Học thể dục cho có
Phần lớn học sinh Việt Nam hiện đang học thể dục trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Đó là chưa kể cả nhà trường và gia đình đều ít quan tâm đến việc rèn luyện thể chất cho học sinh.
Không phải trường nào cũng có điều kiện cho HS có giờ thể dục tự chọn như Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Minh Luân
1 – 2 tiết/tuần
Hiện nay, ở bậc tiểu học, học sinh (HS) lớp 1 được học 1 tiết thể dục/tuần, từ lớp 2 đến lớp 5 là 2 tiết/tuần. Bậc THCS và THPT cũng 2 tiết/tuần, trường nào có điều kiện về sân bãi, giáo viên… có thể thêm một tiết tự chọn. Giáo viên thể dục Vũ Thị Hiếu Hạnh (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) cho biết: “Thời lượng này không phù hợp cho một đứa trẻ bình thường thực hiện hoạt động duy trì sức khỏe chứ nói chi rèn luyện thể lực”. Bà Hạnh giải thích: “Một HS phổ thông cần có sức khỏe tốt để phát triển chiều cao và học tập, nên một tuần 2 tiết thể dục không thấm vào đâu”.
Đó là chưa kể, trên thực tế HS không bao giờ thực tập đủ thời gian phân bổ trong một tiết. Ông Lê Thiện Trí, giáo viên Trường THCS Lý Phong (Q.5), cho biết: “Một tiết học chỉ có 45 phút. Tập hợp HS đã mất 5 phút, khởi động (một lớp học khoảng 40 HS) khoảng 10 phút, giảng bài 5 phút. Còn lại 25 phút để thực hiện bài tập”. Vậy rồi đến tuần sau, HS mới quay trở lại với bài luyện tập này nên không mấy hiệu quả.
Thiếu giáo viên chuyên môn, không đổi mới nội dung
Video đang HOT
Việc dạy thể dục ở các trường còn nhiều thiếu thốn khác.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), thông tin: “Trường có 36 lớp với khoảng 1.300 HS, nhưng chỉ một giáo viên biên chế nên phải có một thỉnh giảng với mức thù lao 25.000 đồng/tiết”. Nhưng như thế cũng là may vì trong 15 trường tiểu học của Q.4 chỉ 2 trường có giáo viên thể dục biên chế, các trường còn lại đều thỉnh giảng. Để tiết kiệm chi phí, giáo viên thỉnh giảng thường gom nhiều lớp lại để dạy. “Mà gom lại như vậy khó lòng giảng dạy được gì. Chưa kể khó phát hiện được những em có năng khiếu để bồi dưỡng”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên thể dục Trường Nguyễn Văn Trỗi nói.
Ông Lê Thiện Trí ngậm ngùi: “Tôi dạy thể dục đã 26 năm nhưng trong thời gian đó, nội dung dạy dường như không có gì thay đổi và ngày càng lạc hậu”. Ông Trí dẫn chứng: “Chẳng hạn như môn nhảy cao, trên thế giới không ai nhảy theo kiểu bước qua nữa nhưng mình thì vẫn dạy theo kiểu này”.
Dạy bơi khi trường không có hồ bơi
Trước năm học mới, Bộ GD-ĐT vừa có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chú trọng, đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước cũng như triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi cho HS, nhất là bậc tiểu học. Ngay từ năm học 2010 – 2011, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ đạo các trường học phải triển khai đưa tiết học bơi vào chương trình chính khóa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng GD tiểu học của Sở, thừa nhận: “Hạn chế nhất hiện nay mà các trường gặp phải khi dạy bơi là không có hồ bơi”. Gần 300 trường tiểu học của TP chưa tới 5 trường có hồ bơi.
Ý thức đây là điều quan trọng nên các trường cũng tìm mọi cách để dạy bơi cho HS. Chẳng hạn các trường ở Q.Tân Phú sử dụng hồ bơi của một đơn vị tư nhân xây trong Trung tâm TDTT quận. Ban giám hiệu Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) đăng ký cho HS học bơi tại hồ bơi Kỳ Đồng. Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, tiết lộ: “Do hồ bơi ít mà HS lại nhiều nên trường phải tranh thủ đăng ký từ tháng 6″. Ở Q.4, HS phải học tại hồ bơi Vân Đồn… Tuy nhiên, việc di chuyển HS từ trường đến các hồ bơi cũng không phải dễ dàng, chưa kể phụ huynh phải đóng thêm chi phí.
Người trẻ bỏ mặc sức khỏe
Nhiều ý kiến cho thấy giáo dục của ta hiện nay quá nặng khiến giáo viên, phụ huynh và HS suốt ngày chỉ biết lao vào học, đối phó thi cử, không chú ý đến rèn luyện thể chất.
Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho biết: “Có một điều đáng buồn là cứ sau giờ tan trường, thay vì dành thời gian cho con chơi thể thao thì phụ huynh lại đưa con đi học thêm”. Theo TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nền giáo dục của chúng ta nói là toàn diện nhưng thực chất không phải như vậy bởi vì mục đích cuối cùng của phụ huynh và HS là học giỏi và đậu ĐH, ra trường tìm được việc làm. Nhà trường giáo dục cũng vì mục tiêu đạt tỷ lệ HS giỏi, số lượng HS đậu ĐH cao… Ngoại trừ các trường đặc thù đào tạo HS năng khiếu thể dục thể thao, dường như không có trường nào đặt mục tiêu về việc phát triển thể chất cho HS.
6.000 tỉ đồng nâng chiều cao người Việt
Vào tháng 4.2011, Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển thể lực, tầm vóc của thanh niên Việt Nam. Theo đó đến năm 2030 chiều cao của nam ở độ tuổi 18 là 168,5 cm và nữ là 157,5 cm. Theo đề án, giải pháp thực hiện là tăng cường giáo dục thể chất cho HS từ 3 – 18 tuổi, kết hợp tuyên truyền thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của thể lực, tầm vóc. Dự kiến chi phí thực hiện đề án khoảng 6.000 tỉ đồng. Theo các chuyên gia, nhiều nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và tầm vóc của con người gồm: dinh dưỡng chiếm 31%, di truyền 23%, thể thao 20%, môi trường và tâm lý xã hội chiếm 26%.
Theo TNO
Thực hiện chế độ dành cho giáo viên thể dục
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục công lập hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao.
Theo đó, đối tượng được cấp, số lượng trang phục được cấp đúng như quy định trong Quyết định số 51/2012/QĐ- TTg ngày 16/11/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành. Chế độ bồi dưỡng bằng tiền không áp dụng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao trong các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 2 bộ quần áo thể thao dài tay/ 1 năm, 2 đôi giầy thể thao/ 1 năm, 4 đôi tất thể thao/ 1 năm, 4 áo thể thao ngắn tay/ 1 năm.
Một giờ học thể dục của học sinh trường THCS Ký Phú- Đại Từ- Thái Nguyên
Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 1 bộ quần áo thể thao dài tay/ 1 năm, 1 đôi giày thể thao/ 1 năm, 2 đôi tất thể thao/ 1 năm, 2 áo thể thao ngắn tay/ 1 năm.
Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất. Chất liệu trang phục, chủng loại trang phục phải đảm bảo an toàn cho hoạt động thể thao và phù hợp với môi trường sư phạm, khí hậu từng vùng, miền. Mẫu mã phù hợp với nét đặc trưng về văn hóa, phù hợp với yêu cầu thẩm mĩ của từng địa phương.
Việc mua sắm trang phục cho giáo viên, giảng viên thể dục thể thao thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 68/2012/TT- BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
Theo Kim Anh (Giáo dục & thời đại)
Học sinh sợ môn thể dục! Mục tiêu của môn thể dục trong các trường phổ thông là rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất cho học sinh nhưng việc giảng dạy ôm đồm, thiếu hiệu quả đã khiến môn học này xa rời mục tiêu đào tạo. Kể từ học kỳ 2 năm học 2011-2012, trước phản ứng của các trường về tình trạng học sinh (HS)...