Học sinh vùng lũ Mù Cang Chải đội mưa đón khai giảng
Sáng 5/9, học sinh các cấp ở thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) háo hức tham dự lễ khai giảng năm học 2017-2018, dù trời mưa nặng hạt và se lạnh khoảng 22 độ C.
Con đường bê tông dẫn vào trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải đọng đất cát và nước bẩn do trời mưa rạng sáng ngày 5/9. Từ 7h sáng, học sinh náo nức tới trường tập trung cho lễ khai giảng năm học mới. Các em ở trọ hoặc có nhà gần trường tự che ô đi bộ, còn ở xa hơn thì mặc áo mưa đi xe đạp hay cha mẹ chở bằng xe máy.
Nhà trường yêu cầu học sinh tập trung từ 7h để chuẩn bị công tác khai giảng thật tốt. Chính vì vậy, nhiều học sinh đi vội, chưa kịp ăn sáng ở nhà. Các em ghé vào quán trước cổng trường mua bánh mì ăn lót dạ.
Gần tới giờ khai giảng, trời mưa ngày càng nặng hạt. Các thầy giáo và học sinh lớp trực tuần 8A1 cùng nhau chuẩn bị các khâu cuối cùng như căng băng rôn chào năm học mới, dùng gậy đẩy nước mưa xuống khỏi mái che.
Các em nữ lớp 8A1 dùng chổi quét vũng nước mưa lớn đọng trên sân trường.
7h40 phút, toàn bộ giáo viên và học sinh tập trung ở khu vực sân trường có mái che. Thầy cô hướng dẫn học sinh xếp hàng ngay ngắn theo khối lớp.
Các em lớp 1 còn chưa quen nề nếp nên giáo viên mất khá nhiều thời gian để nhắc nhở, ổn định hàng lối.
8h trời tạnh mưa và hửng nắng. Lễ khai giảng năm học 2017-2018 bắt đầu bằng lễ đón 60 học sinh lớp 1. Trong tiếng trống rộn ràng của đội nghi thức, các mầm non của huyện Mù Cang Chải vẫy cờ, đi một vòng quanh dãy hàng của học sinh lớp lớn.
Video đang HOT
Sau nghi thức chào cờ, phút sinh hoạt truyền thống của trường bắt đầu với nghi thức dâng hoa lên Bác Hồ. Toàn trường tập trung nghe em Sùng Thanh Tâm – lớp 8A1, liên đội trưởng của trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải – báo cáo những thành tích mà học sinh của trường đạt được trong năm học vừa qua.
Hơn 500 em học sinh chú ý lắng nghe thư chào mừng năm học mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trời vừa tạnh được một chút lại đổ mưa nặng hạt, sân trường đọng vũng nước lớn.
Phần mái che không đủ chắn mưa cho toàn bộ học sinh. Các em phải dùng ô che cho đỡ ướt người. Cô Phạm Thị Thủy – hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Mù Cang Chải – cho Zing.vn biết cơn lũ lịch sử rạng sáng 3/8 qua thị trấn Mù Cang Chải khiến cơ sở vật chất của trường THCS Võ Thị Sáu hư hại nặng nề. Bởi vậy, học sinh được chuyển về cơ sở 1 là trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải (sáp nhập từ trường Tiểu học Kim Đồng và THCS Võ Thị Sáu với 18 lớp và 540 học sinh theo đề án xây dựng từ năm học 2016 và đẩy nhanh tiến độ so với thời gian dự định là tháng 1/2018).
Trong diễn văn khai giảng, cô Thủy tin tưởng với sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Giáo dục, cấp Uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cùng tâm huyết thầy cô, sự cố gắng của 540 học sinh, trường Tiểu học và THCS Thị trấn Mù Cang Chải sẽ vượt qua khó khăn, gặt hái nhiều thành tích trong năm học mới.
Học sinh trường THPT Mù Cang Chải cũng tập trung từ 7h để chuẩn bị tham dự lễ khai giảng năm học mới. Từng tốp nữ sinh mặc váy dân tộc đội mưa trên con đường lầy lội, gương mặt ánh lên niềm vui ngày tựu trường.
Thầy Bùi Văn Chuyển – Phó hiệu trưởng trường THPT Mù Cang Chải – cho Zing.vn hay nhà trường vừa khắc phục xong hậu quả do cơn lũ ngày 3/8 để lại, cũng như phần nào ổn định nơi ở, học tập cho học sinh trong trường. Do thời gian chuẩn bị cho lễ khai giảng không có nhiều, sáng nay hơn 800 học sinh cùng thầy cô, khách mời phải đội mưa khai giảng.
Do mưa lớn, lễ khai giảng của trường THPT Mù Cang Chải bắt đầu khá muộn. Mở đầu là các tiết mục mang đậm tình yêu quê hương, đất nước của đội văn nghệ xung kích.
Thầy giáo đội mưa điều khiển nghi thức chào cờ, chính thức bắt đầu lễ khai giảng năm học 2017-2018.
Theo thầy Bùi Văn Chuyển, 90% học sinh trường là người dân tộc (chủ yếu là Mông, Thái và dân tộc thiểu số khác). Thời gian gấp gáp, nhà trường chưa kịp chuẩn bị đồng phục cho học sinh, nên khuyến khích các em mặc quần áo dân tộc tới dự lễ khai giảng.
Trời mưa ngày càng nặng hạt, các học sinh không mang theo ô, áo mưa được phép trú tạm trong nhà để xe.
Những em mang theo ô thì cố gắng ngồi đúng hàng lối để buổi lễ khai giảng diễn ra trong trật tự.
Giàng A Khánh (lớp 11A5) cho hay dù khai giảng trời mưa to, em vẫn cảm thấy vui và phấn khởi vì được đón các em học sinh lớp 10, có thêm nhiều bạn mới. Nhà Khánh ở xã Chế Tạo, cách trường 35 km, nên em ở bán trú. Nam sinh người Mông khoe anh trai đang học ĐH Nội Vụ (Hà Nội). Cậu hy vọng sau khi tốt nghiệp cấp 3 sẽ đỗ vào ĐH Nông Lâm, để sau này trở thành cán bộ Nông Lâm, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và động vật quý hiếm của quê hương Mù Cang Chải.
Theo Zing
Học sinh Hà Nội tựu trường với những thay đổi mới gì?
Ngày 14/8, học sinh THCS và THPT của Hà Nội đã trở lại trường học, bước vào năm học mới 2017-2018. Năm học này sẽ có nhiều thay đổi về nội dung giáo dục.
Bước vào năm học mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết các bậc học đều có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, với khối phổ thông, học sinh thủ đô sẽ được đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng.
Cùng với đó, việc dạy và học ngoại ngữ sẽ được nâng cao, đặc biệt là áp dụng mô hình hội nhập, đào tạo song bằng tú tài.
Áp dụng nhiều nội dung giáo dục mới
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp.
Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn. Lần đầu tiên, trong năm học 2017-2018, đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý sẽ được chính thức đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đến 100% các cơ sở giáo dục.
Năm nay, Hà Nội cũng chú trọng đến công tác trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt quan tâm tới giáo dục pháp luật, trong đó ưu tiên chính thức đưa vào chương trình chính khóa 4 tiết học về an toàn giao thông ở khối THPT. Đi kèm với đó là các thời lượng sinh hoạt chuyên đề bắt buộc về phòng chống tệ nạn ma túy, phòng chống cháy nổ...
Riêng với việc dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, năm học này là lần đầu tiên thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An; triển khai mở rộng chương trình giáo dục của Cambridge vào đào tạo tại một số trường như Hà Nội - Amsterdam và các trường khác.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp THPT. Phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm Ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông.
Niềm vui ngày tựu trường năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hà.
Chưa triển khai thi 3 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10
Một trong những nội dung được phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm trong năm học mới này là đổi mới trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay, nhiều phụ huynh đang truyền tai nhau về việc Hà Nội sẽ thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10, thay vì thi hai 2 môn Toán, Văn và kết hợp với điểm xét tuyển học bạ 4 năm THCS như lâu nay vẫn làm.
Điều này khiến các bậc phụ huynh, học sinh khá lo lắng khi mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành.
Về thông tin này, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết năm 2018, chắc chắn Hà Nội sẽ chưa triển khai thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế, thay đổi về thi và tuyển sinh tác động rất lớn đến tâm lý người dân.
Việc thi ngoại ngữ cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là phải có một quá trình tương đối dài để học sinh chuẩn bị bởi môn học này không phải cứ "nhồi nhét" là có thể đạt điểm cao ngay dù là có cả một năm học sắp tới.
Theo ông Phạm Văn Đại, Hà Nội cũng đã đưa vấn đề này ra bàn bạc qua 2-3 hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Vì vậy, việc đưa ra thay đổi sẽ không được tiến hành một cách đột ngột mà phải có sự chuẩn bị, thông báo sớm tới phụ huynh, học sinh.
Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn đang tiến hành lên phương án đổi mới tuyển sinh để xin ý kiến người dân và các cấp lãnh đạo thành phố. Hiện, Hà Nội mới chỉ áp dụng đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc với học sinh đăng ký tuyển sinh hệ chuyên tại 4 trường chuyên: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.
Ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp. Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn.
Theo Duy Anh / An Ninh Thủ Đô
Chủ tịch nước đánh trống, trồng cây ngày khai trường Sáng 5/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự lễ, trao quà, đánh trống khai giảng năm học mới và trồng cây lưu niệm. Sáng nay, hơn 22 triệu học sinh phổ thông trên cả nước bước vào năm học mới với nghi lễ khai giảng long trọng, vui tươi. Chủ tịch nước Trần Đại...