Học thật, thi thật phải bắt đầu từ các lãnh đạo thật
Ở bậc tiểu học mà thầy cô luôn nói: Học đi để đạt điểm 9 – 10 thì đó là nhồi nhét vào đầu học sinh tư tưởng học vì thành tích, vì điểm số. Không phải học thật.
“Học thật là những kiến thức đã được dạy trên ghế nhà trường sau này có thể đem áp dụng được vào cuộc sống, chứ hoàn toàn không phải học để lấy điểm, cho có bằng.
Chúng ta phải xác định ngay từ bậc tiểu học vì đây là bậc học khởi đầu cho một quy trình tiếp thu các kiến thức sau này của một con người, là những nền tảng đầu tiên cho mọi chuyện. Có thể nói đó là cái gốc.
Tôi đã từng dạy đại học, rồi dạy bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở và giờ là tiểu học, sau cả một quá trình dài như vậy tôi mới xác định được bậc tiểu học là quan trọng nhất, là khởi đầu của mỗi con người. Vậy nên nếu muốn nói đến việc học thật thì chúng ta cũng phải giáo dục cho lứa tuổi học sinh từ khi bắt đầu đi học.
Trước khi thầy cô truyền thụ kiến thức thì cũng phải giúp các con hiểu rằng những kiến thức mà các con sẽ được học nó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này”, nhà giáo V.A – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học tư thục ở Hà Nội cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nếu các cấp lãnh đạo không ép các trường, ép giáo viên phải như thế này, phải thế kia thì giáo viên chắc chắn sẽ làm thật và có đánh giá thật. Và khi các giáo viên làm thật thì sẽ có việc học thật, dạy thật và thi thật. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Theo cô V.A: “Nói một cách khác, trường học chính là một góc của cuộc sống, là nơi cung cấp kiến thức để con người ta bước vào cuộc sống, như một xã hội thu nhỏ trong nhà trường. Vậy nên nếu chúng ta dạy thật, thầy cô giáo giúp các con xác định được việc học rất cần thiết cho sau này lập nghiệp thì cách học của học sinh sẽ rất khác, sẽ chất lượng.
Còn ngay ở bậc tiểu học mà thầy cô luôn nói học đi để đạt điểm 9 điểm 10 thì đó là “nhồi nhét” vào đầu học sinh tư tưởng học vì thành tích, vì điểm số, chứ không phải học những kiến thức có ích cho cả một cuộc đời sau này. Cho nên nếu chúng ta không xác định được như vậy thì học sinh sẽ tìm “mọi cách” để đạt được mục tiêu mà đó không phải là mục tiêu tốt trong giáo dục. Đó không phải là học thật.
Muốn cho học sinh học thật thì vai trò của giáo viên rất cần thiết, thầy cô phải định hướng để các con hiểu được giá trị thật của việc học kiến thức. Nhưng để giáo viên định hướng tốt thì lãnh đạo nhà trường và ngay bản tôi luôn luôn quy trách nhiệm về lãnh đạo nhà trường.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên của trường mình ra sao, có yêu cầu phải 100% phải đạt học sinh giỏi, phải lên lớp, phải thi đạt điểm cao, học bạ đẹp …hay không? Nếu lãnh đạo nói các thầy cô muốn “làm thế nào thì làm” nhưng trường của chúng ta học sinh phải 100% đạt các tiêu chí loại tốt, thì đó là dạy không thật.
Nhưng ở tại ngôi trường này, tôi luôn nhắc nhở giáo viên phải cung cấp những con số thực tế, thực chất về việc học của các con, học sinh ở trình độ nào và tôi cần thầy cô đánh giá đúng trình độ đó cho tôi và ban giám hiệu nắm được.
Để trên những đánh giá đúng, ban giám hiệu sẽ có những điều chỉnh rút kinh nghiệm và từ đó làm tốt hơn công tác nâng cao chất lượng nhà trường, đặc biệt là chất lượng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Theo tôi học thật hay không thì tư duy của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng, việc cần nhất hiện nay là làm sao để lãnh đạo các cơ sở giáo dục phải thay đổi cách nghĩ, cách đánh giá về việc truyền thụ kiến thức, không chạy theo thành tích, loại bỏ tư tưởng trường mình phải thật “nổi”. Nhưng theo tôi việc này rất khó vì trên trường còn có Phòng, có Sở và trên nữa là Bộ… liệu các cấp trên đó có chịu “đồng ý” tư tưởng này hay không? Đó mới là điểm cốt lõi giải quyết vấn đề học thật.
Nếu các cấp lãnh đạo không ép các trường, ép giáo viên phải như thế này, phải thế kia thì giáo viên chắc chắn sẽ làm thật và có đánh giá thật. Và khi các giáo viên làm thật thì sẽ có việc học thật, dạy thật và thi thật.
Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh chỉ tiêu thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục. Nhiều năm nay có hiện tượng 98% số học sinh trong 1 lớp hoặc số học sinh toàn trường đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có trường đạt 100%.
Nhiều trường nâng điểm vì giữ “thành tích” của trường không bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua, giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt, cất nhắc ở vị trí cao hơn…
Hơn thế nữa, thời gian qua tại một số địa phương, một số trường học vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm, “ làm đẹp” học bạ cho học sinh. Và vì chạy theo thành tích, nhiều trường đẩy sĩ số học sinh đạt lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo…
Video đang HOT
Báo chí phân tích rất nhiều là phải thế này, phải thế kia nhưng theo tôi nghĩ tất cả mọi chuyện đều do con người quyết định, chúng ta có hiểu đúng vấn đề hay không, có thấy việc học thật, dạy thật và thi thật là điều bắt buộc và cần thiết cho giáo dục hay không? Hay là ngành giáo dục đang rơi vào tình trạng “bệnh” thành tích?
Vấn đề thi thật của học sinh là nhà trường dạy cái gì thì nên cho các em thi cái đó, chương trình dạy thế nào thì thi như thế, đừng có cho thi cao quá so với kiến thức của các em đã được học. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Quá nhiều cuộc thi, quá nhiều giấy khen…hình thức?
Dư luận xã hội hiện nay rất có rất nhiều quan điểm trái ngược khi nhắc đến một số cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên có sáng kiến, thi học sinh giỏi… về việc này nhà giáo V.A nêu quan điểm: “Những cuộc thi như vậy cũng tùy thuộc vào quan điểm của từng nhà trường.
Ví dụ ở trường của tôi năm nào cũng tổ chức cho giáo viên thi, nhưng chúng tôi không dùng từ “giáo viên dạy giỏi” theo phong trào phát động hình thức, mà đó là cuộc thi giáo viên dạy sáng tạo của riêng nhà trường, nghe thì tưởng là giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác về bản chất.
Có nghĩa trong tiết dạy chúng tôi sẽ đánh giá giáo viên đó có sự sáng tạo gì, có cái mới hay không, học sinh được hưởng lợi gì từ những cái mới, cái sáng tạo đó, giáo viên có thu hút được học sinh hay không…? Chứ không phải đánh giá giáo viên đó dạy đúng theo một “kịch bản” đại trà có sẵn của ngành.
Tuy nhiên cũng phải nói thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, thành phố hay trung ương thì người giáo viên được lựa chọn để đi thi, người đó phản ánh được chất lượng giáo dục của nhà trường nơi họ công tác, tại sao như vậy? Trong quá trình bồi dưỡng để giáo viên đó đi thi sẽ xây dựng được một phong trào tích cực ở trong nhà trường.
Mọi người sẽ phải nghĩ xem làm cách nào để giáo viên đó đi thi phải đạt được thành tích, còn khả năng giáo viên đó đến đâu thì chấp nhận thành tích đến đó, nhưng cái được là lôi cuốn các giáo viên khác vào cùng suy nghĩ xem nội dung đi thi cần những vấn đề gì. Đó là tư duy của tập thể, còn cá nhân biểu diễn.
Và ngôi trường nào thu hút được nhiều giáo viên vào phong trào đó thì chắc chắn trường đó thành công, động viên được nhiều suy nghĩ của tập thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là thi thật.
Nhà giáo V.A chia sẻ thêm: “Vấn đề thi thật của học sinh là nhà trường dạy cái gì thì nên cho các em thi cái đó, chương trình dạy thế nào thì thi như thế, đừng có cho thi cao quá so với kiến thức của các em đã được học.
Tôi không tán thành việc các con thi vào một số trường chuyên… thì đề bài cứ như là đánh đố, nhiều kiến thức chưa học và chính những việc đó đã tạo nên “nạn” học thêm, muốn thi đỗ vào trường A, B, C thì phải theo học thêm ở những trường đó, không học thì thêm thì không thi đỗ được. Như vậy là đâu phải thi thật, học thật mà chỉ học đối phó để thi vào được một trường nào đó”.
Chúng ta phải xác định ngay từ bậc tiểu học vì đây là bậc học khởi đầu cho một quy trình tiếp thu các kiến thức sau này của một con người, là những nền tảng đầu tiên cho mọi chuyện. Có thể nói đó là cái gốc. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Học chỉ để đi thi liệu có nhân tài thật?
Về vấn đề này, nhà giáo N.H – hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông tại Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam: “Tôi thấy cách chúng ta tổ chức thi và ra đề thi như hiện nay chưa thật sát với thực tế, chưa hội nhập với thế giới. Đề thi vẫn nặng về sao chép kiến thức, học thuộc lòng, học “tủ” theo bài mẫu sẽ được điểm cao mà chưa khuyến khích sự suy nghĩ của học sinh.
Nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến khi tổ chức thi lấy học bổng hoặc làm những bài khóa tốt nghiệp…thì họ lại nghiêng nhiều về vấn đề kỹ năng, chứ họ không nghiêng nhiều về kiến thức. Học sinh có thể có kỹ năng này, có tài kia…đều được đánh giá cao. Nhiều thí sinh giành được học bổng nhưng kết quả học tập trước đó không có gì nổi trội.
Tôi thấy các trường ở ta hiện nay vẫn dạy nặng theo kiến thức sách giáo khoa mà còn thiếu dạy học sinh những kỹ năng thực tế rất cần cho cuộc sống. Ngoài ra các em chỉ tập chung vào học một số môn được coi là môn chính mà lại bỏ qua những môn còn lại, giáo viên cũng không định hướng để học sinh thấy được môn nào cũng có cái tốt của nó, không nên xem nhẹ. Chính vì thế dẫn đến việc học không đều và khi ra trường các em cũng sẽ không đều về các mảng kiến thức”.
Theo cô H: “Đa phần các du học sinh học ở nước ngoài về đều làm tốt, nhưng trong thực tế có những em học rất giỏi ở nước ngoài nhưng về nước chưa chắc đã làm việc được, theo tối các em không thích hợp với “môi trường” làm việc trong nước, có thể môi trường đó chưa tận dụng được năng lực kiến thức của các em đi du học về.
Hơn nữa đâu phải 100% du học sinh về nước đều đạt loại giỏi, có em đi du học bằng học bổng, có em du học tự túc, có gia đình có điều kiện cho con ra nước ngoài học để “mở mặt” với bạn bè còn không quan tâm con học cái gì, học ra sao thì như thế lúc về nước cũng trắng tay.
Quy tụ lại nếu như anh muốn làm việc được thì trước hết phải giỏi về mặt kiến thức, và phải biết được kiến thức đó phù hợp với bản thân mình ở môi trường nào, quan trọng là phải chọn đúng môi trường và phải dựa trên khả năng của chính cá nhân người học thì mới mong đạt hiệu quả cao.
Bằng cấp của con người ta cũng chỉ là một phần, anh có thể là tiến sĩ ở lĩnh vực này nhưng anh lại không có năng lực ở lĩnh vực khác, vậy nên nếu được bố trí làm việc đúng năng khiếu, ở đúng ngành anh được đào tạo, được hưởng mức đãi ngộ tốt thì mới có thể phát huy được hết năng lực, mới phát huy được cái tài thật sự của anh”.
TS. Hoàng Ngọc Vinh: 'Phải dạy và học ra những giá trị thật, để văn bằng thực sự là giấy thông hành suốt cuộc đời'
Đề cập đến vấn đề học thật, thi thật, nhân tài thật, TS. Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm, phải dạy ra những giá trị thật tương xứng với sự đầu tư về sức người, sức của, làm cho văn bằng thực sự là giấy thông hành suốt cuộc đời của người học...
TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định, phải dạy và học để ra những giá trị thật, để văn bằng là giấy thông hành suốt cuộc đời.
"Học thật, thi thật để có nhân tài thật" là từ khóa, cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc vào đầu tháng 5. Quan điểm của ông ra sao về một nền giáo dục thực chất, "học thật, thi thật" để ra những sản phẩm giáo dục thật?
Nền giáo dục thực chất là nền giáo dục ở đó con người được tiếp nhận những giá trị thực và mang những giá trị thực đó phục vụ cho cuộc sống trước hết của bản thân và sau là gia đình và xã hội một cách hiệu quả. Nói cách khác, giáo dục giúp con người hoàn thiện nhân cách, năng lực của mình theo những chuẩn mực chung của xã hội loài người như trung thực, nhân ái, dân chủ, bình đẳng, trách nhiệm với cộng đồng... và có khả năng độc lập, tự chủ, trách nhiệm với nghề nghiệp của mình và với tổ chức của mình.
Nói như vậy, những gì trong giáo dục không giúp cho con người hoàn thiện các giá trị đúng đắn mà lại cung cấp những giá trị lệch lạc là nền giáo dục giả. Việc học hay dạy trong nhà trường cũng thế, tức là cũng phải dạy ra những giá trị thật tương xứng với sự đầu tư về sức người, sức của. Từ đó, làm cho văn bằng thực sự là "giấy thông hành" suốt cuộc đời của mình, tạo niềm tin cho người sử dụng yên tâm với những giá trị kết tinh trong văn bằng khẳng định học vấn của mình.
Muốn học thật, dạy thật, có nhân tài thật thì phải bắt đầu từ đâu?
Câu hỏi thì đơn giản nhưng vấn đề lại khá phức tạp, phụ thuộc quá nhiều yếu tố từ bên trong môi trường học tập và bên ngoài từ thị trường lao động và xã hội.
Về bên trong môi trường học tập, là những yếu tố như học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, cán bộ quản lý (phẩm chất và năng lực), tài chính cho giáo dục (học phí, đầu tư tài chính...), chương trình giáo dục, thể chế giáo dục (các quy định và tổ chức hệ thống), hệ thống trợ giúp học sinh - sinh viên (HSSV), hệ thống đánh giá, văn hóa trường học...
Những yếu tố bên ngoài nhà trường, như thị trường lao động (tuyển dụng), đãi ngộ, thể chế thị trường, văn hóa đạo đức xã hội, phụ huynh...
Nói bắt đầu từ đâu, tôi nghĩ nên cân chọn các yếu tố, xem yếu tố nào tác động mạnh nhất đến việc học thật, dạy thật thì thấy rằng HSSV, đội ngũ giáo viên là những nhân tố rất quan trọng để có sản phẩm thật.
Nếu HSSV và giáo viên lại "hợp đồng" với nhau cùng tạo ra một sản phẩm giáo dục dễ dãi, dạy và học "được chăng hay chớ", thi kiểm tra đánh giá thiếu các chuẩn mực sẽ chẳng bao giờ có học thật và dạy thật cả.
Ngoài ra, thị trường lao động là yếu tố đầu ra rất quan trọng để tác động trở lại việc dạy và học trong nhà trường. Ví dụ, dựa vào sự quen biết và chạy chọt để kiếm công ăn việc làm trong bộ máy công chức viên chức sẽ góp phần hủy hoại chính nền giáo dục.
Theo ông, việc học thật, thi thật trong nhà trường đang gặp những bất cập, rào cản nào?
Hãy xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến học thật thì sẽ thấy các rào cản nằm ở động cơ và mục đích học tập của HSSV. Nếu HSSV không tự giác học tập và rèn luyện thì có hô khẩu hiệu "học thực" mà không có giải pháp cũng chỉ ở khẩu hiệu thôi.
Cùng với đó, chương trình giáo dục (có những nội dung không mấy ý nghĩa trong việc làm gia tăng giá trị cho người học, hoặc quá tải khiến cho người học chán học). Tài chính giáo dục không đủ lập tức nhà trường sẽ tăng số hssv/gv, lấy quy mô bù vào chất lượng, cắt bớt thời lượng thực tập, máy móc thiết bị thiếu phải học "chay", hoặc học phí quá thấp đừng mong có chất lượng thực như kỳ vọng.
Còn làm gì để dạy thật, trước hết phải là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, năng lực và trình độ sư phạm. Giáo viên mà phẩm chất kém, thiếu bản lĩnh trung thực trong đánh giá HSSV, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm yếu sẽ ảnh hưởng đến động cơ học tập của HSSV.
Đồng thời, nếu phẩm chất kém, dạy học "kiểu sống chết mặc bay" hoặc cứ có đút lót của người học là nhắm mắt làm ngơ sai phạm của HSSV trong quá trình dạy học hoặc thi kiểm tra đánh giá là làm hại họ hơn là giúp họ học thật. Nhất là, do lợi ích cục bộ thu được có thể do hạ thấp mức chất lượng giáo dục như các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang là nguồn thu khá lớn ở các trường nhờ tăng quy mô học viên, buông lỏng kiểm soát chất lượng. Đây cũng là những rào cản do cơn khát tài chính mang đến khiến dư luận không an tâm.
Ngoài ra, những vấn đề về quản lý giáo dục cũng là rào cản không nhỏ liên quan đến các bệnh thi đua hình thức, trường chuẩn... động cơ chính trị của người làm công tác quản lý trường học sợ bị cấp trên đánh giá năng lực yếu nên thả lỏng kiểm soát chất lượng, lo "mất ghế" rồi văn hóa ganh đua chạy theo các giá trị ảo (không giúp cải thiện giá trị người học) giữa lớp này với lớp khác, trường này với trường khác, giữa địa phương này với địa phương khác...
Thứ đến là thị trường tuyển dụng, những người học thật, có năng lực thật chưa chắc đã được tuyển dụng hoặc được bổ nhiệm. Ngược lại, con cái những gia đình giàu có hoặc có vai vế trong xã hội thì thường có sự ưu ái hơn, khiến động lực học tập của một bộ phận sinh viên giảm sút... Một thị trường tuyển dụng hoặc bổ nhiệm thiếu minh bạch chắn chắn sẽ khó tạo ra nhân tài và sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của rất nhiều bạn trẻ.
Để dạy thật, trước hết phải là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, năng lực và trình độ sư phạm.
Ông có hiến kế gì cho Bộ GD&ĐT trong việc đưa ra giải pháp để giải bài toán mà Thủ tướng đã đặt ra và kỳ vọng?
Tôi thấy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời trên phương tiện truyền thông đại chúng như vậy khá là đủ rồi. Vấn đề bây giờ là làm sao để cả hệ thống giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung có được sự đồng thuận ủng hộ Bộ trưởng hành động quyết liệt, đừng ngại va chạm.
"Thuốc đắng dã tật", có thể hệ thống sẽ bị đau đớn, có thể lãnh đạo vài địa phương nào đó cảm thấy "mất mặt" nếu thi, kiểm tra đánh giá thực chất. Nhưng nhờ có thi, kiểm tra đánh giá thực chất thì người ta mới biết "bệnh tật" có căn nguyên ở đâu. Nếu việc đo lượng và đánh giá không chuẩn, sẽ rất khó chẩn đoán bệnh cũng như nguyên nhân gì.
Bên cạnh đó, rất cần đổi mới thể chế giáo dục làm sao để nâng cao tự chủ cho nhà trường và trách nhiệm giải trình về việc học của HSSV không chỉ đối với nhà trường chung chung mà cả với mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý và kể cả lãnh đạo quản lý địa phương, bộ ngành.
Cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ giáo viên trước hết phải làm gương cho việc học thật, để chứng tỏ mình là nhân tài thật được xã hội tôn trọng. Ở đây, cần xác định và thực thi trách nhiệm của người đứng đầu với giáo dục. Như vậy, phải có sự sàng lọc những cán bộ giáo viên yếu kém ra khỏi ngành, kể cả ở cơ quan đầu não của ngành cho đến địa phương và các địa phương phải xắn tay cùng ngành giáo dục làm cho được.
Điểm cuối cùng, sự học có thể diễn ra học chính quy, không chính quy và phi chính quy. Nếu bản thân người học trung thực, khiêm tốn, ham học hỏi thì sự học thật không nhất thiết phải học trong nhà trường mới là học.
Học qua trải nghiệm, học lẫn nhau trong một cộng đồng, nhất là ngày nay công nghệ học tập rất phong phú cũng là cơ hội để học thật. Việc còn lại của cơ quan quản lý là thiết kế chính sách và kỹ thuật đo lường để công nhận quá trình học trước của người học trong một nền giáo dục mở.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.
Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học.
Để học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không "ngồi nhầm lớp", luận án không chất lượng thì không cho qua...
Nhân tố nào quyết định "học thật, thi thật, có nhân tài thật"? Từ những ngày đầu trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành quan tâm lớn cho giáo dục. Thông điệp "học thật, thi thật, có nhân tài thật" của ông đã tác động lớn tới suy nghĩ, hành động của các nhà giáo. Thầy và trò Trường THPT Trần Nguyên Hãn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: NVCC)...