Học Sử bằng ‘gameshow’
Học sinh được học Lịch sử trên máy tính qua phim, hình ảnh, bài hát và những trò chơi… thay vì học trên sách giáo khoa (SGK) khô khan nhiều chữ.
Đó là phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tyến” do thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP HCM sáng chế.
Giới thiệu về phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”, thầy Vũ Hoàng Sơn cho biết, học sinh chỉ cần máy tính là có thể học được.
Với hơn 15 năm đi dạy, thầy Sơn nhận thấy học sinh ngày càng thờ ơ với môn học Lịch sử, thậm chí có không ít trường học sinh không chọn Sử để thi…
“Từ đó, tôi nghĩ cần phải thay đổi cách dạy học môn này để các em hứng thú. Thế là tôi nghĩ phải kết hợp Lịch sử với các trò chơi, phim ảnh để học sinh hứng thú học”, thầy Sơn kể về sự tích ra đời “đứa con” của mình.
Phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến” của thầy Vũ Hoàng Sơn là một trong 50 sản phẩm được lựa chọn đại diện cho TP HCM tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016 cấp Quốc gia.
Để hoàn thiện phần mềm Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến, thầy Sơn mất gần 1 năm thiết kế, dàn dựng, tìm tư liệu… Phần mềm này được thiết kế trên nền tảng phần mềm violet tương tự như PowerPoint nên rất gần gũi với giáo viên và học sinh.
Phần mềm bao gồm 28 bài học (toàn bộ chương trình của phân môn Lịch sử lớp 4). Có hệ thống bài tập/trò chơi đa dạng về hình thức và cách làm bài tạo được sự hấp dẫn cũng như kích thích sự tò mò cho học sinh.
Khi làm phần mềm, thầy Sơn đặt tiêu chí “đơn giản – thân thiện – tiện dụng” và dựa trên các ý tưởng như một “gameshow” để thực hiện. Các thao tác hết sức đơn giản giống như các em đang chơi game. Các em cũng không cần kiến thức về tin học vẫn có thể thực hiện một cách dễ dàng, bằng cách dùng chuột và bàn phím là có thể vừa học vừa chơi với môn Lịch sử mà không quá áp lực.
Ở mỗi bài học, giao diện đều rất thuận tiện bao gồm các mục ôn bài bài cũ, bài mới, củng cố, tư liệu. Sau mỗi bài học đều có một đoạn phim hay bài hát tư liệu mô tả, tóm tắt lại toàn bộ bài học để học sinh dễ ghi nhớ.
“Với phần mềm này, giáo viên sẽ thay đổi cách dạy truyền thống từ lối truyền thụ, giảng giải sang cách dạy “lấy học sinh làm trung tâm”, “thầy thiết kế – trò thi công”. Học sinh sẽ lập tức biết bài làm của mình đúng hoặc sai ngay sau khi hoàn thành”, thầy Sơn giải thích.
Thầy Sơn dẫn chứng SGK Lịch sử và Địa lý lớp 4 có bài 3: “Nước ta dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc”. Sau khi đưa vào phần mềm học trực tuyến có sự khác biệt lớn.
Video đang HOT
Cụ thể, ở SGK, bài này hơn 1 trang nhưng toàn chữ mà không có một tấm hình nào minh họa, cuối bài thì có phần ghi nhớ và câu hỏi ôn lại nên dễ gây nhàm chán và khó hiểu với học sinh.
Còn ở phần mềm, thầy Sơn thiết kế mở đầu bài là hình ảnh về một vương triều của Việt Nam nên có sức hấp dẫn ban đầu. “Vào đến nội dung là những hoạt động như chơi ô chữ, điền vào chỗ trống rồi trắc nghiệm.
Ở mỗi hoạt động, nếu học sinh chọn sai đáp án thì máy tính sẽ báo dòng chữ “Bạn sai rồi” cùng với biểu tượng cái mặt buồn. Còn nếu đúng, máy tính sẽ hiện lên dòng chữ “Chúc mừng” cùng với biểu hiện mặt cười và tiếng vỗ tay”, thầy Sơn nói.
Em Nguyễn Hoàng Như, học sinh lớp 4/6, trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh sau gần một năm học Lịch sử bằng phần mềm này đã thích thú với môn này.
“Mỗi khi con làm bài sai thì máy hiện lên mặt buồn với dòng chữ “Bạn sai rồi” làm con buồn lắm nên phải làm lại cho đến khi đúng mới thôi. Còn khi nào trả lời mà đúng thì máy vỗ tay làm con rất vui”, Như nhí nhảnh kể.
Chị Nguyễn Thị Bé Tư, mẹ của Hoàng Như cho biết, kể từ khi con được thầy giáo cho phần mềm này về nhà học, không chỉ con mà chị cũng thấy thú vị.
“Phần mềm rất dễ học, ngắn gọn và sinh động hơn SGK rất nhiều. So với anh trai nó học bằng SGK trước đây thì bé Như học bằng phần mềm này nhanh thuộc bài và nhớ lâu hơn rất nhiều”, chị Bé Tư cho biết.
Bà Du Huê Hường, chuyên viên phòng Giáo dục quận Bình Thạnh cho biết, phần mềm của thầy Sơn hữu ích gồm có các đoạn phim, tư liệu, trò chơi được sắp xếp theo các chủ đề phù hợp với từng bài học khác nhau, giúp học sinh có thể tự học, tự kiểm tra kiến thức của mình kể cả trên lớp lẫn ở nhà.
“Năm học vừa qua, quận Bình Thạnh đã nhân rộng phần mềm này ở các trường tiểu học trên địa bàn để học sinh và giáo viên ứng dụng trong học tập môn Lịch sử”, bà Hường nói.
Hiện phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến” của thầy Vũ Hoàng Sơn là một trong 50 sản phẩm được lựa chọn đại diện cho TPHCM tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016″ cấp quốc gia. Thầy Sơn dự kiến thiết kế tiếp phần mềm “Học Lịch sử lớp 5 trực tuyến”.
Theo Nguyễn Dũng/Tiền Phong
Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK lịch sử
Nhận định của một số nhà khoa học cho rằng, môn Lịch sử càng ngày càng ít được chú trọng, học sinh cảm thấy không có tác dụng với các em.
Những tiết học Lịch sử tẻ ngắt, không tạo được cảm hứng cho học sinh - là tình trạng dạy và học môn học này ở Việt Nam.
Trí tuệ con người chỉ tích cực hoạt động khi nó đứng trước những thách thức phải tìm kiếm, giải thích, phân tích, so sánh và suy ngẫm để rút ra một kết luận nào đó và người ta cảm thấy thích thú khi tự mình phát hiện hay được tạo ra một cái gì đó mới mẻ.
Học sinh sẽ chìm đắm trong suy tư để viết ra một đoạn văn hay một vở kịch hay vẽ một bức tranh về một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử hay thực hiện một nghiên cứu lịch sử.
Giáo viên giảng giải về lịch sử.
Dạy lịch sử thế nào để học sinh hứng thú?
Lịch sử có mối quan hệ với nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, công nghệ, tôn giáo, ngôn ngữ và toán học... Khi khám phá lịch sử cần đến các kiến thức toán học để hiểu các con số và sự kiện, dùng kiến thức về nghệ thuật để hiểu các công trình kiến trúc, cách thức xây dựng, nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng nó.
Sử dụng công nghệ đặc biệt quan trọng để khám phá các vấn đề lịch sử. Ví dụ, các giáo viên sử dụng 3D để giải thích các cấu trúc toán học của các kim tự tháp, chúng đã được xây dựng ra sao...
Khi học sinh chơi đóng vai các nhân vật lịch sử hay diễn lại một sự kiện lịch sử các em cần âm nhạc và nghệ thuật, sáng tạo cách nói, cách hành động, cách ăn mặc, các đồ dùng của người xưa của nhân vật sao cho lột tả được tính cách nhân vật hay mô tả được bản chất của sự kiện lịch sử...
Khi các em vẽ lại các sự kiện lịch sử hay mô tả chúng trong một tác phẩm nghệ thuật các em cần đến kiến thức về hội họa. Đồng thời, những hoạt động này cũng làm cho học sinh tiếp thu tốt hơn không chỉ kiến thức lịch sử mà kiến thức của các môn học khác, củng cố, phát triển các kỹ năng và phát triển các tố chất, các năng lực sáng tạo.
Bởi thế mà nhiều phương pháp dạy học môn lịch sử được nghiên cứu và cải tiến để làm cho việc dạy học lịch sử trở nên thú vị hơn.
Ví dụ, tại bang Ohio của Mĩ, hàng năm bang này đều cho học sinh thực hiện các dự án lịch sử và các em trình bày kết quả trong ngày hội lịch sử.
Trong dự án Ngày Ai Cập, một số học sinh của bang đã tưởng tượng xem người xưa sử dụng gàu để lấy nước từ sông Nin tưới cho vụ mùa ra sao; một số em khác thì viết về ảnh hưởng của sông Nin đối với vụ mùa và đời sống của những người nông dân thời bấy giờ ở Ai Cập, hay một nhóm khác thì sáng tạo câu chuyện lịch sử về các kim tự tháp; một nhóm khác cố gắng dùng kiến thức khoa học để giải thích cách ướp xác...
Các em có thể chơi nhiều trò chơi với các sự kiện hay nhân vật lịch sử... các em có thể mở những bữa tiệc để trình bày các món ăn, thức uống của người xưa... Các trò chơi, các vở kịch, các điệu nhảy...giúp học sinh thể hiện năng lực của bản thân và tương tác với nhau và làm cho các em vô cùng thích thú.
Điều cần tránh khi xây dựng chương trình và SGK
Chương trình giáo dục mới của Việt Nam khẳng định rằng, phát triển năng lực sáng tạo của học sinh có thể thực hiện được trong tất cả các môn học và các hoạt động và đó là một trong những năng lực cơ bản của HS Việt Nam trong thế kỷ 21.
Môn Lịch sử là môn học tạo nhiều cơ hội cho học sinh khám phá, tưởng tượng và sáng tạo.
Ngoài việc sử dụng các phương pháp dạy học đa dạng như đã đề cập, xây dựng chương trình và SGK như thế nào để tránh việc học sinh phải ghi nhớ sự kiện một cách riêng lẻ, nhàm chán mà thay vào đó giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo là điều hết sức quan trọng.
Dạy học theo chủ đề là cách thức mà các nước đang tiến hành để giúp học sinh tích hợp kiến thức và kỹ năng các môn học, tạo điều kiện cho các em đào sâu kiến thức và sáng tạo.
Hiện nay, SGK Lịch sử của Việt Nam hầu như được trình bày theo các sự kiện và con số, việc giảm tải cơ học đã làm mất đi những tư tưởng lớn của các dòng lịch sử.
Ví dụ, bài 36 Phong trào công nhân Lịch sử lớp 10 chủ yếu mô tả các phong trào công nhân mà bỏ qua ý tưởng lớn "điều kiện sống và làm việc" quyết định động cơ, thái độ làm việc của người lao động.
Học sinh cần được tìm hiểu điều kiện cần để người lao động có thể sống và làm việc để từ đó các em lí giải được các nguyên nhân dẫn đến các phong trào đấu tranh của người lao động trong quá khứ cũng như hiện tại và nếu sau này các em là nhà lãnh đạo thì nên làm gì để người lao động làm việc tốt, nếu là người lao động thì cần biết phải đấu tranh như thế nào để đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho bản thân.
Nhìn lại toàn bộ lịch sử loài người và mục tiêu dạy học lịch sử hiện nay có thể cấu trúc lại chương trình lịch sử theo một số chủ đề lớn như các chủ đề về: (i) Nhân vật lịch sử và các thể chế chính trị-xã hội; (ii) Tác giả và văn học-nghệ thuật qua các thời kỳ; (iii) Nhà phát minh, toán học và khoa học kỹ thuật; (iv)Những ý tưởng lịch sử và vấn đề nghiên cứu lịch sử; và đi sâu vào chủ đề về (v) Lịch sử Việt Nam.
Cách cấu trúc này giúp học sinh vừa có cái nhìn tổng thể về các dòng lịch sử qua thời gian, so sánh lịch sử các nước qua các thời kì, thấy được sự tiến triển của các chế độ xã hội, các phát minh khoa học, các xu hướng nghệ thuật, văn học... gắn với nhiều lĩnh vực môn học khác nhau và điều này giúp học sinh có hiểu biết sâu, có tầm nhìn để sáng tạo.
Khi đã có hiểu biết và nền tảng chung về lịch sử, học sinh sẽ đối chiếu, xem xét và đi sâu vào lịch sử Việt Nam. Các em sẽ thấy vị thế của Việt Nam trên thế giới trong lịch sử và hiện tại để các em có ý thức tự hào về dân tộc và có ý thức bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngang bằng với các nước khác.
Cấu trúc SGK theo chủ đề và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo chăc chắn sẽ đem đến niềm vui, hứng thú và sự sáng tạo cho học sinh khi học môn Lịch sử.
Theo Trần Thị Bích Liễu/Vietnamnet
Học sử qua bảng thuyết minh tên đường Bằng số tiền nhỏ cùng nhau gom góp, các cựu binh của Hội cựu chiến binh khối phố 6, phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đưa mô hình bảng thuyết minh tên đường đến từng con phố. Ông Phạm Công Chức - Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường An Sơn, người đầu tiên khởi xướng mô hình này - kể...