Học thật, thi thật: ‘Học để thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để chụp ra bức ảnh đẹp’
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó, học thiếu thực chất.
Học thật, thi thật sẽ gặp khó nếu bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích để thi. (Nguồn: Thanhnien)
Thực học tức là học thật, có kiến thức thật. Hư học là lối học ứng phó với thi cử, học chỉ cốt thi đỗ.
Người “thực học” thì lo học trước, khi học đủ kiến thức mới đi thi. Người “hư học” thì ham danh, thích hư danh nên chỉ lo thi để cầu danh. Để chống “hư học”, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Mục tiêu của đổi mới là để thay việc học nhồi nhét kiến thức bằng việc học để phát triển phẩm chất và năng lực người học. Nhà nước đã lần lượt bỏ thi tốt nghiệp Tiểu học, rồi bỏ thi tốt nghiệp THCS. Mấy năm gần đây lại tiếp tục bỏ thi học sinh giỏi Tiểu học.
Như vậy, các em học sinh từ lớp 1 tới lớp 9 không còn phải lo thi. Các em được học trong tâm thế thoải mái. Do đó, các thầy cô cùng cha mẹ học sinh phải động viên, khơi gợi, tạo hứng thú để các em học.
“Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học chỉ để đi thi sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó”
Kiến thức ở hai bậc học này là kiến thức rất nền tảng. Các em cần phải học đều để tiếp thu được kiến thức các môn. Đó là kiến thức văn hóa phổ thông, tức là những kiến thức ai cũng phải biết và ai cũng có thể biết.
Nếu các bậc cha mẹ đều hiểu rằng học là cái có trước, cần trước; thi là cái có sau, nghĩ đến sau thì hằng ngày hãy chăm lo việc học của con. Thay vì hỏi con “được mấy điểm” hãy hỏi “con đã học chăm chú chưa? Con có hiểu bài không?”, “trên lớp có gì vui không?”…
Hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình.
Khi con gặp khó khăn trong học tập (kém hứng thú khi học, ham chơi hơn học, hay quên chuẩn bị đồ dùng học tập, hay nói chuyện riêng trong giờ học, thiếu nỗ lực ý chí trong học tập…) hãy cùng con tìm hiểu vấn đề. Hãy đồng hành cùng con để chia sẻ những khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng trẻ gặp khó trong chuyện học thường bắt đầu từ việc học hằng ngày, tiếp thu kiến thức và rèn luyện kiến thức, tham gia hoạt động học của các con. Do đó, cha mẹ cần nhắc nhở, lặng lẽ dõi theo con, giúp con khắc phục khó khăn đó.
Video đang HOT
Có thể nói, những khả năng của con như sức khỏe, trí thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo là cái vốn của con. Tất cả những yếu tố đó sẽ làm nên kết quả là sự phát triển phẩm chất và năng lực của con.
“Cha mẹ hãy vui mừng khi con có ý thức tốt trong học tập, có phương pháp học tập khoa học, có tình cảm yêu mến tri thức, muốn chiếm lĩnh tri thức, muốn được thử thách bản thân cũng như khám phá chính mình”
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại chỉ thích nhìn hình vẽ, ảnh chụp để vui buồn, để tự hào hay thất vọng, để khích lệ hay gây sức ép. Có nhiều bậc cha mẹ vì quá say sưa với thành tích, với điểm số nên dẫn đến dồn ép con học chỉ với mục đích học để thi. Và việc học “chỉ để đi thi” sẽ dẫn đến học lệch, học tủ, học gạo, học đối phó.
Việc học chỉ để đi thi cũng giống như người chỉ lo trang điểm để ra chụp ảnh để có bức ảnh đẹp. Học chỉ để đi thi dẫn đến học rất nhiều, tốn nhiều thời gian công sức mà không có kiến thức thật. Ví dụ, các em học thuộc văn mẫu, học tiếng Anh rất nhiều mà không giao tiếp được…
Vì tương lai, hạnh phúc của con, phụ huynh hãy chú ý vun bồi, chăm lo việc học cho con. Hãy đồng hành cùng con để có học thật, thi thật, kết quả thật.
Còn chạy theo chỉ tiêu thành tích sẽ không có học thật, thi thật
Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo nhà trường chạy theo thành tích, giao chỉ tiêu cho các giáo viên làm thế nào để học sinh có điểm số cao, học bạ đẹp, đỗ 100%.
"Vấn đề học thật, thi thật, chất lượng thật luôn là điều cốt lõi của bất cứ một nền giáo dục nào, đây là vấn đề sống còn của cả một hệ thống giáo dục, là thước đo của một quốc gia.
Trường Đông Đô của chúng tôi luôn quan niệm việc dạy và học phải thực chất, thứ nhất thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo theo quy định, phải thực hiện được mục tiêu giáo dục mà Đảng đã đề ra, dạy học sinh làm người. Trong đó phải luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, đạo đức, lối sống, nhân cách cho các thế hệ học sinh.
Để thực hiện được những yêu cầu đó thì ban giám hiệu nhà trường chúng tôi luôn định hướng giáo viên thường xuyên cập nhật đổi mới phương pháp dạy học. Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin đã đi sâu vào đời sống xã hội thì việc dạy học càng cần phải tiến xa hơn, tiếp cận với dạy học thông minh. Tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin áp dụng vào việc dạy và học", trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã cho biết.
Tiến sĩ Võ Thế Quân: "Vấn đề học thật, thi thật, chất lượng thật luôn là điều cốt lõi của bất cứ một nền giáo dục nào, đây là vấn đề sống còn của cả một hệ thống giáo dục, là thước đo của một quốc gia". Ảnh: Tùng Dương.
Theo thầy Quân: "Giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy, dẫn đến học sinh cũng đổi mới phương pháp học. Gần đây chúng ta thường nói phải bồi dưỡng năng lực tiếp thu cho học sinh, bởi suy cho cùng trong những năm phổ thông các em sẽ tích lũy được những phương pháp học tập khoa học thì cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống lập nghiệp sau này của các em.
Điều quan trọng nữa là phải bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh, về điểm này tôi thấy ở nhiều nhà trường chưa quan tâm đầy đủ mà mới dừng lại ở việc truyền kiến thức, chưa khuyến khích được học sinh tư duy, sáng tạo. Thầy đọc theo sách giáo khoa, học trò chép lại nguyên văn, học như vậy theo tôi chưa phải là học thật.
Tại Trường Đông Đô có một yếu tố rất quan trọng mà chúng tôi thực hiện từ năm 2003, đó là bồi dưỡng cho học sinh thực hiện các bài tập nghiên cứu khoa học, đề tài được các giáo viên giao từ đầu năm. Thông qua các bài tập nghiên cứu như vậy giúp học sinh tập dượt, tìm hiểu về vấn đề khoa học cụ thể nào đó, tất nhiên là hợp với mức độ hiểu biết của học sinh phổ thông.
Đây cũng là bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh, kỹ năng tìm kiếm phân tích tập hợp, xử lý thông tin đối với những bài tập có yếu tố thực nghiệm. Như vậy có thể nói nhà trường chúng tôi đã rèn được cho học sinh không những học tập theo chương trình mà còn vươn xa hơn trong việc tự tìm kiến thức, mở rộng ra học sinh có thể xây dựng được các đề tài và thực hiện trong khoảng thời gian 1 năm học.
Tất cả các đề tài của học sinh hàng năm chúng tôi có tập hợp tổng kết đánh giá, học sinh tự trình bày bảo vệ đề tài đó để thuyết phục người nghe và những đề tài nổi bật về tính ứng dụng hiệu quả vào đời sống sẽ được trao tặng giải Búp sen xanh của nhà trường, điều đó nhằm mục đích khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng của mình trong sáng tạo".
Thầy Quân cho biết: "Về chất lượng đội ngũ giáo viên nhà trường luôn quan tâm đến hai việc, thứ nhất là bồi dưỡng nền tảng kiến thức sau đại học để thầy cô có trình độ cao hơn, chính vì vậy mà trường Đông Đô hiện nay có đến 90% giáo viên có trình độ Thạc sỹ trở lên.
Thứ hai, các thầy cô luôn được nhà trường quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy học mới, nhất là kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học. Để làm được việc này nhà trường đã xây dựng "Phòng học thông minh", giúp thay đổi rất nhiều về cách tổ chức dạy học của đội ngũ giáo viên trong từng tiết học, học sinh cũng dễ dàng tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả và linh hoạt hơn cách dạy truyền thống".
Tập thể giáo viên và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) làm lễ Báo công với Bác trong năm học 2021. Ảnh: Tùng Dương.
Hiểu thế nào là thi thật?
Thầy Quân phân tích: "Vấn đề tiếp theo là phải thi, kiểm tra nghiêm túc, khách quan để đảm bảo kết quả thi phản ánh đúng chất lượng học tập và mức độ kiến thức của học sinh, đó mới là thi thật. Đề thi phải hợp lý, học gì thi nấy chú không phải ra đề thi kiểu đánh đố, làm sao để phân loại được học sinh ở các mức độ khác nhau một cách chính xác.
Học sinh phải dựa trên nền tảng kiến thức thật của mình để thực hiện bài thi một cách nghiêm túc, kết quả thi phản ánh trình độ thật của từng em. Để đảm bảo việc thi thật có hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như người ra đề thi có nội dung phản ánh được kiến thức chuẩn đã dạy.
Khâu coi thi cũng rất quan trọng và phải thật sự nghiêm túc, khách quan, việc này không nghiêm túc sẽ dẫn tới tiêu cực trong phòng thi và sẽ cho ra kết quả không chính xác.
Một yếu tố nữa có phần quyết định là bản thân học sinh phải nỗ lực làm bài bằng chính khả năng của mình, không có những hành vi vi phạm quy chế...có như vậy mới phản ánh được kết quả của những kỳ thi thật.
Thực tế hiện nay có một số lãnh đạo nhà trường vẫn chạy theo chỉ tiêu thành tích, đề ra mục tiêu cho các giáo viên phải làm thế nào để các em học sinh có điểm số cao, học bạ đẹp và thi đỗ 100%, chính những yếu tố đó cũng đã góp phần làm sai lệch kết quả học tập, dẫn đến việc giáo viên bắt buộc phải theo chỉ đạo, "dễ tính" hơn trong việc cho điểm và đánh giá học sinh, và đã theo chỉ đạo giáo viên thì có muốn công khai đánh giá thật chất lượng từng em cũng không được. Theo quan điểm của tôi nếu còn "chạy theo" chỉ tiêu thành tích từ trên xuống dưới như vậy thì lấy đâu ra mà học thật với thi thật.
Theo tôi muốn học thật, thi thật có chất lượng thật thì trước hết phải bắt đầu từ việc các lãnh đạo nhà trường cần thay đổi cách nghĩ, phải vì một nền giáo dục sạch, chất lượng học sinh thế nào phải chấp nhận đúng như vậy, nếu thấp thì phải tìm cách đổi mới giáo dục để chất lượng đi lên chứ không thể vì "chạy theo" thành tích mà dễ dàng cho qua những sản phẩm không đạt chất lượng, điều này sẽ làm hỏng nhiều thế hệ tương lai của đất nước".
Tiến sĩ Võ Thế Quân và các học sinh thế hệ đầu tiên của Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.
Phương pháp quản lý chất lượng học thật
Thầy Quân chia sẻ: "Nhà trường chúng tôi áp dụng một phương pháp khá hiệu quả trong suốt 30 năm qua từ khi thành lập cho đến nay vẫn duy trì, đó là tổ chức thi định kỳ thường xuyên.
Định kỳ 2 tháng 1 lần nhà trường tổ chức kỳ thi cho tất cả học sinh toàn trường ở tất cả các môn, gọi là thi giai đoạn và mỗi năm có 5 giai đoạn như vậy. Ban giám hiệu chỉ định từng thầy cô ra đề thi và có thay đổi liên tục với mục đích các giáo viên trong nhà trường cũng không biết được ai là người ra đề. Bộ phận in, sao đề thi cũng làm việc độc lập hoàn toàn bảo mật cho đến khi đề được mở ra tại phòng thi phát cho từng học sinh.
Giáo viên coi thi nội bộ của nhà trường cũng là một hội đồng riêng được hiệu trưởng chỉ định trực tiếp, học sinh vào phòng thi theo sơ đồ, trông thi nghiêm túc, chấm thi cũng là một bộ phận độc lập và tất cả các công đoạn của kỳ thi này đều tuân thủ theo quy chế một kỳ thi quốc gia.
Mục đích của kỳ thi này giúp cho ban giám hiệu nhà trường đánh giá được từng giai đoạn kiến thức của học sinh, từ điểm bài thi đó sẽ được đối chiếu trở lại với kết quả và cách cho điểm của giáo viên trong từng môn học, dựa vào kết quả đó xem có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hay không? Hay điểm học trung bình rất cao là do giáo viên thả lỏng?
Bài thi của nhà trường cho ra mức điểm này, nhưng điểm số giáo viên cho trong các môn học lại khác, nếu độ chênh lệch quá nhiều thì chứng tỏ việc chấm điểm của giáo viên có vấn đề, từ đó yêu cầu giáo viên chấn chỉnh.
Nhờ mỗi năm học có 5 đợt kiểm tra như vậy nên ban giám hiệu giám sát được chất lượng đào tạo thật trong nội bộ nhà trường, phản ánh được chất lượng dạy thật, học thật của thầy và trò.
Trong nhà trường luôn song song 2 chuẩn đánh giá chất lượng dạy và học, thứ nhất là chuẩn điểm thi trung bình các môn dựa trên kết quả của 5 kỳ thi, phần này ban giám hiệu quản lý. Chuẩn thứ 2 là kết quả điểm trung bình do giáo viên bộ môn nắm và làm sao để cả 2 chuẩn này luôn tương đồng với nhau, giám sát lẫn nhau, một trong hai chuẩn này lệch quá nhiều tức là khâu dạy và học cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc".
Thầy Quân chia sẻ thêm: "Dựa vào kết quả 5 kỳ thi đó, chúng tôi có hướng xử lý cụ thể về chất lượng giáo dục, với những em đạt điểm cao trong từng khối sẽ được chọn vào 1 lớp top đầu, mỗi lớp 30 học sinh có mức độ học tương đối đồng đều.
Với những em có kết quả thi thấp hơn một chút cũng được tập hợp lại thành lớp riêng và những em kém hơn cũng được chọn vào một lớp khác, tất cả các lớp được chia theo năng lực học để giúp cho giáo viên đưa ra giáo trình dạy cho phù hợp, đồng đều với mức độ tiếp thu kiến thức, phù hợp với năng lực học sinh
Nhưng với tất cả học sinh sau một học phần nếu không có sự tiến bộ, thụt lùi thì qua kỳ thi sau sẽ được chuyển từ lớp có điểm cao xuống học lớp có điểm thấp hơn. Ngược lại những em ở lớp điểm thấp nếu nỗ lực phấn đấu, học tập đến kỳ thi sau đạt điểm số cao hơn sẽ lại được chuyển lên học ở lớp trên, như vậy là các lớp cùng khối sẽ không có sự cố định, có thể được thay đổi liên tục, điều này cũng khuyến khích học sinh luôn tự phấn đấu bản thân để được ở những lớp top cao trong trường, tránh sự ỷ lại trong học tập.
Bản thân tự mỗi học sinh luôn ý thức tự bảo vệ danh dự của mình trong môi trường học tập, và những em có điểm số cao trong mỗi kỳ thi đều được nhà trường vinh danh trao tặng "Giải thưởng Đông Đô", ghi nhận nhận kết quả phấn đấu trong học tập".
Học sinh đam mê học, tự học và tìm thấy niềm vui mới gọi là giáo dục thật sự Một khi căn bệnh ngụy thành tích vẫn còn được nuôi dưỡng ở những cá nhân, tổ chức giáo dục thì chúng ta không thể mong có học thật, thi thật, nhân tài thật. Trong suốt hơn 1 tháng qua, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề "học thật, thi thật, nhân tài thật" đã được đưa...