‘Học sinh Việt Nam giỏi nhưng không nhiều dấu ấn trên đỉnh trí tuệ’
GS Đỗ Đức Thái cho biết ông rất kinh ngạc khi nhìn đề thi THPT quốc gia có giải bất phương trình. Đó là những kiến thức cả cuộc đời sau này các em không dùng đến.
Chia sẻ tại hội thảo “Toán học không xa cách” trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2017 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VISAM) tổ chức ngày 13/8, GS Đỗ Đức Thái, thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể, Chủ biên chương trình môn Toán, đã phát biểu về Toán học trong chương trình phổ thông.
Phản đối Bộ GD&ĐT tinh giản theo cách &’vạc đến xương’
Theo GS Đỗ Đức Thái, triết lý xây dựng chương trình môn Toán trong giáo dục phổ thông tổng thể được thể hiện ở 4 yếu tố: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo.
Tinh giản được hình dung như một cái đích, mỗi người đều cố gắng đi đến bằng con đường ngắn nhất, đơn giản, phù hợp với nhận thức, sự phát triển tâm sinh lý của học sinh.
“Một đơn vị kiến thức khi đưa vào chương trình học nhất định phải trả lời câu hỏi &’Để làm gì?’, &’Nếu bỏ ra có ảnh hưởng không?’, nếu không ảnh hưởng thì nên bỏ”, ông Thái nói.
GS Đỗ Đức Thái tâm đắc khi trích dẫn câu nói của một vị giáo sư là tổng chủ biên chương trình Toán của nước Nga hiện hành: “Đừng giáo dục vì Toán học mà hãy giáo dục bằng Toán học” và “Toán học cho mọi người”.
Theo GS Thái, tinh giản không nằm ở chỗ vùng kiến thức này khó quá thì nên bỏ mà là cách dạy như thế nào?
GS Đỗ Đức Thái nói về việc học Toán trong chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Quyên Quyên.
“Tôi cực lực phản đối Bộ GD&ĐT vì thường xuyên tinh giản chương trình, vạc đến tận xương rồi không còn gì nữa, vạc thêm lại thành… quái thai. Vấn đề ở đây không phải vạc đi kiến thức mà kiến thức đó có vai trò gì trên con đường chúng ta mong muốn”, ông Thái nhấn mạnh.
GS Thái bày tỏ ông rất kinh ngạc khi nhìn đề thi THPT quốc gia thấy phải giải bất phương trình, tính tích phân, mũ logarit và lượng giác.
“Tôi nghĩ cuộc đời các em sau này chắc không sử dụng những nội dung này. GS Nguyễn Hữu Việt Hưng từng nhiều lần nói, dù 60 tuổi, ông chưa bao giờ phải giải phương trình tổ hợp hay rút gọn đẳng thức tổ hợp như đề thi vào đại học”, ông Thái nói.
Ông cho rằng do đặt vấn đề lệch lạc nên đẩy chương trình Toán hiện tại lệch lạc theo. Điều này khiến xã hội kêu nội dung học quá tải, không thiết thực.
Chương trình này có xu hướng dồn từ lớp trên xuống dưới mà đáng lẽ ra cần ngược lại. Ví dụ, những bài tập khó ở sách giáo khoa lớp 4 được dạy ở chương trình lớp 6 hoặc 7 ở các nước khác.
Không nhiều dấu ấn
GS Đỗ Đức Thái thông tin là người từng đưa học sinh cấp một đi thi Toán quốc tế, trực tiếp dạy học các em, ông nhận ra: “Việt Nam có truyền thống thi gì cũng giỏi, thường chỉ kém trong một vài năm đầu tiên, những năm sau thành tích rất cao”.
Video đang HOT
Theo ông Thái, đây là nguyên nhân từ việc luyện thi. Vị GS này kể những năm đầu tiên dẫn đội tuyển thi Olympic Toán tiểu học quốc tế, thành tích rất thấp. Nhưng năm ngoái, cả thế giới có 26 giải nhất, Việt Nam chiếm tới 11 giải.
Ông khẳng định học sinh thi gì cũng giỏi nhưng Việt Nam không để lại dấu ấn trên đỉnh cao trí tuệ trong nhiều năm, cho đến khi có sự ghi danh đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu.
Từ đó, GS Thái cho rằng học tốt nhưng không sáng tạo chỉ là người đi làm thuê. Người tri thức phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng nền kinh tế tri thức. Kiến thức và kỹ năng không hướng đến chuyện đi thi mà sẽ là thực tiễn cuộc sống. Ở đó, đỉnh cao của năng lực là tạo cho người học khả năng thích ứng bất kỳ sự thay đổi nào của xã hội, thể hiện khả năng giải quyết vấn đề và trên hết là sáng tạo.
“Tôi không ngại lắm khi dư luận phê phán chương trình môn Toán. Cái tôi sợ nhất là dư luận không chấp nhận triết lý của tôi là Toán học cần phải cho mọi người và là công cụ để mỗi con người mưu sinh”, GS Thái nói.
Ông Thái khẳng định mọi người đừng hy vọng chương trình mới sẽ đưa ra những đơn vị kiến thức rất mới mà sẽ giảm tải nhiều so với hiện nay.
Dự kiến đầu năm 2018, chương trình phổ thông môn Toán sẽ thiết kế nội dung riêng dành riêng cho học sinh có năng khiếu và học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Zing
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Sự thay đổi luẩn quẩn
Theo thầy Đào Tuấn Đạt, các môn học ở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tưởng toàn diện nhưng rất phiến diện, nên việc chọn nhiều hay ít môn học cũng tạo một vòng luẩn quẩn.
Mới đây, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dựa trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý cũng như xã hội.
Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Ông Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, đồng thời là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, có những trao đổi thẳng thắn với Zing.vn xung quanh văn bản được Bộ GD&ĐT công bố ngày 29/7.
Thực chất chương trình không giảm tải
- Ông nhận xét gì về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua?
- Bản sửa đổi lần này không có bước tiến nào về tư duy so với các bản dự thảo được công bố trước đây. Giáo dục sẽ vẫn chạy theo quán tính cũ và buộc lòng chúng ta phải xem nền giáo dục vẫn đang tiếp tục thời kỳ quá độ dài lâu.
Vì không có sự thay đổi nào về nguyên lý và cách nhìn nên tất yếu sự thay đổi là chắp vá và không có logic. Đó chỉ là sự bày biện lại những điều đã cũ, thay đổi cách gọi tên và bổ sung vài chi tiết còn chưa được kiểm nghiệm về mặt khoa học.
Chương trình cấp tiểu học. Ảnh chụp màn hình.
-Với chương trình này, học sinh có được giảm tải so với chương trình cũ và chương trình được công bố lần thứ nhất vào tháng 4?
- Nhìn vào bản dự thảo có thể thấy tổng số tiết một tuần vẫn là 29 thì không hề giảm.
Giảm tiết môn này lại nhồi vào môn kia như môn Trải nghiệm. Giảm một cách cơ học, đồng đều không lưu ý đến chuyên môn thì thật tai hại. Tôi lấy ví dụ môn Toán của chương trình mới chỉ còn 3 tiết một tuần thì không biết học sinh sẽ học như thế nào, lại giống cưỡi ngựa xem hoa và đi học thêm.
Khi sĩ số lớp đông, năng lực tự học yếu, thời gian lại không đủ thì chắc chắn sẽ dẫn tới quá tải cơ học. Chuyên sâu về toán thì không đủ thời gian. Không chuyên sâu, chẳng hạn chọn định hướng văn chương hay nghệ thuật, thì toán lại thừa.
Tình trạng cần học thì không đủ thời gian mà không cần vẫn phải học sẽ lại diễn ra như hiện nay. Những bất cập vẫn như cũ.
- Ở cấp THPT, có 5 môn học tự chọn, quan điểm của ông thế nào?
- Vì sao Ban soạn thảo chương trình chọn 5 môn học, tôi không thấy lý giải trong văn bản. Tuy nhiên, trên báo chí, Ban soạn thảo cho rằng nhiều quốc gia khác còn chọn nhiều môn học hơn, cách chọn 5 môn sẽ "bền vững" hơn.
Tôi không hiểu bền vững hơn nghĩa là gì? Học môn nào hay học bao nhiêu môn được tư duy theo cách đó thì giáo dục chẳng khác gì như trò chơi "ô ăn quan" của thiếu nhi.
- Vậy, việc lựa chọn môn học phải như thế nào?
- Giáo dục phổ thông hiện đại phải có ba đặc trưng. Một là toàn diện, hai là phân hóa và ba là chuyên sâu.
Giáo dục toàn diện không phải học tất cả môn và thi hết các môn. Toàn diện ở đây là học sinh phải phát triển cả về các môn văn hóa, đạo đức, thể thao, nghệ thuật... Học hết 11 môn "truyền thống" như chương trình hiện hành cũng không toàn diện. 11 môn này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong các môn học ở phổ thông hiện nay (Australia có khoảng 50 môn học ở phổ thông).
Không ai có thể và không cần học hết 11 hay 50 môn. Người ta phải chia các môn học thành các lĩnh vực khác nhau. Để đảm bảo tính toàn diện học sinh phải học tất cả các lĩnh vực. Nhưng chỉ chọn một vài môn thậm chí một phần của môn đó để học. Trung bình trên thế giới hiện nay là 6 môn.
Còn ở Việt Nam, chúng ta nhìn vào các môn học tưởng là toàn diện nhưng lại rất phiến diện, bởi thiếu cốt lõi là hiểu biết các môn đó nằm ở lĩnh vực nào. Vì vậy, chọn ít môn học thì lo thiếu toàn diện, chọn nhiều lại lo quá tải, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Học phổ thông để tạo tiền đề cho việc học suốt đời, cốt yếu là phương pháp để tự học chứ không phải kiến thức nhồi sọ.
Còn phân hóa và chuyên sâu có thể hiểu mỗi học sinh có một thiên tư khác nhau. Thế nên, giáo dục phải phân hóa. Học sinh phải được chú trọng các môn sở trường của họ. Các môn sở trường thì phải chuyên sâu.
Hiện tại, xu thế chung của thế giới là chương trình cử nhân chỉ còn 3 năm. Không phải là chương trình được cắt ngắn một cách cơ học mà đã được dạy chuyên sâu ở phổ thông rồi.
Nhìn vào chương trình của ta, tất cả môn học đang dàn hàng ngang để đi. Làm gì có ai sở trường mà tới cả 5 môn. Học sinh sẽ lại phải đối phó và trong nhà trường vẫn sẽ tồn tại khái niệm phản giáo dục là môn chính, môn phụ.
Chương trình không đáp ứng được góc nhìn thế giới
- So với góc nhìn thế giới, chương trình Việt Nam đáp ứng được những gì, đã được coi là hội nhập chưa?
- Một chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đúng nghĩa như một văn bản khoa học thì phải trả lời được các câu hỏi sau.
Thầy Đào Tuấn Đạt. Ảnh: NVCC.
Thứ nhất là triết lý giáo dục, có thể hiểu điều này đơn giản là chúng ta mong muốn nền giáo dục sẽ sinh ra con người như thế nào. Xưa thì giáo dục phải đào tạo con người "vừa hồng vừa chuyên", nay thì phải đặt ra câu hỏi làm sao để đất nước không bị tụt hậu về kinh tế, khoa học...
Thứ hai là mục tiêu của từng cấp học.
Thứ ba là nguyên lý, phương pháp giáo dục. Nếu trước khia chúng ta học theo cách thầy đọc trò chép thì nay cần học như thế nào?
Thứ tư là kiểm tra đánh giá, trong đó cần nêu rõ kiểm tra cái gì, lúc nào, bằng phương pháp nào?
"Học sinh phải học nhiều nhưng vẫn thiếu tư duy khoa học, con người chỉ lớn lên chứ không trưởng thành lên được. Nhìn ra xung quanh, chúng ta chỉ thấy mình kém cỏi. Đó trước hết là do giáo dục".
Ông Đào Tuấn Đạt
Cả bốn vấn đề trên đều mờ nhạt, thiếu căn cứ khoa học trong bản chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Vì vậy, tôi không biết đặt văn bản này vào đâu trong góc nhìn với thế giới.
- Lần sửa đổi này không đạt được những kỳ vọng, mong đợi của ông?
- Tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi cho rằng khi chưa có nhận thức đúng về bản chất, mục đích, nhiệm vụ giáo dục sẽ dẫn tới định hướng sai về chương trình, phương pháp giảng dạy và hình thức thi cử, từ đó dẫn tới "dạy giả", "học giả", nhồi nhét, đánh đố, khoa trương hình thức mà không nắm được tinh thần, bản chất, cốt lõi của vấn đề.
Học sinh phải học nhiều nhưng vẫn thiếu tư duy khoa học, con người chỉ lớn lên chứ không trưởng thành lên được. Nhìn ra xung quanh chúng ta chỉ thấy mình kém cỏi. Đó trước hết là do giáo dục.
Điều tối thiểu cần hiểu đó là đối tượng của giáo dục là khoa học, đạo đức và nghệ thuật. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có khoa học, kỹ thuật lúc này để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Có đầu óc khoa học sẽ bớt được nhận thức cảm tính, xã hội sẽ bớt phù phiếm và hỗn loạn. Còn thiếu đạo đức thì đâu còn là thế giới của con người nữa. Thiếu nghệ thuật thì đời sống tâm hồn chả khác gì hoang mạc. Chương trình tổng thể đã không nhận thức được ba đối tượng này của giáo dục.
Theo Zing
Thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý cũng như xã hội, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ngày 12/4, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, xin...