Học sinh vùng lũ mong ước đến trường
“Sau những ngày di tản lên núi cùng bố mẹ, cháu rất nhớ thầy, cô và các bạn. Cháu đã mang bài cũ ra học nhều lần rồi, nhưng bài chưa học thì không biết làm”.
Đó là chia sẻ của một học sinh trung học sau những ngày chạy lũ. Hàng nghìn học sinh ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cũng đang trong hoàn cảnh tương tự khi trường lớp bị lũ gây thiệt hại nặng nề.
Những ngày nghỉ kéo dài
Đoàn cứu trợ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các nhà tài trợ đến xã Hòa Hải, huyện Hương Khê vào lúc trời đã tối. Song hình ảnh về sự tàn phá của cơn mưa lũ vừa qua vẫn còn hiện lên rõ nét…
Nhiều mái nhà siêu vẹo, có căn đã đổ nát, những con đường trở nên lầy lội, cuộc sống người dân trở nên khó khăn khi tài sản, ruộng vườn, hoa màu bị mất trắng. Nhiều hộ vốn đã nghèo nay còn nghèo hơn sau cơn lũ dữ.
Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu hắt ra từ những ngôi nhà (đường điện đang được khắc phục – PV), những đứa trẻ vô tư nô đùa. Có lẽ chúng chưa hiểu hết nỗi lo của người lớn. Tuy vậy, cuộc vui của các em cũng chỉ là những trò đuổi bắt, trốn tìm khi xung quanh ngổn ngang, xơ xác…
Trần Thị Hải Yến, học sinh lớp 8C trường THCS xã Hòa Hải cho biết: “Sau những ngày di tản lên núi cùng bố mẹ, không phải đến lớp, cũng không có nhiều bài tập để làm nên chúng cháu tụ tập nhau lại và vui đùa, nhưng không vui bằng đi học! Cháu rất nhớ thầy, cô và các bạn, cháu đã mang bài cũ ra học nhều lần rồi, nhưng bài chưa học thì không biết làm”.
Nghĩ học, không biết làm gì, các em tụ tập chơi đùa với nhau.
Còn đối với em Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 6C thì “băn khoăn” vì chưa thấy thầy cô thông báo đến ngày nào đi học lại. “Cháu thích đi học hơn, ở nhà nhiều chẳng biết làm gì!”, Thảo cho biết.
Không riêng gì các em mà hàng trăm học sinh khác ở đây cũng phải nghỉ học, khi cơn lũ quái ác kéo về.
Ông Lê Xuân Phú, xóm 12, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, bố của 2 đứa trẻ đang nô đùa trong đám đông tâm sự: “Ngày thường thì giờ này chúng nó đang phải ngồi vào bàn học làm bài, nhưng đã hơn tuần nay không phải đi học nên cũng không bắt các cháu học bài…”.
Ông Phú cũng rất mong muốn các cấp các nghành sớm khắc phục trường lớp để các con được trở lại trường vì ở nhà các cháu chỉ chơi, sợ lâu ngày lại quyên hết bài vở. Trong khi đó, sau lũ, công việc còn bộn bề, trăm thứ phải lo nên dù rất quan tâm đến chuyện học của con cái nhưng không phải ai cũng kèm được các em học bài.
Nỗ lực sớm mở trường đón học sinh
Video đang HOT
Theo dự tính, nhanh nhất 5 ngày nữa các em học sinh trong huyện Hương Khê mới có thể đi học trở lại. Như vậy, trong đợt lũ này, các em học sinh trên địa bàn huyện phải nghỉ học hơn 2 tuần.
Trong khi đó, sau lũ, hàng trăm phòng học của các trường trên địa bàn huyện bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều phòng học cần phải tu bổ, lượng bùn đất tràn vào trường lớp dày đến 20cm, thiết bị dạy và học bị trôi, hư hại, mất mát nhiều…
Nước ngập gần tới nóc, thì chỗ đâu để các em học hành.
Ông Trần Lê Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Đến thời điểm này, ngoài công tác cứu trợ cho bà con bị thiên tai, việc vệ sinh tu bổ trường lớp đang được bắt đầu. Huyện Hương Khê huy động mọi nguồn lực của địa phương, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện của tỉnh Hà Tĩnh, các trường Đại học, Cao đẳng tham gia vào việc thu dọn trường lớp với mong muốn công việc sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để ổn định việc dạy và học.
Ông Sáng cũng cho biết, đối với việc nghỉ học tránh lũ của các em học sinh, huyện sẽ bàn với Phòng Giáo dục lên phương án dạy bù (tăng buổi, dạy thêm ngày thứ bảy, chủ nhật) đê đảm bảo chương trình học cho các em.
Huy vọng rằng, với sự trợ giúp về vật chất, ngày công cùng sự động viên an ủi của các đơn vị, cá nhân trong cả nước, người dân huyện Hương Khê sớm ổn định cuộc sống, cũng như các trường trên địa bàn nhanh chóng mở cửa đón các em học sinh.
Theo VOC News
48 người chết, hàng chục nghìn ngôi nhà vẫn chìm trong lũ
Tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, số người chết sau mưa lũ tại miền Trung đã lên tới 48 người, 18 người mất tích và 19 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập trong lũ, nhiều tàu thuyền hư hỏng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hiện mưa tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế chỉ còn diễn ra cục bộ, với cường độ nhỏ. Lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang xuống, riêng lũ trên sông Ngàn Sâu và hạ lưu sông Kiến Giang còn ở mức cao.
Tuy nhiên, những thông tin về thiệt hại mà người dân miền Trung phải gánh chịu vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Theo báo cáo tổng hợp mới nhất, tính đến 19h ngày 6/10, số người chết tại các địa phương diễn ra mưa lũ đã lên tới 48 người, (trong đó Quảng Bình 33 người, Nghệ An 5 người, Hà Tĩnh 7 người); còn 18 người người mất tích (Nghệ An 3 người, Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 14 người) và 19 người khác bị thương.
Về tình hình ngập lụt do mưa lũ, theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCLB các địa phương, tính đến cuối ngày 6/10, Hà Tĩnh còn ngập với tổng số 39 xã, của 6 huyện (Hương Khê: 13 xã; Vũ Quang: 9 xã; Hương Sơn: 4 xã; Đức Thọ: 4 xã; Thạch Hà: 4 xã; Cẩm Xuyên: 5 xã). Hiện chưa xác định được số nhà cụ thể.
Quảng Bình còn ngập tổng số 104 xã, của 6 huyện (Tuyên Hóa: 20 xã; Minh Hóa: 17 xã ; Bố Trạch: 11 xã; Quảng Trạch: 16 xã; Lệ Thủy: 27 xã; Quảng Ninh: 13 xã). Hiện chưa xác định được số nhà cụ thể. Tại Quảng Trị, đến 19h ngày 6/10, nước đã rút khỏi các nhà dân. Tại Thừa Thiên Huế chiều tối qua còn 1.450 nhà bị ngập tại các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền.
Nhiều người dân đã thiệt mạng trong mưa lũ.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của bà con ngư dân. Theo các báo cáo nhanh của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến sáng nay (7/10), vẫn còn 4 tàu, với 10 người tại vùng biển Quảng Bình bị trôi dạt, hiện chưa liên lạc được.
Sự kiện tràn đập thủy điện Hố Hô khiến hàng chục nghìn người dân Hà Tĩnh sống trong nỗi lo vỡ đập. Tuy nhiên, sự cố đã được khắc phục và đảm bảo an toàn. Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi, tình hình các hồ chứa thủy lợi từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế hiện đã nằm ở mức kiểm soát.
Dốc sức ứng cứu người dân vùng lũ
Hôm qua (6/10), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn, chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế huy động mỳ tôm, nước uống đóng chai cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng: Hà Tĩnh 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; Quảng Bình 50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước; Thừa Thiên Huế 10 tấn mỳ tôm.
Chiều qua , Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình để chỉ đạo công tác phòng chống lũ, lụt và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng ngập lũ.
Ông Vũ Văn Tú, Phó văn phòng Ban thường trực chỉ huy PCLBTW thông báo, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng ngập lũ và tàu gặp nạn trên biển.
Nhiều ngôi nhà dân vẫn chìm trong nước lũ.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức 7 chuyến bay chở 5,6 tấn hàng (mỳ tôm và nước lọc) tiếp tế cho nhân dân vùng bị cô lập của Quảng Bình và trợ giúp chuyên chở 43 lượt người; điều 2 tầu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển; bộ đội Biên phòng cử 145 lượt cán bộ chiến sĩ đã cứu được 48 người trên 6 tàu gặp nạn trên biển.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang tiến hành cung cấp hóa chất làm sạch môi trường đến các địa phương sau khi nước lũ rút.
Bộ Y Tế xuất cấp cho các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế: 130 cơ số thuốc, 600 áo phao, 300 phao tròn, 500.000 viên Cloramin B.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế: 1,5 tỷ đồng. Đoàn công tác của Bộ Công an đã đi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và hỗ trợ 30 cơ số thuốc cho nhân dân.
Phía Bộ Giao thông vận tải cho biết đang gấp rút tiến hành sửa chữa các tuyến đường sau khi lũ rút; hiện quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh chỉ còn tắc tại 2 điểm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình; tổ chức chuyển tiếp hành khách trên các chuyến tầu Thống Nhất bị kẹt do lũ.
Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ khẩn cấp
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ gây ra, Hà Tĩnh vừa có đề nghị hỗ trợ từ TW cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ gồm: 5.000 tấn gạo, 400 tỷ đồng hỗ trợ dân sinh, 61 thuyền compozit, 3 xuồng y tế, 3.000 kg hóa chất xử lý nước sạch, 15.000 lít hóa chất khử trùng, 400 tấn giống lúa, 50 tấn ngô, 15 tấn hạt rau các loại...
Về áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông, hồi 7 giờ sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ở vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Dự báo trong vòng 24h tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít di chuyển.
Chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động mạnh.
Huế: Lũ rút chậm, nhiều nơi vẫn bị cô lập
Theo BCHPCLBVTKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến ngày 6/10, mực nước trên các sông đã xuống dưới mức báo động, tuy nhiên nước rút rất chậm. Tại một số vùng thấp trũng, nước vẫn còn ở mức cao, cô lập người dân với bên ngoài.
Hiện nay do ảnh hưởng của triều cường nên làm chậm khả năng thoát lũ, nhất là khu vực sông Ôlâu và sông Bồ nước xuống rất chậm. Toàn tỉnh hiện còn 1.450 nhà bị ngập.
Tại huyện Quảng Điền, ngoài nhà ngập còn có 150ha hoa màu đang chìm trong nước lũ. Đặc biệt làng rau sạch Quảng Thành có phần lớn diện tích rau, màu dầm nước trong suốt 4 ngày qua, có khả năng mất trắng.
Trong các đường liên thôn, xóm nước sâu từ 2-3m. Các chợ tạm ngưng buôn bán vì nước vẫn còn cao. Nhiều cơ quan trong xã, huyện vắng hoe cán bộ do nhà còn ngập nước nhiều nên không thể đi làm.
Theo ông Lê Trường Lưu, PCT UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưởng ban Phòng chống lụt bão 2010, tỉnh đã được Chính phủ cấp 10 tấn mỳ tôm và đang chuẩn bị đưa đến tay người dân sớm nhất.
Hơn bất kỳ lúc nào, người dân miền Trung đang rất cần những tấm lòng của đồng bào cả nước. Để chung tay hỗ trợ với người dân nơi đây, với sự sẻ chia sâu sắc của mình, độc giả có thể chuyển tiền vào tài khoản: Quỹ từ thiện cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam, số tài khoản: 81162829, ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu - Chi nhánh Kỳ Hòa, địa chỉ 109, đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM. Nếu muốn trực tiếp quyên góp quần áo, lương thực thực phẩm, độc giả có thể liên hệ chị Nguyễn Ngọc Linh, văn phòng Zing, tầng 3 tòa nhà Trung Yên 1, Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: (84 4) 3786 8866, số máy lẻ 7146. hoặc gửi về Trần Đình Bảo - văn phòng Zing - lầu 2 tòa nhà Big V, 268 Tô Hiến Thành, Quận 10, TP HCM.
Theo Dân Trí