạy khóa học tiếng Lào cho 86 cán bộ các sở, ban, ngành và cán bộ, chiến sĩ cơ quan BĐBP tỉnh. Cùng thời điểm đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng đã tổ chức thành công khóa học tiếng Lào cho cán bộ, chiến sĩ và công chức, viên chức trên địa bàn.
Để củng cố thêm vốn từ cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới Nghệ An đã tổ chức các lớp học tiếng địa phương ngay tại đồn, thời gian học là các ngày nghỉ trong tuần; thầy giáo đứng lớp là cán bộ Biên phòng người địa phương. Ngoài học trên lớp, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ học thêm mọi lúc, mọi nơi để trau dồi vốn từ mới tiếng dân tộc của mình.
“Sau khi học trên lớp, những lúc cùng sinh hoạt, lao động, cán bộ, chiến sĩ thường sử dụng tiếng dân tộc vừa được học để dễ nhớ, dễ thuộc. Từ nào chưa biết, chưa hiểu thì họ hỏi nhau. Những lúc xuống tham gia lao động sản xuất, làm công tác vận động quần chúng cùng bà con, anh em tranh thủ học hỏi đồng bào. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, qua đó tích lũy vốn từ và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng địa phương” – Trung úy Kha Văn Thoại, dân tộc Thái, Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An cho biết thêm.
Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến, cán bộ Biên phòng được tăng cường về xã Tam Quang, huyện Tương Dương giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã là một ví dụ tiêu biểu của tinh thần tự học tiếng dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng của bà con phục vụ công việc hằng ngày của mình, anh đã cố gắng tự học, học qua sách vở, qua đồng đội và qua cả thực tế những lần đi cơ sở tiếp xúc với bà con để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương. Đến nay, Hồ Xuân Tuyến đã nói thông thạo tiếng Thái. Anh chia sẻ: “Tôi đã quán triệt phương châm, người cán bộ Biên phòng sống với đồng bào dân tộc trước hết phải nghe được dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Muốn tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân thì phải biết tiếng của đồng bào. Bằng sự cố gắng, khắc phục khó khăn của bản thân để tự học, đến nay, trong các cuộc họp tại các địa bàn có đông đồng bào người Thái, tôi sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng Thái.
Tuyên truyền đến người dân mà sử dụng ngôn ngữ địa phương sẽ tạo được niềm tin đối với bà con và giúp họ dễ tiếp thu, dễ hiểu và sẽ đạt được hiệu quả cao”.
Video đang HOT
Hiểu bà con, gần gũi với bà con để tuyên truyền cho bà con, nhờ vậy, Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Sau 6 năm về tăng cường tại xã Tam Quang, nhờ sự góp sức của anh cùng cán bộ, nhân dân xã, từ chỗ xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đến năm 2017 đã về đích và đạt chuẩn nông thôn mới.
Học qua sách vở, học qua đồng nghiệp và học trong thực tế thực hiện nhiệm vụ chính là cách học tốt nhất của những người lính Biên phòng Nghệ An. Khi tiếp xúc với người dân, hiểu và sử dụng ngôn ngữ của họ chính là cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn.
Hải Thượng
Theo bienphong
Đắk Nông: Những "tiết học vùng biên" hun đúc tình yêu Tổ quốc
Mỗi tháng một lần, thay vì ngồi trong phòng học, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) được trải nghiệm thực tế tại những lớp học "dã chiến" dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Với hình thức "tiết học vùng biên", những kiến thức về biên giới, lãnh thổ quốc gia đã được truyền đạt đến học sinh một cách chân thật nhất, góp phần hun đúc tình yêu biên cương Tổ quốc trong các em.
"Các bạn có biết đây là gì không nào?", "Dạ, là cột mốc biên giới ạ!", "Đúng rồi! Đây là cột mốc chính số 55 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Campuchia là phía nước bạn rồi nhé. Các em chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới đó nghe", tiếng một chiến sĩ biên phòng phát ra từ một lớp học đặc biệt nằm ngay trên vùng đất biên cương.
Hơn 1 tháng nay, học sinh huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được trải nghiệm những tiết học vùng biên.
Đó là một trong những kiến thức cơ bản về khu vực biên giới được truyền thụ đến học sinh trên địa bàn xã Đắk Búk So trong "tiết học vùng biên". Tiết học do Đồn biên phòng Tuy Đức phối hợp với các trường tiểu học, THCS, THPT và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức tổ chức triển khai. Mỗi tháng sẽ có một "tiết học vùng biên", lớp học được bố trí ngay cạnh những cột mốc biên giới, thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp là những chiến sĩ biên phòng.
Tham gia chương trình, không chỉ được truyền đạt những kiến thức về biên giới như quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên; các kỹ năng nhận biết vùng cấm; đường biên, cột mốc biên giới, các em còn được tiếp cận với những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, hoạt động trong khu vực biên giới.
Tiết học do những chiến sĩ biên phòng đứng lớp, lớp học ở ngay cạnh những cột mốc biên giới
Thông qua tiết học, các em nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như góp phần tuyên truyền cho người thân, bà con về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.
Em Điểu Phước (học sinh lớp 10, Trường Dân tộc nội trú - THCS-THPT Tuy Đức) sinh ra và lớn lên tại xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Vốn là đồng bào bản địa, đối với Phước và nhiều người dân khác trong buôn, hàng ngày họ vẫn thường tự do qua lại bên kia biên giới, vừa để mua bán trao đổi hàng hóa, vừa để thăm bạn bè, người thân. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nam sinh này, đường biên giới vẫn là một khái niệm mông lung và ít khi được cộng đồng người M'Nông ở xã Quảng Trực để ý.
"Qua "tiết học vùng biên", chúng em hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, nhất là ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng em cũng hiểu rằng, việc nhiều người trong buôn tự do qua lại khu vực biên giới và qua bên Campuchia là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương", Điểu Phước cho hay.
Mỗi tháng sẽ có một "tiết học vùng biên" dành cho iểu học, THCS, THPT và Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tuy Đức
Tương tự, sau khi tham gia "tiết học vùng biên", em Thị Thu (học sinh lớp 9A) đã có những nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền của tổ quốc. Nữ sinh này cho biết: "Mỗi lần đi học về, nhìn cột mốc biên giới, chúng em cảm nhận được Tổ quốc thiêng liêng, hiểu hơn những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc. ".
Được biết, để "tiết học vùng biên" đạt hiệu quả cao nhất, các chiến sĩ biên phòng đã lựa chọn các nội dung sát với thực tế địa bàn và phù hợp với nhận thức của học sinh khu vực biên giới. Ngoài học lý thuyết, các em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý... Đồng thời, các em còn nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Học sinh tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng
Đại úy Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuy Đức chia sẻ: "Trước khi lên lớp, chúng tôi soạn giáo án rất kỹ và tập luyện nhiều lần. Kiến thức về pháp luật biên giới vốn dĩ khô khan, trong khi các em học sinh lại còn nhỏ tuổi. Vì vậy, phương châm "ngắn gọn, đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ" đã được chúng tôi áp dụng triệt để. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phần mềm trình chiếu, nên nội dung kiến thức được truyền tải sinh động, với nhiều hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới, bảo vệ cột mốc biên giới và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới...".
Theo thầy Nguyễn Văn Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú - THCS - THPT Tuy Đức, việc đưa "Tiết học vùng biên" vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, các em học sinh được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngay cả với giáo viên đã nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực biên giới cũng rất bổ ích. Khi về nhà, các em còn tuyên truyền trực tiếp đến gia đình và cộng đồng, từ đó người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
Dương Phong
Theo Dân trí
Quảng Trị: Nhiều trường mầm non thiếu cô nuôi, giáo viên đứng lớp kiêm... "đứng bếp" Tình trạng thiếu nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non tại Quảng Trị thời gian qua khiến một số trường phải bố trí giáo viên đứng lớp vào bếp, vì chưa tuyển được hợp đồng. Ghi nhận tại các trường mầm non ở các vùng khó khăn Quảng Trị, các trường vẫn chưa bố trí nhân viên nuôi dưỡng (cô nuôi)....