Học sinh Trường Tiểu học Mường Típ 1 được sống trong sự chăm lo của thầy cô
Đặc biệt, vào mùa mưa bão, nhiều đoạn đường sạt lở đi mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Có thời gian, giáo viên phải đi bộ đến trường vì không thể đi xe máy.
Trường Tiểu học Mường Típ 1 huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm cách trung tâm huyện chỉ hơn 30 ki lô mét nhưng phải đi hàng tiếng đồng hồ mới tới được bởi đường đèo dốc, khúc khủy quanh co.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Mường Típ 1 huyện Kỳ Sơn (Ảnh nhà trường cung cấp)
Ngày nắng bụi mù trời, ngày mưa trơn trượt, lầy lội. Những bánh xe cứ bị bùn đất quện lấy, di chuyển vào những ngày như thế quả là gian nan, vất vả.
Đặc biệt, vào mùa mưa bão, nhiều đoạn đường sạt lở đi mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Có thời gian, giáo viên phải đi bộ đến trường vì không thể đi xe máy.
Những thầy cô giáo nơi đây chưa bao giờ bỏ lớp, bỏ tiết và luôn sống hết mình vì những học sinh thân yêu của mình.
Khổ cực nhất là những ngày mưa lớn, có khi đất đá từ núi sạt lở tràn vào sân, lấp gần cái cổng trường.
Thế nhưng, bằng lòng nhiệt huyết, bằng tình yêu thương học trò, giáo viên lại bỏ công dọn dẹp trường lớp để các em được học, được ở cho an toàn.
Thầy cô luôn chăm sóc trò như con
Toàn trường có 187 học sinh chủ yếu thuộc dân tộc H’ Mông và Khơ Mú, có 26 em ở lại trường suốt tuần.
Những học sinh này, nhà ở trong những bản xa, cách trường trên chục cây số đường rừng.
Theo thầy Nguyễn Quốc Trí, Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ giữa tháng 8 các thầy cô giáo đã có mặt ở trường để làm công tác tuyển sinh.
Ngoài một số học sinh, cha mẹ tự đưa đến trường, giáo viên phải đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Các em sẽ đến trường vào chiều chủ nhật và về vào chiều thứ sáu hàng tuần.
Những ngày thời tiết xấu, những học sinh gia đình khó khăn ở bản xa hai ba tuần mới về nhà một lần. Khổ nhất là chăm sóc, dạy dỗ những em còn khá nhỏ (mới 6 tuổi).
Thời gian đầu đến trường, có em còn khóc nhiều vì nhớ nhà, vì chưa quen chỗ ở. Những giáo viên nơi đây, luôn như những người cha, người mẹ chăm lo cho các em từng li từng tí.
Ngay từ những việc nhỏ nhất như đi ngủ khỏi bị muỗi, biết giữ thân thể vào mùa đông, biết đánh răng, rửa mặt đúng cách…
Rồi thầy cô dạy cho các em từng cách ăn, cách giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh chung. Những em lớn cùng thầy cô chăm sóc những em nhỏ. Ngoài ra, sau giờ lên lớp, thầy cô sẽ cùng học sinh chuẩn bị cho bữa ăn trưa và ăn chiều.
Video đang HOT
Trò lớn thì cắm cơm, trò nhỏ nhặt rau, phụ một số công việc lặt vặt trong bếp.
Do được thầy cô luôn ở bên nhắc nhở, dạy dỗ, cùng với tính tự lập từ nhỏ vì ở gia đình cha mẹ bận đi làm rẫy xa hàng tuần mới về nên những đứa trẻ nơi đây thích nghi khá nhanh với cuộc sống tự lập.
Chế độ ăn bán trú của các em là 21 ngàn đồng/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng thầy cô vẫn luôn cân đối để đảm bảo cho các em có những bữa ăn chất lượng nhất. Ví như thứ 3 và thứ 5 các em được ăn thịt gà hoặc thịt lợn. Những ngày trong tuần sẽ ăn cá.
Thầy Quốc Trí khá tự hào khi nói rằng, các em học sinh trường mình luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương lẫn nhau.
Quan tâm nhiều đến việc rèn kĩ năng sống
Sau giờ lên lớp buổi chiều, thầy cô cùng các em học sinh ra vườn để chăm sóc vườn rau cải thiện bữa ăn thêm tươi. Rau được trồng theo mùa, mùa nào thức nấy rất đa dạng.
Ngoài giờ học, học sinh được thầy cô hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rau xanh (Ảnh nhà trường cung cấp)
Thầy Trí cho biết, vài năm trước nhà trường có chăn nuôi heo. Nhờ đó, học sinh cũng được cải thiện chất lượng bữa ăn. Thế nhưng sau đợt dịch heo tai xanh năm nay, hiện nhà trường chưa chăn nuôi trở lại.
Dạy học sinh trồng và chăm sóc cây, việc làm này vừa cải thiện bữa ăn, vừa dạy cho các em thêm nhiều kĩ năng cuộc sống như việc làm đất, gieo trồng, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, bắt sâu cho cây…
Quan tâm nhiều đến việc học của học sinh
Thầy Quốc Trí cho biết: “Thầy cô giáo nơi đây luôn phải vừa dạy, vừa dỗ phải mềm mại, uyển chuyển trong mọi tình huống để dỗ dành học trò.
Giáo viên sẽ không bao giờ to tiếng hay nạt nộ học sinh vì nếu làm điều đó, thầy cô sẽ làm các em buồn, sợ và sẽ có nhiều em nghỉ học”.
Có lẽ nhờ được dạy dỗ tận tình và chăm sóc các em chu đáo, vì thế chất lượng học tập của học sinh nơi đây luôn đạt 96-97%. Nhiều em đã đọc thông viết thạo (điều mà thầy cô nào cũng mong muốn khi dạy các trẻ vùng dân tộc thiểu số).
Hằng năm, học sinh của trường tham gia thi vào trường trung học cơ sở nội trú của huyện luôn đạt kết quả cao so với một số trường học trong địa bàn.
Mong muốn của thầy hiệu trưởng
Không chỉ riêng học sinh, cuộc sống của nhiều thầy cô giáo nơi đây cũng vô cùng vất vả, khốn khó.
Cả trường gần 30 giáo viên, cán bộ công nhân viên nhưng chỉ có 9 người là dân địa phương.
Những thầy cô giáo xa nhà (có người xa gần 300 km) buộc phải gửi con cho ông bà, người thân trông giúp và thi thoảng mới được về thăm.
Thầy Trí nói rằng, thi thoảng có những đoàn thiện nguyện tới thăm trường và tặng quà cho học sinh.
Thầy hiệu trưởng mong muốn các giáo viên khó khăn cũng nhận được sự quan tâm như thế. Món quà nhỏ thôi nhưng sẽ là nguồn động viên rất lớn về tinh thần với những thầy cô giáo đang ngày đêm cắm bản.
Và sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh, hun đúc lòng yêu nghề, bồi bổ thêm lòng nhiệt huyết, tình yêu thương với những đứa trẻ nghèo nơi thâm sơn cùng cốc.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần
Điều đáng trách nhất là một số lãnh đạo ngành giáo dục, một số thầy cô giáo bây giờ đang đánh mất mình trước những cám dỗ của đồng tiền mà chà đạp lên tất cả.
Xã hội dù có thay đổi và phát triển như thế nào đi chăng nữa thì hình ảnh những thầy cô giáo, những lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục vẫn có một vai trò, vị thế rất riêng.
Chính vì thế, nhiều thầy cô giáo vẫn đang tận tụy với nghề nghiệp của mình. Nhiều thầy cô vẫn chấp nhận đến công tác ở những vùng khó khăn và làm đẹp cho hình ảnh người thầy. Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục vẫn trăn trở với sự phát triển của ngành.
Nhiều em học trò vẫn mê say học tập, trong đó có những em phải vượt qua khó khăn để đến trường. Những con người như thế khiến chúng ta cảm phục và trân quý hơn bao giờ hết.
Nhiều thầy cô giáo vẫn đang vượt qua mọi khó khăn để làm đẹp cho hình ảnh người thầy (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Thế nhưng, điều đáng trách nhất là một số lãnh đạo ngành giáo dục, một số thầy cô giáo đang đánh mất mình trước những cám dỗ của đồng tiền mà chà đạp lên tất cả.
Một số em học sinh đã nhiễm phải thói hư, tật xấu mà đối xử không tốt với bạn bè, với thầy cô của mình, xem thường học tập, thờ ơ với tương lai của mình. Những điều này khiến cho ngành giáo dục không có được những niềm vui trọn vẹn. Đôi lúc còn khiến xã hội hoài nghi, mai một niềm tin vào giáo dục nước nhà.
Có lẽ vì thế mà đôi lúc chúng tôi lại tiếc nuối giá như ngành giáo dục bây giờ làm được những điều giản đơn như ngày trước thôi, cái thời mà không có dạy thêm, đánh giá chất lượng học trò khách quan, không chạy theo thành tích.
Một số lãnh đạo nhà trường tham lam công quỹ, không hà khắc, độc đoán với cấp dưới như bây giờ. Những dịch vụ, những sản phẩm bán cho học trò không có giá đắt đỏ, không có phần trăm, hoa hồng.
Ngày ấy, tình cảm thầy trò, tình anh em đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới đồng lòng chứ không làm mất lòng nhau như bây giờ.
Cái ngày chưa xa ấy, đất nước còn nghèo, học sinh đi học không phải lo lắng tiền học thêm bằng tiền trăm, tiền triệu, những học sinh đậu được vào trường đại học là niềm vinh dự cho bản thân, gia đình và dòng họ.
Lúc ấy, học sinh thi đại học cũng không dễ như bây giờ, phải là những học sinh thực sự giỏi mới có cửa vào đại học. Sinh viên ra trường không phải thất nghiệp, không phải chạy vạy hết chỗ này đến chỗ khác để tìm việc làm.
Bây giờ, điều kiện kinh tế khá hơn, học sinh được đầu tư nhiều hơn, học sinh "được học thêm" từ khi chưa vào lớp 1. Tiền học thêm chiếm một phần lớn thu nhập của các gia đình nghèo.
Vậy mà học trò học hành vẫn lơ mơ, một số em học gần hết tiểu học vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Thế nhưng, nhìn vào điểm tổng kết bậc tiểu học bây giờ được thầy cô đánh giá thì toàn là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc, các cấp học cao hơn thì quá nhiều học sinh khá, giỏi!
Ngày đó, đâu có nhiều khoản xã hội hóa giáo dục, đâu có nhiều khoản đóng góp "tự nguyện" như bây giờ. Phụ huynh gửi con cho nhà trường đóng một số tiền học phí rồi yên tâm học tập cả năm và không có họp phụ huynh nhiều như bây giờ.
Nhà trường lúc ấy cũng không có vận động phụ huynh đóng góp, cũng không gửi thư ngỏ nhiều lần như bây giờ. Cuối năm, mỗi lớp được vài học sinh tiên tiến, được thưởng vài cuốn tập là học trò mừng vui cả tháng.
Bây giờ, trong lớp rất ít học sinh tiên tiến bởi đa phần là học sinh giỏi nên nhà trường phải vận động nhiều tiền từ phụ huynh để thưởng cho học trò vào dịp cuối năm.
Tiền vận động xã hội hóa bây giờ nhiều quá, năm nào cũng vận động, năm nào cũng mua sắm mới. Những chiếc ti vi để làm màn hình cho giáo viên giảng dạy cứ mua được một vài năm là hư hỏng, lại vận động tiền phụ huynh để mua mới.
Mỗi khi có lãnh đạo mới thay đổi, nhiều hạng mục trong nhà trường lại phá đi để xây lại mới. Những nhà xe, những hàng rào, những cột cờ... đang đẹp cũng được đập đi làm lại. Tất nhiên, trường có đẹp hơn nhưng phụ huynh cũng phải đóng tiền nhiều hơn.
Ngày xưa, giáo viên trong trường thường rất tôn trọng hiệu trưởng của mình vì hiệu trưởng không tham lam, kinh phí nhà trường lúc đó cũng không nhiều như bây giờ. Mối quan hệ thủ trưởng với giáo viên, nhân viên trong nhà trường bây giờ ngày càng xa cách.
Hiệu trưởng thời xưa chỉ lo chuyên môn, lo quản lý nhà trường được tốt nhất, một số hiệu trưởng bây giờ còn lo nhiều cho "ngoại giao", lo "chạy việc" cho giáo viên, lo vận động xã hội hóa và nghĩ nhiều về "hoa hồng" trên mỗi sản phẩm được bán trong nhà trường.
Bây giờ, có những hiệu trưởng nhà trường còn tạo phe phái, chia rẽ đoàn kết khi có những người không cùng ê kíp, không cùng chính kiến và không biết nịnh bợ, thăm hỏi mình...
Những cuốn sách giáo khoa ngày ấy được cấp về trường, hàng năm nhà trường cho học trò mượn. Sách dù rách mà thầy trò trân trọng, giữ gìn từ năm này đến năm khác.
Không giống như bây giờ, nhiều loại sách giáo khoa được bán qua đường nội bộ, sách được tuồn vào nhà trường để bán cho học sinh với giá cao ngất ngưởng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thực hiện mà đã có Nhà xuất bản đã "đi đêm" với một số lãnh đạo giáo dục địa phương....Những dự án giáo dục khi trước cũng không nhiều, những tiêu cực về thi cử cũng không động trời giống như bây giờ.
Có đời thuở nào mà kỳ thi quốc gia lại có những quan chức ngành giáo dục địa phương đứng ra nâng điểm cho con quan chức ở địa phương mình. Nhiều con quan chức được nâng khống điểm, nhiều lãnh đạo giáo dục đứng trước tòa vẫn trâng tráo chối tội.
Hơn 50 thí sinh trong vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vẫn đang theo học tại các trường đại học trên cả nước. Sự công bằng trong giáo dục bị đánh cắp ở một số nơi và cán cân công lý không phải bao giờ cũng được thực thi một cách triệt để đối với tất cả mọi người.
Bao giờ tất cả lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo của ngành thực sự là tấm gương cho giáo viên? Thầy cô là tấm gương sáng cho học trò về trách nhiệm, tình yêu thương, sự trung thực? Bao giờ học trò kính trọng những người thầy đang dạy mình như xưa?
Bây giờ, trò không sợ thầy, nhiều học trò không kính thầy, người thầy đi dạy mà đôi khi còn sợ ngược lại học trò vì trò hỗn láo mà thầy chẳng có thể làm gì được. Rất nhiều vấn đề trong giáo dục cần được giải quyết, cần sự chung tay của nhiều người, nhiều ngành.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Giáo viên vùng cao lâu năm rồi sẽ quen dần với khó khăn, trở ngại Gần 8 năm công tác, cô Lý từng sợ nhất là những ngày mưa bão, sợ lũ, sợ đường lầy lội, sợ học trò đau không đến trường... bao nhiêu cái sợ giờ đã thành quen. Cô Đoàn Thị Lý, Giáo viên Tông phu trach Đội, Trường Tiêu hoc va Trung hoc Cơ sơ Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị la giao viên căm...