Học sinh tự do bày tỏ chính kiến tại Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc
Tại Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội ( Hanoi Model United Nations – HMUN) do các học sinh THPT tự tổ chức, các bạn trẻ đã tự do bày tỏ chính kiến của mình trước các vấn đề lớn của toàn cầu.
Diễn giả thuyết trình với các “thành viên Liên hợp quốc” tại hội nghị sáng 12.7 – Ảnh Vũ Thơ
Trong 3 ngày 12 – 14.7, tại Trường đại học Hà Nội diễn ra Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội (Hanoi Model United Nations – HMUN) do một nhóm học sinh THPT tổ chức, nhằm thỏa mãn niềm đam mê học hỏi của giới trẻ; cung cấp những kiến thức xã hội bổ ích và làm tăng nhận thức của các bạn trẻ về những vấn đề quốc tế.
Học sinh nhập vai các thành viên Liên hợp quốc
Đây là chương trình mang tính học thuật dành cho học sinh và sinh viên, với chủ đề chính là giả lập lại những phiên họp cấp cao của các Hội đồng trực thuộc Liên hợp quốc, lấy học sinh làm trung tâm, đóng vai các đại biểu cho các quốc gia trên thế giới, tham gia vào tranh luận các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, để mang lại những giải pháp tối ưu nhất.
Đến với Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội 2019, các đại biểu được trải nghiệm 5 hội đồng lý thú: Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO); Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC); Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC); Liên đoàn Ả Rập; Hội đồng Khủng hoảng Giả tưởng Kép (JFCC).
Ở Hội đồng Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc, các đại biểu thảo luận về chủ đề “Khoa học kỹ thuật trong việc bảo tồn di tích văn hoá”, và tìm ra giải pháp để đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục trên toàn cầu.
Các đại biểu tham gia hội nghị là học sinh, sinh viên – Ảnh Vũ Thơ
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các đại biểu sẽ bàn luận về quyền được chăm sóc sức khoẻ tâm lý của con người, cũng như tìm ra giải pháp cho vấn đề nhân quyền và vấn đề tị nạn liên quan tới biến đổi khí hậu.
Các đại biểu của Liên đoàn Ả Rập cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu nhất để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dầu mỏ, cũng như giải quyết vấn đề bạo lực cực đoan và khủng bố trong khu vực…
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc các đại biểu sẽ tìm ra giải pháp đề chấm dứt cuộc nội chiến Yemen…
Khi người dân thấy chính quyền có vấn đề thì sẽ nghe theo tổ chức khủng bố?
Điều thú vị ở hội nghị này, các đại biểu hầu hết là các em lứa tuổi học sinh, có những bạn vừa tốt nghiệp cấp 2. Trong hội nghị, chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, nhưng các “thành viên Liên hợp quốc” nhí đã tham gia tranh biện rất sôi nổi.
Video đang HOT
Bạn Nguyễn Kim Hà, lớp 11, Trường THPT Phạm Hồng Thái, cho biết lý do tham gia hội nghị vì sau này muốn trở thành nhà ngoại giao hoặc làm về các công việc liên quan đến chính trị. “Đến đây em được rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng đàm phán, tranh biện và rèn luyện khả năng ngôn ngữ”, Kim Hà cho hay.
Vừa mới tốt nghiệp cấp 2 nhưng Bàng Quỳnh Anh, học sinh lớp 10 Trường chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đến hội nghị với mong muốn thử thách sức mình với những cái mới.
“Hội nghị là môi trường học thuật giúp em thuyết trình, tranh biện và trình độ tiếng Anh tốt hơn; mở mang kiến thức hơn”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Đại biểu trẻ đóng vai các thành viên Liên hợp quốc thảo luận sôi nổi tại hội nghị – Ảnh Vũ Thơ
Chia sẻ về dự kiến mang “tiếng nói” đến hội nghị lần này, Quỳnh Anh cho hay, hội đồng của em tham gia có nội dung về phát triển bền vững trong ngành dầu khí và các vấn đề khủng bố. Đây là 2 vấn đề nổi bật mà em quan tâm.
Đặc biệt, Quỳnh Anh cho rằng: “Ở nước mình, vấn đề còn tồn tại là tham nhũng và công an lạm dụng quyền hành quá, cần đưa ra luật nào đấy hoặc hỏi ý kiến người dân để hạn chế tình trạng đó, nhằm phòng chống khủng bố”.
Khi được hỏi vì sao điều đó lại liên quan đến khủng bố, Quỳnh Anh lý giải: “Bởi khi người dân thấy chính quyền có vấn đề, thì sẽ không tin nữa, và sẽ nghe theo các tổ chức khủng bố?”.
Theo kế hoạch, các diễn đàn của Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra các tranh biện của các “nhà ngoại giao tương lai” với những ý tưởng độc đáo, mới lạ và sẽ bế mạc vào tối 14.7.
Theo Thanh niên
Tuyển thẳng 2.000 thí sinh từ học bạ, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có yên tâm?
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển gần 2.000 chỉ tiêu từ học bạ. Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường thừa nhận hiện tượng làm đẹp học bạ là có nhưng trường chưa có cơ sở để thẩm tra và sàng lọc những đối tượng này.
VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đương về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Đương cho hay hiện trường chưa có cơ sở để thẩm tra và sàng lọc những đối tượng làm đẹp học bạ THPT
Phóng viên: Thưa ông, tại sao năm nay Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lại xét tuyển nhiều chỉ tiêu từ học bạ nhiều như vậy?
Ông Nguyễn Văn Đương: Việc tuyển sinh học sinh THPT từ điểm học bạ đã được trường công bố trong đề án tuyển sinh.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã báo cáo cho Bộ GD-ĐT phương thức xét tuyển và công bố trên các phương tiện thông tin về đề án này. Gần 2.000 thí sinh nhà trường xét tuyển thẳng năm nay theo đề án tuyển sinh chiếm 30% chỉ tiêu.
Gọi là xét tuyển theo học bạ, nhưng chúng tôi có xét tuyển học sinh giỏi 3 năm liên tục có tiêu chí chọn chứ không phải đại trà.
Chúng tôi chỉ xét những học sinh ở các trường THPT có kết quả học lực xếp loại giỏi 3 năm liên tục và có những tiêu chí phụ. Những tiêu chí này đã có trong đề án tuyển sinh của trường, công bố trên website cũng như báo cáo cho Bộ GD-ĐT.
Khi trường ĐH thực hiện xét tuyển học bạ đã có hiện tượng làm đẹp học bạ THPT, nhà trường có lường trước việc này?
- Nếu xảy ra hiện tượng này thì đây là trách nhiệm của trường phổ thông chứ không phải của các trường đại học.
Trong những năm qua, khi thực hiện xét tuyển bằng hình thức này, căn cứ vào kết quả học tập hàng năm chúng tôi thấy rằng, những đối tượng này khi học ở trường học lực tốt. Điều đó, chứng tỏ chúng tôi đã tuyển đúng những đối tượng cần để đào tạo.
Vậy kết quả học tập hàng năm của những đối tượng được tuyển sinh bằng học bạ như thế nào thưa ông?
- Hiện nay chưa có một khảo sát đại trà nhưng qua tham khảo của bộ phận quản lý học vụ, phần lớn các em tuyển từ học bạ có lực học khá tốt. Tất nhiên đây là những khảo sát ban đầu chứ chưa có khảo sát quy củ, rộng rãi để đánh giá cụ thể từng lớp, từng em.
Mặt khác, năm nay mới là năm thứ ba trường thực hiện tuyển học bạ học sinh giỏi THPT, chưa đủ 1 khóa ra trường để đánh giá chất lượng. Nhưng qua kết quả xét học bổng hàng năm phần lớn những em nằm trong tốp đầu có nhiều em trúng tuyển từ phương thức này.
Theo ông số lượng tuyển sinh từ học bạ của trường năm sau tăng hơn năm trước và tăng nhảy vọt như năm nay có phải không tuyển đủ khi xét tuyển kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia?
- Không hẳn như vậy!
Trước đây chúng tôi chỉ thực tuyển thẳng đối tượng 1 là những thí sinh đạt giải nhất, nhì ba ở các kỳ thi quốc tế và học sinh giỏi quốc gia nhưng số lượng này ít.
Khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường mở rộng tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi thử nghiệm lấy học sinh giỏi từ các trường phổ thông với năm đầu tiên (2017) là 10%; năm 2018 là 15% và năm nay là 30%.
Sau hai năm tuyển đối tượng này chúng tôi thấy các em có sức học tốt khi nhập học. Vì vậy nói mở rộng tuyển thẳng do không đủ chỉ tiêu từ tuyển sinh thi THPT quốc gia là không đúng bởi hàng năm số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường rất lớn, khoảng 50.000-70.000 nguyện vọng, nên không có lý do gì sợ tuyển không đủ 5.000 thí sinh. Khi thực hiện mở rộng tuyển học bạ, chúng tôi đã có cân nhắc và tham khảo từ nhiều nguồn và thấy mở rộng là phù hợp.
Ông có lo ngại nếu nhà trường tăng số lượng tuyển thẳng học bạ thì tình trạng làm đẹp học bạ ở trường phổ thông cũng sẽ nhiều hơn bởi để tranh suất theo phương thức xét tuyển khác vào trường không dễ?
- Rất khó tránh khỏi hiện tượng này ở trường phổ thông vì vậy xong một đợt tốt nghiệp chúng tôi sẽ khảo sát để sơ kết việc này và quyết định có nên mở rộng hoặc có giải pháp để hạn chế hiện tượng này.
Tôi khẳng định lại trách nhiệm này là ở trường phổ thông nếu họ làm như vậy.
Nhà trường có cách nào nhận biết để sàng lọc loại bỏ những trường hợp mua điểm, làm đẹp học bạ THPT chưa thưa ông?
- Đây là một câu hỏi khó và chúng tôi rất muốn làm điều này nhưng chưa có cơ sở để thẩm tra và sàng lọc những đối tượng này.
Quan điểm của chúng tôi là những em có học lực thực của mình hãy tham gia xét tuyển vào trường. Những em dùng học bạ sửa đổi nếu trúng tuyển chưa chắc đã học nổi ở môi trường có yêu cầu đào tạo chất lượng cao, do đó hãy chọn một trường vừa sức với mình.
Tôi nhớ, trước đây Bộ GD-ĐT đã có hai năm thí điểm các trường đại học thực hiện xét tuyển thẳng học sinh có 3 năm đạt loại học sinh giỏi, nhưng có một số trường hợp có thể do nâng điểm không đúng năng lực, khi vào học chỉ một năm đuối sức và phải nghỉ. Việc này đánh đổi cơ hội thời gian, tiền bạc không cần thiết và điều này vẫn còn nguyên giá trị với thời điểm hiện nay.
Quan sát điểm chuẩn vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong những năm qua cho thấy có mức điểm trúng tuyển năm sau thấp hơn năm trước, lý do là gì thưa ông?
- Tôi nghĩ điều này phải có đánh giá từ nhiều khía cạnh. Trong nhiều năm qua chỉ tiêu tuyển sinh của trường không đổi. Điểm đầu vào phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng thí sinh từng năm, đề thi THPT quốc gia khó hay dễ, số thí sinh đăng ký vào ngành đó nhiều hay ít. Vì vậy, không thể nói rằng điểm chuẩn một ngành năm sau thấp hơn năm trước là chất lượng của ngành đó giảm sút.
Trong những năm tới việc tuyển sinh của trường sẽ thay đổi như thế nào?
- Chúng tôi cũng đang tìm kiếm nhiều phương thức xét tuyển. Cụ thể với việc tuyển học bạ học sinh có ba năm học lực giỏi và lấy từ trên xuống. Ngoài tiêu chí này chúng tôi đặt ra nhiều tiêu chí phụ khác để chọn được sinh viên giỏi trong đó có tiêu chí ngoại ngữ. Công tác tuyển sinh tới là chuyện khá dài hơi và Hội đồng khoa học nhà trường sẽ phải quyết định việc này.
Hiện nay chính sách mở đầu vào siết đầu ra được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Đầu vào có thể được mở rộng nhưng quan điểm của nhà trường chuẩn đầu ra luôn được quan tâm. Chúng tôi tự hào khi sinh viên của trường tốt nghiệp được các doanh nghiệp chào đón. Đây là mong muốn của nhà trường và cũng là tiêu chí khi thí sinh lựa chọn trường để đăng ký. Ngoài tiêu chí về kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm, chuẩn đầu ra quy định sinh viên phải đạt chứng chỉ TOEIC từ 500 trở lên, có ngành 600 trở lên.
Cảm ơn ông đã trao đổi!
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Đội tuyển Việt Nam bắt đầu chinh phục iPhO 2019 Sau thành công tại Olympic Vật lí châu Á, đội tuyển Việt Nam với 5 thành viên tiếp tục chinh phục Olympic Vật lí Quốc tế lần thứ 50 được tổ chức tại thành phố Tel Aviv, Israel từ ngày 7 đến ngày 15/7/2019. Kì thi Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO - International Physics Olympiad) là kì thì về Vật lý được...