Học sinh vào vai giáo viên: Không chỉ cần chuyên môn giỏi
Vào vai giáo viên một ngày, em Lương Thoại Quỳnh (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) chia sẻ: Nghề giáo không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn, yêu trò…
Để giúp học sinh có cái nhìn thấu hiểu hơn với thầy cô, Trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức chương trình Một ngày làm giáo viên. Theo đó, hơn 100 tiết học đã được học sinh các lớp bàn soạn kỹ càng, sau đó trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Là một trong những học sinh giỏi toàn diện, Hoàng Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 12A4 (Trường THPT Nguyễn Du) được cử đại diện dạy tiết ngữ văn với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Tiết dạy này theo đúng phân phối chương trình nên trước đó Linh chưa từng được nghe giáo viên giảng qua. Chính vì thế lần đứng lớp này cũng là lần đầu tiên Linh học tác phẩm này. Qua sự chuẩn bị kỹ càng của cả nhóm, nội dung bài học được soạn khá chi tiết. Tuy nhiên, cách đứng lớp, kịch bản đứng lớp thì Linh phải tự nghĩ và ứng biến sao cho phù hợp.
Trong khi giảng bài “cô giáo trẻ” luôn giữ nụ cười, phong thái tự nhiên vì thế tiết học trở nên nhẹ nhàng và thú vị. Với việc gặp một vài sự cố nhỏ khi đứng lớp giúp Linh nhận ra để có được một giờ giảng đúng đã là khó và để có một giờ dạy hay thì cần cả một nghệ thuật.
Video đang HOT
Học sinh lớp 12A4 làm việc nhóm trong tiết ngữ văn do Gia Linh (áo vàng, lớp 12 A4) làm giáo viên
Linh chia sẻ: “Muốn giờ học thành công thì rất cần sự cộng hưởng từ phía học sinh. Học sinh hào hứng lớp học sẽ có hồn. Học sinh không hào hứng thì giáo viên có giảng hay tới đâu lớp học vẫn không tránh được sự nhàm chán”.
Cô Hoa Hồng (giáo viên dạy ngữ văn và cũng là chủ nhiệm của Linh) nhận xét: “Trong lớp Linh là học sinh ngoan, giỏi toàn diện. Việc tổ chức tiết học này khá thành công vì phong thái của em cho thấy em rất phù hợp với nghề giáo. Từ cái nền ban đầu này, qua rèn luyện tại môi trường sư phạm sẽ giúp em vững vàng hơn và có thể trở thành một giáo viên tốt trong tương lai”.
Một tình huống khá thú vị cũng diễn ra trong tiết sinh học của lớp 12A3. Tiết học này Lương Thoại Quỳnh (học sinh lớp 12A3) được phân công đứng lớp. Tuy nhiên tới sát giờ những giáo viên dự giờ vẫn chưa đến. Điều này khiến Quỳnh lo lắng đến mức chân tay lạnh toát nhưng cuối cùng, lấy hết can đảm em vẫn bắt đầu tiết dạy đúng theo dự kiến.
Với phần kiến thức cho bài Quần xã sinh vật được các bạn trong nhóm soạn kỹ lưỡng cộng với thái độ nghiêm túc, tiết học được mở đầu bằng một vài câu hỏi có liên quan tới bài học để lôi kéo sự chú ý của học sinh với bài giảng.
Quỳnh đặt câu hỏi: Quần xã sinh vật phân bố thế nào và gọi một học sinh trong lớp trả lời. Sự cố là học sinh được gọi không chịu đứng lên. Vậy là Quỳnh nghiêm mặt: Cô gọi thì phải đứng lên chứ?
Trong vài phút giải lao lấy lại tinh thần, Quỳnh chia sẻ: “Trường hợp giáo viên gọi mà học sinh không chịu đứng lên làm em rất bực mình. Em nghĩ kiến thức thầy cô dạy là để phục vụ cho học sinh. Vậy mà học sinh không hào hứng thì làm cho người đứng trên bục giảng không còn muốn giảng nữa”.
Sau đó tiết học được tiếp tục nhưng có rất nhiều tiếng ồn. Sau khi phát hiện 2 học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, Quỳnh tỏ ra rất nghiêm khắc nhắc nhở: “Sao 2 bạn sử dụng điện thoại trong giờ học, các em cất ngay đi”. Từ đó cho tới cuối giờ, Quỳnh dường như không còn run nữa vì: “giận quá hết run”, Quỳnh cho biết.
Em cũng nói thêm: “Em cảm thấy rất tức giận, và rất muốn đuổi 2 học sinh đó ra ngoài”. Đồng thời Quỳnh đưa ra kết luận: “Em không hợp với nghề giáo. Nghề giáo không chỉ cần chuyên môn giỏi mà còn đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn, phải kiềm chế bản thân. Nếu không có kỹ năng tốt thì khi có những tình huống như học sinh làm việc riêng, chống đối… giáo viên sẽ rất dễ nổi nóng”.
Dù có định hướng thi ngành sư phạm hay là lựa chọn một ngành nghề nào thì Một ngày làm giáo viên cũng giúp học sinh có những trải nghiệm đáng nhớ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) hy vọng với hoạt động này sẽ ươm mầm, tiếp bước học sinh theo đuổi đam mê trở thành giáo viên.
Theo TN