Học tiếng Anh ở bậc Mầm non: Trẻ được gì, mất gì?
Trẻ ở thời kỳ tiền lớp 1, kiến thức mới vỡ lòng, tiếng Việt còn chưa thông tỏ hết, nhiều bé còn nói ngọng, nói giọng địa phương nhưng lại đồng loạt đi học thêm tiếng Anh như một trào lưu.
Học sinh mầm non ở TPHCM trong giờ làm quen với tiếng Anh. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Nhiều trẻ em hiện nay được sinh ra trong điều kiện khá giả, những phụ huynh thế hệ 8X và 9X sẵn sàng đổ cả đống tiền để đầu tư ăn uống, học hành cho con lứa tuổi mầm chồi.
Đứa cháu hơn 3 tuổi của tôi đang học ở một trường mầm non tư thục, nơi hầu hết là những gia đình khá giả muốn có các điều kiện tốt nhất cho con đi học. Ở trường có mở thêm lớp tiếng Anh, coi như buổi học ngoại khóa cho các cháu. Lớp của cháu tôi có hơn 30 đứa thì chỉ có 4 đứa mà phụ huynh không cho con đi học, trong đó có cháu tôi. Mấy phụ huynh không cho con đi học đều nói vui rằng, tiếng Việt nói còn chưa rõ thì sao học được tiếng Anh?
Tâm lý chung của phụ huynh là “phải giỏi tiếng Anh và chỉ cần có tiếng Anh là làm gì cũng được” nên nhiều người đầu tư cho con học môn này một cách tối đa. Ngoài học trên trường, phụ huynh còn cho con học nhà cô giáo, học tại trung tâm ngoại ngữ. Không những thế, khi ở nhà, cha mẹ cũng tranh thủ giờ ăn, giờ ngủ để dạy từ mới tiếng Anh cho con. Đánh vào tâm lý chiều con và muốn đầu tư cho con hết sức, các trung tâm tiếng Anh đưa ra nhiều lời hứa về triển vọng học tập và tiếp thu kiến thức, để phụ huynh yên tâm mà gửi con theo học.
Trẻ ở thời kỳ tiền lớp 1, kiến thức mới vỡ lòng, tiếng Việt còn chưa thông tỏ hết, nhiều bé còn nói ngọng, nói giọng địa phương nhưng lại đồng loạt đi học thêm tiếng Anh như một trào lưu. Tuy nhiên, học tiếng Anh ở lứa tuổi mầm chồi chỉ được xem là một sân chơi ngoại khóa để trẻ làm quen với ngoại ngữ. Loanh quanh một khóa học, chỉ là để trẻ bắt nhịp với những thứ xung quanh mình như “table”, “dog” hay “chicken”… Trẻ chưa đủ lớn để có ý thức tiếp thu hoặc khả năng ghi nhớ, điều này dễ dẫn đến tình trạng học xong lại quên ngay.
Bản thân tôi nghĩ rằng, học tiếng Anh quá sớm khi trẻ nói tiếng Việt còn chưa sõi thì cũng như học vẹt. Bởi thực tế, học Ngoại ngữ ngoài năng khiếu còn do sự rèn luyện, mà sự rèn luyện còn cần ý thức và môi trường. Thực tế khi tìm hiểu, nhiều trẻ học đến cấp 2, 3 và đã được đi học thêm tiếng Anh nhiều năm nhưng trình độ tiếng Anh còn rất hạn chế. Nhiều người kỳ vọng và cố cho con theo học những trung tâm tiếng Anh chất lượng nhưng cuối cùng cũng chỉ thu được kết quả tỷ lệ nghịch.
Học ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh là cả một quá trình lâu dài và kiên trì, cần có thời gian, có sự nỗ lực và tính thực hành thực tế. ở người lớn, người đi làm vẫn còn tiếp tục phải học để cập nhật và không quên kiến thức. Ưu điểm của trẻ nhỏ khi được đi học tiếng Anh sớm là tâm lý hào hứng và khả năng tiếp thu nhanh. Tuy nhiên trẻ còn nhỏ quá, hoặc bị học nhồi nhét theo phong trào thì chúng sẽ không đủ khả năng và lúc nó việc học sẽ như một cái máy.
Mặt khác, chỉ có ngoại ngữ giỏi mà kiến thức các môn học khác yếu kém thì con trẻ cũng không phải là một học sinh giỏi thực sự. Học tập, phát triển và ứng dụng thực tế khi ra ngoài xã hội cần có một kiến thức tổng hợp của những môn học. Thế nên dạy và học tiếng Anh ở trẻ em các cấp cũng vậy, điều cần nhất là trẻ tự tin và chủ động sử dụng cả bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết chứ không phải chỉ là điểm 10 trong kỳ thi rồi sau đó lại quên hết.
Video đang HOT
Tiếng Anh là môn học Ngoại ngữ nhưng nó tổng hợp nhiều kiến thức xã hội khác nhau, sự trưởng thành và phát triển của một học sinh không chỉ hoàn toàn dựa vào ngoại ngữ. Theo tôi, khi hướng cho con học tiếng Anh, phụ huynh và giáo viên cần tư vấn cho con em mình những cách học chủ động, tích cực và hiệu quả hơn, chứ không phải cứ đóng thật nhiều tiền và thu thật nhiều học phí là đạt được mục tiêu trẻ thành công.
Theo Dân Trí
Những cách học giúp cải thiện tiếng Anh nhanh chóng
Xem những người nổi tiếng trả lời phỏng vấn, đọc mọi thứ bằng tiếng Anh xung quanh giúp bạn nâng cao trình độ rất nhanh.
Với 750.000 từ và cách phát âm phức tạp, tiếng Anh khiến nhiều người cảm thấy khó khăn khi chinh phục. Trang Education First cung cấp một số cách hữu hiệu để sớm làm chủ tiếng Anh mà không tốn quá nhiều thời gian.
1. Đọc mọi thứ có thể tìm thấy
Nếu nhìn thấy bất kỳ cuốn sách, báo, tạp chí, website, email hay thông tin trên mạng xã hội bằng tiếng Anh, bạn hãy đọc nó. Nội dung có thể chứa toàn từ hoặc cách diễn đạt bạn chưa gặp bao giờ, nhưng chúng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nếu để ý. Bằng cách này, bạn đang từng bước xây dựng từ điển cho riêng mình.
Đối với những từ quen thuộc, bạn được học từ ví dụ và văn cảnh mới, nhờ đó áp dụng linh hoạt hơn.
2. Chủ động ghi chú từ mới
Đây là bí quyết rất cổ điển và luôn hiệu quả. Khi học, đôi khi chúng ta thích thú với một từ vựng hoặc cụm từ nào đó đến nỗi tin rằng sẽ không thể quên được. Tuy nhiên, bạn ít khi nhớ như in một từ chỉ sau một lần bắt gặp.
Bạn cần biến nó thành thói quen, bằng cách ghi chép trong cuốn sổ nhỏ hoặc sử dụng công cụ ghi chú trên điện thoại. Mỗi khi nghe hoặc đọc thấy một từ hoặc cách diễn đạt nào hay, bạn hãy viết ra cả câu, chú thích nghĩa bên cạnh. Như vậy, lần sau bạn sẽ không phải tự hỏi nghĩa của một từ trông rất quen hoặc băn khoăn về cách sử dụng.
3. Nói chuyện trực tiếp
Việc trò chuyện qua mạng khiến bạn không cần mở miệng vẫn trao đổi được thông tin, nhưng khi gặp người nào đó ở ngoài đời thật, bạn khó phản xạ nhanh. Nghe nói trở thành rào cản rất lớn đối với nhiều người dù họ hoàn toàn hiểu tiếng Anh viết.
Nếu không đối thoại trực tiếp, bạn không phát triển được đầy đủ các kỹ năng. Do đó, hãy tìm người bản xứ để trao đổi ngôn ngữ, đăng ký các khóa học giao tiếp để có cơ hội nói tiếng Anh thường xuyên.
4. Theo dõi các kênh Youtube hoặc Podcast
Youtube là nguồn học tiếng Anh hiệu quả. Ảnh: 3Play Media
Muốn tìm hiểu công thức nấu ăn, thích theo dõi chính trị hay thích xem nội dung hài hước, bạn đều có thể tìm kiếm các chủ đề này bằng tiếng Anh trên Youtube hay Podcast. Bạn không cần dành quá nhiều thời gian, thậm chí có thể bật để nghe lúc đi xe buýt, đi bộ thể dục... để ngôn ngữ thấm một cách từ từ.
Ban đầu, bạn có thể không quen với ngữ điệu của người bản xứ, tuy nhiên khi kiên trì một thời gian, bạn sẽ hiểu khá tốt và học được thêm nhiều từ mới.
5. Đi nước ngoài
Du lịch hoặc học tập ở một nước nói tiếng Anh là cách tốt nhất để được tiếp xúc với ngôn ngữ này hàng ngày. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới nên bạn có rất nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình: Australia, New Zealand, Anh, Mỹ, Canada...
6. Đặt nhiều câu hỏi
Tính tò mò giúp bạn học hỏi được nhiều hơn. Khi học tiếng Anh, bạn sẽ có cả núi thắc mắc nhưng không phải ai cũng hỏi để đi đến tận cùng vấn đề. Nếu không có giáo viên, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy câu trả lời trên các website, diễn đàn học tiếng Anh, hoặc thông qua một người bạn có trình độ tiếng Anh tốt.
7. Theo dõi người nổi tiếng
Bạn hãy chọn một ca sĩ hoặc diễn viên yêu thích (người nói tiếng Anh), tìm các cuộc phỏng vấn của họ và xem kỹ. Lần đầu tiên, bạn xem qua để nắm được ý chính. Sau đó, bạn nghe lại để gạch ra những cách diễn đạt thú vị, thường liên quan đến khiếu hài hước, câu chuyện ấn tượng... Tìm hiểu thông tin giải trí hoặc về người mà bạn ngưỡng mộ giúp việc học trở nên dễ dàng hơn.
8. Bắt đầu với những thứ thật sự cần thiết
Nếu sắp phải đi học theo diện trao đổi sinh viên, bạn hãy tập trung vào các từ vựng liên quan đến việc học tập. Nếu phải dự một hội nghị quốc tế, bạn hãy làm quen với các cách mở đầu cuộc hội thoại để bắt chuyện với những người tham gia. Nếu muốn tận hưởng một năm "gap year" để đi du lịch, bạn nên tìm hiểu những từ vựng giúp ích cho bạn trên chặng đường.
9. Không nản chí
Khi bắt đầu cảm thấy không đạt được những gì mong đợi trong quá trình học tiếng Anh, bạn cần nhớ những người khác cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Điều quan trọng là phải tuyệt đối tránh xa suy nghĩ "I don't speak English" hay "I'll never get this". Thay vào đó, bạn hãy tự nhủ bản thân "I'm learning English and making improvements everyday", "It's not always easy, but it's worth it", "I'm much better that I was six months ago".
Theo VNN
Bộ Giáo dục sẽ chú trọng hơn đến khảo thí tiếng Anh Việc khảo thí tiếng Anh ngày càng quan trọng, giúp xây dựng niềm tin của người dân đối với hệ thống giáo dục và bằng cấp. Hiện nay, Bộ GD&ĐT trong quá trình hoàn thành cải cách khảo thí giáo dục. Điều đó được thể hiện rõ qua những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như công tác xét tuyển...