Học sinh Việt Nam giành HCV Olympic Phát minh và sáng chế thế giới
Ngày 27-7, tại Hàn Quốc, tám đội học sinh của Việt Nam tham gia Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới 2019 (WICO) đều giành Huy chương Vàng. Ban Tổ chức đã trao Giải Đoàn đoạt thành tích xuất sắc nhất ( Excellence Award) cùng cúp xuất sắc cho Đoàn.
Đồng thời, hai trong số tám đội của Việt Nam được Hiệp hội Phát minh và sáng chế Indonesia (Innopa) trao Giải Special Award; Viện Nghiên cứu phát triển sáng chế Malang, Indonesia trao Giải Special Prize.
Cuộc thi WICO được Hiệp hội phát minh và sáng chế các trường đại học Hàn Quốc (KUIA) tổ chức hằng năm và được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thế giới. Tại cuộc thi, học sinh phải trình bày kết quả nghiên cứu và trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo đưa ra. Các đề tài nghiên cứu phải có tính mới, sáng tạo và thiết thực.
Cuộc thi năm nay diễn ra từ ngày 25 đến 27-7, có 30 nước tham gia, trong đó có nhiều đội mạnh như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada. Đoàn Việt Nam tham dự WICO 2019 gồm có 26 học sinh, chia làm tám đội, đến từ các trường, như: THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, THCS và THPT Lương Thế Vinh; THPT FPT; THPT Khoa học giáo dục; THCS Giảng Võ; THPT chuyên Nguyễn Huệ; THPT Lê Quý Đôn, THPT chuyên, Đại học sư phạm Hà Nội, THPT chuyên, Đại hoc Khoa học tự nhiên. Đoàn do TS Nguyễn Hoàng Giang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục sáng tạo (RICE) và TS Đỗ Như Bình (Học viện Quân y, cố vấn phụ trách chuyên môn cho đoàn) dẫn đoàn tham gia cuộc thi.
TS Nguyễn Hoàng Giang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục sáng tạo (RICE) cho biết, các đề tài của tám đội Việt Nam tập trung vào các vấn đề được xã hội, giới khoa học quan tâm, có tính ứng dụng cao, thuộc các lĩnh vực: y sinh, hoá sinh, vật lý, môi trường. Ngay sau khi công bố kết quả, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chúc mừng, vinh danh các thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi.
NGUYỄN PHƯƠNG
Theo Nhân dân
Nam sinh 16 tuổi sở hữu loạt giải thưởng nghiên cứu khoa học ấn tượng
Tự tin, hoạt bát và đam mê nghiên cứu, Hà Hải Dương (sinh năm 2003, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Hà Nội) không ngừng đặt ra câu hỏi để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống qua các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Em đã giành nhiều huy chương, giải thưởng khoa học ấn tượng.
Hà Hải Dương cho hay, em rất thích môn Hóa học bởi nó chính là những biến đổi hàng ngày chúng ta bắt gặp trong cuộc sống. Không theo đuổi môn Hoá như một người đi sâu về lý thuyết chuyên sâu để thi cử, đam mê của Dương chính là được ứng dụng những gì được học trong sách vở, các trang báo khoa học để từ đó ứng dụng tiến hành các sáng chế trong cuộc sống.
Với Hải Dương, mỗi kỳ thi khoa học là cả một cuộc chiến trí tuệ, các kỹ năng, là cả một cuộc hành trình. Khi mới bắt đầu tham gia kỳ thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) năm lớp 9, tất cả các ý tưởng của Dương còn mang tính "trẻ con" khó có thể thành hiện thực nên em gặp nhiều khó khăn trong việc hiện thực hoá ý tưởng.
Hà Hải Dương và PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Dương - giảng viên hướng dẫn của em trong phòng thí nghiệm.
Ban đầu bố mẹ em rất ngăn cản vì lớp 9 phải tập trung học để thi vào cấp 3. Nhưng vì niềm đam mê mãnh liệt và đã tìm hiểu về cuộc thi được một thời gian nên Dương đã quyết tâm tham gia dù bố mẹ luôn cho rằng, em phải đợi lớn hơn, chững chạc hơn nữa mới có thể làm được. Chuẩn bị hành trang vững chắc để tham gia cuộc thi lần đầu tiên, Hải Dương đã đạt giải Dự án Triển vọng với đề tài "Sản xuất phân bón hữu cơ từ bã cà phê kết hợp với rác thải sinh hoạt hướng đến ứng dụng trong trồng rau sạch tại hộ gia đình".
Dương chia sẻ: "Đề tài đầu tiên của em là sản xuất một loại phân bón hữu cơ từ bã cà phê và rác thải sinh hoạt. Em mơ đến một loại bã cà phê không có kim loại nặng, chất độc tuy nhiên điều đó cần kiến thức rất cao siêu. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn em đã tìm được hướng đi cho mình".
Hà Hải Dương chia sẻ về nghiên cứu khoa học ấn tượng nhất.
Qua hàng trăm lần làm thí nghiệm với nhiều chất, Dương đã tìm ra một loại bã cà phê sạch, nhiều dinh dưỡng. Đó là cả quá trình dài và khó. Sau này khi phát triển đề tài này lên, Hải Dương đã xuất sắc giành Huy chương Đồng cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật mở rộng Elementz Science Project Competition and Exhibition tại Singapore.
Trước đó, nam sinh Hà Nội từng đạt huy chương Đồng trong phần thi "Kỹ năng phòng thí nghiệm" tại ASEAN 3 Junior Science Oddysey. Em được chọn tham gia vào hội thảo Khoa học Workshop on Future Creators in Science tổ chức bởi trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Kyushu (Nhật Bản).
Nghiên cứu hiện tượng "nhờn" thuốc kháng sinh của mẹ
Ý tưởng nghiên cứu khoa học của chàng trai 10X bắt đầu từ những vấn đề nổi cộm của cuộc sống, em chú ý đặt ra câu hỏi cho mình sau đó tìm ra mục tiêu cho đề tài. Dương kể, có những hôm đi ở ngoài đường em vẫn nghĩ về điều gây tranh cãi và đặt câu hỏi liệu mình có thể giải quyết nó...
Cậu học trò đam mê nghiên cứu khoa học để giải quyết các bài toán gần gũi trong cuộc sống.
Trong các dự án của mình, Hải dương tâm đắc nhất với đề tài "Nghiên cứu xác định đồng thời hai kháng sinh Imipenem và Meropenem bằng phương pháp điện di mao quản sử dụng detector độ dẫn không tiếp xúc (CE-C4D). Bởi lẽ, đề tài này xuất phát từ tình yêu thương người mẹ của em.
"Em sinh thiếu tháng và mẹ em rất ốm yếu, suốt những năm em sống trên đời mẹ em chưa bao giờ khoẻ cả. Mẹ bị nhiều bệnh và bệnh này lại ảnh hưởng đến các bệnh khác nên mẹ em luôn mang bệnh trong người. Trong đó, mẹ bị hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh nên gặp nhiều khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị".
Hải Dương dần hình thành trong đầu ý nghĩ trẻ con rằng, làm sao chữa được bệnh này cho mẹ? Sau khi tìm hiểu, Dương nhận được câu trả lời rằng bệnh kháng thuốc và nhờn thuốc không thể chữa được. Không từ bỏ, Dương tiếp tục suy nghĩ, liệu có cách nào làm giảm hiện tượng kháng thuốc, nhờn thuốc hay không? Qua một số bài báo khoa học, em hiểu rằng có phương pháp giám sát chất lượng, hiệu quả điều trị của bệnh nhân. Dương tổng quan một số tài liệu và nhờ sự hướng dẫn của một giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên mà em đã viết nên những đề hướng tiếp theo cho câu hỏi của mình. Sau một năm, em đã cho ra đời ý tưởng trọn vẹn sau đó bắt đầu vào nghiên cứu và nhận giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp quốc gia ViSEF. Cũng với đề tài ý nghĩa này, Dương đoạt Huy chương Bạc cuộc thi ASEAN 3 Junior Science Oddysey tổ chức bởi ASEAN và ASEAN 3 Center for the Gifted in Science.
Rất muốn phát triển đề tài này thêm nhưng Dương cho hay bản thân em chưa đủ kiến thức, em sẽ thực hiện ước mơ khi trở thành một sinh viên đại học hoặc nghiên cứu sinh.
Hà Hải Dương nhận giải thưởng tại cuộc thi APTJSO.
Học, nghiên cứu, hoạt động ngoại khóa như một phần cuộc sống
Ở lớp, cậu học trò thông minh ham học đạt điểm trung bình các môn 9.5. Em luôn đạt top 15 trong các kỳ thi giữa kỳ và học kỳ của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Ngoài học tập, Dương tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá. Có những hôm em phải thức đến 1h sáng để giải quyết hết công việc nhưng càng ngày em càng quen với công việc của mình bởi vì nó xuất phát từ đam mê. Dương học, nghiên cứu hay tham gia hoạt động ngoại khoá với tâm trạng thoải mái, vì nó là một phần cuộc sống em. Mỗi hoạt động trau dồi cho em một phần nào đó.
"Em không thích cách học 1-2h sáng mà chỉ học những lúc mình thoải mái, hào hứng nhất. Một ngày em dành 1-2 tiếng buổi tối để học. Khi học em tập trung tối đa không dùng điện thoại. Đó cũng là lý do em có thể cân bằng các hoạt động", Hải Dương tâm sự.
Bộc lộ khả năng lãnh đạo, Hải Dương là Chủ tịch Câu lạc bộ Hoá học trường THPT chuyên Khoa Học Tự nhiên (HSGS Chemistry Organization), Trưởng ban truyền thông dự án du học Vé Thông Hành, thu hút hơn 24.000 người theo dõi fanpage. Em là người sáng lập và Trưởng ban tổ chức dự án môi trường LiberVita 2019, người sáng lập và trưởng ban tổ chức hội chợ Khoa học ChemStorm 2019, thành viên Ban tổ chức English Celebration 2019. Dương cũng từng là trưởng ban nội dung Thời Báo Tổng Hợp - kênh thông tin chính thức của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, tham gia đóng góp Booth Gali trong ngày hội STEM 2019 tổ chức bởi Bộ Khoa học - Công nghệ.
Ngoài học tập, nghiên cứu, nam sinh Hà thành tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa khác.
Chia sẻ bí quyết gặt hái hàng loạt giải thưởng nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở tuổi sinh viên, Hải Dương chia sẻ: "Trước khi bắt tay vào đề tài nghiên cứu em luôn đặt câu hỏi cho riêng mình: tại sao mình phải làm vấn đề đó. Mọi người cứ nghĩ đề tài nghiên cứu khoa học là phải cao siêu, hàn lâm; là của các giáo sư, tiến sĩ... Song thực tế, với một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ giải quyết được vấn đề thường ngày; ví dụ tại sao nhà hay bị tắc cống, làm sao giải quyết? Quạt bị hỏng hay không đủ mát thì làm sao?
Phải đặt câu hỏi, khát khao giải được nó, bắt đầu viết nó ra, xác định mục đích, phương pháp, hướng làm là gì? Vấn đề có phù hợp với trình độ của mình không, có cần sự trợ giúp của chuyên gia nào khác không để tìm hướng đi. Khi đó các nghiên cứu, thí nghiệm sẽ bắt đầu".
Hà Hải Dương cho hay, em dự định cuối năm lớp 11 sẽ nộp hồ sơ du học Mỹ. Hai ngôi trường mơ ước của em là Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Không được đầu tư, phòng thí nghiệm trường học có thể gây họa Nhiều giáo viên lo lắng khi giờ thực hành cả thầy và trò không có quần áo bảo hộ, không được tập huấn cách xử lý khi gặp sự cố. Phòng thực hành, thí nghiệm ở trường học có thể ươm mầm cho những đề tài, sáng chế của học sinh, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu người sử dụng không tuân...