Học tiếng Anh ở phổ thông: Thiếu môi trường cọ xát
Theo một số chuyên gia, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế việc dạy/ học tiếng Anh ở phổ thông hiện nay, chưa đạt mục tiêu như mong muốn. Học sinh đến lớp học nhưng không được “hành” vì sĩ số quá đông, chương trình dài trong khi thời lượng ít.
Kiểm soát tiếng ồn mất 1/3 thời gian tiết học
Năm nay Bảo An học lớp 2 ở một trường công lập tại Hà Nội. Vào năm học này, cháu được học Toán bằng tiếng Anh. Cháu bảo: “Chán lắm mẹ ạ. Toàn những từ mới lạ ơi là lạ, con chưa từng được học. Thế mà lại phải giải cả Toán bằng tiếng Anh. Con giơ tay đẹp, có khi giơ tay cao, cô cũng không gọi phát biểu. Nói chung, học chả vui bằng ở trung tâm”.
Được biết, gia đình đang đóng tiền học cho An ở một trung tâm ngoại ngữ với số tiền hơn 40 triệu đồng/năm để nâng cao thêm kĩ năng. Cháu cũng cho biết, lớp mình đang học có sĩ số 65 bạn.
Câu chuyện trên đây không riêng của cháu Bảo An là tình trạng chung ở nhiều trường phổ thông công lập trên cả nước.
Cô T., một giáo viên dạy tiếng Anh liên kết cho 4 trường phổ thông công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ sở vật chất dành cho các trường công lập hiện nay không đến mức quá kém nhưng giáo viên áp lực nhất là lượng học sinh quá đông, trong khi thời lượng số tiết/tuần ít.
Bài dài nhưng thời lượng dạy không nhiều nên học sinh khó đạt được yêu cầu khi học trên lớp. (Ảnh: Minh họa)
“Hiện hầu hết các trường đều có ti vi màn hình lớn hoặc máy chiếu đầy đủ để thực hiện các tiết học Ngoại ngữ qua giáo án điện tử giúp học sinh hứng thú hơn.
Điều này khác với nhiều năm trước, khi giáo viên phải dạy “chay” thì nay có sự hỗ trợ của máy móc và mạng Internet. Giáo viên có thể tham khảo tài liệu trên mạng để đưa vào bài giảng”, cô T. cho hay.
Tuy nhiên, theo giáo viên này, người dạy rất áp lực do sĩ số quá đông. Hiện nay mỗi lớp học trong tình trạng 50- 60 học sinh, trong giờ học, giáo viên kiểm soát tiếng ồn đã mất 1/3 thời gian, làm ảnh hưởng đến thời gian dạy và không thể sâu sát đến từng học sinh.
Video đang HOT
“Thứ hai, chúng tôi không phản đối gì về chương trình môn Ngoại ngữ cấp phổ thông nhưng thực tế giảng dạy, bài thì dài mà thời lượng dạy không nhiều nên rất khó đạt được yêu cầu khi học trên lớp.
Nếu bắt học sinh ngồi ghi chép, chúng tôi kiểm soát tiếng ồn rất tốt nhưng đặc trưng của môn tiếng Anh là phải tương tác bằng các hoạt động, các game show nho nhỏ.
Nhưng một khi tạo ra các trò chơi thế này, chắc chắn gây ra sự xáo trộn. Do sĩ số quá đông, giáo viên theo kiểm soát tiếng ồn sẽ “cháy” giáo án”, cô T. cho biết.
Học nhưng không “hành”
Thầy Nguyễn Quốc Bình – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, nhìn một cách khách quan và thẳng thắn, việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Có nhiều lý do nhưng theo ông, lý do cơ bản và được nhiều người nói từ lâu là trình độ, năng lực và phương pháp giảng dạy Ngoại ngữ của chúng ta hiện nay còn hạn chế.
Thứ hai là động cơ học tập chưa rõ ràng ở phần lớn các học sinh. Với thời lượng 3 tiết/tuần và với cách dạy cổ điển, chưa được tiếp cận với phương pháp mới, hiện đại nên hiệu quả chưa cao. Có chăng, hiệu quả chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, một số trường top đầu, có điều kiện.
Do các em chưa có môi trường cọ xát trong các giờ học nên chưa đạt được mục đích như mong muốn. (Ảnh: Minh họa).
Đặc biệt, theo hiệu trưởng này, do các em chưa có môi trường cọ xát trong các giờ học nên chưa đạt được mục đích như mong muốn. Do vậy, thực tế nhiều gia đình đóng rất nhiều tiền để con em học thêm trung tâm bên ngoài.
“Ở trường Việt Đức ngày xưa của chúng tôi, cơ sở vật chất hỗ trợ cho môn Ngoại ngữ khá đầy đủ như máy chiếu, máy cassete, bảng tương tác… Nhưng phương tiện vẫn chỉ là phương tiện, quan trọng là phương pháp truyền đạt sao cho tăng tính tương tác giữa thầy/trò, giữa trò với trò để tăng cường hiệu quả. Điều này khối trường ngoài công lập thực hiện tốt hơn nhiều so với trường phổ thông công lập”, thầy Bình nói.
Điều này cũng được cô Lê Thị Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ngữ, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Newton đồng tình.
Cô Chính cho rằng, Đã có nhiều đánh giá tổng kết về việc học sinh phổ thông học Ngoại ngữ ở nhà trường xong nhưng vẫn không nắm được gì, có chăng biết rất ít.
Do vậy theo cô Chính, số tiết phải đảm bảo đủ, sao cho học sinh được học đi học lại hàng các em mới nhớ.
“Ở trường ngoài công lập, nhà trường đầu tư nhiều tiết tiếng Anh để các em được lặp đi lặp lại mới nhớ. Thực trạng hiện nay, môi trường xung quanh toàn tiếng Việt, nếu chỉ có thời lượng 3-4 tiết/tuần như hiện nay, việc dạy/học Ngoại ngữ trong nhà trường rất khó khăn.
Ngoài ra, sĩ số các lớp từ 50-60 học sinh, các em không được cô giáo gọi đứng lên để nói, không có môi trường cọ xát, các em không thể tiến bộ được. Đó là thực tế nếu không thay đổi”, cô Chính chia sẻ.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Ý kiến phụ huynh: Mất niềm tin với học tiếng Anh liên kết
Cho con học ngoại ngữ là một nhu cầu tất yếu của phụ huynh bởi trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay chỉ cần giỏi ngoại ngữ thì cơ hội việc làm rất rộng mở. Với suy nghĩ đó nhiều gia đình, phụ huynh đã đầu tư cho con học ngoại ngữ từ rất sớm.
Ảnh minh họa
Ngoài mạng lưới trung tâm ngoại ngữ dày đặc ở các thành phố lớn hiện nay, các nhà trường cũng đã hợp tác, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy cho học sinh ngay tại trường. Từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS đều có các chương trình dạy ngoại ngữ theo hình thức liên kết như vậy.
Có thể thấy, mô hình này cũng mang lại một số tiện ích cho học sinh và phụ huynh. Thay vì phải "đau đầu" lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ có uy tín thì phụ huynh có thể an tâm bởi các trung tâm ngoại ngữ liên kết với nhà trường đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định. Con học ngoại ngữ tại trường cũng giúp phụ huynh tiết kiệm được khoảng thời gian đưa đi đón về. Tuy nhiên, ngoài một số thuận lợi trên, việc học ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh liên kết trong các nhà trường, nhất là ở bậc Tiểu học hiện nay chưa thực sự hiệu quả.
Theo quy định thì học sinh sẽ bắt đầu được học tiếng Anh chính thức trong chương trình giáo dục từ năm lớp 3 nhưng việc học ngoại ngữ thực tế đã diễn ra ngay từ bậc mẫu giáo đến các lớp 1, 2 bậc Tiểu học. Đầu năm học, nhà trường thường thông báo phụ huynh nào có nhu cầu cho con học ngoại ngữ thì đăng ký với giáo viên chủ nhiệm vì đây là học tự nguyện, không bắt buộc. Song, dù muốn hay không thì hầu hết phụ huynh vẫn phải đăng ký cho con học ngoại ngữ. Lý do là bởi thời gian học ngoại ngữ được xếp đan xen vào giữa các buổi học chính khóa. Nếu các con không đăng ký học thì chúng sẽ đi đâu, làm gì, ai quản lý con trong thời gian đó.
Việc bố trí thời gian học ngoại ngữ tự nguyện đan xen vào giữa các tiết học chính khóa chẳng khác gì "đánh đố" phụ huynh. Vì có phụ huynh đã cho con đi học từ trước ở các trung tâm bên ngoài nên không có nhu cầu học ở trường. Có phụ huynh cho rằng con vừa vào lớp 1 thì ưu tiên nhất vẫn là học chữ nên chưa vội học ngoại ngữ... Có phụ huynh lại sợ việc học ngoại ngữ sớm sẽ tăng thêm áp lực cho con, dẫn đến việc học chữ không hiệu quả.
Bản thân tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh đó, không muốn cho con học ngoại ngữ để tập trung vào việc học chữ. Nhưng vì cô giáo chủ nhiệm lớp mong muốn 100% phụ huynh đăng ký cho con học để thuận lợi cho việc quản lý học sinh của cô nên tôi cũng đăng ký cho con học. Theo lời cô, khi học ngoại ngữ học sinh sẽ đến học ở phòng học riêng, những bạn không học ở lại lớp thì cô giáo phải trông coi. Các bạn đi học mà chỉ một vài bạn ở lại lớp với nhau cũng sẽ buồn, ảnh hưởng đến tâm lý học tập. Cô động viên phụ huynh rằng học phí hàng tháng cũng không cao nên bố mẹ cố gắng cho con học, vừa tốt cho con lại vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cô giáo.
Chính vì vậy, hết phân vân khi đăng ký học cho con xong phụ huynh sẽ lại tiếp tục phải đắn đo xem chất lượng dạy rao sao. Như ở trường con tôi đang học, với chương trình liên kết là Dyned, thì tôi hoàn toàn không được cung cấp gì về nội dung chương trình học, phương pháp dạy học của trung tâm. Chỉ biết mỗi tuần con được học 2 tiết và có một cuốn giáo trình hỗ trợ. Con không bao giờ có phiếu bài tập môn tiếng Anh về nhà nên bố mẹ càng không biết con học hành ra sao.
Kiểm tra, hỏi han xem con học được gì ở lớp thì con cũng ấp a ấp úng, nhớ nhớ quên quên, gần như không "gặt hái" được gì. Một số phụ huynh khác cũng chia sẻ: Con học tiếng Anh mà như không học vì hỏi gì cũng không biết. Chị hàng xóm nhà tôi vừa cho con học tiếng Anh ở trường vừa cho con đi học ở trung tâm. Chị bảo rằng: "Học ở trường theo phong trào thôi, cho con đi học ở trung tâm mới biết rõ con học gì, trình độ như nào em ạ"!
Hết năm học lớp 1, tôi cũng không nhận được thông báo đánh giá hay nhận xét về tình hình học tập môn tiếng Anh của con. Mặc dù xác định cho con học "cho biết", để làm quen dần với ngoại ngữ nhưng việc "mập mờ" về chương trình giảng dạy và đánh giá hiệu quả học tập của trung tâm ngoại ngữ khiến tôi cảm thấy sự đầu tư của mình không mang lại hiệu quả.
Thế nhưng, cũng vì ý niệm học theo "phong trào", vì sợ con bị lẻ loi một mình trong những tiết học tiếng Anh, sợ việc con không học tiếng Anh sẽ gây phiền hà cho cô giáo chủ nhiệm. Khi con lên lớp 2 tôi tiếp tục "tự nguyện" đăng ký học tiếp tiếng Anh liên kết với hy vọng con lớn hơn thì sẽ tiếp thu bài học tốt hơn, hiệu quả học tập cũng sẽ cải thiện hơn.
Thiết nghĩ, nếu việc học ngoại ngữ đã phổ biến và trở thành một môn học nằm trong thời khóa biểu của các nhà trường thì tại sao ngành giáo dục không đưa ngoại ngữ vào chương trình học chính khóa ngay từ lớp 1. Như vậy sẽ không còn tình trạng học ngoại ngữ liên kết gắn mác tự nguyện mà như "ép buộc" làm khó phụ huynh, chất lượng học ngoại ngữ cũng được quản lý tốt hơn.
Đỗ Quyên
Theo Dân trí
Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Ý tưởng tuyệt vời nhưng phải cẩn trọng Đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời bởi tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế; nhưng cũng không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến nền văn hoá lâu đời nếu Việt Nam coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ...