Học sinh tranh luận về kịch bản có thể không thi THPT quốc gia 2020
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lùi kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sang tháng 8 và công bố đề thi tham khảo để học sinh ôn tập.
Nhưng hiện tại, học sinh đang rất hoang mang trước những thông tin về việc năm nay có thể bỏ thi THPT quốc gia vì dịch bệnh kéo dài.
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015, vừa là căn cứ để xét tốt nghiệp và các trường sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: Hải Nguyễn
Hơn 2 tháng qua, một trong những biện pháp quyết liệt được các quốc gia đưa ra để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 là tạm đóng cửa trường học. Khi việc học bị gián đoạn, nhiều nước đã tính đến các phương án lùi lịch thi, hoặc hủy bỏ những kỳ thi vốn rất quan trọng để đánh giá năng lực học sinh.
Tại Việt Nam, những giờ qua đã có những tranh luận về việc nên hay không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Đã có nhiều ý kiến của chuyên gia đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính đến phương án không tổ chức thi mà xét tốt nghiệp THPT cho học sinh nếu dịch bệnh kéo dài.
Nhiều học sinh mong muốn sớm công bố kịch bản kỳ thi THPT quốc gia 2020 để học sinh yên tâm ôn tập. Ảnh: Hải Nguyễn.
Video đang HOT
Theo dõi những thông tin trên các phương tiện truyền thông về kỳ thi THPT quốc gia 2020, học sinh lớp 12 cho biết đang rất lo lắng và không thể tập trung ôn thi.
Lê Yến Nhi (học sinh lớp 12 Trường Cao đẳng nghề Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết, những ngày qua em và bạn bè luôn trong tâm trạng “ngóng chờ” những thông tin mới về kỳ thi. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo, nhưng hiện tại nữ sinh chưa thể dành toàn tâm, toàn ý cho việc ôn thi tốt nghiệp khi liên tục xuất hiện các thông tin năm nay có thể bỏ thi.
“Quan điểm cá nhân của em là vẫn nên tổ chức kì thi THPT quốc gia, vì đây là kì thi đánh giá đúng năng lực của tất cả học sinh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chương trình của học kì 2 đang bị chững lại. Vì vậy khâu ra đề thi nên chú ý để phản ánh đúng với tình hình thực tế là học sinh đã phải nghỉ học hơn 2 tháng. Đề thi nên rơi vào chương trình học kỳ I năm lớp 12 trở về trước. Nếu làm được điều này sẽ tránh gây áp lực cho học sinh”- Yến Nhi cho biết.
Cũng theo nữ sinh này, trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia 2020 có thay đổi gì thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm lên tiếng, công bố rộng rãi thông tin để học sinh được biết.
“Cá nhân em và nhiều bạn đang học lớp 12 khác đều có chung tâm trạng là rất phân vân không biết nên tiếp tục ôn tập chuyên sâu hay dừng lại. Nếu không công bố sớm các kịch bản của kỳ thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch và thời gian ôn tập của học sinh cuối cấp”- Yến Nhi nói thêm.
Theo Đồng Thu Hảo (học sinh Trường THPT Lương Phú, Thái Nguyên), những giờ qua trên các diễn đàn dành cho học sinh lớp 12 ôn thi, em và bạn bè đã có nhiều tranh luận về việc nên thi hay xét tốt nghiệp THPT. Những học sinh không dùng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng thì chỉ mong sẽ xét tốt nghiệp bằng điểm học bạ.
“Thực sự đối với những người cố gắng học suốt 12 năm qua thì không hề muốn bỏ kì thi. Vì đơn giản chỉ có thi mới có sự công bằng”- Hảo cho biết.
Ngoài ra, nhiều học sinh khác cũng cho rằng, nếu thực hiện xét tốt nghiệp THPT và các trường đại học tổ chức thi tuyển riêng, thì cần có thời gian để các trường và học sinh chuẩn bị. Năm nay học sinh chịu thiệt thòi vì việc học bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nên nhiều em muốn giữ ổn định kỳ thi để thuận lợi, yên tâm học tập, ôn luyện.
Chia sẻ với báo chí, PGS-TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nếu năm nay không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường đại học sẽ tổ chức tuyển sinh, mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước, nên sẽ gặp khó khăn.
ĐẶNG CHUNG
Ứng phó với dịch bệnh: Các trường đại học dần chuyển sang thế chủ động
Theo số liệu từ Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào taọ, trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, hiện có hơn 70 nhà trường đã tổ chức dạy, học trực tuyến cho sinh viên.
Có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học khi ở tình thế phải thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng, chống dịch, đang dần giành được sự chủ động, để vừa có thể bảo đảm chất lượng dạy-học, vừa bảo đảm an toàn cho người học, cán bộ, giảng viên.
Trường đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: TUẤN LINH)
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm an toàn cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã ra thông báo tiếp tục tạm hoãn tổ chức học tập tập trung từ ngày 23-3 đến hết ngày 5-4. Trong thời điểm này nhà trường không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá, các cuộc họp có quy mô trên 40 người tham dự sẽ chuyển sang hình thức họp trực tuyến.
Cũng tương tự, Trường đại học Sư phạm Hà Nội hiện thông báo sinh viên, học viên không lên giảng đường cho đến khi có thông báo tiếp theo của nhà trường.
Không chỉ hai trường nói trên, rất nhiều các cơ sở giáo dục đại học đến thời điểm này chưa thể cho sinh viên trở lại học tập tập trung. Nhưng cho sinh viên nghỉ học không có nghĩa là các hoạt động đào tạo phải dừng lại. Trong thời gian không học tập trung tại giảng đường, Trường đại học Kinh tế quốc dân áp dụng cho tất cả các lớp học phần học theo hình thức Blended learning. Cán bộ, viên chức, giảng viên của nhà trường làm việc bình thường và cũng thực hiện giảng dạy theo hình thức Blended learning.
Đối với Trường đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên được tổ chức học online theo hướng dẫn của giảng viên trên hệ thống e-learning. Bên cạnh đó, là nơi tập trung các nhà sư phạm đa lĩnh vực, giảng viên của trường còn xây dựng kho hoc liẹu học trực tuyến với các bài giảng được bien soan bam sat theo chuong trinh cua Bọ Giao duc va Đao tao, với các cong cu quan ly lơp hoc để cung cấp cho giáo viên, học sinh các cấp học phổ thông.
Tại Trường đại học Mở Hà Nội, trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp, sinh viên vẫn học theo thời khoá biểu bình thường qua hình thức học trực tuyến. Trên hệ thống đào tạo trực tuyến, giảng viên thực hiện điểm danh sinh viên, xuất báo cáo, chấm điểm, ghi nhận kết quả học tập của sinh viên.
Hiện nay, theo số liệu do Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, trong hệ thống đã có 84 cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức học tập trung, hơn 70 cơ sở dạy, học trực tuyến.... Những trường còn lại đang tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để bảo đảm chương trình và giảm lượng học tập trung...
"Có thể nói, các trường đang dần chuyển từ thế bị động sang thế có kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh, thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, để vừa bảo đảm chất lượng, vừa bảo đảm an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên của nhà trường", Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thêm, Luật Giáo dục đạị học đã quy định cho khối giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo. Các nhà trường có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khoá học... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn để thống nhất việc triển khai đào tạo từ xa và công nhận kết quả học tập tích lũy tại các cơ sở đào tạo đối với các khoá đào tạo chính quy và vừa làm vừa học trong thời gian dịch Covid-19.
Việc nhiều nhà trường triển khai và làm tốt phương án dạy học trực tuyến, nhận đươc sự đón nhận của sinh viên và xã hội, cho thấy đây không chỉ là giải pháp tình thế, nhằm phù hợp trong bối cảnh hoạt động đào taọ truyền thống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà còn cho thấy sự tích cực chủ động của các đơn vị, mức độ sẵn sàng tham gia vào một xu hướng đào tạo mới, sự tiếp cận nhanh nhạy các ứng dụng của CNTT trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của mỗi nhà trường. Duy trì sự chủ động này, thì dịch bệnh cũng khó có thể "làm khó" đội ngũ giảng viên, sinh viên trong quá trình tiếp cận tri thức.
HOA LÊ
Nghỉ vì virus Corona, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân chuyển sang hình thức học online Blended learning Sau khi quyết định cho sinh viên nghỉ học do dịch bệnh virus Corona, trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã quyết định chuyển sang hình thức học online Blended learning. Trước diễn biến phức tạp do virus Corona gây ra, nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đã quyết định tiếp tục lùi lịch nhập học của...