Học thêm tự nguyện và dạy thêm ép buộc, ranh giới mong manh
Dù cấm hay không cấm thì một bộ phận giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà đa số các địa phương trên cả nước vẫn đang dạy thêm rất bình thường.
Ngày 07/12/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ban hành Công văn số 4150/SGĐT-NV1 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều về chuyện dạy thêm, học thêm ở địa phương này.
Nhiều giáo viên và phụ huynh mong muốn Bộ có hướng dẫn mới để địa phương cấp giấy phép dạy thêm bởi nếu không có hướng dẫn của Bộ và Sở thì việc dạy thêm của giáo viên là trái phép và nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm cũng không biết xoay sở ra sao.
Nhiều học sinh vẫn đang miệt mài học thêm hàng ngày – (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Laodongthudo.vn)
Tuy nhiên, việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học ở Đồng Nai hay một số địa phương khác đã và đang cấm vẫn là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Suy cho cùng, những phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm hiện nay không nhiều, đa phần phụ huynh vẫn luôn mong muốn chương trình học nhẹ nhàng để con em họ có thời gian nghỉ ngơi và điều cốt yếu là hàng tháng không phải chi một khoản tiền lớn cho việc học thêm của con em mình.
Nhu cầu học thêm của một bộ phận phụ huynh học sinh là có thật
Chúng tôi không phủ nhận hiện nay vẫn có một bộ phận phụ huynh mong muốn được gửi con đi học thêm ở nhà trường, nhà thầy cô giáo hoặc các trung tâm gia sư nhằm giúp cho con em mình lĩnh hội thêm tri thức.
Nhất là một địa phương như tỉnh Đồng Nai- nơi mà tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, điều kiện kinh tế nhiều gia đình khá giả, nhiều phụ huynh tất bật với công việc ở cơ quan, công xưởng nên ít có thời gian trông coi, kèm cặp con em mình.
Hơn nữa, những học sinh cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 thì nhiều em luôn có nhu cầu học thêm để có kiến thức thi tuyển vào lớp 10 và các trường đại học có uy tín bởi những trường lớn thường có sự cạnh tranh lớn, tỉ lệ chọi thường rất cao.
Đặc biệt, tâm lý chung của một bộ phận phụ huynh là dù kinh tế chưa hẳn đã dư dả nhưng vẫn muốn cho con đi học thêm để bằng bạn, bằng bè và một điều quan trọng không kém là hy vọng con mình không sa vào những trò chơi vô bổ trên mạng internet hoặc tiếp xúc với bạn bè xấu khi cha mẹ vắng nhà.
Vì thế, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai ban hành Công văn số 4150/SGĐT-NV1 về việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học thì một số phụ huynh, học sinh lo lắng.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đồng loạt việc tạm dừng dạy thêm, học thêm trong thời điểm này cũng là một điều rất cần thiết mà chúng tôi cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, cũng như một số địa phương khác đã phải cân nhắc rất kỹ mới ban hành các văn bản này.
Xét về lý, vào thời điểm tháng 8/2019 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Vì thế, sau thời điểm tháng 8/2019, chỉ những cơ sở có giấp phép học thêm, dạy thêm còn hiệu lực mới được tiếp tục hoạt động cho đến khi hết giấy phép.
Video đang HOT
Xét về tình hình thực tế hiện nay thì Đồng Nai cũng như tất cả các địa phương trên cả nước vẫn đang sống trong nỗi lo lắng vì dịch bệnh luôn rình rập và có những diễn biến khó lường nên kinh tế của người dân đang chịu ảnh hưởng rất nhiều.
Hơn nữa, việc kiểm tra ở các nhà trường phổ thông từ năm học này đã thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nên số lượng bài kiểm tra đã giảm đi rất nhiều, áp lực về điểm số không còn nặng nề như trước đây nữa.
Chính vì thế, việc tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học cũng là điều cần thiết, nó vừa đúng về lý vừa giảm chi phí cho phụ huynh và cũng là tránh mọi rủi ro về dịch bệnh (có thể xảy ra).
Ranh giới mỏng manh
Như phần đầu bài viết chúng tôi đã đề cập nhu cầu của một bộ phận phụ huynh muốn con mình được đi học thêm là có thật
Song theo quan sát của người viết về các trường hợp dạy thêm – học thêm quanh mình thì nó chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng số phụ huynh và học sinh hiện nay mà thôi. Nhưng, chỉ cần một số phụ huynh trong lớp có nhu cầu thì ắt sẽ dẫn đến nhu cầu của cả lớp, cả trường bởi việc hợp thức hóa các đơn xin phép học thêm bây giờ đơn giản lắm.
Người này muốn con học thêm thì phụ huynh khác dù không muốn cũng phải theo bởi tâm lý phụ huynh thường hay sợ con mình sẽ bị ảnh hưởng trên lớp học chính khóa.
Vì thế, một số giáo viên, nhà trường cũng vin vào “nhu cầu” của phụ huynh để mở lớp dạy thêm.
Vậy nên, dù trên thực tế thì Bộ, một số Sở Giáo dục đang yêu cầu tạm dừng tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học nhưng nhiều giáo viên vẫn đang tổ chức dạy bình thường, chỉ khác là họ cảnh giác hơn một chút mà thôi.
Việc nhiều giáo viên vẫn dạy thêm dù giấy phép hoạt động đã hết là do thu nhập từ dạy thêm hiện nay là khá lớn, chỉ cần dạy thêm cho khoảng 20 học sinh là giáo viên có thêm khoản thu nhập bằng lương chính hàng tháng của mình.
Trong khi, giáo viên bộ môn thì họ dạy nhiều lớp, dù là những môn học nhiều tiết/ tuần cũng sẽ có ít nhất từ 4 lớp trở lên, mỗi lớp chỉ cần một nửa số lượng học sinh học thêm cũng đem lại một khoản thu nhập khá lớn hàng tháng cho họ.
Vì vậy, dù cấm hay không cấm thì một bộ phận giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà đa số các địa phương trên cả nước vẫn đang dạy thêm rất bình thường. Nhu cầu của phụ huynh thực ra cũng có nhưng có lẽ nhu cầu của một bộ phận giáo viên và nhà trường thì nhiều hơn!
Tài liệu tham khảo:
http://sgddt.dongnai.gov.vn/chi-dao/van-ban/ta-m-ngung-da-y-them-ho-c-them-trong-va-ngoa-i-nha-truo-ng-d3738.html
http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/hoc-them-nhu-cau-tu-phia-phu-huynh-hoc-sinh-3036697/
http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202012/thap-thom-cho-quy-dinh-cap-phep-day-them-hoc-them-3036698/
Bộ sửa thông tư, làm sao ngăn được tình trạng dạy thêm chính khóa kiếm tiền?
Không cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình đang dạy ở trường và tổ chức dạy buổi 2 hiệu quả thì dạy thêm chắc chắn sẽ đi vào nền nếp.
Thông tư 17 ban hành về việc cấm dạy thêm học thêm ra đời từ năm 2012 tính đến nay cũng gần 10 năm. Tuy nhiên, việc cấm cứ cấm, dạy thêm học thêm đã trở thành vấn nạn đem đến nhiều nỗi bức xúc, bất bình cho xã hội và không ít tâm tư, trăn trở của những thầy cô giáo chân chính.
Một lớp học thêm ở Đồng Nai, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Đồng Nai
Để hạn chế mức thấp nhất dạy thêm học sinh tràn lan, vào tháng 8-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Sau thời điểm tháng 8-2019, chỉ những cơ sở có giấp phép học thêm, dạy thêm còn hiệu lực mới được tiếp tục hoạt động cho đến khi hết giấy phép. Còn tất cả các hoạt động tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép và gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường đều phải dừng lại, chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định mới.
Những điều luật dạy thêm học thêm nào trong Thông tư 17 đã hết hiệu lực?
Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT có các nội dung: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Yêu cầu đối với người dạy thêm; Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Cho đến thời điểm này, nhiều cơ sở và không ít giáo viên đã hết giấy phép dạy thêm nhưng không được cấp mới. Hiện vẫn đang chờ hướng dẫn quy định mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dù thế thì việc dạy thêm học thêm không vì thế mà hạ nhiệt. Mới đây nhất, Thành phố Hồ Chí Minh phải ra thông báo cấm dạy học thêm cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày.
Học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhưng không phải tất cả
Bỏ qua một số trường hợp giáo viên dùng thủ thuật để lùa học sinh đến lớp học thêm nhằm tăng thu nhập thì học thêm hiện nay vẫn là nhu cầu chính đáng của nhiều học sinh và phụ huynh.
Học sinh đi học thêm hiện nay có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất, những học sinh giỏi, thông minh đi học thêm để thầy cô hướng dẫn, tìm tài liệu nghiên cứu và giải đáp thắc mắc để nâng cao nhận thức. Những em này thường có ước vọng học để thi vào trường chuyên, lớp chọn và những trường đại học danh tiếng.
Nhóm thứ hai, là những em có lực học quá yếu, tiếp thu bài rất chậm nên không hiểu bài, không thể theo kịp kiến thức trên lớp nên cần thầy cô giảng đi giảng lại, kèm cặp riêng, để tiếp thu được kiến thức tối thiểu trong sách giáo khoa.
Nhóm thứ ba, còn một bộ phận không nhỏ học sinh thích điểm số, ba mẹ thích thành tích, thích được khoe con nên bắt buộc các em đi học thêm để được điểm cao và mong đạt được danh hiệu.
Vì thế, dù có cấm dạy thêm cũng chỉ cấm được giáo viên còn phụ huynh khi đã muốn cho con đi học thêm sẽ có nhiều cách như mời giáo viên đến nhà kèm riêng với học phía cao ngất, thuê gia sư là sinh viên hoặc giáo viên về hưu...
Bởi thế, khi bộ sửa thông tư quy định dạy thêm học thêm thế nào để làm sao không ngăn cản nhu cầu học thêm chính đáng của học sinh, phụ huynh, nhưng vẫn hạn chế tối đa các trường, các giáo viên ép học sinh chính khóa phải học thêm vì mục đích tăng thu nhập?
Một vài kiến nghị gửi Bộ Giáo dục
a/ Đối với trường dạy một buổi/ngày
Cấm tuyệt đối giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình đang dạy chính khóa ở trường.
Có thể nói, việc giáo viên dạy thêm học sinh của mình đang dạy chính khóa ở trường chính là nguồn cơn xảy ra bao tiêu cực.
Học sinh bị ép buộc đi học thêm tự nguyện. Học sinh bị đối xử không công bằng. Phụ huynh không cho con cháu đi học thêm vì sợ bị làm khó mà cho đi học thêm lại bức xúc, bất bình.
Nhưng làm gì để quản lý được các thầy cô giáo không được dạy học sinh chính khóa trong khi dạy thêm?Thực ra, quy định này đã có trong Thông tư 17. Vậy vì lý do gì giáo viên vẫn cứ dạy thêm chủ yếu cho học sinh lớp chính khóa của mình?
Khi kiểm tra cơ sở dạy thêm, người ta chỉ chủ yếu chú ý xem có giấy phép dạy thêm hay không? Cơ sở vật chất có đảm bảo đúng theo yêu cầu? Còn tên tuổi học sinh, hiện đang học lớp nào ở trường? Học với ai thì ít ai chú ý.
Không cho giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình sẽ có thêm điều lợi tự giáo viên ấy phải nỗ lực hết mình trong chuyên môn để khẳng định năng lực, danh tiếng của mình mới mong thu hút được học sinh tìm đến học.
Những giáo viên dạy dở, ít tiếng tăm sẽ không có ai tìm đến học và đương nhiên có muốn dạy học cũng không dạy được.
b/ Đối với trường dạy 2 buổi/ngày
Tổ chức tốt việc dạy buổi 2 ở trường đó là dạy phân hóa, dạy theo nhu cầu sở thích của học sinh và phụ huynh.
Tuyệt đối không dạy nguyên lớp, sáng học sĩ số bao nhiêu chiều vẫn y chang sĩ số đó và buổi chiều chỉ là ôn tập lại những kiến thức đã học buổi sáng.
Cho học sinh quyền chọn môn học và chọn giáo viên. Sẽ có những lớp học toán nâng cao, tiếng Việt nâng cao, tiếng Anh tăng cường hay các lớp phụ đạo học sinh yếu kém lấy lại kiến thức, các lớp năng khiếu như múa, hát, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng đá...
Nếu làm chặt chẽ khâu này, không cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình đang dạy ở trường và tổ chức dạy buổi 2 hiệu quả thì dạy thêm chắc chắn sẽ đi vào nền nếp. Giáo viên dạy dở, dạy không uy tín sẽ tự đào thải. Những giáo viên dạy giỏi sẽ không có thời gian để mà dạy thêm vì lượng học sinh đăng ký học quá đông.
'Tẩy chay' lớp học thêm tiền lớp 1, phụ huynh cần làm gì giúp con? Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học. Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới bắt đầu được đưa vào dạy và học từ năm học...