Học sinh vẫn né môn Lịch sử
ANTĐ – Những chuyển biến ban đầu về dạy và học môn Lịch sử đã được các nhà giáo, học sinh cũng như nhà quản lý ghi nhận. Tuy nhiên, để môn học này được đặt xứng tầm, vẫn cần nhiều thay đổi từ giáo viên và chương trình, sách giáo khoa.
Thích nhưng vẫn sợ
Thầy Lê Đăng Thành, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dạy và học môn Lịch sử đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều. Nguyên nhân là do “đầu ra” đối với những sinh viên theo Lịch sử rất khó khăn. Điều này tác động đến nhận thức của gia đình, xã hội và người học. “Các em có thể yêu Lịch sử, thích học Lịch sử nhưng không lựa chọn theo môn này” – thầy Thành nói. Hơn nữa, nếu phải lựa chọn Lịch sử hoặc Địa lý để thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ không chọn Lịch sử vì môn này khó hơn nhiều so với Địa lý.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Sơn La cho biết, 3 năm trở lại đây, số lượng học sinh muốn vào đội tuyển Lịch sử của trường tăng lên. Nhiều em yêu thích học Lịch sử hơn so với những năm trước. Có nhiều em ở các lớp chuyên khác như chuyên Toán, chuyên Văn đều thích học Lịch sử.
Thậm chí em Lê Thị Hạnh đoạt giải Nhì Lịch sử, cao nhất của trường THPT Chuyên Sơn La lại không phải là học sinh chuyên Sử mà là học sinh chuyên Văn. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cô Giang, số lượng học sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tốt nghiệp ít hơn môn Địa lý. Bởi môn Lịch sử đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều sự kiện nên hầu hết các em đều sợ thi môn này.
Nhiều học sinh hứng thú với môn Lịch sử nhưng lại ngại học môn này
Cần thay đổi tích cực
Theo thầy Lê Đăng Thành, cần phải có sự nhìn nhận công bằng hơn đối với môn Lịch sử. Để học sinh yêu thích môn Lịch sử thì người thầy rất quan trọng. Thầy không truyền đạt được kiến thức, bài giảng không sinh động thì sẽ không tác động mạnh đến người học. Còn PGS. NGƯT Hà Đình Đức thì cho rằng, để yêu sử, giáo viên không thể làm thay học sinh, chỉ gợi ý để học sinh tự tìm đến. PGS. Hà Đình Đức cho biết, ông là chuyên gia về Sinh học nhưng lại rất yêu thích môn Lịch sử. SGK hiện nay đưa ra nhiều số liệu khiến học sinh sợ, nếu Lịch sử được dạy dưới những câu chuyện thường ngày thì học sinh sẽ dễ nhớ hơn.
Từ góc độ người dạy, cô Nguyễn Thị Giang cho biết, hiện mỗi tiết học chỉ kéo dài 45 phút, lượng kiến thức phải dạy rất nhiều. Giáo viên chỉ cố gắng chuyển tải đầy đủ kiến thức cơ bản trong SGK nhưng học sinh cũng chưa chắc đã nắm bắt được hết. Do đó, với CT-SGK mới, cô Giang mong muốn giản lược một số sự kiện không quan trọng, nhấn mạnh vào một số sự kiện để học sinh hứng thú hơn. Là 1 trong 6 học sinh đoạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2015, bạn Phạm Hồng Ngọc, lớp 12 chuyên Sử, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc cho biết, SGK viết quá dài, vì vậy, thời gian tới không nên thiên nhiều về số liệu.
Bạn Nguyễn Thị Hương, học sinh trường THPT chuyên Bắc Ninh, đoạt giải Nhất chia sẻ: “Lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên, nhưng để nuôi dưỡng nó trong tâm hồn của thế hệ trẻ, em mong muốn các thầy cô, các giáo sư đầu ngành, Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông để môn Lịch sử hấp dẫn, gần gũi hơn” – bạn Nguyễn Thị Hương nói.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, giáo dục lịch sử đang được cả xã hội quan tâm. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng nhiều phương pháp giúp các em ghi nhớ sự kiện như dạy học bằng trình chiếu hoặc giáo viên hướng dẫn các chủ đề để học sinh tự tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, mời nhân chứng đến giao lưu để thay đổi không khí học tập…
Theo anninhthudo.vn