Học sinh vẽ tranh trên đá, gây quỹ giúp bạn
Từ những viên đá, các bạn học sinh miền núi Nghệ An đã vẽ nên những bức tranh sinh động để gây quỹ giúp các bạn học sinh nghèo, mồ côi.
Học sinh hào hứng tham gia cuộc thi vẽ tranh trên đá – Ảnh: NHUNG NGUYỄN
Buổi chào cờ đầu tuần một ngày đầu tháng 11 ở Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) trở nên sôi động hơn hẳn khi các bạn học sinh cùng ngồi lại sân trường, tham gia cuộc thi vẽ tranh trên đá.
Những hòn đá suối được chọn lựa kỹ càng, rửa sạch sẽ từ những ngày trước là vật liệu chính để các “họa sĩ” trổ tài. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ, qua bàn tay khéo léo của các bạn nhỏ, những hòn đá suối tưởng chừng như vô tri trở thành bức tranh sinh động về bản làng, quê hương, biển đảo, động vật, hoa lá…
Cô Nguyễn Thị Nhung – quyền hiệu trưởng nhà trường – cho biết cuộc thi vẽ tranh trên đá bắt nguồn từ việc cô thấy trên mạng có những viên đá được vẽ rất đẹp mắt và nghĩ “cho học sinh của mình thử xem sao”. Trường đóng trên địa bàn xã nằm dọc hai bên dòng Nậm Mộ nên đá cuội rất nhiều – nguồn tài nguyên sẵn có để thực hiện ý tưởng.
Với suy nghĩ đó, cô Nhung bàn bạc với thầy Nguyễn Quốc Dũng (giáo viên mỹ thuật) tổ chức cuộc thi vẽ tranh trên đá, vừa tạo sân chơi cho học sinh, vừa có những sản phẩm đẹp mắt từ thiên nhiên ban tặng.
Video đang HOT
“Chúng tôi nói với các em, chỉ cần một viên than, hay hòn đá, các em cũng có thể trở thành họa sĩ. Với việc thi vẽ trên đá, chúng tôi hi vọng các em tự tin và thể hiện năng khiếu sáng tạo của mình”, cô Nhung kể.
Sau buổi trải nghiệm ở bờ suối, tìm nguyên vật liệu theo sở thích, ý đồ của mỗi em, các thầy cô tiếp tục phân tích cho học sinh các viên đá có hình dạng phù hợp nhất để sáng tác. Nhà trường cung cấp sơn, bút, đến khi cuộc thi diễn ra các em mới bắt đầu vẽ theo ý tưởng của mình.
“Đây là lần đầu tiên các em được tiếp xúc với việc vẽ bằng sơn màu. Trước đó các em chỉ được vẽ bằng bút chì, sáp màu. Tôi từng hướng dẫn cách thức sử dụng nên các em không tỏ ra lạ lẫm mà nhanh chóng cầm cọ vẽ ngay”, thầy Dũng tâm đắc.
Cuộc thi được cô Nhung chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn bè. Không ít người ngỏ ý muốn mua lại những bức tranh đá của học sinh.
Trăn trở trước việc trường mình còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, một số em mồ côi cha, mẹ, phải sống nương tựa vào ông bà đã già yếu, cô Nhung bắt đầu “rao” các sản phẩm cùng danh sách học sinh cần giúp đỡ trên mạng xã hội. Biết được việc làm ý nghĩa của các thầy cô, nhiều tấm lòng đã đến với các em học sinh nghèo miền núi.
“Tác phẩm tranh đá của các em không chỉ độc đáo, sáng tạo và sinh động mà số tiền bán được từ tranh đá được nhà trường hỗ trợ mua gạo, mì gói cho gia đình 42 học sinh nghèo và mồ côi. Việc làm này giúp các em hiểu thêm về tinh thần tương thân tương ái, quý trọng những thứ mà thiên nhiên ban tặng xung quanh mình”, cô Nhung phấn khởi.
Theo tuoitre
Học sinh tiểu học trồng rau bán lấy tiền giúp bạn
Được thầy cô hướng dẫn trồng, chăm sóc rau, các học sinh tiểu học ở Quảng Ngãi vừa có trải nghiệm thực tế vừa gây quỹ giúp bạn khó khăn.
Sáng 10/11, trường Tiểu học Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi làm Quầy rau nhân ái để bán rau sạch do các giáo viên và học sinh trồng. Trong khu vườn nhỏ phía sau dãy phòng học, cô và trò cùng rôm rả cười nói khi thu hoạch.
Học sinh Trường tiểu học Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi thu hoạch rau. Ảnh: Thạch Thảo.
Lúc sau, khi rau đã đầy rổ, các nam sinh xung phong mang ra các bàn bán rau phía trước bày biện. Quầy rau phong phú với xà lách, mồng tơi, cải, ngò... nhanh chóng xôm tụ với khách hàng là chính thầy cô và phụ huynh học sinh.
Vừa đặt rổ rau xuống bàn, em Nguyễn Phước Toàn chạy ra ghế đá để gọi mẹ vào mua. Bà Nguyễn Thị Thu Ba, mẹ Toàn chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng mua rau nhưng sáng nay con trai thông báo nhà trường có bán rau sạch nên tôi đến để mua ủng hộ". Bà Ba rất vui vì được mua rau có công con trai chăm sóc.
Cô Đặng Thị Thanh Diệu - Hiệu phó trường Tiểu học Nghĩa Chánh cho biết, hai năm qua, cả hai cơ sở của trường đều có vườn rau. Sau giờ học, các giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh cách gieo hạt, nhổ cỏ, hái rau... Vườn rau hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ bón phân hữu cơ. Mỗi tháng, trường lại tổ chức thu hoạch một lần để làm Quầy rau nhân ái.
Quầy rau nhân ái có khách hàng là giáo viên, phụ huynh của trường. Ảnh: Thạch Thảo.
"Hoạt động này giúp các em yêu thiên nhiên, có trải nghiệm thực tế về các loài rau vừa được học trên lớp và có kỹ năng lao động", cô Diệu nói và cho biết, các học sinh rất thích thú với sản phẩm do mình làm ra.
Điều đặc biệt của quầy rau này là khách hàng không bao giờ kỳ kèo trả giá, tiền mua rau được bỏ vào những con heo đất. Nhiều giáo viên chỉ mua một bó rau mà bỏ vào con heo đến 100.000 đồng. "Số tiền thu được từ bán rau nhà trường dùng để hỗ trợ các em học sinh khó khăn", thầy Trần Quang Hiếu - Hiệu trưởng trường Nghĩa Chánh nói.
Giáo viên bỏ tiền vào con heo đất khi mua rau. Ảnh: Thạch Thảo.
Là một giáo viên vừa về hưu, bà Thu Ba đánh giá cao hoạt động này. "Tôi rất vui vì nhà trường sớm dạy cho trẻ hiểu biết về thực phẩm an toàn, hiểu giá trị sức lao động và chia sẻ với bạn bè đồng trang lứa", bà nói.
Phạm Linh
Theo VNE
Quảng Nam: Duy trì hỗ trợ học sinh miền núi không được hưởng chính sách Dù không còn được hưởng các chế độ chính sách dành cho học sinh miền núi theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ nhưng huyện Tây Giang (Quảng Nam) vẫn tiếp tục hỗ trợ cho hàng trăm học sinh THCS trên địa bàn huyện. Ngày 8/11, trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Kim Vân - Trưởng Phòng giáo...