Học sử Việt qua trò chơi điện tử
Chơi game (trò chơi điện tử) mà lại được học sử Việt. Sản phẩm thú vị này của hai cậu học trò vừa đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi “ Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần 7-2011″.
Mô phỏng cuộc đời nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh, Phan Thanh Thanh và Nguyễn Văn Thế (lớp 12 chuyên tin Trường THPT Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tum) đã sáng tạo phần mềm trò chơi điện tử mang tên “Vua cờ lau” đầy sinh động.
Đánh trận giả cùng Đinh Bộ Lĩnh
Ngay từ khi học trung học cơ sở, đôi bạn thân Thanh và Thế đã tìm tòi các tài liệu về tin học để tập viết các phần mềm đơn giản. Nhắc đến ý tưởng về game lịch sử, Thế cho biết: “Từ nhỏ cả hai đều thích chơi game máy tính, vì vậy khi lên trung học phổ thông tụi mình rất muốn tự viết một phần mềm game. Trước việc nhiều bạn trẻ không mặn mà với môn lịch sử, nên tụi mình chọn làm đề tài lịch sử nước nhà”.
Có ý tưởng từ năm 2009, đôi bạn bắt tay vào tìm kiếm tài liệu về nhân vật Đinh Bộ Lĩnh, học cách sử dụng nhuần nhuyễn các ứng dụng làm game và chuẩn bị hệ thống âm thanh. Hè năm 2011, Thế và Thanh bắt tay vào viết kịch bản và nội dung cho game.
Thanh nhớ lại: “Khi xây dựng game, chúng mình phải tìm tòi, nghiên cứu rất nhiều sách báo nói về Đinh Bộ Lĩnh – từ những mẩu chuyện, chi tiết nhỏ về con người ông cho đến gia đình, làng quê nơi ông sinh ra và lớn lên. Đây là khó khăn lớn nhất, vì làm game lịch sử đòi hỏi sự chính xác cao trong từng chi tiết về nhân vật”.
Đôi bạn Phan Thanh Thanh (phải) và Nguyễn Văn Thế tại buổi lễ trao giải thưởng “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần 7-2011″ tại Hà Nội.
Sẽ làm thêm nhiều game lịch sử
“Vua cờ lau” mô phỏng cuộc đời nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh từ khi còn nhỏ đến lúc lên ngôi với những trận đánh bằng cờ lau vui nhộn, nội dung phong phú không mang tính bạo lực. Người chơi sẽ hóa thân thành Đinh Bộ Lĩnh và trải nghiệm cuộc đời ông thông qua việc trả lời câu hỏi lịch sử, tham gia đánh trận với quân khác (trẻ con làng khác, sứ quân, địch…). “Các nhiệm vụ chính của người chơi sẽ xuyên suốt cuộc đời Đinh Bộ Lĩnh với ba giai đoạn: thưở hàn vi, dẹp loạn sứ quân và lên ngôi” – Thanh cho biết.
Không cần nối mạng Do game online chiếm nhiều thời gian và tiền bạc của người chơi nên Thanh – Thế quyết định làm “Vua cờ lau” dưới dạng game offline (loại game không cần nối mạng) để phù hợp nhu cầu giải trí của học sinh. Loại game này cũng là phương thức tiện dụng giúp học sinh, người chơi game có thể dễ dàng tiếp cận, nhớ và thuộc các kiến thức lịch sử Việt Nam.
Ngoài việc giúp người chơi hiểu hơn về lịch sử, “Vua cờ lau” còn có tính tương tác cao, người chơi sẽ tự lựa chọn cách đánh, xử lý các tình huống để thể hiện sự mưu lược của bản thân. “Trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh, tùy vào thực trạng mỗi sứ quân mà người chơi tìm cách đánh thích hợp – bằng quân sự, liên kết đồng minh hay dùng mưu dụ hàng…” – Thế ví dụ về kỹ năng lãnh đạo của người chơi.
Đam mê làm game, cả Thế và Thanh đều ước mơ có thể viết được thêm nhiều game về lịch sử các vị anh hùng Việt Nam để giúp học sinh có một trò chơi điện tử bổ ích. Kế hoạch sắp tới, cả hai sẽ hoàn thiện phần mềm game “Vua cờ lau” và bắt tay vào làm game về Hai Bà Trưng. Thanh bộc bạch: “Để làm được điều đó, chúng mình quyết tâm học thật tốt để có thể đậu vào trường đại học yêu thích. Từ đó có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn các phần mềm sản xuất game, phục vụ việc viết nhiều game hơn trong tương lai”.
Theo TTO