Học sinh trở lại trường: Ôn tập là chủ yếu
Trong 1-2 tuần đầu, các trường tập trung ôn tập kiến thức đã dạy trực tuyến, trên truyền hình, sau đó học kiến thức mới theo phương án tinh giản
Sáng 4-5, học sinh từ khối lớp 6-12 của các trường THCS, THPT ở TP Hà Nội trở lại trường sau 3 tháng tạm nghỉ học do dịch Covid-19.
Lập đoàn kiểm tra phòng chống dịch
Tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ( quận Long Biên), trước khi vào lớp, học sinh được đo thân nhiệt, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Trường cũng đã diễn tập các phương án xử lý tình huống khi có trường hợp bất thường về sức khỏe; yêu cầu giáo viên, học sinh tăng cường ý thức tự giác tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho hay các lớp học của trường đều được chia làm hai. Trong đó tùy theo khối, học sinh sẽ học trực tiếp tại trường vào các ngày thứ hai, tư, sáu hoặc ba, năm, bảy. Ngoài buổi học tại trường, học sinh vẫn học trực tuyến hằng ngày, bảo đảm hoàn thành chương trình trước ngày 15-7. Như vậy, mỗi buổi chỉ có 500 học sinh tập trung tại trường, bảo đảm tốt các quy định về giãn cách.
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: BÍCH VÂN
Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng chia đôi học sinh các lớp để bảo đảm giãn cách trong quá trình giảng dạy. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong tuần đầu tiên trường chỉ tập trung ôn tập kiến thức cho các em và duy trì việc dạy trực tuyến song song với dạy trên lớp. Sau 2 tuần, trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh để triển khai phương pháp dạy phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), cho hay nhà trường có 1.500 học sinh, trước đây có hơn 300 học sinh bán trú tại trường nhưng để bảo đảm an toàn cho học sinh trong bối cảnh hiện nay, nhà trường tạm thời dừng việc tổ chức bán trú. Hiện mỗi lớp được chia làm hai, sĩ số cao nhất 22 học sinh/lớp. Học sinh được bố trí chỗ ngồi so le, bảo đảm khoảng cách an toàn trong quá trình học. Việc thực hiện nghi lễ chào cờ đầu tuần được thực hiện tại lớp.
Trong ngày đầu học sinh đi học trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại các trường về công tác phòng chống dịch và tổ chức dạy học. Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho hay theo đánh giá sơ bộ từ 6 đoàn kiểm tra, các trường đều chấp hành tốt quy định về phòng chống dịch, có phương án dạy – học bảo đảm an toàn. Tỉ lệ học sinh đến trường đạt gần 100%. Trong ngày 4-5 chưa ghi nhận trường hợp học sinh, cán bộ, giáo viên… có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Chạy đua ôn tập, dạy kiến thức mới
Sáng cùng ngày, 150.000 học sinh khối lớp 9 và 12 ở TP HCM đi học trở lại. Ngoài thực hiện các biện pháp như đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, các trường trên địa bàn còn tổ chức chia lớp, học lệch giờ để bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết vì không phải 100% học sinh được học trực tuyến nên trong 2 tuần đầu tiên đi học lại, nhà trường chỉ ôn tập kiến thức cũ. Những tuần tiếp theo, sẽ dạy theo chủ đề, tích hợp, bỏ những phần giảm tải, chú trọng phần kiến thức chính.
Theo ông Phú, thực tế học sinh chỉ còn được học bài mới 1 tháng, 1 tuần ôn, 1 tuần thi nên thời gian rất gấp rút. Tuy nhiên, nhà trường đã tăng cường học trực tuyến 3 buổi/tuần để hỗ trợ học sinh giải bài tập.
Cũng như vậy, Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) cho học sinh ôn tập kiến thức cũ trong 2 tuần đầu tiên, những tuần tiếp theo học bài mới và kiểm tra đánh giá theo đúng chương trình tinh giản đã được hướng dẫn.
Còn theo ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), trường sẽ rà soát kiến thức cũ cho học sinh trong tuần đầu tiên, tuần thứ hai bổ sung những kiến thức bị hụt trong thời gian nghỉ và kết hợp dạy bài mới. Nhà trường cũng lên kế hoạch tinh giản chương trình học đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, song song đó giảm các bài kiểm tra đánh giá theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Còn tại TP Đà Nẵng, ngày 4-5 có hơn 200.000 học sinh từ lớp 1 đến 12 đi học trở lại. Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, trong tuần học đầu tiên này, các khối tiểu học sẽ tập trung ôn tập kiến thức đã học trong 3 tuần thực hiện dạy học trực tuyến. Những học sinh chưa tiếp cận được chương trình học trực tuyến sẽ được hỗ trợ để nắm bắt kiến thức. Bắt đầu từ ngày 11-5, bậc mầm non đi học lại, các trường tiểu học sẽ tổ chức học 2 buổi mỗi ngày và bán trú.
Đối với bậc THCS và THPT, ngoài việc tổ chức giảng dạy bài mới, các trường cũng rà soát lại nội dung đã học trực tuyến, truyền hình để xây dựng kế hoạch giảng dạy và đặc biệt chú trọng đối với khối lớp 9 và 12.
Ở TP Cần Thơ, khoảng 63.000 học sinh gồm học sinh lớp 8, 9 và khối THPT, học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trở lại trường vào sáng 4-5.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), cho biết: “Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, trường đã phun thuốc khử trùng, vệ sinh lớp học và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Trường không tổ chức chia lớp nhưng sẽ thực hiện tối đa việc giãn cách trong lớp học đối với học sinh. Trong tuần đầu tiên, các giáo viên sẽ ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh sau thời gian học online”.
Tại Vĩnh Long, học sinh các khối lớp 1, 5, 6, 7, 8, 10, 11 bắt đầu trở lại trường. Theo ông Nguyễn Phước Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Ninh (huyện Long Hồ), khối lớp 12 trở lại trường từ tuần trước. Từ ngày 4-5, khối 10 và 11 bắt đầu đi học lại nên trường đã bố trí học sinh khối 11 và 12 học buổi sáng, khối 10 học buổi chiều, lớp học bố trí học sinh ngồi xa nhau nhất có thể, có bàn chỉ có 2 học sinh; lớp này với lớp kia xa hơn, ra chơi, vào học và ra về lệch giờ nhau.
Không làm kiểm tra dồn dập
Chiều 4-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, động viên học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng, sau thời gian nghỉ dài với không ít khó khăn, áp lực, trường cần quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, giáo viên.
Về việc triển khai kế hoạch năm học, Bộ trưởng cho rằng 1-2 tuần đầu, các trường tập trung rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình, từ đó có kế hoạch củng cố kiến thức đã học, trang bị kiến thức mới. “Ngoài lớp 9, lớp 12, các khối lớp khác có thể xem xét kéo dài nội dung học tới đầu năm học mới nếu cần thiết. Đề kiểm tra, đề thi học kỳ II phải có nội dung phù hợp, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết” – ông Nhạ lưu ý.
TP HCM: Đánh giá học kỳ II trước 30-6
Theo hướng dẫn dạy học, kiểm tra học kỳ và số cột điểm kiểm tra đánh giá học kỳ II năm học 2019-2020 của Sở GD-ĐT TP HCM, nhà trường sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình các môn học đã thực hiện từ ngày 6-4 đến ngày đi học trở lại để tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá cho phù hợp. Vận dụng kết hợp các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập tại nhà cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh được tiếp cận, thực hiện và hoàn tất nhiệm vụ học tập của học kỳ II.
Về tổ chức kiểm tra đánh giá trong học kỳ II, các trường chủ động tổ chức và hoàn thành vào ngày 30-6. Số lượng bài kiểm tra được quy định: Môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần sẽ thực hiện 1 đầu điểm thường xuyên (hệ số 1 – HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3). Môn học có trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần có tối thiếu 2 đầu điểm thường xuyên (HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3). Môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần, thực hiện ít nhất 3 đầu điểm thường xuyên (HS1), 1 đầu điểm định kỳ (HS2) và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ (HS3).
Về hình thức kiểm tra đánh giá, các trường đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức: vấn đáp, phỏng vấn kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo…). Có thể sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến của học sinh quy đổi thành kết quả thường xuyên.
Ngày đầu đi học lại, học sinh hồi hộp không ngủ, tới trường từ sáng sớm
Sáng 4/5, hơn 900 cơ sở giáo dục khối THCS, THPT của Hà Nội bắt đầu tới trường học tập bình thường sau gần 3 tháng tạm nghỉ do dịch COVID-19.
Tại trường THPT Việt Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội), từ 6h30 nhiều em học sinh đến trường để thực hiện đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Trường chia ca, ưu tiên hơn 600 học sinh khối lớp 12 đi học để đảm bảo học tập, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.
Học sinh Nguyễn Hà Phương vui mừng ngày đầu đi học trở lại, cả đêm qua em háo hức không ngủ. Đến trường chúng em được gặp bạn bè, gặp thầy cô và hơn hết là hoàn thành nốt những dự định dang dở của học kỳ II. Những ngày cuối cấp không còn nhiều, chúng em trân trọng những giây phút còn lại của quãng đường học trò dưới mái trường THPT Việt Đức.
Học sinh Vũ Hải Phong háo hức, từ tối qua em và các bạn bắt đầu rôm rả trò chuyện hẹn nhau cùng đến trường, cùng vào lớp để được vui đùa và kể những chuyện sau 3 tháng nghỉ dịch ở nhà. Thời gian cho học sinh cuối cấp không còn nhiều nên được đi học là điều vô cùng ý nghĩa với chúng em.
Hồi hộp bước vào tiết học đầu tiên, học sinh Lê Hoàng Nam tâm sự, đây là tiết học có tính chất lịch sử với các bạn sinh năm 2002 chúng em. Tiết học này đánh dấu kỳ nghỉ dài nhất từ trước tới nay. Nam sinh này hy vọng việc học sẽ thuận lợi và không bị gián đoạn cho đến hết năm học 2019-2020.
Để các em được an toàn khi đi học, trường THPT Việt Đức đã xây dựng rất nhiều kịch bản, trong đó tập trung vệ sinh phun khử khuẩn phòng học, trang bị thêm nhiều máy đo thân nhiệt, nước rửa tay, bồn rửa tay, khẩu trang....
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, để đảm bảo giãn cách, nhà trường chia đôi các lớp học, chuẩn bị 32 phòng học cho 16 khối lớp 12 của trường. Chúng tôi sắp xếp các lớp học lệch ca nhau. Một số lớp bắt đầu từ tiết 1, một số lớp bắt đầu từ tiết 2 để đảm bảo khi vào trường hay kết thúc giờ học sẽ không có quá nhiều học sinh tập trung một lúc.
Toàn bộ khối 12 ưu tiên học buổi sáng tại trường, buổi chiều các lớp khối 10 sẽ học tại trường vào ngày thứ 2, 4, 6; học sinh khối 11 sẽ học tại trường vào chiều thứ 3, 5, 7. Những ngày còn lại các em sẽ học trực tuyến tại nhà.
Nhà trường cũng đánh sơ đồ "zíc zắc" đối với bàn 2 chỗ và bàn 3 chỗ, nên việc sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh gặp thuận lợi. "Các em quay trở lại trường, chúng tôi rất vui nhưng cũng lo lắng làm sao cho để đảm bảo an toàn cho các em học sinh", hiệu trưởng chia sẻ.
Tại trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng nay toàn bộ học sinh các khối lớp bắt đầu đi học trở lại. Để đảm bảo yêu cầu giãn cách, trường tổ chức cho các lớp tự chào cờ và nhắc nhở học sinh về thông tin phòng chống dịch COVID-19 khoảng 15 phút đầu giờ trước khi bước vào tiết học đầu tiên.
Học sinh xếp hàng giãn cách 2m để đo thân nhiệt trước khi vào lớp học.
Để kịp thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác quản lý dạy - học khi học sinh trên địa bàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra tới các trường để phát hiện, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phụ huynh lo lắng, học sinh háo hức đến trường sau kỳ nghỉ vì dịch COVID-19
Học sinh xếp hàng dài đo nhiệt độ, phụ huynh tất bật tìm mua nhiệt kế Sáng 4.5, khoảng 10 triệu học sinh trên cả nước đã trở lại trường sau 3 tháng nghỉ học để phòng dịch COVID-19. Được đến trường, gặp lại bạn bè, thầy cô, học sinh vô cùng vui mừng, háo hức. Còn với các cơ sở giáo dục, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe của học sinh và giáo viên, nên...