Học sư phạm ‘cạp đất mà ăn’?
Đó là lời bình luận của một độc giả về thực trạng rất nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không có cơ hội được… làm thầy .
Vừa qua, việc Bộ GD – ĐT công bố cả nước còn thiếu hơn 27.500 giáo viên, mâu thuẫn với thực trạng rất nhiều cử nhân sư phạm vẫn không thể xin được việc làm, đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, đông đảo thành viên đã đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Nhiều sinh viên sư phạm đang học hoặc đã tốt nghiệp cũng cho rằng thất nghiệp là chuyện bình thường. Một số bạn chia sẻ đang trong tình trạng tương tự và và cảm thấy tiếc nuối thời gian, tiền bạc đã bỏ ra trong suốt những năm ngồi trên giảng đường đại học.
Trước thực trạng này, bạn Solomon Ken phân tích: “Ngành sư phạm đã được dự báo trước là đang rất bão hòa, khó xin được việc. Đây là vấn đề kêu trời trời không thấu, gọi đất đất không nghe của biết bao sinh viên sư phạm sau khi ra trường”.
Thậm chí, Tung Nguyen Thanh còn bình luận: “ Học sư phạm có mà cạp đất mà ăn”.
Tuy nhiên, một số thành viên lại không đồng tình với lối suy nghĩ này. Tiêu biểu, Duy Lâm cho rằng: “Học chỉ cho các bạn tri thức, tư duy. Vì vậy, trong thời buổi kinh tế loạn lạc, bản thân không chịu vận động không chịu thích nghi thì chẳng bao giờ khá lên được.
Tôi tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư cơ khí, và cũng đã làm công nhân vậy thì đã sao. Khi đi làm tôi mới thấy sách vở không giúp ích đước cái gì. Tôi chấp nhận làm công nhân với đồng lương thấp để trau dồi kinh nghiệm sống. Khi đã có kinh nghiệm, tôi không ngại phỏng vấn hay đi xin việc”
Hay Trần Đức Hòa chia sẻ: “Không nên chỉ lao đầu vào học chuyên ngành để có tấm bằng giỏi mà quên rằng mình có thể tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực khác”.
Video đang HOT
Trương Đan Phong cũng cho rằng: “Thời buổi kinh tế khó khăn, các bạn đừng quan trọng công việc như thế nào, cái nào làm có tiền thì đó gọi là công việc để từ từ phát huy”.
Thông qua sự việc này, bạn Giau Tran nhận định: “Quả thật việc học đại học đã ngốn quá nhiều tiền. Trung bình một sinh viên học đại học tốn kém khoảng trăm triệu chi phí và 4 năm lao động mà không làm được gì. Nghịch lí là nhiều gia đình vẫn đốc thúc cho con em mình nhất quyết phải học đại học. Đây là sự kém về trình độ nhận thức hay a dua theo cái danh hão tri thức của tấm bằng cử nhân?”.
Đồng tình với quan điểm này, bạn Trần Thanh bày tỏ thêm: “Các bạn không nên đổ lỗi do học sư phạm mới thất nghiệp, làm trái nghề. Bởi đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên hiện nay.
Hơn nữa, việc theo đuổi nghề giáo là quyết định của gia đình và bản thân các bạn. Vậy không nên đổ tại hoàn cảnh mà phải xem lại chính mình. Các bạn đã thực sự năng động, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần hay chưa?”.
Theo TNO
Cử nhân ĐH sư phạm thất nghiệp đi bán bia
Không chỉ bán bia, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang là công nhân, thậm chí phải đi xuất khẩu lao động để mưu sinh vì không thể xin được việc.
Tại hội nghị Tổng kết năm học 2012-2013, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết cả nước còn thiếu 27.554 giáo viên đứng lớp. Một số tỉnh thành còn thiếu hàng nghìn giáo viên như Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD - ĐT TP.HCM cũng thông báo năm học 2013-2014 thành phố thiếu khoảng 1.200 giáo viên trong đó thiếu 300 giáo viên mầm non, 500 giáo viên tiểu học và 400 giáo viên THCS.
Mặc dù vậy, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp vẫn không xin được việc làm. Thậm chí những người từng chừng sẽ đứng trên bục giảng, được xã hội gọi là thầy, cô giáo lại đang phải làm nhiều nghề để mưu sinh.
Cô giáo đi bán bia, xuất khẩu lao động
Tốt nghiệp một trường đại học sư phạm danh tiếng cả nước với tấm bằng loại khá, Nguyễn Thị Mai cũng như bao sinh viên cùng lớp rất mong sớm xin được việc làm. Vốn bản tính rụt rè, Mai chọn nghề giáo để mong có được công việc và cuộc sống ổn định sau này.
Nhà chẳng mấy khá giả nên việc có mối quan hệ hay xoay sở một khoản tiền đủ để "chạy việc" là điều không thể đối với Mai. Cô chỉ biết chạy vạy khắp nơi, hễ chỗ nào đăng tuyển giáo viên là Mai nộp hồ sơ và chờ đợi. Về tỉnh, Mai cũng nộp hồ sơ và thi tuyển nhưng đã ba năm qua, chưa bao giờ cô nhận được tin vui.
Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, ban đầu Mai xin đi bán hàng tại một siêu thị, nhưng vẫn nuôi ý định trở thành giáo viên. Sau gần 2 năm ra trường vẫn chưa xin được việc, Mai quyết định lấy chồng và sinh con.
Khi con đã cứng cáp hơn, cô lại hy vọng được theo đuổi ước mơ của mình và không để phí hoài bốn năm trên giảng đường đại học. Thế nhưng, kể từ ngày ra trường đến nay, Mai chưa từng được đứng trên bục giảng.
Cô tâm sự: "Mỗi năm hồ sơ thi tuyển giáo viên của tỉnh lên đến con số hàng trăm, mà chỉ tiêu chỉ có vài chục người, nếu không có mối quan hệ chắc chẳng bao giờ đỗ được dù bằng có đẹp đến đâu".
Vì vậy, sau vài năm chật vật, dường như nhiệt huyết thuở nào đã không còn trong cô cử nhân sư phạm. Từ đầu năm qua, hai vợ chồng Mai cùng vài người bạn quyết định mở quán bia để kinh doanh. Dù công việc vất vả, không hề hợp với tính cách của mình nhưng để có tiền trang trải cuộc sống, Mai vẫn phải làm.
Cô chia sẻ: "Nhiều lúc mình nhớ nghề và buồn lắm, nhưng thà đi bán bia để có tiền lo cho gia đình còn hơn thất nghiệp".
Cũng gặp tình cảnh khó khăn khi đi xin việc như Mai, Phạm Kiều Vân đã chọn con đường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc để mưu sinh.
Cô ngậm ngùi: "Dù không muốn bỏ phí công sức trong bốn năm đại học, nhưng mình vẫn quyết tâm đi để kiếm ít vốn lo cho tương lai sau này".
Sau gần 2 năm ra trường, cô nữ sinh sư phạm thửa nào đã phải tạm gác ước mơ sang một bên để tìm kiếm cơ hội việc làm ở một đất nước khác. Dù vậy, cô vẫn hy vọng, một ngày nào đó khi trở về nước, Vân sẽ hoàn thành ước mơ còn dang dở này.
Thầy giáo làm công nhân
Thực hiện nghĩa vụ quân sự thời điểm vừa tốt nghiệp THPT, sau khi giải ngũ, Trần Văn Phi chọn con đường đăng ký dự thi vào trường sư phạm.
Do mất một thời gian trong quân ngũ nên việc quay lại học không hề dễ dàng đối với anh. Nhưng với sự cố gắng, quyết tâm cao, niềm vui đã đến với chàng trai này. Dù chỉ tốt nghiệp đại học với tấm bằng trung bình khá nhưng đó đã là sự nỗ lực, phấn đấu trong suốt bốn năm học của anh.
Ngày cầm tấm bằng đại học trên tay, anh Phi vui mừng vì ước mơ đứng trên bục giảng của mình sắp thành hiện thực. Dù vây, suốt ba năm kể từ ngày ra trường, ước mơ đó vẫn chưa được thực hiện.
Nhớ lại khoảng thời gian qua, anh kể: "Mình biết rằng sinh viên sư phạm lại chỉ tốt nghiệp bằng trung bình khá rất khó xin việc, nên đã chọn những trường dân lập để nộp hồ sơ, nhưng rồi cũng chỉ biết cách chờ đợi trong vô vọng. Có lần được gọi đến dạy thử, mình vui lắm, dành cả tuần chuẩn bị bài giảng, nhưng rồi mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó".
Nhận thấy việc xin làm giáo viên quá khó khăn, tuổi cũng đã nhiều, anh Phi đành ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân để đi xin làm công nhân với mức lượng chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng.
Dù buồn và không muốn bỏ phí tấm bằng đại học, nhưng khi đối diện với thực tế cuộc sống, những người như anh Phi, Mai, Vân và rất nhiều các sinh viên sư phạm vẫn phải tìm một con đường khác để mưu sinh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo TNO
Thủ khoa giấu bố mẹ để học khối D Thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Hiếu là một chàng trai hát hay, dễ khóc. Cậu là một minh chứng của sự học "có công mài sắt có ngày nên kim". Thỏa thuận với bố mẹ để được học chuyên Anh Xuất sắc đạt được 27,5 điểm khối D (Toán 9, Anh 9,5, Văn 9), Trần Hiếu trở thành tân thủ...