Học sinh vùng khó vừa chăn bò vừa dò sóng học online trong mùa Covid-19
Vừa chăn bò, cô bé người Ba Na vừa chăm chú ghi chép những hướng dẫn của giáo viên qua chiếc điện thoại bị vỡ màn hình. Lâu lâu, em lại dời lên những ngọn núi cao dò sóng để theo dõi tiếp bài giảng.
Giữa buổi trưa, bầu trời làng Hway (xã Đăk Tnang, huyện Kong Chro, Gia Lai) không một gợn mây trắng. Đi tiếp trên con đường đất đỏ, chúng tôi bỗng dừng lại khi thấy một cô học trò người Ba na đang chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại, rồi ghi chép rất tỉ mỉ.
Thấy người lạ, cô bé có chút sợ hãi nhưng vẫn hỏi nhẹ: “Các chú có việc gì không ạ?”. Một bên tai em vẫn gắn phone để không bỏ qua những lời giáo viên dạy. Qua một hồi trò chuyện, chúng tôi càng khâm phục về ý chí, nghị lực của cô học trò người Ba Na, nhất là trong mùa dịch Covid-19.
Tận dụng những lúc rảnh rỗi khi đi chăn bò, Lệ lấy sách vở ra ôn tập để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia sắp tới.
Được biết, em tên là Đinh Thị Mỹ Lệ, hiện là học sinh lớp 12A1, trường THPT Hà Huy Tập (tại Hway, xã Đăk Tnang). Hiện Lệ đang học tại trường nội trú ở trung tâm huyện Kông Chro, cách nhà 15 km. Bố Lệ là cán bộ xã, mẹ làm nông nên cô quyết tâm “thoát nghèo” bằng cái học. Hàng tuần, cô học trò Ba Na lại gói ghém sách vở, áo quần để lên trường học. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 nên toàn bộ học sinh phải nghỉ ở nhà. Xa trường và bạn bè, cô bé lại về giúp đỡ bố mẹ việc nhà và đi chăn bò. Tuy nhiên, điều Lệ mong mỏi là có thể trở lại trường để tiếp tục việc học và hướng đến cánh cửa Đại học Sư phạm.
Lệ tâm sự: “Sau tiết chào cờ, cả trường thông báo nghỉ dịch. Lúc đó ai cũng vui vì được về nhà xả hơi… Sau một tuần, chúng em tiếp tục được quay trở lại trường. Học được ba tuần, nhà trường tiếp tục cho nghỉ vì lúc ấy “dịch bệnh đang bùng phát dữ dội” và “chưa biết ngày nào học lại”. Thông báo lần này khiến em và các bạn không vui như trước nữa. Trái lại là nỗi lo lắng khi năm học lớp 12 sắp kết thúc, nhiều dự định, khao khát tốt nghiệp phổ thông ở phía trước. Xa thầy cô, việc tự học càng trở nên khó khăn, nhiều bài toán khó không biết hỏi ai”.
Khát khao của những học sinh vùng khó là sớm quay lại trường để có điều kiện tiếp thu bài tốt hơn
Những ngày trường học đóng cửa, cô học trò 18 tuổi mô tả cuộc sống của mình thật buồn chán và không thể tập trung ôn tập. Buổi sáng, Lệ và đứa em trai lớp 9 lùa đàn bò 17 con lên núi thả. Buổi trưa, em chỉ ăn cơm nắm, muối vừng ăn dưới gốc cây để chăn đàn bò đến 4-5h chiều mới về. Mấy tuần nay, nhà trường thông báo triển khai việc ôn tập trực tuyến trên Truyền hình đã làm em rất thích và có động lực trở lại.
Video đang HOT
Lệ bộc bạch: “Mỗi tối, em thường chạy vào UBND xã Đăk Tnang để dùng “ké” wifi học trực tuyến. Em mượn bàn và ghế nhựa, đặt giữa hành lang để ngồi học. Những gì các giáo viên hướng dẫn, em đều ghi chép để có cơ sở, định hướng ôn tập. Mỗi lúc đi chăn bò, em cũng mang sách vở và chiếc điện thoại cũ của bố mẹ cho để lên mạng xem lại các bài giảng clip dạy trên truyền hình”.
Trong khoảng thời gian ngắn mỗi tối, Lệ vừa xem các bài giảng của các giáo viên bộ môn đăng trên trang web của trường và vừa xem lại video bài giảng trực tuyến qua Youtube. Một nguồn kiến thức mênh mông như vậy trong khi không có sự tương tác nào giữa trò và thầy càng làm khó cô học trò nghèo.
Em Đinh Thị Xuyết (bạn cùng lớp với Lệ) nhà ở làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, cách trường nội trú hơn 35 km. Trong làng Xuyến, hầu như các bạn đều chỉ học đến lớp 9 rồi ở nhà “bắt chồng”. Nhưng khát vọng vào giảng đường đã khiến thiếu nữ người Ba Na quyết tâm đeo đuổi việc học.
Mỗi tối Xuyết lại chăm chú nghe các giáo viên giảng dạy trên mạng nhờ chiếc điện thoại cũ mà bố mẹ cho mượn
Từ khi nghỉ tránh dịch Covid-19, Xuyết cũng phụ giúp bố mẹ chăn đàn bò, đến tối mịt mới về. Chiếc điện thoại thông minh cũ dùng liên lạc, nay Xuyết đăng ký mạng 3G, tháng 50 nghìn đồng. “Lúc chăn bò có mang điện thoại, sách vở theo để học, nhưng mạng chập chờn, pin chai, dùng vài chục phút là tắt ngúm”, Xuyết nói.
“Các môn còn lại khi nào thầy cô đăng bài lên trên trang thì học sinh tự vào học và làm bài tập. Chỗ nào khó hiểu, không biết làm thì tra mạng xem cách giải”, Xuyết, nói và thừa nhận bản thân còn lúng túng về cách học, phương pháp tự học.
Ông Phạm Hữu Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết trường có tất cả 624 học sinh, trong đó 153 học sinh người dân tộc thiểu số tham gia học trực tuyến chưa đạt 40%. Nhà trường đang khuyến khích các em đã học bài giảng rồi thì cho bạn trong làng không có điện thoại mượn học. Ngoài ra không còn cách nào khác vì đang trong thời gian cách ly toàn xã hội”.
Ông Lê Duy Định – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết: Từ nay đến hết tháng 4 sẽ tập trung ôn tập và luyện thi THPT quốc gia, đối với lớp 12. Từ lớp 11, lớp 9 trở xuống thì sẽ tập trung ôn tập. Nếu tháng 5, học sinh chưa đi học lại thì Sở sẽ chỉ đạo học bài mới. Đối với việc trực tuyến, Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác dạy học qua internet trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 cho các trường. Qua đó, tùy tình hình thực tế mà các đơn vị tự lựa chọn để áp dụng cho phù hợp.
Hiện nay, Gia Lai có gần 450.000 học sinh. Sở GD&ĐT Gia Lai đang triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Tuy nhiên, do địa phương có số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực chưa có điện lưới, sóng di động… nên số lượng học sinh tham gia học truyền hình chỉ đạt 45% và học trực tuyến 10%.
Phạm Hoàng
Học sinh vùng cao vừa chăn bò, cắt cỏ vừa "hứng" sóng 3G học online
Nhiều học sinh ở các tỉnh miền núi những ngày này vẫn phải trèo đèo lội suối, lên nương để hứng sóng 3G tham gia học online cùng thầy cô.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh trên cả nước không thể đến trường. Các địa phương đồng loạt chuyển sang hình thức học online. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, song với những học sinh miền núi, học online cũng không hề dễ dàng, bởi đường đến với sóng wifi, 3G của các em còn gập ghềnh, khó khăn.
Từ Bản Háng Á - Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cứ đều đặn 7h30 và 13h30 mỗi ngày, Tráng A Thỷ (dân tộc Mông), lại mở điện thoại vào phần mềm học trực tuyến với thầy cô trường Dự bị Đại học Dân tộc trung ương ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ- nơi em đang theo học. Lớp học của em ở quê không có bàn ghế, bục giảng, bè bạn. Thỷ một mình ngồi trên cây, nơi mỏm đá ở sườn đồi hoặc bãi ngô trên núi... để học tập. Cứ nơi nào "bắt" được mạng internet, sóng 3G, 4G, chỗ đó đều thành lớp học của nam sinh. Có hôm, Thỷ phải đi bộ hơn 3km đường rừng để "hứng" mạng từ bản bên kia sườn núi.
Ở một bản khác thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) -bản Bản Nát-Quài Cang, nữ sinh Lường Thị Thắm (dân tộc Thái) hằng ngày vừa chăn bò, cắt cỏ, vừa tranh thủ học tập.
Lường Thị Thắm tranh thủ học online khi đi chăn bò, cắt cỏ cho bố mẹ. (Ảnh: NVCC)
Thắm kể, em thường cố ý đuổi bò lên núi xa hoặc leo đồi vài km đến mỏm đá cao để bắt sóng 3G cho ổn định. Có hôm vừa cắt cỏ cho bò, vừa nghe thầy cô giảng, Thắm bị lưỡi liềm cứa vào tay. "Đau mà vẫn vui vì em vẫn được học với thầy cô, để thực hiện tiếp ước mơ vào đại học", nữ sinh lớp trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương nói.
Thắm cho biết, với những học sinh vùng núi, điều kiện tiếp cận với con chữ thường ngày vốn đã gian nan, khi phải nghỉ học vì dịch Covid-19, mọi việc còn vất vả hơn nhiều phần. Học sinh phải tham giúp việc cho gia đình, có bạn nghỉ học nhiều, bố mẹ bắt tảo hôn. Với mong muốn được bước tiếp vào giảng đường đại học, khi phải nghỉ đến trường, Thắm rất lo bị thiếu hụt kiến thức. Vì thế, khi nhà trường thông báo sẽ tổ chức dạy học từ xa, học tập tương tác trực tuyến với giáo viên, nữ sinh dân tộc Thái vui mừng, nhưng đi kèm niềm lo lắng.
"Học sinh miền núi chúng em vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ít bạn có laptop, điện thoại di động cấu hình thấp, đường truyền internet, wifi lại càng không có do hạ tầng kết nối không đảm bảo. Ở nhà em, sóng điện thoại khá yếu, nhiều lúc không có vạch sóng nào. Việc học online vì thế gặp nhiều khó khăn. Nhưng chính niềm khao khát được học tiếp con chữ, em và các bạn trong lớp đã tìm kiếm khắp nơi có sóng 3G tốt, tranh thủ vừa làm việc phụ giúp gia đình, vừa tham gia học tập trên không gian mạng", nữ sinh Lường Thị Thắm nói.
Học sinh trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương cho biết, trước khi học trực tuyến, em được nhà trường hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm Office 365 Education, Shub Classroom, Quizizz và các biện pháp tương tác, kết nối khác với giáo viên. Do nghỉ học bất ngờ, học sinh không mang giáo trình ở trường nội trú về, nên để hỗ trợ các em học tập, nhà trường đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn tự học với nội dung tinh giản từ chương trình gốc, để gửi học sinh tự học tập. Một ngày các thầy cô bố trí mỗi lớp thành 2 nhóm, tổ chức 2 ca sáng - chiều để dạy trực tuyến cho học sinh.
"Em học nhóm 2, ca 2 nên trong lúc chờ học có thể làm xong việc nhà rồi tham gia học tập. Nhiều khi đi làm về muộn phải vội vàng ăn cơm để kịp giờ lên lớp buổi chiều. Cũng có vài lần vì mất mạng, mạng yếu mà trễ học, lúc đó em rất sợ bị thầy cô nhắc nhở nhưng thấu hiểu hoàn cảnh của chúng em, thầy cô luôn ân cần động viên, giúp đỡ em vượt qua khó khăn. Các bài giảng online được thầy cô truyền tải một cách ngắn gọn, dễ hiểu nên hỗ trợ tốt việc tự học của chúng em", Thắm nói.
Còn Giàng A Anh, học sinh trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương, người dân tộc H'Mông, ở bản Háng Tày xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái do không có điện lưới nên buổi tối phải dùng đèn dầu học bài. Sóng điện thoại kém nên cô trò phải hẹn nhau đúng 8h sáng sau khi Anh đến được chỗ có sóng liên lạc, để gọi điện trao đổi bài với nhau.
Giàng A Anh vẫn miệt mài học bài bên ngọn đèn dầu leo lét. (Ảnh: NVCC)
Không để bất cứ học sinh nào ở lại phía sau
TS Nguyễn Tuấn Anh Phó Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương cho biết, nhà trường hiện có gần 900 học sinh đến từ 18 tỉnh miền núi phía Bắc theo học. 100% các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Từ tháng 2/2020, trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương đã xây dựng các phương án dạy học từ xa, đảm bảo chất lượng và phù hợp với đặc thù học sinh và điều kiện học tập ở nơi các em sinh sống. Theo đó, nhà trường đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn học sinh tự học theo các modul và video hỗ trợ. Tài liệu này tinh giản nội dung chương trình, chỉ giữ những kiến thức cơ bản, cốt lõi, nhằm tạo thuận lợi cho các em trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu.
Hệ thống tài liệu tự học được đăng tải trên không gian học tập trực tuyến chung của nhà trường, gửi email tới từng học sinh và sử dụng phương thức truyền tải khác, để đảm bảo toàn bộ người học đều tiếp cận được. Với những học sinh ở vùng không có điện lưới, internet, tài liệu được gửi đến bằng đường gửi bưu điện. Các giáo viên sẽ chủ động liên lạc với học trò để chắc chắn các em nhận được tài liệu và nhắc nhở học sinh tự học, tự nghiên cứu trước khi tham gia lớp học tương tác trực tuyến.
Thông qua các phần trả bài của học sinh, giáo viên sẽ biết phần kiến thức nào các em đã nắm bắt được, phần nào còn thiếu sót, để từ đó có sự hỗ trợ hợp lý người học khi tổ chức lớp học trực tuyến. Những học sinh không thể tham gia học tương tác hoặc do đường truyền không đảm bảo nên không tham gia được đầy đủ, sau buổi học sẽ được giáo viên chủ động liên lạc để hỗ trợ thêm.
"Nhà trường quyết tâm thực hiện mục tiêu 100% học sinh đều được thầy cô hỗ trợ bằng nhiều hình thức, để các em nắm bắt được đầy đủ kiến thức của chương trình tinh giản. Cứ 2 ngày một lần, nhà trường sẽ xét công nhận kết quả học tập cho học sinh theo từng modul, để nắm bắt khó khăn của các em, nếu thấy cần thiết sẽ chuyển hình thức hỗ trợ hoặc kết hợp nhiều hình thức hỗ trợ, để đảm bảo học sinh được học tập tốt nhất trong điều kiện không thể đến trường. Chúng tôi quyết tâm không để lại phía sau bất cứ học sinh nào, dù điều kiện học tập của các em có khó khăn đến đâu", TS Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu phó trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương nói./.
Nguyễn Trang
Bí kíp thi vào lớp 10 với môn Lịch sử Xem lại các video, bài giảng của thầy cô ở trên mạng, xem lại các phim tư liệu về Lịch sử. Phương pháp này tái hiện hình ảnh giúp các em nhớ sự kiện lâu hơn. Kỳ tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập tại Hà Nội năm học 2020-2021 đang đến gần nhưng chưa biết môn thi thứ 4...